27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Lá thư từ một người Thầy

*Feature Image:  kkhelga

 

“Chào Khánh Hòa, Vậy là em đã đọc “The Little Prince” (Hoàng Tử Bé) và có lẽ cũng bị nó chinh phục. Thầy đọc nó từ thời nhỏ và bị Saint-Exupery ám ảnh suốt đời. Thầy thích trở về với tuổi thơ, thư giãn bởi sự giản dị, trong trẻo của nó, không màu mè, không cạm bẫy, nó làm cho người ta tin yêu cuộc đời hơn, sống nhẹ nhõm hơn. Ước gì được sống mãi với tuổi thơ.

Thật oan uổng cho thầy khi nói “thầy không thích đọc”. May mắn thay cho thế hệ trước – thế hệ của thầy không có Internet, không có games, chẳng có truyền hình, muốn nghe đài phải ra loa công cộng… nên mọi người phải đọc sách! May hơn nữa là kinh tế còn khó khăn, không dễ gì có tiền để mua sách, cho nên, người kinh doanh phải chọn lọc, tìm sách hay để xuất bản, nhờ đó người đọc dễ lựa chọn, dễ tìm được đúng cái cần đọc, đọc không nhiều mà vẫn biết, vẫn làm được… Và thế là họ, nhiễm phải “văn hóa đọc”. Tuy đói thông tin – nhưng không mù lòa, mọi người đều thích đọc và trở nên ngiện ngập – đương nhiên là sách!

Khốn khổ thay cho thế hệ ngày nay, khi cái gì cũng có (kể cả cái không cần). Để kiếm tiền, người ta phải in thật nhiều sách. Và thế là các bạn… bơi trong bể khổ, lạc trong rừng thông tin… Vì thế, những người đi trước, tích lũy được chút ít vốn liếng, và vẫn còn đọc… vì “nghiện”, muốn làm cái phễu lọc thông tin giúp các bạn (đương nhiên nếu các bạn không chê).

Và vì thế thầy cố gắng biến đổi đi một chút nội dung bài học, thoát ra khỏi “tầm chương trích cú”, sự gò bó của khuôn khổ, lựa chọn bổ sung thêm thông tin hữu ích ngoài đời để các bạn có thể thu lượm được những hiểu biết khả dĩ có ích. Nếu các em thấy những bài học trên lớp, những email… chỉ là trao đổi… thì đã tốt lắm rồi. Em đã đọc lá thư của tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng trường nơi con mình đang học chưa? Thật ngắn gọn, sâu sắc, đầy đủ, hữu ích. Mỗi lần thầy đọc lại đều thấy như mới, nó như… handbook của cuộc đời mình và để dạy con mình.

Từ thuở học trò, thầy đã nhiễm phải cái thói ghét sự nô lệ, có lẽ bắt đầu từ lời của thủ tướng Phạm Văn Đồng. Khi ông thấy các bậc cha mẹ đánh con, ông nói, đại ý là: “Trẻ em là con người. Dạy con bằng đòn roi là tạo cho nó tư duy nô lệ, phải có đòn roi nó mới biết phải trái, phải có đòn roi nó mới chịu làm.” Lớn lên mọi người đều thấy, mỗi khi dừng xe ở ngã tư, khi có cảnh sát đứng đó, ai cũng đều chấp hành luật, khi không thấy cảnh sát… nhiều người vượt đèn đỏ. Thiển cận, bon chen vốn đã làm cho người Việt ta nhỏ bé đi.

Thế rồi cách đây ít năm, thầy đọc được một bài báo của Việt Kiều Nhật về nước. Ông ta rất mừng vì tuổi trẻ ngày nay ham học, thi nhau học. Ai cũng học tiếng Anh, tin học… Tuy nhiên ông có một nỗi buồn, khi thấy mục đích của sự học tập của đại đa số chỉ là để sau này tìm được một chỗ làm “tốt”, kiếm được nhiều tiền. Ít người muốn học để rồi làm một cái gì hơn nữa, ngoài cái việc đáp ứng nhu cầu cá nhân. (Dù sao thì ta cũng có thể tự an ủi: nghĩ như thế cũng đã là một nửa của khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh” rồi!)

Khi người ta bảo thầy phải điểm danh sinh viên, thầy nghĩ : “Chẳng tội gì, tội học trò, khổ mình” – và giải pháp được lựa chọn như em đã biết. Các em được “tự do đi học hay nghỉ” và thầy vẫn làm được công việc “quản lý” sinh viên một cách nhẹ nhàng, không tốn sức, hiệu quả, không biến Sinh viên thành Học sinh. Tuy nhiên với xã hội ngày nay, với sinh viên Việt ngày nay, cũng cần có một chút áp lực.

Thầy cho em một cơ hội làm bài kiểm tra giữa kỳ nhe. Đề kiểm tra: “…”. Nộp bài qua email.

Khánh Hòa thân mến, khi em nói tới sự “chấp nhận” và “đánh đổi” thầy thấy em già trước tuổi đấy. Tuy nhiên thầy tin rằng em nghĩ tới mấy từ đó với ý nghĩa tích cực của nó. “Chấp nhận sự thật”, “chấp nhận sự khác biệt”, “ chấp nhận quan điểm của người khác…” nhưng điều quan trọng hơn là hành động tiếp theo sau khi “chấp nhận” đó là gì. Còn “đánh đổi” là một từ “nguy hiểm”, ranh giới giữa cái hay và cái dở mong manh lắm, nó đúng hay sai tùy thuộc nhiều vào quan niệm sống của mỗi người, phải vậy không? Hãy thận trọng.

Thầy đã lựa chọn “Hoàng tử bé” để luôn nhắc mình “Mọi Thầy/Cô thủa hàn vi cũng là sinh viên. Đừng bao giờ quên điều ấy.” Được trao đổi với các bạn trẻ là một niềm vui. Còn hiểu được các bạn, có nghĩa là mình chưa “out of date”. Chúc em mọi sự tốt lành!”

 

Thầy Vũ Khởi Nghĩa – Giảng viên Học Viện Hàng Không Việt Nam

P/S: Đây là lá thư mình nhận được từ thầy của mình, dạy môn “Khái quát về Hàng không dân dụng” khi mình gửi email trình bày lý do và mong thầy cho mình cơ hội để được làm bài kiểm tra giữa kỳ. Mình thật sự rất tâm đắc về cách dạy, cách tận tình với sinh viên và sự chia sẻ của thầy đối với một đứa học trò có khi thầy còn chưa biết mặt. Nội dung trên đây xoay quanh “văn hóa đọc” và “văn hóa sống” mà mình và thầy trao đổi. Gửi cả nhà Triết Học Đường Phố như một món quà năm mới nhé!

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI