Đã lâu lắm không về Krong Pak, từ lúc… chẳng còn ai mời về.
Krong Pak là một huyện nằm dọc theo Quốc lộ 26, hướng từ Ninh Hòa đi Buôn Ma Thuột. Mấy năm về trước, mình mê mẩn trục đường này. Đèo Phượng Hoàng không quá nguy hiểm, sẽ rất lý thú nếu làm một chuyến bằng xe máy từ Nha Trang lên Buôn Ma Thuột. Dễ như vậy, nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa thực hiện được.
Quốc lộ 26 không chỉ đẹp vì đường tốt và khoảng cách của nó cũng không quá dài để du khách tốn quá nhiều sức. Với 150km sẽ rất lý tưởng cho những ai thích dịch chuyển làm cho mình một cuộc ngao du. Đường đèo Phượng Hoàng tuyệt đẹp. Đâu đó trên con đèo này cho ta chút khái niệm về rừng nguyên sinh. Còn xuyên suốt cánh rừng, phần nhiều đã bị san bằng thành những đồi trọc. Những cánh rừng trú phú ngày xưa nay đã dần thay thế bằng những cây bạch đàn hay những loại cây công nghiệp khác.
Chỉ ra khỏi Dục Mỹ một chút, những ngôi nhà sàn của người Rahde đã xuất hiện. Với hình ảnh quen thuộc của một tộc người bị khinh khi, họ sống trong nghèo khổ. Tôi đi nhiều nơi, dường như chỉ người Hoa mới được có cuộc sống tương đối “cân bằng”, được tôn trọng so với người Kinh. Còn lại, hầu như đều túng khổ, bần hàn. Nhất là đối với những tộc người ở vùng Tây Nguyên.
Tôi có quen anh bạn làm phóng viên cho Đài tiếng nói Việt Nam(VOV). Anh có lần nói với tôi: “Lý ra người Tây Nguyên phải biết ơn người Kinh, vì nhờ người Kinh nên họ mới được khai hóa. Không những vậy, người Kinh không được đối xử công bằng trên vùng đất này”. Tuy không đồng ý, nhưng tôi hiểu được phần nào suy nghĩ của anh sau khi anh đưa ra một số bằng chứng hùng hồn về những chính sác mà chính quyền đã tạo ưu đãi cho người Tây Nguyên.
Cái may mắn của tôi là cảm nhận được tất cả các mùa trong năm ở Krong Pak. Từ mùa khô với cái nóng kinh người, khó chịu còn hơn cả ở miền xuôi. Đến cả mùa mưa với những con đường đất đỏ lầy lội. Tôi đã từng hạnh phúc khi sải bước chân trên những con đường đỏ bùn lầy ấy. Song, cái tựu chung nhất ở Tây Nguyên vẫn là dơ. Mùa khô thì bụi đỏ bay mù trời, còn mùa mưa thì đường xá bầy nhầy.
Dẫu vậy, tôi vẫn yêu Krong Pak. Cô gái ấy không còn rủ tôi về Krong Pak nữa. Cổ đã hẹn một người khác đến chơi. Đương nhiên là một người Kinh.
Người Kinh ở Krong Pak đến nơi này khá sớm. Một bà mẹ sanh năm 1952 đã từng nói với tôi: “Gia đình của dì đến nơi này từ lâu lắm rồi. Từ thời Pháp thuộc. Khoảng năm 1946, khi ở dưới vùng Quảng Nam-Đà Nẵng có phong trào Tiêu Thổ Kháng chiến. Ông Nội, Ngoại của mấy đứa nhỏ đã lên trên này. Họ làm công nhân cho người Pháp trong những đồn điền cao su, ca cao”. Bà còn kể thêm, ngày xưa có mấy lần lên Phố (người dân ở Krong Pak gọi lên Buôn Ma Thuột là lên Phố) bà còn thấy Ama Thuốt gùi sau lưng những tổ mật Ong về chợ bán cho người Kinh. Bà kể với giọng đầy tự hào. Bà và con gái của mình nói tiếng Rahde như người Rahde nói với nhau.
Nhưng đó không phải thời điểm duy nhất mà người Kinh đến với Krong Pak. Tôi được gặp lại Krong Pak của mình trong tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”của nhà báo Huy Đức. Trong cuốn sách dày của mình, anh đã kể về sự cực khổ của những người bị đày đi Kinh Tế mới. Nơi đó họ phải sống chung với biết bao nhiêu hiểm nguy, nhất là những mối lo ngại từ lực lượng Fulro. Anh viết:
Ngày đi, từ sáng sớm, xe ca mấy chục chiếc đậu trên đường Phan ChuTrinh (Đà Nẵng – người viết), nối đuôi nhau từ trường Bồ Đề đến sân Ty Thông tin Chiêu hồi. Thoạt đầu bọn trẻ con rất vui vì sắp được đi chơi xa, nhưng khi thấy người lớn khóc, bọn trẻ bắt đầu hiểu vấn đề nghiêm trọng hơn chúng tưởng. Xe chạy ba ngày hai đêm thì hết đường. Đoàn xe ca dừng lại, chờ xe ủi, ủi đường tới đâu thì tiến vào tới đó. Chập tối, đoàn xe dừng lại cho mọi người lấy đồ đạc rồi quay về, để lại hơn nghìn con người giữa rừng.
Hoàng nhớ lại: “Hôm sau, các gia đình được chia đất. Từ người lớn cho tới trẻ con đều phải đi chặt cây làm nhà”. Mấy ngày tiếp đó, một đoàn xe tải khác đến, Chính quyền cấp cho dân kinh tế mới khẩu phần lương thực đủ ăn trong ba tháng. Hoàng kể: “Khi biết đoàn người mới đến dựng nhà là dân miền Nam, đồng bào ở buôn Chư Cà Ti, huyện Krongpak, Daklak, đã chủ động sang giúp. Đó là một khu vực đêm đêm Fulro vẫn quấy phá chính quyền nhưng Fulro để yên cho người Thượng và dân kinh tế mới. Chiều chiều, bọn trẻ vẫn cắt rừng đi lấy nước ở sông Ana, cách đấy hàng cây số.”
Và
Không phải khu kinh tế mới nào cũng cho dân quay trở về thành phố một cách dễ dàng. Mỗi khi người dân trong vùng kinh tế mới Krongpak, Daklak, muốn về thăm quê đều phải cắt rừng đi từ nửa đêm. Mỗi gia đình chỉ đi mỗi lần một hai người để tránh bị chính quyền để ý. Có rất ít người nghĩ tới việc bám trụ lại, nhưng những người vợ lính vẫn lo sợ, nếu trốn, chồng mình sẽ không sớm được về.
Krong Pak chỉ là một điểm nhỏ trong rất nhiều nơi đón nhận người của “Bên thua cuộc”. Có đến 4,5 triệu người Miền Nam bị đẩy vào những khu rừng thiêng, nước độc. Biết bao nhiêu người đã phải nằm xuống mà không được thấy quê nhà, thấy mẹ hiền. Đó là một bi kịch của đất nước.
Nhưng Krong Pak không chỉ đón nhận những người của Bên thua cuộc. mà họ còn đối diện với đợt di cư ồ ạt, có tổ chức từ những người “Bên thắng cuộc” do nguyên nhân muốn:
- Xây dựng Tây Nguyên thành một địa bàn vững chắc về an ninh và quốc phòng, tương xứng với vị trí chiến lược của vùng cao nguyên quan trọng này.
- Xây dựng Tây Nguyên thành một vùng trọng điểm kinh tế của cả nước.
Từ trước 1975, dân số Tây Nguyên hơn 1 triệu người. Trong đó người sắc tộc bản địa chiếm gần 70% dân số. Nhưng, theo những con số thống kê được từ 2006, thì dân số Tây Nguyên nay đã là hơn 5 triệu người. Trong khi đó người sắc tộc bản địa chỉ còn chiếm khoảng 25% mà thôi.
Krong Pak cũng phải chịu số phận chung với những người anh em Tây Nguyên. Người Kinh ở Krong Pak trước đây khá nhiều là từ Quảng Nam-Đànẵng lên. Thì nay họ lại bị “thất thế” trước những người từ Hà Tĩnh, Nghệ An vào. Dọc theo Quốc lộ 26, ghé vào bất kỳ ngôi nhà nào, du khách dễ dàng nhận nghe ngữ âm trọ trẹ đặc trưng của vùng Bắc Trung Bộ. Hoặc nếu đi vào khu 719 thì chỉ toàn là dân Hà Tĩnh, Nghệ An.
Dẫu vậy, Krong Pak vẫn hiền hòa đón nhận người Kinh. Cho dù họ là những người Kinh xấu xí.
Người Kinh đến Tây Nguyên từ sau 1975 đã làm nát Krong Pak. Vốn tính tham lam, lại bị nhiễm văn hóa của Trung Hoa nên họ coi thường rừng, sợ rừng. Không những vậy, họ còn khinh miệt những người Rahde bản địa hiền lành tại đây. Họ coi những người Rahde là mọi, là bọn người bán khai. Thế nên họ mới tự cho mình thêm quyền “khai hóa”. Cuộc nổi dậy 2001, 2004 cũng phát xuất từ những xung khắc về văn hóa ấy.
Tôi được dịp đi đến những Buôn của người Rahde. Người Rahde ở vùng này có đời sống kinh tế khá ổn định. Không giống như những vùng sắc tộc khác mà tôi đã đi qua. Điển hình là vùng của người Raglai. Dẫu vậy, tôi vẫn ít khi gặp được những nụ cười ở nơi họ. Có chăng chỉ là từ khóe môi của các em bé.
Có khá nhiều phụ nữ Kinh lấy đàn ông Đê (người Rahde) và cuộc sống của họ khá hạnh phúc. Có sao đâu nhỉ? Há chẳng phải người Đê tôn trọng phụ nữ hơn người Kinh hay sao? Việc kỳ thị sắc tộc, màu da chỉ làm cho con người ta có cuộc sống thêm nặng nề. Phần nào qua đó thể hiện não trạng của con người.
Krong Pak cho tôi sự bình yên khi mùa mưa vừa chấm dứt. Những con đường lúc ấy đẹp hơn. Bớt lầy lội. Và, đó cũng là lúc mùa Dã Quỳ nở rộ. Không có gì thú bằng đến Krong Pak vào thời điểm mà Dã Quỳ nở. Đi khắp vùng này chỉ thấy toàn màu xanh của lá cây và màu vàng của hoa Dã Quỳ. Dã Quỳ ở Krong Pak không to như Dã Quỳ ở Đà Lạt, và tình yêu ở Krong Pak cũng không đẹp như ở Đà Lạt. Tôi đã nói với cô bạn mình như vậy.
Sẽ chẳng có gì thích bằng được dìu nhau đi trong những con đường mòn mà hai bên là những bụi Dã Quỳ vàng rực. Người Krong Pak nào cũng yêu Dã Quỳ. Trên những blog hay facebook cá nhân, thỉnh thoảng tôi đọc được những câu “Nhớ Krong Pak quá” hay “Nhớ Dã Quỳ” quá. Nỗi nhớ quê hương được thông qua sắc vàng của Dã Quỳ.
Cô bạn tôi kể: “Nhờ Dã Quỳ mà chân em bây giờ không bị thẹo. Ngày trước mỗi lần chân có ghẻ, Má em lại đi hái lá Dã Quỳ về tắm cho em”. Dã Quỳ gần gũi với người Krong Pak như vậy đó.
Cái tiếc nuối của tôi với Krong Pak là, cho đến tận bây giờ vẫn chưa ăn được trái bắp luộc hay bắp nướng ở Cây Đa, nơi mà người dân tụ tập chỉ để bán bắp. Song, trên tất cả là không còn được nhìn thấy cô gái mình yêu.
Tôi có may mắn quen được một nhà thơ ở Buôn Ma Thuột. Chưa lần nào đối ẩm với anh ở Tây Nguyên, nhưng tôi lại rất thích những bài thơ mà anh viết. Đương nhiên đó phải là những bài thơ tình.Trong một lần say khướt, sự hối tiếc cho những tháng này tình nồng đã qua, tôi đã đọc bài thơ này cho cô gái mình yêu:
Bài thơ người tuổi Ngựa
1. Sau một tin nhắn vay thi thôi
ướt đẫm câu nói mớ
đêm không ngựa không yên cương phi nước chảy
đuổi theo nhau ngày tháng có nhau
đuổi theo nhau không còn nhau nữađừng chạy
ới chú ngựa cái nhìn không mí mắt
hay mắt ngựa bị đau
sao hình ảnh bây giờ như vỡ
hay mắt ngực rã rời
đêm nguyên vẹn ngực em buông vó
sự dằn xóc vó ngựa
ai hốt hoảng rạp đầu
cúi thơ ngây xuống triền dốc gió
hai nụ hoa mở mắt to hơn
ai vùi mình hơi thở
hay vó ngựa không phi vào con đường nữa
một ngã ba cỏ lạ điên rồ
hai viên bi màu đỏ
ba lần vào như mơướt đẫm câu nói mớ
chỗ nằm của chúng ta
đang tràn qua một bình minh vó ngựa
chưa từng đớn đau
…
– Lê Vĩnh Tài
Tài liệu tham khảo:
Bài và ảnh: Thiên Sầu