Đầu tiên tôi muốn kể chuyện gia đình tôi. Chúng tôi có ba anh em, anh trai hơn tôi 2 tuổi và một em trai kém tôi 10 tuổi. Bước chân ra xã hội có thể anh ấy chẳng là ai, nhưng chỉ cần quay lại, anh mãi là người chiếm giữ một vị trí rất quan trọng trong trái tim tôi và em trai. Chúng tôi hạnh phúc và biết mình may mắn khi được làm em của người anh đó. Anh trai tôi luôn là niềm tự hào của bố mẹ. Học hành tuy không xuất chúng, nhưng ở ngưỡng của một đứa con, chừng đó thôi cũng đủ khiến những tháng ngày vất vả của bố mẹ không đổ sông đổ bể.
Hồi bé tôi cũng từng là một món quà mà cuộc đời ưu ái dành tặng bố mẹ. Một món quà quý báu được thiên hạ ngợi khen, bởi những thành tích, bởi sự lễ phép ngoan ngoãn. Nhưng rồi cũng món quà ấy một ngày bất chợt bỗng biến thành một đống rác hôi thối chỉ muốn mang đi vứt. Cũng là niềm tự hào năm xưa bỗng biến thành sự xấu hổ tủi nhục mà bố mẹ tôi phải đối diện.
Mọi người cứ nghĩ tôi không bị vướng trách nhiệm hay những gánh nặng nên tôi luôn nói được những lời lẽ bất cần. Họ không hiểu đâu, những ngày tháng đau khổ sống trong thân phận kẻ tội đồ sát thương chính bố mẹ mình, mang nặng nỗi day dứt dằn vặt tôi là đứa con bất hiếu. Dẫu biết thế, tôi vẫn tin tôi hài lòng với việc thà đau khổ vì những điều yêu thích, còn hơn trạng thái đau khổ trong cơn chán ngán những điều tôi ghét.
Em trai tôi năm nay vào lớp 10, đam mê âm nhạc và tỏ ý chí quyết tâm muốn theo đuổi nghiêm túc. Bố mẹ tôi lo lắng, tôi nghĩ đó là điều hiển nhiên. Sự lo lắng chỉ là một phản xạ tự nhiên của bất kỳ bậc phụ huynh nào trước những ước mơ con trẻ, bởi đó là một con đường gian nan và cũng lắm cám dỗ.
Chúng tôi không bao giờ cấm cản em trai mình, cả hai chúng tôi đều im lặng. Và nếu có phải nói một điều gì đó, chắc chắn phải là một lời động viên cổ vũ. Chúng tôi biết rằng không một lời khuyên nào cần được nói ra, ý tôi là lời lẽ ngăn cấm. Pháp luật đặt định đến độ tuổi 18 trẻ em mới có pháp quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Pháp luật có thể rào chắn ý thức bên ngoài nhưng nó không thể ngăn cản khả năng sinh học vượt trội bên trong.
Khi đứa trẻ bước vào tuổi 14, tôi chỉ đang nói đến độ tuổi ước lượng, khoảnh khắc đó đứa trẻ đã có những ấp ủ trong tâm trí, khoảnh khắc đó nó đã biết đến tự do. Đó là giây phút mà những khao khát lấp ló chạm đến những hành động trong lén lút. Tôi có thể phân tích, giải thích, hướng em trai tôi đến những điều mà bản thân tôi cho rằng quan điểm của tôi là đúng. Tôi có thể dùng kinh nghiệm của mình để nói với em trai tôi rằng A B C thế này thế kia. Nhưng quyết định phải là của nó. Thứ nhất chỉ có bản thân người đó mới thực sự hiểu họ thích gì. Thứ hai đứa trẻ có thể nghe những điều người lớn nói, nhưng chắc gì nó đã cảm thấy điều đó phù hợp với chính nó. Đứa trẻ chỉ đang nghe bằng một thái độ tôn trọng, còn tận trong tâm can, tất nhiên nó vẫn cho rằng nó muốn làm những điều nó thích.
Điều duy nhất người lớn luôn lo lắng cho một đứa trẻ trong quá trình lớn lên là nỗi sợ sa ngã. Có sự sa ngã có thể quay đầu, nhưng cũng có những hố thẳm khi đã rơi xuống thì không còn cơ hội ngoi lên. Đó là điều người lớn sợ. Nếu chỉ vì nỗi sợ đó mà chống lại, gây sức ép, biến tâm hồn của một đứa trẻ trở nên nghèo nàn chật chội và có khi là giết nó bằng một cái chết chậm.
Không, tôi không thể làm điều đó, tôi không thể giết chết em trai mình mà không có mặc cảm gì. Thậm chí tôi biết nếu tôi để cho nó được thỏa nguyện đi theo con đường nó muốn, tâm hồn nó vẫn có thể chết. Đau khổ luôn có đó, trên tất cả mọi lối rẽ. Dù chọn hướng ngã nào, con người vẫn có thể đau khổ. Vậy thì quan trọng gì tôi sống bao lâu, mà là tôi đã sống thế nào trong khoảng bao lâu ấy.
Những đứa trẻ không thể lớn lên trong sự huấn luyện, ngăn cấm không phải là hành động thông minh. Đứa trẻ phải sống trong những cưỡng ép, chắc chắn sẽ có một cuộc cách mạng nổ ra vào một ngày bất chợt. Bởi bất kể một ai đi nữa, họ cũng không thể sống mà cứ khổ mãi từ cái nôi cho đến nấm mồ được.
Điều duy nhất tôi có thể cho nó, tôi biết duy nhất chỉ có thể là tình yêu. Bằng tất cả tình yêu của tôi, tôi muốn em trai tôi được tự do, tôi muốn mọi tiềm năng của nó được khơi gợi, tôi muốn nó phải là người tự mình giải mã những câu hỏi. Có thể nó đang bước đến sự tự hủy diệt, nhưng tôi biết khoảnh khắc đó, nó vẫn sẽ mỉm cười hạnh phúc vì đã bước qua mọi thứ trong tình yêu. Tình yêu với những điều nó yêu thích, tình yêu bởi gia đình, từ những người anh người chị luôn bên cạnh để lắng nghe cảm thông.
Đối với tôi, không có một sự huấn luyện nào có thể dẫn dắt đứa trẻ. Chỉ có tình yêu mới là cứu cánh duy nhất để dẫn lối khỏi những sa ngã. Bởi dù trên trăm mọi lạc lối tôi đã qua, tôi biết tình yêu của bố mẹ, của anh tôi, mới chính là hoa tiêu dẫn tôi qua những sa ngã. Điều duy nhất người lớn nên làm là lắng nghe, để đứa trẻ có thể đủ niềm tin gửi gắm những bí mật của nó. Khiến cho nó tin rằng nó không cô đơn giữa chính gia đình mình. Có lần tôi hỏi mẹ tôi hư lắm phải không, mẹ mỉm cười trả lời tôi chỉ lì lợm thôi, tôi chỉ ngoan cố thôi, cứ thích làm những điều khiến mẹ lo lắng, nhưng đối với mẹ tôi không phải đứa con hư. Giây phút đó thật ý nghĩa, nó ý nghĩa vì đã giúp tôi nhận ra rằng vẫn có cách để những đứa con có thể sống cuộc đời nó mong muốn mà không biến chúng với bố mẹ trở nên xa cách.
Anh trai tôi vừa kết hôn và đang sửa soạn chào đón con gái đầu lòng. Tôi hỏi anh sẽ nuôi dạy nó lớn lên như thế nào. Và anh đã viết thư trả lời mà tôi xin trích đoạn một câu nhỏ.
“Bé Kem thì cứ để nó tự là nó, lúc trước anh cũng có chút áp lực, nhưng giờ anh thấy cũng vui, tối rảnh anh hay đọc sách cho nó nghe. Anh sẽ thương nó dù nó trở thành người như thế nào. Như thương Ni, Micky.”
Thật ra chỉ là tôi đã đọc thư, rồi vì quá xúc động nên tôi ngồi xuống viết ra những dòng này.
Tác giả: Ni Chi
Edit: THĐP
Featured image: picjumbo_com
📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP
- Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
Người nhận: Vũ Thanh Hòa
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
Số TK: 0451000409314 - Chuyển tiền qua Paypal
Người nhận: Huy Nguyen
Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2
Yêu thương là cả một nghệ thuật. Một bài viết khá hay về chủ đề này. Tôi xin góp ý theo quan điểm của tôi. Đó là yêu thương không phải là làm mọi thứ cho người mình thương theo hướng mà mình nghĩ là tốt nhất cho họ, mà yêu thương phải là có sự quan tâm, thông cảm, chia sẽ và làm cho người mình thương được thực hiện những điều họ muốn. Sẽ là không đơn giản nếu thương một người, vì yêu thương cũng giống như mọi thứ khác. Để có được một kết quả tốt đẹp nào đó, thì đều phải có nỗ lực và nỗ lực đó là phải đúng cách.
Đây là một chủ đề khá rộng và phức tạp, không thể nói đơn giản trong vài câu được. Tôi chỉ đưa ra hai ví dụ đơn giản cho mọi người có thể hình dung. Ví dụ đầu tiên dễ thấy ở những gia đình bận rộn trong công việc, họ có điều kiện dư dã về mặt vật chất nhưng con cái họ và và ngay bản thân họ đều không thấy hạnh phúc về mặt gia đình. Vì họ đã dành quá nhiều thời gian cho vật chất và rất ít thời gian họ giành cho gia đình. Người ngoài có thể nhận ra dễ dàng đó không là yêu thương vì không có sự quan tâm, chia sẽ. Nhưng người trong cuộc thì chắc lại sẽ không nhận ra và oán trách là mình đã vất vã lo mọi thứ để cuộc sống những người mình thương vậy mà mọi thứ lại không như mình mong muốn.
Ví dụ thứ hai là với một gia đình với một người mẹ luôn yêu thương con của mình theo cách của mình. Người mẹ đó luôn muốn con mình tốt nhất theo suy nghĩ của mình. Không để con lo về bất cứ chuyện gì, bù lại bà chỉ mong con mình trở thành những vị trí cao trong xã hội như bác sĩ, luật sư… Người ngoài sẽ có thể nhìn ra đó không là tình thương thật sự, đó chỉ là tình thương ích kỉ của người mẹ khi muốn con mình trở thành một người mà mình muốn chứ không quan tâm hay chia sẽ để đứa con trở thành người có quyền lựa chọn theo đúng là chính mình. Và trường hợp này càng khó phát hiện cho người trong cuộc khi đứa con đó do uốn nắn đã trở thành những nhân vật có vị trí cao trong xã hội. Những đứa con thành đạt đó nếu có những điều không hạnh phúc hay thoải mái, thì họ nhiều khả năng cũng không nhận ra nguồn gốc lý do đó hoàn toàn có thể xuất phát từ một con đường mình phải đi theo chứ không là con đường mình có sự lựa chọn. Còn những người mẹ thì lại càng khó nhận ra, họ dĩ nhiên sẽ hạnh phúc khi những người con đã thành như người mình muốn. Họ còn tỏ ra tự hào cho sự uốn nắn đó của mình.
Còn muốn phân tích thêm nhưng do không nhiều thời gian để chỉnh chu những dòng suy nghĩ nên tôi phải ngừng ở đây. Mong có nhiều bàn luận về vấn đề này.