27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Immanuel Kant – Trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là khai minh?”

Photo: Wiki Commons

“In truth that which you call freedom is the strongest of these chains, though its links glitter in the sun and dazzle your eyes.”

— Khalil Gibran, On Freedom

Trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là khai minh?”

Immanuel Kant

Konigsberg nước Phổ, 30 tháng 9, 1784

 

Khai minh là việc thoát ra khỏi tình trạng chưa-lớn do tự thân kìm hãm. Chưa-lớn ở đây chỉ việc con người ta không có khả năng tư duy tự chủ mà luôn cần phải có sự hướng dẫn chỉ bảo của ai đó. Nói rằng cái tình trạng chưa-lớn này là do tự bản thân kìm hãm, ý là nhận thức và hiểu biết thì đã có mà không chịu quyết tâm và nghị lực để tự vận dụng lấy cái hiểu biết ấy, mà tư duy tự chủ. Vì thế, người ta có khẩu hiệu của khai minh: Sapere aude! Hãy can đảm mà tự dùng lấy trí khôn!

Lười biếng và hèn nhát là hai nguyên do làm cho phần lớn con người ta cứ khoái để mặc mình chưa-lớn suốt đời, dù cho về mặt sinh học hay pháp lý, họ đủ lớn để chẳng phải phụ thuộc vào một sự giám sát bên ngoài nào cả. Vì lười và nhát, đơn giản là cứ để cho người khác giám hộ mình. Cứ thơ dại mới sướng! Bận óc làm gì khi đã có những quyển sách để lưu trữ hộ tri thức, một ông bác sĩ cân nhắc hộ việc ăn uống, rồi một ông cố vấn tâm linh nào đó chăm sóc cho lương tâm đạo đức, vân vân và vân vân. Sao phải nghĩ ngợi khi mà ta chỉ việc trả tiền, rồi người khác sẽ nhận lấy những công việc buồn tẻ dùm ta.

Những người giám hộ tốt bụng vừa nêu hẳn cũng tin rằng một phần cực lớn của nhân loại (trong đó có toàn bộ phái đẹp) nhìn nhận việc lớn-lên không chỉ vô cùng khó khăn mà còn hết sức nguy hiểm. Những người giám hộ, sau khi đã làm ngây dại đám động vật thuần hóa của mình, sẽ cấm lũ này không được tự ý nhấc chân dù chỉ một bước nếu thiếu sợi dây dắt mũi, kế đó lại trưng ra những mối hiểm họa ghê sợ đang chờ đón để dọa bất cứ kẻ nào to gan. Thực tế thì cái hiểm họa này cũng chả phải gì to tát lắm, ai chẳng ngã vài lần rồi mới tự biết đi. Tuy nhiên lấy ví dụ kiểu này thì cũng dễ hãi, và thường sẽ hù người ta chạy mất tăm, khỏi phải lăm le tò mò hay thử mạo hiểm gì nữa.

Thế nên việc để cho mỗi cá nhân riêng lẻ biết tự lớn-lên là rất khó, khi mà trong họ cái bản tính chưa-lớn đã lần ăn sâu, làm cho họ ngày một thích thú. Và theo thời gian những người này sẽ thực sự mất đi khả năng tự vận dụng vốn tri thức, bởi lẽ có bao giờ được thử đâu. Xiềng xích ở đây chính là một đống những công thức, giáo lý, những thứ vốn được mang tiếng là công cụ kỹ thuật giúp hỗ trợ việc tư duy (nhưng thực tế lại làm cho con người ta khỏi phải dùng đến tư duy luôn). Ngay cả khi có ai đó rũ bỏ được đống xiềng xích ấy rồi, người này rồi cũng sẽ hết sức lưỡng lự, chẳng dám nhảy qua dù là những khe dốc hẹp nhất trên con đường tự bước đi của mình, bởi lẽ anh ta quá lạ lẫm đối với cái thứ vận động tự do kiểu này. Do đó, chỉ một số rất ít, bằng cách thường xuyên thao luyện tinh thần, mới có thể thành công trong việc tự giải phóng mình mà lớn-lên, tự tin bước tiếp trên con đường mới.

Dầu vậy, cơ hội cho một cộng đồng tự khai minh lại cao hơn. Nói cho đúng thì điều này sẽ là tất yếu, chỉ cần trong cộng đồng đó có tự do. Bởi lẽ kiểu gì cũng sẽ có những cá nhân suy nghĩ độc lập, có thể là nằm ngay trong số những người giám hộ. Những người giám hộ như thế, một khi đã rũ bỏ được những xiềng ách của bản thân, sẽ tiếp tục gieo cấy cái tinh thần mới là: tôn trọng các giá trị cá nhân và đề cao bổn phận nghĩ cho bản thân của tất cả mọi người. Điều đáng nói ở đây là một khi công chúng, vốn đang trong tình trạng u tối, giờ lại bị khuấy động bởi những người giám hộ biết tự khai minh (cũng nằm trong số những kẻ tạo ra xiềng xích trước đó), nhiều khả năng sẽ kìm ép ngược trở lại chính những người giám hộ này về với xiềng ách.

Gieo gió thì gặt bão, định kiến được gieo rắc sẽ quay lại tấn công chính những người từng một thời khuyến khích nó, hoặc gián tiếp chuyển hậu quả sang lớp người kế tục. Vì vậy, một cộng đồng chỉ nên tiến đến khai minh thật chậm rãi. Một cuộc cách mạng có thể chấm dứt nhanh chóng một thể chế độc tài hay những cuộc đàn áp chính trị, nhưng sẽ không bao giờ có thể đem tới những cải cách thực sự trong nếp nghĩ. Rồi những định kiến mới thay thế sẽ được tạo ra và xiềng xích lại chất lên vai đám đông quần chúng vĩ đại vốn lười động não.

Đối với khai minh thuộc loại này, điều kiện cần duy nhất là tự do. Và thứ tự do đang được bàn đến ở đây là loại vô hại nhất – tự do để một cá nhân sử dụng tri thức mình theo lối công khai. Trên thực tế, tôi vẫn hay nghe khắp chung quanh mình những tiếng kêu kiểu:

Đừng tranh luận!

Viên sĩ quan: Cấm cãi, bước đều! Viên thu thuế: Đừng lôi thôi, nộp tiền đi!

Vị mục sư: Không tranh luận nữa, phải có đức tin!

(Chỉ duy nhất một kẻ trị vì trên thế giới từng nói: Cứ tranh luận đi, bao nhiêu cũng được, về cái gì cũng được, nhưng phải tuân lệnh!) [Friedrich Đại đế, vua nước Phổ đương thời – ND]

Tự do bị hạn chế khắp mọi nơi như vậy đó. Nhưng những hạn chế nào sẽ ngăn trở khai minh, và loại nào thì lại thúc đẩy nó? Xin trả lời: Với điều kiện cần duy nhất là tự do để sử dụng tri thức theo lối công khai, ta sẽ có khai minh cho nhân loại. Sử dụng kiểu công khai ở đây được hiểu chẳng hạn như trường hợp một người hiểu biết đem sở kiến của mình trình bày trước đông đảo cộng đồng độc giả. Ngược với nó sẽ là sử dụng theo lối riêng tư, khi ai đó vận dụng tri thức cho riêng công việc hoặc một vị trí mà mình được giao phó. Sử dụng kiểu này thì nên bị hạn chế, trong chừng mực không gây ra những tổn hại nghiêm trọng tới tiến trình khai minh.

Ta nhận thấy trong những vấn đề có tác động đến lợi ích của cộng đồng, cần có cơ chế nhất định mà theo đó một vài thành viên trong cộng đồng buộc phải chấp nhận hành xử thụ động để khi đó những người này có thể làm việc cho chính quyền, dưới một hợp đồng đã được vạch ra rõ ràng, nhằm phục vụ những mục tiêu mà cộng đồng hướng tới (hay ít ra là ngăn không để họ làm cản trở những mục tiêu này). Tất nhiên trong những trường hợp như vậy, sự phục tùng tuyệt đối là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng một người như vậy thì vẫn có thể tham gia tranh luận mà không gây ảnh hưởng đến công việc chung, trong chừng mực anh ta tự xét mình dưới tư cách một cá nhân thuộc cộng đồng lớn, thành viên của xã hội phổ quát (vượt lên trên phạm vi của một guồng máy chính quyền), và trong xã hội đó anh ta là một kẻ hiểu biết, bằng việc viết ra các tác phẩm, đang trình bày mối quan tâm của mình trước đông đảo công chúng.

Ví dụ, sẽ là rất nguy hiểm nếu một viên sĩ quan cứ đi chất vấn về sự hợp lý hay tính hữu dụng của mệnh lệnh mà mình đang được cấp trên yêu cầu thực thi. Việc của anh ta đơn giản là tuân lệnh. Nhưng sẽ chẳng có lý do gì để cấm anh ta, trong vai trò một người hiểu biết, quan sát những sai phạm đang diễn ra trong quân đội và truyền tải những quan sát này cho công chúng đánh giá.

Hay một công dân thì không thể chối bỏ nghĩa vụ đóng thuế; những động thái vô lối như thế sẽ bị trừng phạt nhằm tránh cho sự vi phạm trắng trợn này dẫn tới tình trạng bất tuân trên diện rộng. Tuy nhiên, anh này sẽ không hề đi ngược lại những ràng buộc nghĩa vụ dân sự, nếu anh ta – như một kẻ có học – phản ứng bằng cách công khai nói lên những suy nghĩ của mình về tính phi lý hay bất công của các công cụ thuế khóa đang có.

Tương tự, một vị mục sư thì bị ràng buộc trong việc hướng dẫn giáo sinh và giáo đoàn của mình đi theo những học thuyết của nhà thờ, bởi đó là những gì mà ông đã hợp đồng với tổ chức tôn giáo đó. Nhưng với tư cách một học giả, vị mục sư cũng chịu xu hướng chia sẻ những suy tư cẩn trọng, có định hướng của mình với công chúng, và ông ta hoàn toàn được tự do làm vậy. Đó có thể là những suy tư trên một vài khía cạnh sai lầm nào đó trong học thuyết đang được rao giảng, đi kèm những đề xuất cho một cải biến tích cực hơn trong các vấn đề giáo hội hay đức tin tôn giáo.

Sẽ chẳng có vấn đề gì phải lăn tăn về lương tâm ở đây cả. Bởi những gì mà vị mục sư đó dạy không phải là những thứ mà tự ông muốn truyền đạt. Đó là những thứ mà ông – kẻ bề tôi của nhà thờ – được chỉ định để diễn giải, nhân danh một người khác. Ông sẽ nói như vầy: “Nhà thờ dạy ta điều này… điều này…” Và đây là những lập luận được dùng tới… Sau đó mục sư sẽ giúp giáo sinh của mình rút ra tất cả những áp dụng thực tiễn có trong hệ thống giới luật, cái hệ thống mà có thể ông không hoàn toàn tán đồng nhưng vẫn nhận dẫn giải, bởi chưa loại trừ được khả năng chúng có hàm chứa sự thật, và cũng là do suy cho cùng thì chưa có gì mâu thuẫn về bản chất với thứ tôn giáo mà ông tôn thờ. Bởi lẽ nếu ông nhận ra một mâu thuẫn nào đó như vậy, tất sẽ khó lòng dồn tâm cho việc thực thi những nghĩa vụ được giao phó, và rồi sẽ phải xin từ nhiệm.

Việc sử dụng tri thức của người mục sư trong trường hợp này là hoàn toàn theo lối riêng tư, với chú ý rằng một giáo đoàn, dù to hay nhỏ, cũng chỉ là một tập hợp nội bộ. Và như thế, ông ta – trong vai trò tu sĩ – không phải và cũng không thể được tự do, khi vẫn còn đang thực hiện nhiệm vụ do người khác phó thác. Ngược lại, trong vai trò một học giả đang gửi tới công chúng thực sự (thuộc thế giới rộng lớn bên ngoài giáo đường) những bài viết của mình, vị mục sư do đó đang sử dụng tri thức theo lối công khai, và sẽ được hưởng tự do không giới hạn để vận dụng lý trí và nói lên quan điểm bản thân. Còn nếu thay vì vui hưởng cái sự tự do này, những người giám hộ tinh thần lại cứ khăng khăng tự thân chưa-lớn, thì rõ thật là một điều ngu dại, và cái ngu dại này sẽ còn sinh ra hàng tấn ngu dại nối đuôi mãi tiếp diễn.

Nhưng liệu một đoàn thể những tu sĩ, kiểu như một đại hội giáo hội hay hội đoàn trưởng lão tôn kính (theo lối tự xưng của các vị ở Hà Lan), có nên được cho mình cái quyền tự nguyện tuyên thệ trước một biểu tượng tâm linh bất di bất dịch nào đó, lấy cớ ấy mà tăng cường sự giám hộ liên tục và vĩnh viễn lên từng thành viên của đoàn thể tu sĩ, và thông qua họ là lên toàn thể dân chúng? Tôi xin trả lời: Không. Một giao kết nhằm ngăn chặn vĩnh viễn cơ hội khai sáng cho nhân loại như vậy là hoàn toàn trống rỗng và vô giá trị, ngay cả khi nó được chấp thuận từ một thẩm quyền tối cao, nghị viện hoàng gia hay qua những hiệp ước hòa bình tôn nghiêm nhất. Không thể có chuyện một thế hệ cứ thề nguyện rồi đặt thế hệ tiếp theo trong cảnh bất lực nếu muốn hiệu chỉnh hoặc mở mang tri thức để đi tới khai minh, nhất là trong những vấn đề quan trọng về tâm linh như này. Đó là tội ác chống lại loài người, khi ngăn cản cái tiến trình tìm về bản chất tối hậu của nhân sinh như vậy. Bởi thế, những thế hệ kế tục hoàn toàn được quyền gạt bỏ tất cả những thỏa ước vô lối và sai trái ấy.

Muốn biết một chính sách nào đó liệu có được đồng thuận khi đem áp dụng thành luật rộng rãi hay không, chỉ có cách là xem xem dân chúng có tự nguyện áp mình theo những điều luật ấy được không. Và như thế, tối thiểu điều luật ấy cần được đem ra thực thi trong một thời gian ngắn xác định nhằm minh họa cho trật tự đang được đề xuất, cũng là trong lúc chờ cho một giải pháp khác tối ưu hơn. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi công dân, trong trường hợp này là các vị tu sĩ, sẽ được quyền tự do trong vai trò học giả để công khai (thông qua những bài viết) đánh giá những bất cập trong các thiết chế hiện thời.

Cái trật tự xã hội vừa mới thiết lập vẫn tiếp tục tồn tại, cho đến khi nhận thức của công chúng về bản chất vấn đề dần tiến bộ và tự chứng tỏ đã đạt tới chỗ đồng thuận về đại thể (nếu không phải là nhất trí tuyệt đối), đủ để đệ trình lên nhà vua một đề xuất thay đổi. Đề xuất này là nhằm để bảo vệ, chẳng hạn, những giáo đoàn đã đồng thuận thay đổi thay đổi thiết chế của họ cho thống nhất với tư tưởng nhận thức bên trong, mà không cản trở đến những người ủng hộ việc duy trì trật tự cũ. Nhưng cần phải cấm tuyệt đối những hành động chấp nhận cái thứ hiến chương tôn giáo cố định cứng nhắc, mà không ai (dù chỉ giới hạn trong một thế hệ) được quyền công khai chất vấn. Bởi hành động như vậy sẽ gần như triệt tiêu một giai đoạn phát triển trong tiến bộ nhân loại, biến nó trở thành vô ích, thậm chí còn mang hại cho lớp hậu sinh.

Một người, vì những mục đích cá nhân, có thể hoãn lại tiến trình khai minh của bản thân trong một vài vấn đề, và anh ta cần nhận thức được điều đó, (mà ngay cả như vậy thì sự trì hoãn này cũng chỉ được phép trong một thời gian ngắn). Nhưng chối bỏ hoàn toàn khai minh, bất kể là khai minh cho thế hệ kế tục hay cho bản thân, đều đồng nghĩa với việc xâm phạm và chà đạp lên những quyền thiêng liêng của nhân loại. Vả chăng, những thứ mà quần chúng nhân dân không tự thuận mình áp theo, càng không thể bị áp đặt bởi cá nhân một vị quân vương nào; bởi quyền lực pháp trị của ông ta phụ thuộc hoàn toàn vào ý nguyện toàn thể của đám đông quần chúng.

Chừng nào mà vị quân vương còn nhìn nhận những tiến bộ có thực hay được dẫn ra là tương thích với trật tự xã hội, ông ta vẫn có thể để mặc cho thần dân của mình làm bất cứ thứ gì mà họ thấy cần thiết để cứu rỗi bản thân, vốn là việc chẳng can dự gì đến nhà vua cả. Mà nhiệm vụ của đức ngài ở đây sẽ là ngăn chặn bất cứ kẻ nào trắng trợn gây trở ngại cho người khác, khi người này đang nỗ lực định hình và xúc tiến cho sự cứu rỗi của bản thân. Tôn nghiêm của nhà vua sẽ thực sự bị tổn hại nếu ngài can dự vào những vấn đề này bằng việc kiểm soát những bài viết mà qua đó, đám thần dân đem trình bày những ý tưởng tôn giáo của mình cho chính quyền giám sát thấy rõ. Hành động như vậy của nhà vua có thể chỉ đơn giản xuất phát từ những thiên kiến cao thượng của riêng ngài.

Trong trường hợp này ngài có nguy cơ nhận lấy lời trách cứ: Caesar non est supra Grammaticos [Caesar cũng không được vượt các nhà ngữ pháp học – Dù có là vua thì cũng phải tuân theo những quy tắc phổ quát – ND]. Nhưng sẽ còn tệ hơn trong trường hợp hành động của nhà vua xuất phát từ sự ủng hộ dành cho một nền chuyên chế tâm linh của số ít những kẻ bạo cường áp đặt lên đám thần dân kia của ngài; điều này hẳn sẽ hạ thấp quyền uy tối cao của nhà vua.

Nếu có ai đó hỏi rằng: Phải chăng chúng ta đang sống trong một thời đại đã được khai minh; câu trả lời sẽ là không, nhưng hẳn chúng ta đang sống trong thời đại của công cuộc khai minh. Căn cứ tình hình hiện tại mà nói, còn xa mới đến lúc toàn thể con người đạt tới (hoặc sẵn sàng để được đưa tới) tình trạng mà những hiểu biết của cá nhân trong các vấn đề tôn giáo được đem ra vận dụng một cách tự tin và nhuần nhuyễn, không cần viện tới sự hướng dẫn hay giám hộ bên ngoài. Nhưng chúng ta cũng có những chỉ dấu rất rõ ràng rằng con đường phải đi giờ đã hiện ra hết sức quang đãng, sáng sủa; những chướng ngại cho một nền khai minh phổ quát, cho sự thoát khỏi tình trạng chưa-lớn bởi tự thân kìm hãm đã dần ít đi; mọi người được tự do phấn đấu trên con đường khai minh của mình. Bởi thế mới nói thời đại của chúng ta là thời đại của công cuộc khai minh, trong kỷ nguyên Friedrich này. [Vua Friedrich là người bảo trợ rất nhiệt tình cho phong trào khai minh – ND]

Một bậc vương giả không hề xem mình là thấp kém khi tuyên bố rằng bổn phận của người trong các vấn đề tôn giáo là không ra lệnh bất kì điều gì cho thần dân, mà để họ hoàn toàn tự do; và vì thấy như thế vốn không phải là thấp kém nên người chẳng ngại từ chối cái danh hiệu Bao Dung đầy tự phụ mà kẻ khác định gán cho mình; một bậc quân vương như thế thực sự đã biết tự khai minh. Ngài xứng đáng được ca tụng bởi cả thế giới ngày nay cũng như toàn bộ hậu thế như người đầu tiên (ít nhất là người đầu tiên về phía chính quyền) giải phóng nhân loại khỏi tình trạng chưa-lớn, người đã để cho tất cả dân chúng tự do vận dụng lý trí của riêng mình trong mọi vấn đề về lương tâm. Dưới sự trị vì của người, các chức sắc giáo hội, vượt lên những bổn phận công vụ, có thể tự do và công khai truyền tải những nhận định và ý kiến của mình cho toàn thế giới đánh giá trong tư cách học giả, ngay cả khi những ý kiến này có đôi chỗ đi chệch học thuyết chính thống.

Còn những người không bị giới hạn bởi bổn phận công vụ thì thậm chí được tự do nhiều nữa. Tinh thần tự do này cũng đang lan rộng ra cả bên ngoài quốc gia, ngay cả những nơi mà nó phải đấu tranh với những ngăn trở do các chính quyền vốn hiểu sai về chức năng của mình dựng lên. Những chính quyền này đang được chứng kiến một ví dụ hết sức sinh động trong đó tự do có thể tồn tại mà không gây hại chút nào tới sự hòa hợp của công chúng và sự thống nhất của khối cộng đồng. Con người sẽ biết tự lần thoát ra khỏi man rợ, bằng ý nguyện của chính họ, chừng nào mà những biện pháp nhân tạo cố tình được đưa ra nhằm kìm giữ họ không còn nữa.

Tôi vừa phác họa điểm cốt lõi của khai minh, tức là sự thoát ra của con người khỏi tình trạng chưa-lớn do tự thân kìm hãm, chủ yếu trong các vấn đề tôn giáo. Ấy trước hết là bởi những bậc trị vì của chúng ta không hứng thú lắm với việc thiết lập vai trò giám hộ trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật; và sau nữa cũng bởi sự chưa-lớn trong hoạt động tôn giáo là thứ nguy hại và đáng hổ thẹn nhất trong tất cả. Nhưng nếu một nguyên thủ quốc gia có tư duy ưu ái cho tự do trong khoa học và nghệ thuật thì nhìn chung mọi thứ sẽ còn tiến xa hơn, bởi vị ấy kiểu gì cũng nhận ra rằng sẽ chẳng có nguy hiểm nào đe dọa tới nền pháp trị của ông ta khi cho phép thần dân mình vận dụng theo lối công khai lý trí của chính họ, đem trình bày trước công chúng những suy tư của họ về việc tạo dựng một thứ luật pháp tốt hơn, thậm chí bao gồm cả những chỉ trích trực diện lên nền pháp lý hiện hữu. Chúng ta đã có ở đây một ví dụ tuyệt vời, [vua Friedrich] người mà chúng ta vẫn đang hằng tôn thờ, người mà chưa một vị quân chủ nào khác có thể vượt qua.

Tất nhiên, chỉ có đấng trị vì nào biết tự khai minh, không còn sợ hãi những bóng ma, đồng thời có trong tay một quân đội đông đảo và kỷ luật đủ sức giữ vững an ninh, mới có thể nói lên điều mà chưa nền cộng hòa nào dám nói: Cứ tranh luận đi, bao nhiêu cũng được, về cái gì cũng được, nhưng phải tuân lệnh! Điều này gợi ra cho chúng ta một mô thức kỳ lạ đầy bất ngờ thuộc vấn đề nhân sinh (mà chúng ta sẽ luôn nhận thấy nếu xem xét trên một diện rộng, ở tầm mà gần như mọi thứ đều trở nên nghịch lý). Một mức độ cao về tự do dân sự dường như có lợi cho tự do tư tưởng của quần chúng, nhưng đồng thời nó cũng đặt lên đó những rào cản không thể vượt qua được.

Ngược lại, một mức độ tự do dân sự thấp hơn lại cho phép những không gian đủ rộng để tự do tư tưởng được phát triển đến tột độ. Một khi cái hạt giống mà thiên nhiên nâng niu nhất – thiên hướng tự do tư duy của con người – đã nảy mầm dưới lớp vỏ cứng, dần dần mầm mống này sẽ tác động trở lại tinh thần của quần chúng, những người nhờ đó cũng dần cải thiện khả năng hành động một cách tự do. Và cuối cùng mầm mống này sẽ tác động lên ngay cả những nguyên tắc của chính quyền, để họ thấy rằng sẽ hoàn toàn là có lợi khi đối xử với con người (vốn vượt trên một thực thể máy móc) sao cho tương xứng với phẩm giá của họ.

*************

*Hồi bé dịch cái này, nay nhân đang “tuyên chiến” với Tractatus tự thấy nên đăng lên 🙂

 

Nhật Nam Trần

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

5 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết này của Kant thường được chuyển thế sang tiếng việt là Thế nào là Khai Sáng. Dùng chữ Minh nghe nó lạ quá. Mặc dù về cơ bản thì sáng với Minh nó cũng không khác nhau lắm. 🙂

  2. bạn ở hoàn cảnh nào thì bạn sẽ bị hoàn cảnh đó chi phối bạn.Vấn đề là ta bị chi phối nhiều hay ít và ta có chấp nhận sự chi phối đó không.Ta tìm cách thoát khỏi như thế nào

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI