26 C
Nha Trang
Thứ sáu, 13 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

5 đạo lý từ Áo Nghĩa Thư thế giới ngày nay cần

Kinh Vệ-đà (the Vedas) và Áo Nghĩa Thư (Upanishads) là gì?

áo nghĩa thư

Có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại, kinh Vệ-đà là một tập hợp các giáo lý cổ xưa và toàn diện từ các đạo sư của thời kỳ Vệ-đà. Bản thân kinh Vệ-đà có trước Ấn Độ giáo (Hinduism). Chúng chứa đựng các câu thần chú (mantras), các câu kinh, và các bài học về hệ thống Vệ-đà. Và Áo Nghĩa Thư là một phần quan trọng của hệ thống đó.

Thực tế, chúng chứa đựng một số giáo lý triết học có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Chúng bàn luận đến những vấn đề như thiền định, triết học, trạng thái hiện hữu cao hơn, và bản chất của Tạo Hóa. Nhưng điều hấp dẫn về Upanishads là mặc dù những lời dạy của nó đến nay đã hàng nghìn năm tuổi, chúng vẫn hoàn toàn hợp thời như trước đó. Vì vậy, chúng ta sẽ đi sâu vào Upanishads để bạn thấy được nó là gì và 5 bài học cốt lõi mà ngày nay chúng ta có thể học được từ những ghi chép cổ xưa, huyền bí này:

1. Samsara (Luân hồi)

2. Karma (Nghiệp quả)

3. Dharma (Đạo Pháp)

4. Moksha (Giải thoát)

5. Atman (Chân ngã)

Hãy bắt đầu!

Áo Nghĩa Thư là gì?

áo nghĩa thư

Áo Nghĩa Thư là một tập hợp các ghi chép được viết ở Ấn Độ từ 800–500 TCN. Chúng chứa đựng nhiều giáo lý tâm linh cơ bản nhất mọi thời đại. Rất khó để định nghĩa Upanishads một cách chính xác, một phần là vì nguồn gốc cổ xưa của nó.

Áo Nghĩa Thư có nghĩa là gì?

Trong tiếng Phạn, Upanishads có nghĩa là: “ngồi xuống gần” hoặc “ngồi bên cạnh”. Ý nghĩa này ám chỉ bản chất của những giáo huấn. Tại sao? Bởi vì những bài học trong Áo Nghĩa Thư ban đầu được giảng dạy bởi các nhà hiền triết và đạo sư tâm linh. Những vị thầy này sẽ ngồi chia sẻ trí tuệ và hiểu biết của họ với những môn sinh tận tụy.

Kinh Vệ-đà và Áo Nghĩa Thư là gì?

Kinh Vệ-đà là 4 tài liệu Hindu thiêng liêng được viết cách đây 2500 năm. Chúng bao gồm các câu thần chú (mantras) về nhiều vị thần và giai điệu khác nhau được tụng ca trong các nghi lễ tôn giáo.

Từ Vệ-đà (Veda) có nghĩa là “tri thức”, và người Hindu tin rằng tri thức có thể tìm thấy trong kinh Vệ-đà thì có nguồn gốc thiêng liêng.

Kinh Vệ-đà được chia thành 4 mục:

1. Samhitas – thần chú và cầu khấn (benedictions)

2. Aranyakas – các ghi chép mô tả các biểu tượng và nghi thức liên quan đến tế lễ

3. Brahmanas – các ghi chép viết về các nghi lễ và tế lễ

4. Áo Nghĩa Thư – những thảo luận về tri thức tâm linh và triết học Hindu.

Áo Nghĩa Thư là sự tiếp nối của triết học Vệ-đà. Chúng giải thích chi tiết về cách chân Ngã (Atman) có thể được hợp nhất với chân lý tối thượng (Brahman) thông qua chiêm nghiệm và thiền định.

Ngoài ra, Áo Nghĩa Thư còn giải thích học thuyết về Nhân quả (Karma) – những hệ quả tích lũy từ các hành động của một người.

Có bao nhiêu Áo Nghĩa Thư và chúng là gì?

Chúng ta đã biết rằng Áo Nghĩa Thư là một tập hợp các ghi chép viết về một số giáo lý tâm linh cơ bản được viết từ năm 800-500 TCN. Tổng cộng, có 251 Áo Nghĩa Thư, 108 trong số đó đã được in ấn. Có 18 văn bản chính được coi là được viết bởi Krishna Dwaipayana Vysa – một hóa thân của Đức Krishna và là cha đẻ của tất cả kinh văn Vệ-đà.

Ai đã viết Áo Nghĩa Thư?

Không có riêng một cá nhân nào đảm nhiệm việc viết Áo Nghĩa Thư. Vì có hơn 200 Áo Nghĩa Thư, và nhiệm vụ này gần như là bất khả thi đối với chỉ một người duy nhất. Thay vào đó, Áo Nghĩa Thư được biên soạn bởi một nhóm các nhà thơ, học giả và môn sinh trong suốt nhiều năm. Trên thực tế, một số nhà hiền triết Áo Nghĩa Thư đáng lưu ý được nêu trong các ghi chép là Shwetaketu, Shandilya, Pippalada và Sanat Kumara.

Những giáo lý chính của Áo Nghĩa Thư là gì?

áo nghĩa thư

Những giáo lý chính của Áo Nghĩa Thư còn được gọi là “những giáo lý minh triết”. Chúng đề cập đến một trạng thái sâu hơn và cao hơn của hiện hữu khả dĩ. Tổng cộng, có 4 giáo lý chính trong Áo Nghĩa Thư:

1. Prajnanm Brahma – (Tâm thức là Brahman) Nó tuyên bố rằng tâm thức và trí thông minh đồng nghĩa với Brahman (thực tại tối thượng, căn nguyên của mọi thứ đang tồn tại).

2. Tat Tvam Asi – (Bạn chính là Nó) Dạy chúng ta rằng Thượng Đế và bản thân chúng ta là một và giống nhau.

>>> Tat Tvam Asi: BẠN chính là NÓ — BẠN cũng chính là điều bạn đang tìm kiếm

3. Ayam Atma Brahma – (Chân ngã/Atman là Brahman) Nó đề cập đến tâm thức bên trong. Atman và Brahma thì như nhau. Atman là tâm thức kích hoạt và di chuyển cơ thể bạn, cho phép bạn nhận thức và hành động.

4. Aham Brahma Asmi – (Tôi là Brahman) Brahma tượng trưng cho thực tại, một Thượng Đế tối cao, giáo lý này đề cập đến lời tuyên bố về sự giác ngộ của một người. Có nghĩa là người được khai sáng tuyên bố Chân ngã của mình là Thượng Đế.

Những lời dạy chính này của Áo Nghĩa Thư nhằm giúp chúng ta đạt đến trạng thái hiện hữu cao hơn. Bằng cách nào? Bằng cách giúp chúng ta giải phóng bản thân khỏi sự trói buộc thông qua việc buông bỏ những danh tính của mình và hợp nhất với Thượng Đế.

Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita) có phải là một phần của Áo Nghĩa Thư không?

Không, Chí Tôn Ca không phải là một phần của Áo Nghĩa Thư, nhưng nó là một phần của đại sử thi Mahabharata. Nó kể lại câu chuyện về cuộc đối thoại giữa hoàng tử Arjuna và người chỉ dẫn và đánh xe của anh ta, Krishna.

5 triết lý Áo Nghĩa Thư cốt lõi chúng ta có thể học hỏi ngày nay

Áo Nghĩa Thư thuộc về kinh sách Vệ-đà và là một trong những kinh điển phổ biến nhất và được yêu thích nhất trong hệ thống Vệ-đà. Tại sao? Bởi vì Áo Nghĩa Thư thôi thúc những người tìm kiếm sự Giác Ngộ quay lưng lại với nghi lễ hiến tế và thay vào đó yêu cầu các cá nhân hãy hướng nội. Các bài học trong Áo Nghĩa Thư có giá trị vượt thời gian. Ngày nay chúng vẫn đầy sức mạnh và vẫn hợp thời như hàng ngàn năm trước.

Dưới đây là năm triết lý cốt lõi của Áo Nghĩa Thư mà ngày nay chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều.

1. Samsara (Luân hồi)

Khái niệm samsara rất phổ biến trong Áo Nghĩa Thư. “Samsara” trong tiếng Phạn có nghĩa là “phiêu bạt/lang thang”, là chu kỳ của sự sống. Nó diễn tả sự luân hồi, khái niệm được một số tôn giáo phương Đông sử dụng để nói về việc tái sinh sau khi bạn chết theo chu kỳ nghiệp quả. Bất kể niềm tin cá nhân của bạn là gì, vẫn có những điều quan trọng có thể rút ra từ samsara. Samsara cho chúng ta biết rằng tất cả mọi thứ trong cuộc sống đều luân chuyển. Bánh xe vĩ đại của cuộc sống liên tục quay, và không có gì là ứ đọng:

“Vũ trụ rộng lớn này là một bánh xe, bánh xe của Brahman. Trên nó, vạn vật bị lệ thuộc vào sinh, tử và tái sinh. Nó cứ quay vòng và quay vòng, không bao giờ dừng lại.” — Áo Nghĩa Thư Svetasvatara 1.6-8

Samsara gợi mở rằng năng lượng không thể bị phá hủy hoặc giảm bớt. Nó chỉ đơn giản là chuyển hoá. Và thực sự đó là một góc nhìn khá thi vị về vòng luân hồi sinh tử.

2. Karma (Hành động)

Đây là từ có thể quen thuộc với bạn hơn. Karma, dịch theo nghĩa đen có nghĩa là, “hành động, hoạt động hoặc việc làm”. Nhưng nó cũng nói đến học thuyết tâm linh về nhân quả. Chu kỳ nghiệp quả ngụ ý rằng những gì bạn làm hôm nay sẽ tác động đến cuộc sống của bạn ngày mai.

Và quay lại với khái niệm luân hồi, những gì bạn làm hôm nay cũng sẽ ảnh hưởng đến kiếp sống tiếp theo của bạn. Nguyên tắc nghiệp quả thôi thúc bạn phải suy ngẫm về những điều bạn làm trước khi bạn thực hiện. Bởi mỗi hành động đều có ý nghĩa và những gì bạn làm đều tác động đến cuộc sống của bạn và cuộc sống của những người xung quanh.

3. Dharma (Pháp/Đạo luật phổ quát)

Trong Áo Nghĩa Thư, khái niệm dharma tượng trưng cho trật tự, chân lý và đạo luật phổ quát tối thượng. Dharma là một khái niệm có mặt trong nhiều tín ngưỡng tôn giáo, bao gồm cả Phật giáo, Kỳ Na giáo và Ấn Độ giáo. Nhưng đối với hệ thống Vệ-đà, dharma có một chút khác biệt. Dharma trong Áo Nghĩa Thư diễn tả một chân lý toàn vẹn và hoàn chỉnh không thể bác bỏ.

Đó là giao ước xã hội mà chúng ta có đối với nhau, là đạo luật vô hình chi phối hành động của chúng ta. Dharma khuyến khích chúng ta hoàn thành vai trò của mình trong xã hội bằng hết khả năng của mình, mang trong mình sự tôn trọng, lòng cảm thông và sự can đảm.

4. Moksha (Sự giải thoát)

Trong tiếng Phạn, Moksha có nghĩa là “giải phóng, giác ngộ, giải thoát”. Và nó là một khái niệm đầy sức mạnh trong Áo Nghĩa Thư. Moksha là niết bàn, sự kết thúc tối hậu của khổ đau. Nó diễn tả sự vượt qua mọi dục vọng và khổ đau trần thế, và sự khao khát bình an đích thực và tối thượng.

Đó là lối thoát cuối cùng khỏi vòng luân hồi sinh tử. Đối với chúng ta ngày nay, moksha diễn tả một trạng thái bên trong bản thể. Chúng ta có thể tạo ra địa ngục hoặc thiên đường trong lúc hiện hữu trên trái đất này, và moksha có thể đạt được nếu chúng ta học cách buông bỏ những ràng buộc gắn kết của mình.

5. Atman (Chân ngã)

Atmanchân ngã vượt lên trên danh tính của bản ngã. Đó là bản chất sâu xa nhất của chúng ta. Đó là sự sống bên dưới lớp vỏ bên ngoài; bên dưới lớp quần áo, gia đình, bạn bè, công việc, sở thích, ký ức và trải nghiệm. Bên dưới tất cả những thứ chúng ta đã tự đồng nhất, atman tượng trưng cho một thứ vượt thời gian và không thể chạm tới:

“Mắt không thể nhìn thấy nó; tâm trí không thể nắm bắt nó. Chân ngã bất diệt không có đẳng cấp hay chủng tộc, không có mắt, tai, tay hay chân. Các hiền nhân nói rằng Chân ngã này là vô hạn trong người vĩ đại và kẻ tầm thường, vĩnh cửu và bất biến, là cội nguồn của sự sống.” — Áo Nghĩa Thư Mundaka 1.1.6

Đó là điều mà chúng ta phải cố gắng kết nối và lắng nghe. Bởi vì nó là một thứ vô hình nhưng rất thực. Vậy, một trong những cách tốt nhất để kết nối với chân ngã nội tại này là gì? Thiền chánh niệm. Hãy thử thiền chánh niệm để bản thân bạn có thể tiếp cận chân ngã vượt thoát khỏi bản ngã. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên bởi những gì bạn tìm thấy.

>>> Hướng dẫn cơ bản thiền chánh niệm

Tác giả: Shannon Terrell
Biên dịch: Mithrandir
Hiệu đính: Prana

(Bài dịch đã được đăng trong THĐP Deep Club vào tháng 10/2020)

spot_img
Prana
Prana
"Cái hang bạn sợ bước vào cất giữ kho báu bạn tìm kiếm." — Joseph Campell

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,910Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI