*Feature Image: EUMETSAT
Nhân dịp năm 2013 sắp qua và một trong những điểm nhấn của năm nay về thiên tai không thể không kể đến bão Haiyan suýt ghé thăm khúc ruột Miền Trung và giờ mình ngồi đây để tản mạn tán dóc một chút về em và những điều quanh em ấy.
Thứ nhất, em được báo chí, các cơ quan chức năng ban ngành đánh giá “siêu cấp”, “hủy diệt”,… làm người dân và đặc biệt người miền Trung lo lắng sốt vó (riêng mình trưa hôm đó phải ăn trưa lúc 4h chiều cũng vì em). Chốt lại em rất “đặc biệt” dù chả ai thích em cả.
Thứ hai, nhờ em (và cả mấy bà chị của em trước đây nữa) mà mình thấy được tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam mình, thậm chí cả kiều bào nước ngoài cũng hướng về mảnh đất cằn cỗi miền Trung. Rồi cả việc người dân hỗ trợ nhau chèn chống nhà cửa, bộ đội hỗ trợ nhân dân, các nhà mạng đồng loạt nhắn tin thông báo, nhắc nhở người dân… Em “lạnh” mặc em nhưng lòng người thì vẫn cứ “ấm”. Thế nhưng không vì thế mà không có những mặt trái. Nghe bão người dân tranh nhau đi chợ mua sắm nhu yếu phẩm chuẩn bị bão và ai cũng lo lắng, ai cũng tranh thủ để về nhà đón em Hải Yến (lần đầu tiên thấy có cơn bão được đặt tên tiếng việt). Vì ai cũng vội vàng, tranh thủ nên chụp giật, tranh giành, cãi vã, thậm chí xô xát đã xảy ra.
Con người ta cần học cách bình tĩnh trong mọi tình huống. Chả có gì hay ho khi bạn giành mua được bánh mỳ gối về ăn ngày bão mà miệng lại bị sưng cả. Rồi những người dân nhạy cảm với thời thế nhanh chóng lựa chọn kinh doanh cát trước bão (thời đại kinh tế thị trường, gì chứ có lời thì nên tận dụng tất). Và muôn vàn trường hợp hôi của, hay hệ lụy nhờ em mà ra nữa. Nhưng mình nghĩ nói về em thế là đủ rồi vì mình biết em không có xài facebook (đã search tung nãy giờ mà không thấy facebook của em nên đoán thế).
Quay lại vấn đề hôm này đọc được thắc mắc của một bạn miền Nam thắc mắc rằng “Có ai biết tại sao suốt ngày bão chọn miền Trung để vào, có phải ở đây có nguồn năng lượng gì đó hút bão không?” Riêng mình thì mình vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này nhưng mình lại có một câu hỏi khác. Đó là “AI MANG EM ĐẾN?”
Nói con người mang em đến thì thật hơi quá nhưng ít ra, với cái nhìn thiển cận của mình thì con người dù không trực tiếp sinh em ra nhưng cũng góp chút sức nuôi lớn em. Tại sao ư? Soi lại em Hải Yến, em được mệnh danh là “siêu bão”, “hủy diệt” vậy câu “hậu sinh khả úy” còn đúng với cả bão sao? Rồi tại sao khí hậu ngày càng khắc nghiệt mùa đông thì lạnh buốt giá còn hè thì nóng “làm sao phải mặc”.
Ngay khi nghe tin bão rất là nhiều bạn xót xa, thậm chí đọc báo thấy người chết, tàn khốc đã rơi nước mắt nhưng các bạn đã làm gì? Nếu chỉ xót xa, chỉ lo lắng, chỉ rơi nước mắt hay lên facebook than trời sao ác nghiệt thì thật sự mình thiết nghĩ không cần. Vì chỉ làm thêm đau lòng người trong cuộc và chẳng mang lại lợi ích thiết thực nào cả. Xin mạn phép hỏi có bao nhiêu bạn đã từng trồng một cái cây rồi? (tất nhiên trồng chăm sóc cho nó lớn lên chứ không kể sinh hoạt ngoại khóa trồng theo yêu cầu, nhiệm vụ đâu nhé). Có bao nhiêu bạn từng nghĩ phải bảo vệ môi trường, phải phân loại rác, phải tiết kiệm điện, phải hạn chế khí thải, phải ngăn chặn phá rừng,…
Một câu rất đau lòng nhưng rất thật đó là “Cha chung không ai khóc”. Việc vĩ mô đó là việc của thiên hạ. Nhưng bạn ơi, bạn chính là thiên hạ đấy! Mình không phải nhà nghiên cứu hay bảo vệ môi trường nhưng thật sự mình không muốn năm 70 tuổi mình lại phải trèo lên nóc chèn chống nhà cửa để đón em Hải Én hay Hải Nhạn gì đó “đẹp trai siêu cấp vô địch” cấp 70. Thực tế cho thấy tất cả chỉ là từ ý thức con người mà thôi. Bạn hãy làm những gì bạn cho là đúng. Làm đúng, làm tốt phần của bạn đã là tuyệt lắm rồi. Hãy bỏ suy nghĩ mình tôi làm được gì đi, vì ai cũng nghĩ như bạn thì “Cha” không chỉ chết và còn “Không nhắm mắt nổi”.
Vậy nên thay vì trước bão lo lắng, xót xa trên facebook. Ngày bão đến thì tụ tập nhậu nhẹt, đánh bài. Sau bão thì…ai thèm quan tâm khi em đã “trở về cát bụi”, đâu cần cập nhật facebook về em nữa… thì hãy tìm hiểu một chút về môi trường, về hiệu ứng nhà kính, về cách đơn giản để bảo về môi trường. Để ít nhất khi ta trao nó lại cho con cháu chúng ta thì nó cũng nguyên vẹn như lúc ta nhận được từ cha ông của mình.
Về thái độ, mình nghĩ mình thuộc tuýp người lạc quan nên khi nghe bão, chuẩn bị bão mình vẫn cười đùa như bình thường và thậm chí nhiều bạn chỉ trích mình vô tư không biết lo lắng. Nhưng có lẽ mỗi người có một cách đối mặt với vấn đề khác nhau. Với mình thay vì lo lắng, sầu não thì hãy chuẩn bị thật kỹ. Một khi đã chuẩn bị thật kỹ hết sức rồi thì chuyện gì đến sẽ đến. Thậm chí nên “tận hưởng” đi (vì ít ra cũng được nghỉ làm, nghỉ học, được sống cho bản thân, gia đình mà ko bị chi phối bởi những mối quan hệ râu ria xung quanh mà).
Khi đối mặt với bão nói riêng và các thiên tai, thảm họa từ tự nhiên khác nói chung thì con người ta trở nên thật bé nhỏ (đứng trước thiên nhiên bao giờ con người ta cũng nhỏ bé hơn là họ nghĩ) thế nên tại sao con người không “phòng bệnh thay vì chữa bệnh”. Hãy làm những gì bạn có thể làm, đã đến lúc chúng ta phải có trách nhiệm để bảo vệ ngôi nhà của chính mình!
Zune