30 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Học cách cảm thông (Phần 1)

Khi Abraham Lincoln còn trẻ, ông có thói thích phê phán người khác. Chàng trai Abraham thường xuyên viết những bài thơ chế nhạo những người khó ưa rồi rải ra đường cho bàn dân thiên hạ cùng đọc. Đến khi trở thành luật sư có tiếng, Lincoln rất hay phê phán công khai đối thủ của mình bằng các bài viết đăng trên những tạp chí địa phương. 

Rồi đến một ngày mùa thu nọ, chàng trai trẻ hiếu thắng đã chế giễu một chính khách kiêu ngạo tên là James Shields bằng một bài viết nặc danh. Cả thành phố cười nhạo James. Thế là, James sục sôi căm phẫn, và quyết tâm tìm cho ra kẻ ném đá giấu tay. Khi đã rõ chân tướng, ông phi ngựa đuổi theo và ném găng tay, thách Lincoln đấu kiếm vì danh dự. Lincoln ghét đấu kiếm, thậm chí ông đã từng đấu tranh chống lại hủ tục này, nhưng vì sĩ diện, nên ông buộc phải nhận lời. Lincoln học đấu kiếm cấp tốc từ một người bạn trong 3 ngày. Ông có lợi thế hơn James vì cao lớn và có sải tay dài hơn. Nhưng khi bạn tham gia một trận đấu kiếm với 2 cái đầu nóng bừng, thì hoặc là bạn bị người kia giết, hoặc bạn phải giết anh ta, và cái nào cũng tệ cả. May mắn thay, những người bạn đã kịp thời dừng 2 người lại trước khi chuyện không hay xảy ra. Suýt chút nữa, Lincoln đã phải trả giá cho thói hay phê phán của mình bằng mạng người.

Nhiều năm sau đó, Lincoln vướng vào một rắc rối mà không ai trong chúng ta muốn gặp phải: làm tổng thống Mỹ, trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Ông phải lựa chọn ra những vị tướng để lãnh đạo quân đội của mình. Ơn giời, tất cả các tư lệnh đều từng mắc những sai lầm khủng khiếp khiến Lincoln nhiều lần rơi vào tuyệt vọng. Họ dẫn dắt quân Liên minh đi từ thất bại thảm hại này tới thất bại thảm hại khác. Dân chúng hoảng loạn, hàng ngàn binh sĩ đào ngũ. Ngay cả các thành viên Đảng Cộng hòa trong Thượng viện cũng muốn Lincoln từ chức, và bộ trưởng bộ chiến tranh Edwin Stanton thì còn có lần bảo rằng “Lincoln là một thằng điên”. 

Bất chấp những điều đó, Lincoln không hề chỉ trích bất kỳ ai. Ông không hề phê phán bất kỳ vị tướng nào vì những sai lầm của họ. Một trong những câu ông thường hay nói là: “Chúng ta không nên kết án người khác để chính mình không bị kết án”. Khi có người mách lời lẽ xúc phạm của Stanton đến tai mình, Lincoln chỉ nhẹ nhàng đáp: “Nếu Stanton nói vậy, có lẽ là tôi điên thật, vì ông ấy luôn có lý. Tôi phải gặp ông ấy xem sao”. Khi bà Lincoln và nội các của ông lên án gay gắt người dân miền Nam, Lincoln vẫn thông cảm cho những người bên kia chiến tuyến đã đẩy ông vào cảnh khó khăn: “Đừng chỉ trích họ. Vì có thể, chúng ta cũng sẽ hành xử như thế trong những hoàn cảnh tương tự”. 

Được rồi, đó là Lincoln. Còn nếu là ai khác trong số chúng ta, chắc hẳn các vị tướng, ông bộ trưởng và cả những người dân phía nam sẽ nhận được những lời sỉ vả không ngớt. Nếu họ không may sống trong thời đại mà Facebook đã được phát minh, họ sẽ nhận đủ gạch đá để xây riêng cho mình một tòa lâu đài. Ít ai trong chúng ta rộng lượng được như Lincoln. 

Dạo gần đây tôi nhận ra trong cuộc sống của mình dường như có quá nhiều những lời chỉ trích. Mẹ tôi phê phán bố tôi hút thuốc quá nhiều, bố tôi phê phán tôi quá lười nhác việc nhà, đến lượt tôi phê phán con chó nhà hàng xóm vì cứ sủa ăng ẳng lên giữa ban trưa, bố ai mà ngủ được. Đến khi tôi lên mạng để giải tỏa những bực dọc của mình, thì cả facebook cứ như thể luôn cùng nhau công kích một ai đó. Người ta chỉ trích một cô ca sĩ vì cô ấy nói vài lời chướng tai, người ta lập hẳn group anti một cô giáo nọ kể cả khi cô ấy không làm gì hại cho ai, và người ta chỉ trích các nghị định của chính phủ, dù cho họ chưa chắc đã đọc hết.

Hầu hết chúng ta đều có thói quen thích phê phán và phàn nàn về người khác. Nhưng lời phê phán mang đến những cuộc đấu tay đôi nhiều hơn là sự thoải mái. Chúng nó làm cho bố tôi cãi lại mẹ tôi, tôi cự nự với bố tôi, và con chó nhà bên thì vẫn tiếp tục ăng ẳng giữa trưa. Mấy cô ca sĩ tiếp tục tạo scandal, và những người thích anti cứ hoài phung phí thời gian của mình. Vì tôi là một gã cáu kỉnh và hay thích phán xét người khác, nên hôm nay, tôi muốn tự thử thách mình trong việc tìm ra một con đường đúng đắn hơn. Tôi muốn thách thức bản thân để cảm thông cho người khác, hơn là cứ hoài đi công kích nhau, việc ấy khiến tôi mệt mỏi lắm rồi. 

TẠI SAO TA THÍCH PHÊ PHÁN? 

Việc phê phán người khác mang lại cho chúng ta một cảm giác được gọi là “tâm thế bề trên”. Khi ta phê phán ai đó, thì trong tâm trí mình, ta đang hạ thấp họ và đặt mình ở vị trí cao hơn. Cái cảm giác “thượng đẳng” này khiến ta cảm thấy quyền lực hơn, và vì thế nó mang lại một sự hưng phấn không hề nhẹ. Những anh hùng bàn phím hay chửi bới trên mạng, vì họ muốn có cảm giác mình thượng đẳng hơn so với người khác. Những người thích vung tay phê bình mọi chính sách của chính phủ, là vì họ muốn cái cảm giác mình là một kỳ tài trăm năm khó gặp. Sự phê phán càng nặng nề bao nhiêu, thì sự phấn khích nó mang lại càng lớn bấy nhiêu. Những lời chửi bới, sẽ khiến người ta phấn khích hơn so với những lời phê phán thông thường. Đó là lý do vì sao một số người luôn luôn đặt những từ đờ cờ mờ thằng mờ lờ ở cửa miệng mình.

Chúng ta không chỉ thích cái cảm giác này, ta còn thường dùng nó để che đậy đi cảm giác yếu kém trong bản thân mình. Tất cả chúng ta đều có một khuyết điểm nào đó, nhưng ta đều ghét phải thừa nhận chúng. Nhìn vào những khuyết điểm của mình, khó chịu hệt như nhìn vào một bãi nôn vậy. Và để không phải nhìn vào bản thân, ta thường nhìn về người khác và phán xét những hành vi của họ, nhằm kiếm tìm một chút tâm thế bề trên. Những người càng càng cảm thấy mình yếu kém bao nhiêu, thường lại càng thích chỉ trích người khác nhiều bấy nhiêu. Những người không làm được gì, lại thường thích chê bai tất thảy mọi thứ họ nhìn thấy. Các ông bác thích phê phán chính phủ, thường là vì họ cảm thấy bản thân không được mọi người xung quanh tôn trọng. Mấy bác hàng xóm túm tụm mỉa mai con bé nhà bên đi chơi về khuya, vì họ cảm thấy bức bối với chính cuộc sống của mình. Còn tôi nhận ra tôi hay chê bai ông anh mình sống bừa bộn, trong khi phòng tôi cũng như cái ổ lợn. Khi bạn càng cảm thấy mình nhỏ bé, bạn càng muốn tìm kiếm tâm thế bề trên. Nếu bạn là Lincoln, bạn sẽ chẳng cảm thấy có nhu cầu cần đi chê bai người bất kỳ ai.

Những lời công kích người khác còn có thể gây ra được rất nhiều sự chú ý. Chúng ta có vẻ bẩm sinh bị thu hút bởi chúng, thế nên bạn mới thường dừng xe lại bên đường để xem một đám chửi nhau, hay theo dõi một drama nào đó. Trong thời đại mà truyền thông và mạng xã hội phát triển như hiện nay, những lời công kích người khác lại càng là một công cụ để giúp người ta thu hút sự chú ý về phía mình. Những bài báo về scandal của một người nổi tiếng, những bài đăng bóc phốt một vụ ngoại tình, những comment công kích người khác, và cả mấy cái group anti, luôn thu hút được cả tá người theo dõi. Bởi vì nhiều người thường có xu hướng coi sự chú ý, like và share như một thước đo giá trị của mình, họ càng thích phê phán người khác để gây được nhiều chú ý hơn. Thế nên những group anti sau mỗi scandal cứ thế mọc lên như nấm sau mưa. Đó chẳng là gì hơn ngoài một nơi để những người thích tâm thế bề trên tụ tập với nhau để che đậy những yếu kém của mình. 

CHẤT ĐỘC VÔ HÌNH

Viêc phê phán người khác, mang lại cảm giác dễ chịu giống như dùng ma túy. Và cũng như ma túy, nó khiến ta nghiện ngập và trở thành một người tệ hại lúc nào không hay. 

Thực tế thì khi bạn chỉ trích ai đó, người đầu tiên phải nghe những lời cay độc, người đầu tiên phải chịu đựng sự giận dữ với những đường gân máu nổi lên tím cả mặt, lại chính là bạn. Những lời phê phán cũng chẳng bao giờ mang lại lợi ích, mà nó thường dẫn đến những cuộc đấu tay đôi như Lincoln từng phải đối mặt. Khi bạn công kích người khác, họ chẳng mấy khi thay đổi theo ý bạn, mà họ thường sẽ công kích ngược lại. Một cuộc đấu sẽ xảy ra, và cho dù nó diễn ra dưới hình thức nào, lời nói hay bạo lực, nó cũng sẽ mang lại tổn thương cho cả 2 phía. Nếu những sự công kích diễn ra quá nhiều, nó tất yếu sẽ dẫn đến sự rạn nứt trong các mối quan hệ. Bố ai mà muốn gần gũi với người cứ liên tục làm mình tổn thương cơ chứ? Hãy cẩn thận với thói quen phê phán của bạn, vì những ai càng thích chỉ trích người dưng, thì cũng sẽ càng thích công kích người thân.

Nhưng còn một điều nữa tệ hơn mà tôi nhận ra, đó là ta càng không thông cảm cho người khác, thì ta càng không thể thông cảm cho chính mình. Ai cũng có khuyết điểm cả. Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi, bất an, lo lắng, mặc cảm riêng của mình. Khi ta chỉ nhìn về lỗi lầm của người khác, ta sẽ không thể nhận ra những mặt tối của chính mình. Sự thật là bạn càng ghét điều gì ở người khác, thì bạn càng không thể thừa nhận điều đó trong chính bản thân mình. Người ghét các tôn giáo và tâm linh thì không thể nhận ra họ cũng có những nỗi sợ hãi. Người tham gia vào một hội nhóm anti thì không thể nhận ra họ cũng chứa đựng những sự tự ti. Còn người hay phàn nàn về những rắc rối mà người thân gây ra như tôi, thì cũng không thể thừa nhận rằng lắm lúc tôi cũng phiền toái bỏ mẹ ra. Những lời phê phán ném đi khiến ta không bao giờ nhìn lại khiếm khuyết của mình. Và thế là ta cũng đang tự tước đi cơ hội để mình có thể trở nên tốt hơn. Nếu bạn không biết mình có khuyết điểm, làm sao bạn cải thiện được chúng? Nếu bạn còn chẳng biết là mình đang sai, làm sao bạn trở nên đúng được đây?

NHỮNG ĐIỀU XẤU, LÀ NHỮNG ĐIỀU BÌNH THƯỜNG

Có một vị vua nọ ông luôn phải gặp gỡ những quý tộc xấu xa và xu nịnh ông mỗi ngày chỉ vì quyền lợi. Ông chứng kiến thần dân của mình cười hả hê khi xem những nô lệ chém giết lẫn nhau dưới đấu trường, và rồi lấy ông ra làm trò đùa. Quan lại của ông tạo phản, và thuộc hạ tỏ thái độ phạm thượng với ông. Bản thân ông thì bị bệnh và người vợ của ông thì không chung thủy. Thay vì phê phán và đem chém đầu sạch sành sanh những kẻ phạm thượng như những bạo chúa vẫn hay làm, ông bỏ qua những điều đó và tự nhắc nhở mình trong cuốn nhật ký rằng: “Bắt đầu một ngày mới bằng cách tự nhủ: hôm nay tôi sẽ gặp rất nhiều những kẻ phiền nhiễu, vô ơn, xấc xược, bất trung, ác tâm và ích kỷ. Tất cả bọn họ như thế bởi vì họ không biết cái gì là tốt và cái gì là xấu”. Người đó là Marcus Aurelius, một hoàng đế của La Mã gần 2000 năm trước, và nếu bạn không biết thì, ổng là một triết gia nổi tiếng đấy. 

Cũng như Đức Phật, Aurelius đi đến kết luận rằng, bản chất của con người là vô minh. Con người ít khi phân biệt được điều gì là đúng và điều gì là sai, do đó tất yếu con người sẽ làm những việc xấu mà có khi chính họ không hề nhận ra. Đó có thể là những hành vi rất kinh khủng, như đem con người vào đấu trường và đối xử với họ như thú vật trong khi cười đùa thỏa thích. Bắt con người làm nô lệ hay gây ra những cuộc chiến tranh tàn sát sinh mạng của hàng triệu người vô tội chỉ vì những đồng dollar. Hay chỉ đơn giản là, thói mê tín và thích cầu khẩn trước mấy bức tượng gỗ, hoặc nói ra những lời không mấy dễ nghe. Những điều xấu, là một phần của mỗi con người. Có bao giờ tồn tại một ai không làm điều gì xấu? Do đó những việc xấu là một phần của thế giới này. Trong suốt lịch sử của mình cho đến tận ngày nay, con người vẫn luôn gây ra những điều xấu. Có bao giờ tồn tại một Utopia nơi không có gì xấu xa đâu? 

Vì thế, ta phải thừa nhận rằng những điều không hay, những thứ nghịch lòng trái ý, những người xấu xa ích kỷ là “SỰ THƯỜNG” ở đời. Sự thường không có nghĩa những điều đó không gây hại, mà có nghĩa chúng là những điều hiển nhiên và luôn luôn xảy ra. Người khác tất yếu sẽ làm ra những việc mà ta không vừa ý, cũng như loài chó tất yếu sẽ sủa gâu gâu. Đó chỉ đơn giản là luật của tự nhiên. Bản thân chúng ta cũng vậy. Bạn có chắc là mình không hề làm điều gì khiến người khác tức điên bao giờ không? 

Chúng ta muốn phê phán một điều gì đó, vì ta thấy điều đó là phiền toái và không bình thường. Nhưng những điều phiền toái, thực ra lại là điều bình thường. Chúng vẫn luôn xảy ra. Và vì những điều xấu là những điều hiển nhiên sẽ xảy ra, nếu ta lúc nào cũng muốn phê phán hết thảy điều xấu và người xấu mà ta thấy trong đời, đó sẽ chỉ là một hành trình vô tận trong việc mang thêm những cảm xúc tiêu cực vào lòng mình mà rồi chẳng đi đến đâu. Việc đả kích thói xấu cũng như ném đá vào mỗi chú chó sủa lên khi thấy bạn đi qua, có được lợi gì khi làm thế, ngoài việc nó sẽ sủa to hơn hoặc rượt theo cắn bạn? Và nếu bạn cứ bận tâm mà dừng chân vì mỗi tiếng chó sủa, bạn sẽ đi được đến đâu cơ chứ?

Sự thật rằng những điều phiền toái là sự thường ở đời, có lẽ rất khó để chấp nhận. Nhưng đó là bước đầu tiên để ta có thể học cách cảm thông cho người khác.

CẢM THÔNG THAY VÌ PHÊ PHÁN

Được rồi, tôi biết những điều xấu là sự thường, nhưng làm thế nào tôi dừng việc phê phán lại được, khi cứ nhìn thấy mấy con ca sĩ nửa mùa và bọn cắm sừng người yêu là tôi sôi hết cả tiết lên rồi?

Câu trả lời là cảm thông. Đó là cách mà Lincoln và Aurelius đã làm. Cảm thông có nghĩa là lựa chọn không để những sự kiện tiêu cực trong đời ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận về một ai đó hay một người nào đó. Cảm thông là chọn lựa thấu hiểu những động cơ cảm xúc ẩn sau những người làm điều không hay, thay vì phê phán họ. Đó là cách mà các bậc vĩ nhân thường làm với những điều không vừa lòng xảy ra trước mắt họ. Lincoln không chỉ trích các tướng, ông bộ trưởng và người dân miền nam, ông chọn lựa cư xử một cách ôn hòa và tìm hiểu xem điều gì khiến họ làm như vậy. Một câu nói rất nổi tiếng của ông đó là: “Nếu bạn ghét ai đó, bạn nên tìm hiểu kỹ hơn về anh ta”. 

Cảm thông không có nghĩa là bạn phải cho rằng những hành vi xấu là đúng đắn. Cảm thông chỉ đơn giản là không để những cảm xúc tiêu cực từ hành vi của người khác chi phối bản thân mình. Điều ấy không có nghĩa là bạn phải vào hùa với những điều xấu. Lincoln không hề cho rằng hành vi của các tướng lĩnh là tốt đẹp, nhưng ông không để sự khó chịu khiến mình chỉ trích các tướng. Việc cảm thông, cần phải đi kèm với những ranh giới rõ ràng. Bạn có thể cảm thông với thằng bạn đã bùng tiền của bạn vì bạn thấu hắn cũng đang gặp khó khăn, nhưng bạn không nhất thiết phải tiếp tục cho hắn vay tiền, hay thậm chí nhìn mặt hắn nếu bạn không muốn. Dù bạn cảm thông, bạn vẫn cần phải có một ranh giới rõ ràng cho hắn, kiểu như “bước qua xác tao nếu mày muốn động vào Bác Hồ của tao một lần nữa”.

Việc cảm thông cho người khác mang lại cả tá những lợi ích khác nhau. Đầu tiên, nó giúp ta buông bỏ được những cảm xúc tiêu cực chất chứa trong lòng về những rắc rối cứ xảy ra liên tiếp trong đời. Thứ hai, nó mang lại sự gắn kết và cải thiện mối quan hệ của bạn. Theo bạn thì những vị tướng kia và ông bộ trưởng Stanton sẽ yêu quý Lincoln đến nhường nào khi ông thông cảm cho họ? Khi nhìn thi thể Lincoln bị sát hại trong căn phòng của một nhà trọ bình dân, Stanton đã thốt lên rằng: “Đây là nhà lãnh đạo tốt nhất của thế giới tự cổ chí kim”. 

Khi bạn thông cảm cho người khác, bạn cũng sẽ có thể thông cảm cho chính bản thân mình. Nếu tôi có thể hiểu cho những người mê tín rằng: họ hành động như thế là vì sợ hãi những điều không may xảy đến trong đời, và mình cũng có đầy những lúc sợ những điều tầm phào đấy thôi. Tôi sẽ có thể dễ dàng thừa nhận rằng mình cũng có những nỗi sợ, và điều đó sẽ giúp cho tôi có thể trở nên ít sợ hãi hơn một chút. Chỉ khi ta có thể nhìn vào bản thân mình, ta mới có thể trở nên tiến bộ hơn. Và ta chỉ có thể làm vậy, khi ta tạm ngưng việc nhìn về phía người khác.

Nhưng phải nói là việc thông cảm cho người khác, nói thì dễ hơn làm. Vì đó là câu chuyện liên quan đến cảm xúc. Có những chuyện mà chỉ nhìn thôi đã làm bạn sôi hết cả tiết lên rồi. Con chó nhà bên vẫn sủa váng cả lên khi tôi viết bài này và tôi vẫn cảm thấy muốn chửi nó. Vậy nên trong phần 2 của bài viết này, tôi sẽ trình bày một chiến lược giúp bạn có thể thực hành việc cảm thông với người khác một cách cụ thể, từng bước một. Nó sẽ được đăng tải trong vài ngày tới, vì giờ tôi cần phải sang bên cạnh để phàn nàn về con chó kia, hãy thông cảm cho tôi nhé. 

Tác giả: Vũ Đức Huy

Biên tập: THĐP

Photo: Chewy | Unsplash

NẾU BẠN THÍCH BÀI VIẾT NÀY, GHÉ THĂM BLOG CỦA MÌNH TẠI: fb.com/cahoileothac


💪 [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục tất cả nội dung Aloha volume 1-27 ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI