(Bài viết là một comment rất dài của username lamhoangau trên trang viethungpham.com – Không nhất thiết phải có cùng quan điểm với THĐP)
Darwin cũng như Stepen Hawking – đều là những người theo chủ nghĩa Duy Vật Phụ thuộc mô hình, theo đó mô hình là những thứ hoàn toàn chỉ có trong trí óc con người , và người ta dựa vào những quan sát trong thực tế để kiểm nghiệm lại mô hình đó. Và do đó, không có một mô hình nào gọi là duy nhất mà mang tính đầy đủ và không mâu thuẫn cả. Thuyết tiến hóa của Darwin có đúng nhưng chỉ trong một phạm vi, môi trường tiến hóa của những sinh vật đơn giản và ta có thể quan sát được quá trình tiến này bằng mắt thường, nhưng nếu xem nó như là một thuyết duy nhất, chính xác, để giải thích toàn bộ sự sống trên hành tinh này và đặc biệt là sự phức tạp đến mức kỳ diệu của con người thì đúng là ngây thơ và ấu trĩ.
Ta hãy xem Hawking kết hợp thuyết của Darwin sẽ đưa con người tiếp tục tiến hóa đến đâu? Tức là con người khi tiếp tục tiến hóa nữa thì sẽ thành con gì? (Hawking là người theo chủ nghĩa Darwinism, ông xem thuyết tiến hóa là cơ chế duy nhất giải thích sự sống trên quả đất này.) Trước tiên ta hãy điểm sơ lược qua về lý thuyết của Darwin:
Nếu tôi có ba con bò sữa, nhưng chỉ có đủ cỏ để nuôi hai con. Tôi sẽ làm gì? Đương nhiên tôi sẽ giết thịt một con, và đương nhiên là tôi sẽ giết con ít sữa nhất. Điều đó rất hợp lý. Vâng, đó là điều mà hàng nghìn năm nay con người đã làm.
Tiếp tục, giả sử tôi muốn một trong hai con bò đẻ con, tôi sẽ chọn con nào? Đương nhiên tôi sẽ chọn con nào có nhiều sữa nhất vì nó sẽ dễ nuôi con hơn và con nó có thể sau này cũng sẽ cho nhiều sữa, điều này rất hợp lý.
Tiếp tục, giả sử tôi có hai con chó săn, nhưng tôi phải bỏ một trong hai con, tôi sẽ giữ lại con nào? Dĩ nhiên là con nào giỏi săn mồi hơn sẽ được giữ lại.
Đấy chính là cách mà con người đã gây giống vật nuôi trong hơn mười nghìn năm qua. Những người nhân giống đã thực hiện một sự chọn lọc nhân tạo để bây giờ gà có thể đẻ trăm trứng một tuần, ngựa đã có thể chạy nhanh và mạnh mẽ hơn, cừu đã cho nhiều len hơn.
Darwin chỉ ra rằng không có hai con bò, hai con chó, hai con cừu nào là hoàn toàn giống nhau. Vậy là Darwin đã tự hỏi: Liệu trong thiên nhiên có cơ chế tương tự nào như vậy để thực hiện quá trình chọn lọc của mình?
Darwin vẫn chưa hình dung được sự chọn lọc đó xảy ra như thế nào. Trong cơ chế chọn lọc nhân tạo thì có thể thấy được chính con người thực hiện quá trình đó, nhưng trong tự nhiên thì Darwin vẫn đang mơ hồ về cơ chế này.
Cho đến khi ông đọc được một cuốn sách nhỏ của Thomas Malthus, một chuyên gia về dân số đã chỉ ra rằng: “Nếu không có những yếu tố hạn chế trong thiên nhiên thì một loài thực vật hoặc động vật duy nhất sẽ phát triển tràn ngập toàn bộ địa cầu. Nhưng vì có nhiều loài, nên chúng kìm giữ nhau trong trạng thái cân bằng sinh thái.” Ông tin rằng một số lớn sẽ phải chết trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Do đó số sống sót để trưởng thành và duy trì nòi giống sẽ là những ai tỏ ra trội hơn trong cuộc đấu tranh sinh tồn.
*Ảnh: alainjacq235
Và đây là cơ chế mà Darwin đang tìm kiếm trong thiên nhiên. Chính là lời giải thích về sự tiến hóa sẽ xảy ra như thế nào. Đó là sự chọn lọc tự nhiên trong sự đấu tranh sinh tồn để cuối cùng hệ sinh thái sẽ được cân bằng.
Một cặp cá thể cha mẹ không bao giờ cho ra hai đứa con giống hệt nhau, luôn có một chút khác biệt. Hơn nữa, có những loài động vật và thực vật sinh sản bằng cách này chồi hoặc phân bào đơn giản.
Về căn bản, mọi sự sống và sự sinh sản là quá trình phân chia tế bào. Khi một tế bào phân đôi, hai tế bào giống hệt được tạo ra với các yếu tố di truyền y hệt tế bào ban đầu. Như vậy, ta nói rằng, khi phân bào, một tế bào sao chép chính mình.
Đôi khi những lỗi cực nhỏ xảy ra trong quá trình phân bào, do đó tế bào thu được sau khi sao chép không hoàn toàn giống tế bào mẹ. Theo thuật ngữ hiện đại, đây là một sự đột biến. Những đột biến có thể dẫn tới những thay đổi thể hiện trong hành vi cá thể. Trong thực tế, nhiều căn bệnh có nguyên nhân từ sự đột biến. Nhưng đôi khi đột biến có thể đem lại co cá thể một tính trạng tốt hơn bình thường, cần thiết để tự vệ trong cuộc đấu tranh sinh tồn.
Ví dụ như một cái cổ dài hơn, và cái cổ này lại thích hợp để ăn lá cây ở trên cao khi mà lá cây ở dưới thấp đã không còn nhiều, đây là một lợi thế sống sót.
Một ví dụ về sự can thiệp của con người vào môi trường tự nhiên, quá trình đột biến và chọn lọc tự nhiên lập tức sẽ xảy ra và có thể quan sát được. Ví dụ người ta cố tiêu diệt sâu phá hoại bằng các loại thuốc trừ sâu. Ban đầu điều này cho kết quả tuyệt vời. Nhưng khi phun thuốc trừ sâu lên một cánh đồng, thực chất là ta đã gây ra một thảm họa môi trường đối với những con sâu bọ mà ta muốn diệt. Do những đột biến liên tục, một loại sâu bệnh mới có sức đề kháng với loại thuốc trừ sâu đó sẽ phát triển. Giờ thì những kẻ chiến thắng đó mặc sức hoành hành. Vậy là cuộc chiến chống sâu bệnh lại càng khó khăn hơn, mà lý do lại chính là sự cố gắng diệt trừ chúng của con người. Rõ ràng, những biến thể có sức đề kháng tốt nhất là những cá thể sống sót.
Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ, còn một chuyện khác đáng suy nghĩ hơn. Ta cũng đang cố gắng chống lại những con vi khuẩn ăn bám trên cơ thể ta. Ta dùng penicillin hay các loại thuốc kháng sinh, và penicillin cũng là một loại thảm họa môi trường đối với những con vi khuẩn ăn bám này, ta đang làm cho một số con vi khuẩn có khả năng đề kháng, và do đó tạo ra một nhóm vi khuẩn mới khó chống lại hơn trước. Ta phải sử dụng loại thuốc kháng sinh mạnh hơn, mạnh hơn nữa, cho đến khi….có lẽ chúng sẽ chui ra từ miệng ta.
Rõ ràng sự tác động của con người vào tự nhiên đã tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan rất nghiêm trọng, những con vi khuẩn càng trở nên hiểm độc hơn. Thời xưa, có nhiều trẻ em chết vì nhiều loại bệnh tật. Đôi khỉ chỉ một số ít sống sót, nhưng đó là những đứa rất khỏe mạnh và miễn nhiễm. Còn ngày nay, theo một nghĩa nào đó, sự chọn lọc tự nhiên đã bị miễn nhiễm bởi y học hiện đại. Về lâu dài, cái đã giúp cá thể qua khỏi căn bệnh nặng có thể góp phần làm yếu đi sức đề kháng của cả loài người đối với một số căn bệnh nhất định. Tiềm năng đề kháng của con người càng ngày sẽ càng yếu đi, hay nói cách khác, loài người đang bị suy thoái đi về mặt thể chất, càng lúc càng trở nên yếu ớt trong khi dân số thì càng lúc càng tăng.
*Ảnh: skeeze
Trong khi y học đang đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan như vậy, khoa học kỹ thuật lại phát triển như vũ bão kéo theo một loạt các hệ lụy về thiên tai, môi trường, đạo đức băng hoại… Việc đặt con người lên vị trí cao nhất có thể sẽ dẫn đến sự hủy diệt cả quả đất này.
Trong 200 năm qua dân số phát triển theo hàm mũ, cứ 40 năm dân số lại tăng gấp đôi, các số đo khác về khoa học công nghệ và mức tiêu thụ điện cũng tăng theo hàm mũ nhưng nhanh hơn. Nếu như mọi thứ cứ tiếp tục tăng nhanh như hiện nay thì chỉ khoảng 600 năm nữa chúng ta sẽ không còn đất để mà nằm, mọi người đều phải đứng san sát, chen lấn nhau như trong một cuộc biểu tình vậy, và mức tiêu thụ điện lúc đó sẽ làm cho trái đất trông như một quả cầu lửa đỏ rực.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra? Có thể chưa đến lúc đó loài người đã tự hủy diệt mình bởi những cuộc chiến tranh hạt nhân, hay thiên tai do sự mất cân bằng sinh thái, hoặc môi trường sống đã xuống cấp đến mức hàng loạt dịch bệnh xảy ra với cơ thể yếu ớt của con người đã không còn khả năng đề kháng sẽ giết chết toàn bộ nhân loại này. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì khi văn minh con người phát triển đến mức đó thì nó sẽ không ổn định và tự hủy diệt, cũng giống như trong vật lý có một câu phát biểu là “mọi vật đều có xu hướng trở về mức năng lượng thấp hơn” – Vật ở trên cao (thế năng cao) sẽ không ổn định và có xu hướng sẽ rơi xuống (thế năng thấp) để trở về mức năng lượng thấp hơn. Hay nói theo lý thuyết hỗn độn là mọi vật sẽ có xu hướng kém trật tự hơn.
Đứng trước tình hình này một nhà khoa học như Hawking sẽ nghĩ như thế nào? Và giải pháp của ông ta đề xuất sẽ như thế nào? Chúng ta hãy xem, khá là rùng rợn. (Những ý tưởng này trong quyển The universe in a Nutshell của ông.)
Thay vì dừng lại và suy nghĩ, thì Hawking tiếp tục chọn con đường phóng lao là phải theo lao, đã trên thế cưỡi hổ rồi là chơi tới cùng, ông chọn con đường tiếp tục tiến hóa cho con người theo thuyết của Darwin để thích nghi với môi trường sống.
Ông thấy bằng cách nào đó, loài người cần hoàn thiện các năng lực trí tuệ và thể chất nếu phải đối phó với một thế giới xung quanh ngày càng phức tạp, và phải đáp ứng với những thách thức mới như du hành vũ trụ để tìm kiếm hành tinh phù hợp cho con người sinh sống trong tương lai. Con người cũng cần tăng độ phức tạp của bản thân nếu muốn giữ cho hệ sinh học luôn đi trước các hệ điện tử.
Trước một thế giới ngày càng phức tạp như vậy mà quá trình tiến hóa sinh học của con người để thích nghi môi trường lại quá chậm chạp (hoặc là chẳng có tiến hóa nào cả), chuỗi ADN của con người trong 10.000 năm qua không thấy có sự thay đổi nào. Với tình hình như vậy thì trước khi con người kịp đột biến được gì thì đã bị diệt vong toàn bộ. Hawking đề nghị chúng ta phải can thiệp vào quá trình tiến hóa sinh học chậm chạp này bằng quá trình tiến hóa nhân tạo. Ông thấy trí tuệ, sự hiểu biết của con người là chìa khóa của sự tồn tại của họ, hiện nay con người vẫn còn hiểu biết quá ít, bằng cách nào đó nếu có thể tạo ra những con người có bộ não thông minh, siêu việt thì lúc đó con người có thể quay ngược, thiết kế lại bản thân mình để thích nghi được với môi trường sống. (Hiểu theo một cách nào đó ông muốn trở thành Chúa Trời.)
Về mặt sinh học, Hawking cho rằng giới hạn thông minh của loài người cho đến bây giờ vẫn được quyết định bởi kích thước của bộ não gói gọn bên trong một hộp sọ nhỏ bé có thể chui lọt lòng mẹ. Nhìn những đứa trẻ mới sinh ta thấy chúng phải khó khăn như thế nào để cái đầu nhỏ bé mới nhô ra được. Ông đề xuất phá bỏ giới hạn này trong 100 năm nữa bằng việc sinh sản những đứa trẻ bên ngoài cơ thể người, việc nuôi dưỡng những phôi thai bên ngoài cơ thể người sẽ cho phép con người có bộ não lớn hơn và thông minh hơn.
Tuy nhiên việc tăng kích thước não người bằng kỹ thuật di truyền cũng sẽ gặp vấn đề khó khăn là các chất hóa học truyền thông tin chịu trách nhiệm về hoạt động tinh thần lại chuyển động tương đối chậm. Nghĩa là, việc tăng hơn nữa độ phức tạp của bộ não sẽ bù lại bằng việc giảm tốc độ. Chúng ta hoặc sẽ nhanh trí, hoặc sẽ rất thông minh nhưng không thể cả hai.
Các mạch điện tử cũng gặp vấn đề y như bộ não người, tức là độ phức tạp tăng nhưng tốc độ cũng sẽ giảm, nhưng trong trường hợp này các tín hiệu là điện chuyển động với tốc độ ánh sáng nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ các phân tử hóa học.
*Ảnh: geralt
Một cách khác để tăng độ phức tạp cho bộ não mà vẫn duy trì được tốc độ là các mạch điện tử sẽ sao chép bộ não người. Tức bộ não người bây giờ sẽ là giao diện sinh học-điện tử, trong đó con người vừa thông minh, vừa sáng tạo mà vừa tính toán nhanh như một cái máy tính. Các nơtron được cấy ghép sẽ làm tăng trí nhớ và dung lượng thông tin trọn gói, bây giờ con người có thể nhớ nội dung cả một cuốn sách chỉ với một lần đọc qua hoặc sẽ nắm bắt được đầy đủ một ngôn ngữ chỉ sau vài phút học. Hay nói cách khác, bộ não bấy giờ sẽ là bộ não siêu việt.
Với bộ não siêu việt như vậy, con người lúc đó sẽ quay trở lại thiết kế lại chuỗi phân ADN của chính bản thân mình mà không cần đến quá trình tiến hóa sinh học chậm chạp. Các đột biến ADN làm cho con người có thể thích nghi hoặc sống thoải mái với môi trường đầy tia X, môi trường chất độc hoặc có thể sống trong bóng đêm mà không cần ánh sáng…
Một loài người mới sẽ được chính con người thiết kế lại và những vấn đề đạo đức mới sẽ được đặt ra. Một viễn cảnh khá rùng rợn cho nhân loại. (Nhưng Hawking xem đây sẽ là quá trình tất yếu và bình thường.) Cá nhân tôi không xem đây là tiến hóa mà là thoái hóa của loài người.
Cuối cùng, đối với tôi thuyết Darwin có đúng, nhưng chỉ trong những môi trường tiến hóa nhất định những sinh vật với bộ não đơn giản hơn nhiều so với con người, không thể áp dụng cho toàn bộ sự sống trên hành tinh này như là một lý thuyết tối hậu về sự sống được, đặc biệt là con người với sự phức tạp kỳ diệu như thế. Điều này cũng giống như cơ học Newton chỉ áp dụng được cho những quy luật thường ngày, những vật vĩ mô và chuyển động chậm hơn nhiều so với ánh sáng. Khi vật chuyển động với vận tốc gần ánh sáng phải dùng thuyết của Einstein, và đối với thế giới vi mô lại phải dùng thuyết lượng tử vậy. Và giả sử tiến hóa có xảy ra như những người Darwinism tin tưởng, thì cũng dễ thấy rằng quá trình tiến hóa này diễn ra có định hướng. Suốt dọc thời gian, các loài động vật đã tiến hóa về phía các hệ thồng thần kinh ngày càng phức tạp để cuối cùng hoàn thiện đến mức có thể nhận thức được bản thân và sự tồn tại của mình, hàng đêm nhìn lên bầu trời để tìm kiếm lại nguồn gốc của mình. Cá nhân tôi không nghĩ rằng chuyện đó chỉ là ngẫu nhiên.
Sẽ là ấu trĩ và vô đạo đức nếu như xem Thuyết tiến hóa như là lý thuyết tối hậu về sự sống, và ép buộc con người phải tiến hóa theo thuyết này, nếu không tiến hóa được thì cũng phải ép cho nó tiến hóa như những ý tưởng lệch lạc của Hawking bên trên. Nếu ta tìm hiểu thêm, Hawking còn vẽ ra một viễn cảnh trường sinh bất tử cho con người nữa kìa.
Bản thân tôi cũng rất nể phục trí thông minh của Stephen Hawking (nhưng đối với tôi ông đã có sự nhầm lẫn), nếu ai có xem qua các sách của ông đã xuất bản đều thấy rằng ông có một niềm tin sâu sắc vào sự không tồn tại một Đức Chúa Trời, chính điều này làm cho tôi cố tìm hiểu ông. Không như những nhà bác học tiền bối như Đề các, Newton… – những người không thấy có sự mâu thuẫn giữa tôn giáo và khoa học, những khám phá khoa học mới đều làm sáng danh cho sự tồn tại một Thiên Chúa. Stephen Hawking không tin Thiên Chúa. Theo tôi, điều này là do một cú sốc tâm lý quá nặng ảnh hưởng đến ông thời còn trẻ, vào năm 21 tuổi, khi tuổi trẻ đang tràn trề sức sống, sắp sửa kết hôn, tương lai sáng lạng thì tại họa bỗng ập xuống đầu khi bác sỹ thông báo ông bị một chứng bệnh nan y và chỉ sống được khoảng 3 năm nữa.
Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí ông ta để cảm nhận nó như thế nào? Bầu trời sụp đổ, mọi niềm tin đều sẽ mất hết, nếu Thiên Chúa tồn tại, sao lại giáng tai họa này xuống đầu ông? Điều này quá bất công, ông thật sự đã suy sụp toàn bộ, nhưng khi nhìn thấy một đứa trẻ trong bệnh viện đang chống chọi với căn bệnh ung thư máu, ông cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều, và nghị lực của ông đã chiến thắng bệnh tật, ông nghĩ rằng chẳng có Thiên Chúa nào giúp ông mà chỉ có ý chí của ông giúp vượt qua vực thẳm. Cá nhân tôi xem đây là lúc ông nhầm lẫn.
Nếu như Hawking có đọc Kinh Thánh hẳn ông sẽ hiểu trường hợp của mình cũng đã được chúa Jesus nhắc đến. Trong Kinh Thánh chúa Jesus đã nhiều lần làm phép lạ chữa khỏi nhiều bệnh, và mỗi khi chữa lành bệnh, Chúa không bao giờ khẳng định là mình chữa bệnh, những lần đó Chúa đều nói một câu rất rõ ràng “CHÍNH NIỀM TIN CỦA ANH ĐÃ CỨU LẤY ANH.” (Đây chính là phép lạ mà chúa đã ban cho con người.) Đây cũng chính là phép lạ trong Y học, khi mà mọi thứ ở trần gian nãy đã bó tay thì chỉ có Niềm tin mãnh liệt chiến thắng bệnh tật, nghị lực vượt qua vực thẳm của chính bệnh bệnh nhân là cứu sống được bệnh nhân.
*Ảnh: geralt
Stephen Hawking cũng giống như một người con hoang đàng bị thất lạc trong Kinh Thánh nhắc đến, người cha luôn ngày đêm mong chờ đứa con sẽ quay trở về, lúc đó sẽ là tin mừng, là niềm vui tràn ngập. Nếu ai là là những người tín hữu công giáo chân chính, hãy cùng nhau cầu nguyện cho ông ấy mau tỉnh ngộ, nhận ra được Thiên Chúa là chân của sự sống, là người cha luôn dang rộng vòng tay chờ đợi đứa con quay về. Và cá nhân tôi cũng có một niềm tin sâu sắc rằng chẳng bao lâu nữa Stephen Hawking sẽ giác ngộ được.
Có một câu hỏi cũng là lý do mà những người vô thần không tin Thiên Chúa hay hỏi đó là: “Nếu Thiên Chúa là đấng toàn năng và bác ái tồn tại, thế thì tại sao thế gian này lại có quá nhiều điều ác, có quá nhiều sự bất hạnh và bất công xảy ra ở khắp nơi ?” và do đó họ khẳng định “Không có Thiên Chúa.”
Trước khi trả lời tôi xin hỏi lại một câu “Có bao giờ bạn xem một quyển tiểu thuyết, một bộ phim trong đó tác giả xây dựng nhiều lớp nhân vật, một xã hội trong tiểu thuyết cũng lắm bất công, lắm cái ác, lắm bất hạnh, lắm âm mưu và thủ đoạn đến mức người đọc cũng phải đồng cảm rung động và rớt nước mắt chưa? Tôi chắc hẳn chúng ta ai cũng đã ít nhất một lần như vậy. Nhưng khi kết thúc, xếp sách lại mọi thứ lại được phơi bày ra chỉ là hư cấu.
Có ai đã từng thấy trong tiểu thuyết, nhân vật lại trách ngược lại tác giả, tại sao để tôi bất hạnh thế này, lại để lắm bất công xảy ra cho tôi như vậy chưa? Đương nhiên là không, vì tất cả chỉ là hư cấu, tác giả muốn viết như thế nào thì viết, tùy ý theo định hướng và mục đích của tác giả hoặc đạo diễn.
Cuộc đời này cũng vậy, nếu chỉ gói gọn trong bốn chữ Sinh, Lão, Bệnh, Tử rồi kết thúc thì lắm bất công ở cuộc đời này rồi sẽ đi đâu? Làm sao chúng ta biết chắc rằng mình không phải chỉ là ý tưởng, ý niệm hay chỉ là những nhân vật hư cấu của ai đó?
Nên nhớ về mặt triết học thực chứng, không thể chứng minh cuộc đời này là thật hay là ảo (tức là xác suất cuộc đời này là thật và ảo là như nhau), cũng như không thể chứng minh được cuộc sống trong giấc mơ và cuộc sống trong đời thực cái nào thực hơn.
Có thể những câu khẳng định của những người vô thần bây giờ đã trở thành những câu nghi vấn, nhưng những câu nghi vấn này đối những nhà thần học từ lâu đã được giải quyết bằng sự thấu hiểu và giác ngộ, bằng sự soi sáng của Chúa Thánh Linh. Hãy tin tưởng vào cuộc sống đời sau vì kiếp này chỉ vài lần chớp mắt, khi quay lại thì đời mình đã xanh rêu, chỉ là ảo ảnh.
Tác giả: lamhoangau
*Featured Image: typographyimages