Hiện nay chúng ta gặp nhan nhản những người thầy người cô luôn rao giảng về những câu nói hay, những câu ca dao, tục ngữ khuyên răn con người phải sống thế này thế kia mới là tốt. Trên giảng đường đầy trang nghiêm, học trò và thầy cô luôn lắng nghe, trao đổi với nhau về những quan điểm và lời khuyên của những người nổi tiếng hoặc thế hệ đi trước. Dưới ghế học sinh, chúng chăm chú nghe giảng và làm theo công thức một đoạn văn ca ngợi câu nói ấy như thể chúng thật sự tâm đắc nhưng thật ra cả cô và trò đều hiểu đó chỉ là một cách đối phó với thi cử, nhà trường và giáo dục.
Vậy giáo dục là gì mà tất cả những nhà giáo dục đã quên hoặc cố tình quên luôn nghĩa gốc của nó? Nếu phân tích từng từ sẽ thấy “giáo” chính là dạy dỗ, dạy bảo còn “dục” là nuôi dưỡng. Giáo dục là dạy dỗ gây nuôi đủ cả “trí dục, đức dục và thể dục” chứ không phải là xiềng xích trí tuệ, là những đạo đức giả tạo.
Càng ngày chúng lại càng giống như những bộ máy được đưa thông tin đã lắp ráp sẵn vào một con chip và chỉ cần nhồi vào đầu là hoàn thành công việc. Tất cả những điều ấy là do ai? Có phải do chính những thầy cô không dám buông bỏ xiềng xích, chạy ra khỏi vùng an toàn, chối bỏ những tờ giấy khen lừa dối, những thành tích giả tạo.
Họ luôn nói về ông cha ta ngày xưa đã dạy như thế nào. Họ rao giảng những điều hay lẽ phải nhưng ngay chính trong thâm tâm người nói và người nghe đều không nghĩ vậy. Họ miệt mài ghi chép, lắng nghe nhưng chẳng bao giờ hành động. Lấy ví dụ như ở trường vừa học trên bảng câu “Sống là để yêu thương”. Ta ca ngợi hết lòng câu nói vô cùng đơn giản nhưng không kém phần sâu sắc. Nhưng rồi về đến nhà, ta chán ghét bố mẹ, cãi lời ông bà và ganh tỵ em nhỏ.
Chúng ta luôn muốn lan truyền những thông điệp đẹp đẽ hoa mỹ nhưng chẳng bao giờ muốn mạnh dạn hành động. Chúng ta tỏ ra hiểu biết vấn đề, biết chút chút kiến thức phổ thông rồi ngồi chém gió chứ không hề tự đi sâu vào kiến thức mà bới tung nó ra để tìm hiểu.
Tôi xin trích một đoạn của Friedrich Nietzsche:
“Tất cả xã hội tiến bộ, ở bất cứ thời nào, miệt mài đem lại kết quả gì? Những mẫu mực sáng ngời đó, những nỗi ưu tư đạo đức đó đã không còn nữa, sự thực là hiện nay chúng ta sống nhờ vào vốn liếng đạo đức do ông cha ta để lại và chúng ta chỉ biết phân tán nó chứ không làm tăng thêm mảy may nào, chúng là những điều ta không nói lên được ở hội sống hiện tại, hay chỉ nói bằng vụng về, bằng kinh nghiệm non nớt của một thứ chủ nghĩa duy vật chẳng gợi nên được gì hơn là chán ghét, là không ưa.”
Ôi tôi không thể ngờ rằng một triết học gia thế kỷ 19 đã có thể nhìn thấu những ngày tôi ở lớp học uể oải, ngáp ngắn dài với câu “Ông cha ta ngày xưa đã nói…” của cô giáo. Vậy mà, đã hai thế kỷ nay con người đã làm gì mà lười biếng đến nỗi không chịu thay đổi sự bành trướng của những điều dối trá ấy. Bởi những lời nói, những lời dạy bảo không chỉ là những câu từ hoa mỹ và cái gật đầu răm rắp của người nghe mà nó còn là sự trải nghiệm. Luôn luôn phải có sự trải nghiệm thì người ta mới nhận ra giá trị và tinh hoa của những câu nói để đời ấy.
Tại sao chúng ta không được dạy một cách công bằng, đúng với lứa tuổi và môi trường sống, những thứ gần gũi nhất. Ví như những đoạn văn cảm nhận về những thứ xung quanh. Tôi thật buồn cười khi nhìn vào đề tuyển sinh lớp 10 năm nay của các em. Thật khô khan và cứ đầy logic như toán học vậy. Trong khi cái cần là sự cảm nhận trong tâm hồn chứ không phải đánh đố một đứa trẻ. Lại còn những bài văn phân tích nhân vật trong tác phẩm lúc nào cũng phải đầy tính nhân văn. Ôi thật dối trá và đê hèn làm sao. Khi không để cho bộ não được phát triển như đúng cái cách mà trí thông minh có quyền nghĩ đến bất kỳ điều gì thì ở đây chỉ được nghĩ đến những điều tốt đẹp xảo trá.
Đó là những vấn đề về giáo dục, là nó luôn luôn được xào qua xào lại, những con người đứng lên phẫn nộ nhưng rồi cũng chẳng thể thay đổi sự dối trá ấy. Sự dối trá lan toả mỗi ngày đến hàng ngàn học sinh còn ngồi trên ghế học đường. Và chúng sẽ sống trong dối trá cho đến khi chúng nhận ra sự thật. Rồi chúng lại tiếp tục phỉ báng xã hội đã dối trá chúng cho đến tận lúc này. Đến tận lúc chúng gặp phải sự lừa dối vô cùng nghiêm trọng. Chúng sẽ cười khẩy và hét to lên rằng cuộc đời chẳng hề màu hồng như cách thầy cô đã dạy chúng phải thật thà, phải yêu thương như thế nào. Tại sao chúng nhận lại là dối trá và ích kỷ? Tại sao không ai dạy chúng cách phòng thủ và cân nhắc? Rồi xã hội sẽ chối bỏ rằng những thứ ấy hãy cứ để cho đời dạy.
Nếu đã là một người thầy cô đúng nghĩa, một người có công việc là giáo dục người khác thì họ đã gánh một trách nhiệm vô cùng lớn trên vai và họ phải biết họ đang uốn nắn tâm hồn của cả một sinh linh sống. Họ nắm giữ một chức vụ thiêng liêng ngang với người sinh thành nên họ cần có trách nhiệm với những điều mình làm và nói ra. Phải tìm hiểu sự công bằng, tính hai mặt sau mỗi câu nói mình truyền tải và đừng vô tội vạ gán ghép suy nghĩ của mình vào bất cứ ai.
Chúng ta không thể thay đổi cả một nền giáo dục nhưng chúng ta có thể giáo dục đúng nghĩa, đúng trách nhiệm với những học sinh của mình. Chúng ta có thể gạt bỏ những hư danh ảo vọng để đạt đến sự chính trực trong tâm hồn mình và giúp đỡ những tâm hồn lạc lối khác.
Tác giả: Bà Năm
Viết về những chủ đề vĩ mô thế này thì cần kể những câu chuyện thực tế minh họa, chỉ nghe quan điểm không thì chán lắm vì nó không có gì mới.