(1139 chữ, 5 phút đọc)
“Các con có nghe nói, ‘Mắt đền mắt, răng đền răng.’ Nhưng ta bảo các con: Đừng chống trả kẻ ác. Nếu ai tát má bên mặt, đưa luôn má bên trái cho họ.”
Chắc chẳng ai xa lạ với đoạn Kinh Thánh này, đặc biệt là câu: “Nếu ai tát má bên mặt (bên phải), đưa luôn má bên trái cho họ.” Phải chăng đây là lời răn bạc nhược, dạy con người sự phục tùng ngốc nghếch, làm con người trở nên ngu muội của Jesus? Tại sao lại “đừng chống kẻ ác”?
Lần đầu biết tới câu kinh ấy, tôi có chút hoang mang. Tôi biết rằng mình không thể làm theo được. Nếu không, gương mặt tôi sẽ ở trong trạng thái sưng húp quanh năm suốt tháng, đỏ lựng những vết ngón tay của con người – cả người quen và người lạ. Cuộc sống là một chuỗi tương tác, va chạm lẫn nhau không ngừng nghỉ; đến cỏ cây còn biết nghiêng mình tránh bóng tối, hướng ra phía ánh dương để vươn cao đến tận cùng nguồn sống của chúng – thì vì sao con người như chúng ta lại chịu an phận đến thảm thương như vậy?
Quá khó và quá nghịch lý để thực hiện. Câu kinh ấy, tôi cho là ngớ ngẩn, nhưng, vì uy quyền của Kinh Thánh, tôi vẫn cứ đặt nó trong hoài nghi. Tuy nhiên, gần đây tôi nhận ra một điều thú vị: Có vẻ Jesus không đề cập đến hành vi bên ngoài, cũng chưa hẳn ông đã khuyên chúng ta nên nhẫn nhục. Và khi nhìn theo hướng đó, tôi muốn diễn đạt lại câu kinh ấy theo một cách khác, như sau: Hãy chấp nhận vô điều kiện tất cả mọi thứ đến với ta trong đời, mà không sinh bất kỳ tâm niệm phản kháng nào. Người ta thường Thích sướng, Ghét khổ – muốn nhận được nhiều hạnh phúc hơn, và ở chiều ngược lại, họ cố né tránh bất hạnh được ít nào tốt ít đó. Nhưng các con đừng làm vậy. Hãy cư xử với Bất Hạnh bình đẳng như cách các con ưu đãi Hạnh Phúc. Hãy sẵn sàng nhận thêm nó, chung sống với nó và bước đi cùng nó trong tình yêu thương. Như thế, các con sẽ phát hiện ra thiên đường ngay trong chính thế cuộc trần gian này.
Khi con người có thể làm được như vậy, sẽ không còn sự phân biệt giữa Hạnh Phúc và Bất Hạnh. Cả hai đều có giá trị ngang bằng. Và vì cuộc sống là những đan xen vô tận giữa bất hạnh và hạnh phúc, nên nếu ai đón nhận được cả hai thứ ấy với lòng cởi mở, người đó sẽ luôn sung túc, chẳng thiếu thốn điều gì. Lạ lùng là, lúc đó, chẳng còn hạnh phúc hay bất hạnh – chỉ còn một dòng chảy vô tận của cuộc sự sống đang tuôn tràn, rót đầy ta từng giây từng phút. Còn những ai chỉ ưa “hạnh phúc” mà chán ghét “bất hạnh”, người đó sẽ luôn luôn sống trong trạng thái đau khổ tiềm ẩn, vì bất hạnh luôn luôn tồn tại như một sự thật không thể chối bỏ.
Chợt nhớ Bát Nhã Tâm Kinh có viết “Không chẳng khác Có; Có cũng là Không.” Đến tận cùng, mọi cực đối lập đều là một. Chỉ do đầu óc của con người tạo ra các khác niệm trái ngược nhau, rồi bấu víu vào đó và tự làm mình khổ.
Lời Chúa nói không hẳn là về chiếc má thật sự của bạn, nên nếu có ai tát bạn, hãy… né tránh trước đã. Câu chuyện mà Chúa muốn nói, có lẽ là về thái độ nội tâm của bạn.
Khi bị “tát vào má” – cái “má” bên trong: lòng tự trọng của ta, tài sản, địa vị, danh tiếng của ta – thường thường ta sẽ đánh lại. Và khi ấy, ta bị ràng buộc bởi sân hận. Tự nhiên lòng ta trồi sụt trong những đợt sóng cảm xúc. Bị người khác làm tổn thương, nếu ta cố chấp vào sân hận, ta tự làm ta khổ.
Khi bị “tát vào má” – lần này ta không đánh lại nữa. Ta nhẫn nhịn chịu đựng. Vì Chúa khuyên vậy – ta cho là thế. Vì đánh nhau cuối cùng cũng chẳng đem lại lợi ích gì, chỉ làm sự việc tồi tệ hơn. Ta ém nỗi giận dữ trong lòng. Đêm về, ta tiếp tục gặm nhấm nó. Và ta mất ngủ. Chẳng qua cũng chỉ là một hình thức biểu hiện khác của sân hận. Chẳng thà ta đánh lại họ còn hơn!?
Nhưng, nếu ta có được thái độ vui lòng “giơ nốt chiếc má kia ra cho họ tát”, ta được giải thoát khỏi sân hận. Với thái độ ấy, ta có thể tự nhủ rằng: Này, sân hận và mọi tổn thương trên cuộc đời này chẳng phải vấn đề gì đáng sợ. Mọi thứ có giá trị như nhau, dù vui sướng hay khổ cực. Tôi đón nhận tất cả mọi sự xảy đến, với sự chấp nhận vô điều kiện và không phân biệt.
Lúc ấy, có một người thoát vòng kiềm tỏa của sân hận. Lúc ấy, có một người đang chớm chạm vào cánh cửa thiên đường.
Vâng, tất cả mọi điều ấy đều xảy ra bên trong tâm hồn ta. Đó là câu chuyện về thái độ nội tâm, không phải câu chuyện của chân tay và chiếc má. Khi tâm bạn đã trong trạng thái “đưa nốt má bên kia cho họ tát” rồi, đầu óc bạn trong sáng và bình thản, bạn sẽ xử lý tình huống một cách sáng suốt. Bạn thậm chí có thể cho người đó một bài học (nếu bạn thấy cần phải thế) – lòng từ bi đích thực không nhất thiết phải gói gọn trong sự nhún nhường. Nhưng, bạn làm điều đó với sự tự do thì bạn đã thoát khỏi xiềng xích của giận dữ và kích động.
Xin trích lại toàn bộ lời giảng của Jesus về “Đừng chống kẻ ác” như sau:
“Các con có nghe nói, ‘Mắt đền mắt, răng đền răng.’ Nhưng ta bảo các con: Đừng chống trả kẻ ác. Nếu ai tát má bên mặt, đưa luôn má bên trái cho họ. Nếu ai kiện các con ở tòa để lấy áo trong, hãy cho họ lấy luôn áo ngoài. Nếu ai ép các con đi một dặm với họ, đi luôn hai dặm. Ai xin gì thì hãy cho họ. Ai muốn mượn gì thì đừng từ chối.”
Với tâm thế như vậy, bạn sẽ làm “kẻ thù” phải kinh ngạc. Mà thực ra, có kẻ thù nào đâu?
Tác giả: Thiếu Lê Tú Anh
*Featured Image: Pexels
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2
Tôi vẫn không hiểu nếu người đó định giết tui thì sao hay hại người thân tui thì sao hay kẻ xâm lược đất nước tui thì sao. Không lẽ tui trơ mắt nhìn. Tui sẵn sàng tha thứ chi họ nếu họ dừng lại. Mong ad giải thích cho tui
Bạn có thể tự tìm hiểu, nghiên cứu về lý thuyết của Jodo để có lời giải đáp cho các câu hỏi trên !
Và tìm cuốn
Hiệp Khí Nhu Đạo Dưỡng Sinh
do George Oshawa viết
để “ là người luôn thắng mà không chiến!?” 🐸
ý cảu câu này là “Hãy khoan dung”
Bài này có thể nói rõ hơn chuyện đó
https://l.facebook.com/l.php?u=https%3A%2F%2Fhungthinhmobile.com%2Fbai-hoc-cau-be-an-cap-banh-my-tat-ca-chung-ta-deu-co-toi%2F%3Ffbclid%3DIwAR3HcxX4DdYSztzjaMVHUlhIsyEVx1yUa3NUtZrZPi8UR4m6kxNQUU-Sdfo&h=AT0_0YzuSIkP1oB_SvSvv1pNOFjNM6QSNAwxVUrXfkgSZ9PgfVfAD-3pFztjzWwdI0AoxXS7d0HTvOK3I4S6cQdZ-7MhSWbGBY-yo4zy0zPnhlb3LBInZU7P_fi_NfADZTmgyCYg9u6D4aGHVefNDA