29 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đôi điều bạn nên biết về lạm phát

Featured image: Paul

Lạm phát là gì?

Không có chủ đề nào được bàn luận nhiều trong thời buổi hiện tại – hoặc được hiểu quá ít – như lạm phát. Các chính trị gia ở Hoa Thịnh Đốn đề cập đến nó như đó là một sự viếng thăm khủng khiếp từ bên ngoài, một việc mà họ không thể kiểm soát được chút nào – như một cơn lũ, một cuộc xâm lược từ bên ngoài, một cơn dịch. Nó là một thứ họ lúc nào cũng hứa hẹn sẽ “chống lại” – nếu Quốc Hội hay dân chúng trao cho họ “vũ khí” hoặc “một điều luật cứng rắn” để thực hiện công việc.

Tuy nhiên, sự thật trần trụi là các lãnh đạo chính trị của chúng ta đã gây nên lạm phát bằng tiền bạc các chính sách tài khóa của họ. Họ hứa hẹn sẽ chống đỡ bằng bàn tay phải những gì mà bàn tay trái của họ đã gây ra.

Lạm phát, ở bất kỳ lúc nào và thời điểm nào, chủ yếu xảy ra bởi sự gia tăng của lượng tiền và lượng tín dụng cung ứng. Thật ra, lạm phát chính là sự gia tăng mức cung của tiền và tín dụng. Nếu bạn mở Tự điển Đại học Hoa kỳ ra tra thì bạn sẽ thấy định nghĩa đầu tiên của lạm phát như sau:

Mở rộng quá mức hay sự gia tăng của lượng tiền trong một quốc gia, đặc biệt là qua việc phát hành tiền giấy không có giá trị để hoàn lại.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, thuật ngữ này đã bị sử dụng với một ý nghĩa hoàn toàn khác. Ý nghĩa này được ghi nhận trong định nghĩa thứ hai trong Tự điển Đại học Hoa kỳ:

Một sự gia tăng đáng kể của vật giá, đưa đến bởi sự mở rộng quá mức của tiền giấy hay nợ ngân hàng.

Rõ ràng là giá cả gia tăng gây nên bởi cung tiền tệ gia tăng không đồng nghĩa với sự nới rộng của chính lượng tiền cung ứng. Một nguyên nhân hay điều kiện rõ ràng không thể xem là tương tự như một trong những hậu quả của nguyên nhân hay điều kiện đó. Việc sử dụng từ “lạm phát” với hai ý nghĩa khá khác biệt dẫn đến những nhầm lẫn vô tận.

Từ “lạm phát” ban đầu được áp dụng chỉ với số lượng tiền. Nó có nghĩa là số lượng tiền đã bị phình to ra, thổi phồng lên, nới rộng quá mức. Không có gì gần như là mô phạm khi đòi hỏi rằng thuật ngữ này nên được sử dụng bằng định nghĩa gốc của nó. Sử dụng nó để ám chỉ “một sự gia tăng của giá cả” là để đánh lạc hướng sự quan tâm khỏi nguyên nhân thật sự gây nên lạm phát cũng như phương thức cứu chữa thực sự cho lạm phát.

Chúng ta hãy xem điều gì xảy ra trong lạm phát, và tại sao nó lại xảy ra. Khi lượng tiền cung cấp gia tăng, người ta có thêm tiền để trả cho hàng hóa. Nếu lượng hàng hóa cung cấp không gia tăng – hoặc gia tăng không nhiều bằng lượng tiền cung cấp – thì giá cả của các mặt hàng sẽ gia tăng. Giá trị của mỗi đồng đô sẽ thấp hơn vì giờ có nhiều đô hơn. Cho nên sẽ có nhiều tiền đô được chi trả cho, chẳng hạn như, một đôi giày hay 100 giạ lúa mì so với trước đây. Một “cái giá” là một tỷ lệ trao đổi giữa giữa một đồng đô và một đơn vị hàng hóa. Khi người ta có thêm tiền đô, giá trị của mỗi đồng đô đối với họ thấp hơn. Giá cả của mặt hàng sẽ cao hơn, không phải vì các mặt hàng trở nên hiếm hơn trước đó, mà bởi vì tiền đô giờ dồi dào hơn trước.

Khi xưa, các chính quyền thổi phồng lạm phát bằng cách cắt xén và làm giảm giá trị của tiền xu. Sau đó, họ khám phá ra họ có thể lạm phát một cách bớt tốn kém hơn và nhanh chóng hơn bằng cách tung ra tiền giấy từ những máy in. Điều này đã xảy ra với đồng assignats của chính phủ Pháp năm 1789, và với đồng tiền của chúng ta trong Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ. Phương pháp hiện nay gián tiếp hơn. Chính quyền của chúng ta bán trái phiếu hoặc những khoản tôi-nợ-anh cho các ngân hàng. Để đổi lại, các ngân hàng tạo ra những “khoản tiền gửi” trong sổ sách của họ để chính phủ có thể rút. Các ngân hàng sau đó có thể bán những “khoản nợ” của chính phủ cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang, nơi mà để thanh toán những khoản nợ thu mua này, họ sẽ tạo ra những “khoản tiền gửi” trong sổ sách hoặc in thêm chi phiếu để ghi trả. Đây là cách để sản xuất tiền.

Phần lớn “cung tiền tệ” của đất nước này được đại diện không phải bởi tiền mặt trao qua tay mà là bởi những khoản tiền gửi vào ngân hàng được rút ra bằng chi phiếu. Cho nên khi đa số các nhà kinh tế đo lường cung tiền tệ của chúng ta họ cộng thêm tiền gửi thanh lý (và bây giờ thường xuyên cộng luôn cả tiền gửi tiết kiệm) vào số tiền mặt bên ngoài các ngân hàng để có được tổng số. Tổng số tiền và tín dụng đo được cuối tháng mười Hai năm 1939 là 63.3 tỉ USD và cuối tháng 12 năm 1963 là 308.8 tỉ. Mức gia tăng đến 388% trong nguồn tiền cung cấp là lý do áp đảo cho việc giá cả thị trường gia tăng 138% trong cùng khoảng thời gian.

Một số các Chuẩn Mực

Người ta thường cho rằng việc quy lạm phát thông qua một sự gia tăng khối lượng tiền cung cấp là “đơn giản hóa quá mức”. Điều này đúng. Có nhiều chuẩn mực cần phải được lưu ý.

Thí dụ như, “cung tiền tệ” cần phải được xem như không chỉ bao gồm nguồn tiền trao qua tay thôi mà còn cả nguồn tín dụng của ngân hàng – nhất là ở Hoa kỳ, nơi mà đa số các khoản thanh toán được giải quyết bởi chi phiếu.

Nói rằng giá trị của mỗi đồng đô chỉ phụ thuộc vào lượng cung ứng hiện hành của tiền đô cũng là “đơn giản hóa quá mức.” Giá trị của mỗi đồng đô còn phụ thuộc vào dự kiến về nguồn cung cấp của đồng đô trong tương lai. Chẳng hạn như trong trường hợp số đông lo sợ rằng nguồn tiền cung cấp sẽ nhiều hơn so với hiện tại trong một năm tới đây, thì giá trị hiện tại của đồng đô (tính theo sức thu mua của nó) sẽ thấp hơn giá trị hiện tại đáng lẽ ra nó phải có.

Một lần nữa, giá trị của mọi đơn vị tiền tệ như đồng đô, phụ thuộc không chỉ vào số lượng của tiền đô mà còn vào chất lượng của chúng. Thí dụ như, khi một quốc gia sử dụng kim bản vị, điều đó có nghĩa là vàng, hay quyền tiếp thu vàng, bỗng dưng trở thành tiền giấy. Giá trị của đơn vị tiền tệ theo đó thường rơi ngay lập tức, kể cả khi không có sự gia tăng trong lượng tiền cung cấp. Đó là vì người ta đặt niềm tin vào vàng nhiều hơn vào những lời hứa hẹn hay sự phán xét của các nhà quản lý tiền tệ của chính phủ. Không có một trường hợp nào được ghi nhận khi mà việc rời khỏi kim bản vị không tiếp nối bởi sự gia tăng của tín dụng và tiền in.

Nói một cách ngắn gọn, giá trị của đồng tiền thay đổi cùng các lý do với giá trị của bất kỳ mặt hàng nào. Chẳng hạn như khi giá trị của một giạ lúa mì phụ thuộc không chỉ vào nguồn cung cấp lúa mì hiện có mà còn phụ thuộc vào dự kiến tương lai về nguồn cung cấp và chất lượng của lúa mì thì giá trị của đồng tiền cũng phụ thuộc vào những cân nhắc tương tự như thế. Giá trị của đồng tiền, cũng như giá trị của hàng hóa, không được quyết định đơn thuần bởi các quan hệ cơ hóa hay vật chất, mà chủ yếu bởi các yếu tố tâm lý thường có thể rất phức tạp.

Để đối phó với các nguyên nhân và giải pháp của lạm phát, lưu ý đến các biến chứng là một chuyện, bị nhầm lẫn hoặc bị định hướng sai lệch bởi các biến chứng không cần thiết hoặc không hiện hữu lại là một chuyện khác.

Ví dụ như khi người ta thường nói giá trị của đồng tiền phụ thuộc không chỉ đơn thuần vào số lượng của tiền đô mà là vào “tốc độ lưu thông” của lượng tiền đó. Tuy nhiên, “tốc độ lưu thông” gia tăng không phải là một lý do của một sự sụt giảm thêm trong giá trị của đồng đô; chính nó lại là một trong những hậu quả của sự lo sợ rằng đồng đô sẽ tụt giá (hoặc, để nói ngược lại, của niềm tin vào việc giá cả hàng hóa sẽ gia tăng). Chính niềm tin này đã khiến người ta hối hả trao đổi tiền đô lấy mặt hàng nhanh hơn. Một số các ngòi bút kinh tế đã nhấn mạnh “tốc độ lưu thông” chỉ là một ví dụ nữa của của sai lầm trong việc thay thế các lý do cơ hóa đáng ngờ với các lý do tâm lý thật sự.

Một ngõ cụt nữa là trong câu trả lời cho những ai đã chỉ ra rằng lạm phát chủ yếu xảy ra bởi một sự gia tăng trong lượng tiền và tín dụng, người ta hài lòng khi cho rằng sự gia tăng giá cả hàng hóa thường xảy ra trước sự gia tăng của cung tiền tệ. Điều này đúng. Đây là những gì đã xảy ra ngay sau khi chiến tranh xảy ra ở Hàn quốc. Các nguyên liệu chiến lược bắt đầu tăng giá khi người ta sợ rằng chúng sẽ trở nên hiếm đi. Các nhà đầu cơ và các nhà sản xuất bắt đầu thu mua chúng để tích trữ sinh lợi hoặc để bảo đảm số lượng hàng tồn kho. Nhưng để thực hiện việc thu mua này họ phải mượn thêm vốn từ các ngân hàng. Sự gia tăng giá cả được kèm theo bởi sự gia tăng không kém phần đáng kể trong các khoản vay và tiền gửi ngân hàng. Kể từ 31 tháng 5 năm 1950 đến 30 tháng 5 năm 1951, các khoản vay của các ngân hàng của nước này đã tăng thêm 12 tỉ. Nếu Nếu các khoản vay này đã không xảy ra, và số tiền mới (gần 6 tỉ kể đến cuối tháng 1 năm 1951) đã không được cung ứng để giải quyết các khoản vay, sự gia tăng giá cả có thể đã được duy trì. Nói một cách ngắn gọn, giá cả gia tăng đã có thể xảy ra chỉ bởi một sự gia tăng cung tiền tệ.

 

Tác giả: Henry Hazlitt
Dịch: Hoàng Triết

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI