Featured Image: Viet Anh
Nhìn facebook của chính mình, của bạn, cô bé cũng thấy hay hay, một cái gì đấy rực rỡ, và rạng ngời của tuổi trẻ, đi khắp nơi, làm bạn với thế giới, đến những miền đất mới và học ở ngôi trường “tiếng tăm” tí, “đắt đỏ” tí, và mang chút hư danh: Du học sinh.
Nhưng thế thì đã sao, bởi facebook, báo chí không mang vị nước mắt, không mang mùi đắng cay nơi xứ người
Du học, một thời đã ước mơ đến cháy bỏng, để những đêm dài hì hụi, với bài tập, với kỹ năng, và hoạt động xã hội. Dù sao thì, đã có một thời, du học là một thứ xa vời, một thứ hạnh phúc “viễn vọng” của những kẻ chưa đi. Nhưng chính vì thế, những kẻ du mục kiếm tìm hoang đảo nơi xứ người mới mạnh mẽ hơn tất cả, họ vượt qua sa mạc, qua bão cát và đến được mảnh đất có nước suối nguồn của tinh hoa trí tuệ.
Xong thì sao, đến được được đó rồi sao
Trên đảo xa xứ, sao đêm lặng lẽ đưa cô bé về với một miền nỗi nhớ. Nhớ vòng tay của mẹ, nhớ tiếng mẹ cằn nhằn mỗi sáng vì dậy muộn, vì không kịp ăn sáng, vì bàn học và giường ngủ là một đống hỗn độn đầy quen thuộc. Nỗi nhớ đau thắt để trưởng thành, để tự lập. Bố sẽ không còn là “vật hy sinh cuối cùng”, giải cứu con gái khỏi cơn lạnh tanh bành mỗi sáng của mẹ già nữa. Sẽ không còn ai để cô bé năn nỉ ỉ ôi: “Đưa con đi học nốt lần này thôi, bố ơi, con bị muộn rồi…”
Đảo xa xứ là bài học đầu tiên của sự sinh tồn. Là khi mới đến với những lần đau quặn người vì đồ ăn không hợp, vì khí hậu khắc nghiệt. Không người quen biết, không ngôn ngữ,… là nhớ mẹ, nhớ bố mà tủi thân thều thào thứ ngôn ngữ bản địa chỉ với hai từ xin chào và xin lỗi để giao tiếp. Và cuối cùng thì vẫn là cô bé tự mình vác xác đến trung tâm y tế, chứ đâu còn mẹ với bố tất bật mỗi sáng mà ỉ ôi nữa!
Đảo xa xứ là: “Ước muốn cho thời gian trở lại, để rồi mai chia xa lòng chợt mong nhớ thiết tha, nhớ bạn bè nhớ mái trường xưa.” Những cánh chim trời đưa cô bé lại trường xưa, với bằng lăng tím và hoa phượng đỏ. Cô bé muốn, lại là cô trò nhỏ, ríu rít với bạn, từ khi sớm tinh mơ, buộc áo dài và xách dép lên chạy cùng nhau cho kịp giờ học; cho đến lúc tối muộn, vẫn hì hụi cùng nhau chiến đấu với từng đồ thị, từng anh chí phèo. Những lớp học đêm, căng thẳng đến mục não, nhưng vẫn thấy cuộc đời thật đẹp sao. Đời học trò của cô, con ngoan trò giỏi, học đến điên loạn nhưng cũng quậy điên đảo trên sân bóng ngày mưa, hay dọa ma các bạn trai xinh đẹp trong nhà vệ sinh một tối muộn nào đấy.
Nhưng trên đảo du học, cô bé nhìn thấy, thế giới thật xa lạ. Cô có bạn và vui vẻ. Nhưng đâu đó, vẫn là sự cạnh tranh đến khốc liệt trong từng lớp học. Sẽ không còn là học cùng nhau, cùng tiến lên. Mà là đối thủ, hoặc là trở thành kẻ đứng đầu, hoặc trở thành người thất bại khi trong lớp bắt buộc phải 30% hứng trên đầu điểm C D, 30%B và A+ thì phải là tốt nhất … Sẽ không còn là niềm vui đến rung ring được bạn lớp toán kèm từng bài một, hay vui vẻ chọc cho cậu bạn lớp hoa phát điên lên vì làm rối tung các công thức lên. Thế nhé, du học trên đảo xa xứ là cạnh tranh lắm đấy, sứt đầu mẻ trán để thành người thắng cuộc!!
À hoang đảo hoa lệ kia còn là những bước đầu tiên vào thế giới người lớn. Sẽ không còn bác hàng xóm già tốt bụng với nụ cười hiền hòa nữa, mà là cuộc sống ký túc và đại học đầy màu sắc tuổi trẻ. Ấy sẽ là lúc, thật giả, đen trắng lẫn lộn. Bài học niềm tin 99% cho người, 1% giữ lại bảo vệ chính mình. Khi bạn bè đến từ mọi ngách của thế giới, không phải họ xấu hay ta xấu, mà là văn hóa khác biệt. Bạn và bè không còn là những cô bé cậu bé cấp ba trong sáng nữa, mà họ biết quy luật sinh tồn, kẻ mạnh và chiến thắng, kẻ yếu và những ám ảnh. Những đứa trẻ được bao bọc, khi ra đời sẽ thấy đắng cay lắm thay tuổi trưởng thành!
Nhưng đảo hoa lệ, cũng là miền đất phì nhiêu cho cây nhỏ lớn lên, và cô bé cũng vậy. Dù đi học, khắc nghiệt lắm thay, cô đơn và buồn tủi lắm, nhưng cô bé thấy được điều kì diệu của giáo dục. Muốn đi nhiều hơn, học nhiều hơn và giúp đời nhiều hơn. Cô bé hiểu nền giáo dục chân chính làm cho người ta hoàn thiện và sống nhân ái hơn. Dù nhiều lúc, tức lắm, bạn quốc tế không hiểu mình, bị phân biệt vì đến từ nước thứ ba,… nhưng cô bé vẫn luôn tự nhủ, phải tin vào những điều tốt đẹp. “Return Society” là những gì cô tự nhủ từ những ngày đi học ở đảo hoang. Vì được học cái mình thích, tim cô đập loạn nhịp. Cô biết mình được may mắn hơn bao người khác, và lần đầu tiên, ước muốn lớn hơn tất cả mọi thành công là trẻ em quê mình có thể đi học và được làm cái mình thích như cô.
Bản nháp những dư án nhỏ cho một ước muốn ấy đang dần hoàn thiện, cô bé thấy một niềm vui rung rinh mỗi ngày vì học thật nhiều thứ, và những thứ mình học, nhất định sẽ giúp được cho các em í.
Đang mùa thi, cô bé vật vờ không ngủ la lê học bài từ phòng học, đến phòng sinh hoạt chung, phòng giặt đồ … mà không dám về phòng vì sợ ngủ quên mất! Hôm kia cô bé cũng vừa khóc lóc chỉ vì hồn nhiên như con điên đi hỏi bài như ngày cấp ba (không phải giờ thi và không cùng lớp nhé), mà không cân nhắc kĩ nên đã gây họa!!! Mùa thi đầy máu còn chưa hết, tức là còn nhiều cái khó lắm! Thế nhưng mà, vẫn có những cái hay ho bé bé của những đứa sinh viên, có những đứa 2,5 ngày không tắm? Có những survey hỏi đi hỏi lại: “Mày có muốn tự tử ko, mày có kế hoạch tự tử chưa?” Nghĩ mà cũng khổ thân mấy bác counseling mỗi mùa thi!
Đang hì hụi học lịch sử thế giới, thế nhưng cô vẫn vui vui, vì thật tuyệt vì được học những cái mình thích! Thế nên, đảo xa xứ và những giấc mơ đắng là thế, quả có thể ngọt nhưng hạt và nhành cây trên đảo nhất định đắng!
Dù sao thì, du học, là lựa chọn không tồi, để hiểu và yêu thế giới này hơn, để trân trọng từng phút đang sống, nếu nhỡ sau này cô sẽ đi làm, lại nhìn về thời đại học trên đảo này như bây giờ nhìn lại tuổi học trò thì sao nhỉ, thì sẽ thấy, ôi nhiều nước mắt, tủi thân lắm, cơ mà cũng nhiều lắm những yêu thương và hi vọng!
Những kẻ qua hoang đảo, sẽ nỗ lực để tìm đường về với đất liền, hoặc lên trời! Như các chú NASA í. Thế nên mới bảo, chúng không giỏi, không thông minh hơn người khác, mà chỉ là chúng đã chiến đấu và nỗ lực gấp đôi gấp ba, đánh đổi rất nhiều thứ để làm tốt những gì chúng đã mơ!
Little Tree ở Đảo xa xứ!
“Dù sao thì, du học, là lựa chọn không tồi”
nghe mà chói cả tai….tập lớn đi “cô bé”
sao không dùng từ “cuộc khảo sát” mà lại dùng từ “survey” thế?
cảm giác của bạn k chỉ là ở những người xa xứ mà với ai khi mới đi xa nhà, xa gia đình cũng vậy thôi….phải thấy may mắn vì bạn có những kỉ niệm đẹp để nghĩ về….và có nhiều cơ hội để khám phá cho bản thân mới phải chứ….nhiều người muốn mà chả được 😀