Đắc Nhân Tâm nghĩa là gì?
Theo một câu trả lời đã đọc được mà tôi cho là hay thì: «Đắc nghĩa là được; nhân là người, tâm là tim; nhân tâm là tim người. Như vậy, “đắc nhân tâm” là nghệ thuật chinh phục trái tim của người đối thoại với mình.»
Lại hỏi, nghệ thuật là gì?
Theo Wiki: Nghệ thuật là nơi cao nhất tập trung mối quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực. Nói đến nghệ thuật là nói đến cái đẹp. Cái gì không đẹp không thể là nghệ thuật.
Trong chúng ta chắc ai cũng từng nghe qua 3 chữ “Đắc Nhân Tâm”, hoặc đã từng đọc qua quyển “Đắc Nhân Tâm” do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch. Ồ, nghe hay thật, trong cuộc sống, ai mà chẳng muốn chinh phục được trái tim của người đối thoại của mình, phải không?
Có rất nhiều người đã từng đọc quyển sách trên, cũng có rất nhiều người học chinh phục lòng người bằng nhiều cách khác như : khả năng bẩm sinh, bằng trí thông minh đoán biết, bằng trực giác, bằng cách học hỏi, bằng tình cảm, vân vân…
Có rất nhiều người đã thành công – trên cách hiểu là họ đã áp dụng và đạt được trơn tru ý muốn của mình nhờ vào thuật này. Nhưng, có gì đó không ổn. Tôi vẫn thấy có gì đó không ổn dù đã đạt được. Bạn có thấy vậy không? Người ta thường nói, môi trường nào cũng có những mặt tiêu cực. Hãy lắng nghe xem là gì, vì tôi không phải là người cầu toàn một chút xíu nào khi để ý đến điều này.
Ngoài lề một chút thế này, một người tên Châu Chấu trong một video trên Youtube của anh đã nói:
“Đạo đức rất quan trọng. Nếu như tri thức là một cổ xe, thì đạo đức là vô lăng ; nếu như tri thức là chiến mã, thì đạo đức là dây cương. Với đạo đức, tri thức sẽ được hướng thiện. Một người không có tri thức cùng lắm là gây hại một cách vô ý. Một người không có đạo đức thì cố ý hại người khác, thì tạt axit, thì tấn công bằng boom nguyên tử.”
Tôi sẽ chế lại thế này: Một người không biết đến nghệ thuật đắc nhân tâm (tri thức), cùng lắm là gây hại một cách vô ý. Một người biết về nghệ thuật đắc nhân tâm (nhưng không có đạo đức) thì cố ý gây hại cho người khác, thì gài bẫy, thì đặt vỏ chuối, thì chọi cùi bắp vào đầu người khác…
Đùa chút vui…
Quay lại số người đã thử và thành công với thuật Đắc Nhân Tâm, trong số đó, tôi cảm thấy chỉ một số rất ít có thể gọi là thực sự “hiểu được” nghệ thuật chinh phục lòng người. Tại sao tôi nói vậy ? Vì khi ông Dale Carnegie viết ra quyển sách này. Cái ông ấy muốn, không phải là sự chinh phục lòng người bề mặt. Cái ông ấy muốn không phải là “tỏ ra”, hay “cố gắng nhã nhặn”, giả tạo để qua mặt người khác, để “chạy việc” cho chính bản thân mình.
Khi ông ta nói đến nghệ thuật, nghĩa là nó phải vươn đến tầm “cái đẹp”. Mà như thế nào là đẹp? Là thực sự quý trọng, yêu thương và quan tâm người khác. Khi ông ta viết những phương pháp như: lắng nghe, tìm hiểu về sở thích của người khác, sử dụng cách nói chuyện nhã nhặn, hãy khen ngợi người khác nhiều hơn… Ông ta không có ý nói rằng, hãy dùng “cách thức” đó để thuần phục một con sư tử rồi sau đó tóm cổ và xích nó vào chuồng. Nghệ thuật của ông ta, tuy không được nói ra, nhưng nó đã ngầm nói lên cái cốt lõi rằng: Hãy thực sự, thật tâm bỏ đi cái tôi của mình, để quan tâm nhiều hơn đến người khác.
Tại sao tôi lại nghĩ rằng, rất ít người thực sự đạt được trình đột nghệ thuật đó. Các bạn cứ bước ra đường sẽ thấy mà thôi. “Hầu như” tất cả cách thức chúng ta đang làm, là “cố ý lấy lòng” người khác. Đằng sau cái vẻ nhã nhặn, cái vẻ hòa đồng đó, cái vẻ nhịn nhục đó, cái sự quan tâm đó, cái ước muốn người khác đừng giận mình nữa, cái ước muốn được lòng khách hàng để họ đem đến lợi nhuận cho mình…chẳng qua là để đạt được một lợi ích công việc mà thôi (vì sao là công việc? Vì khi suy tính, mọi thứ đều là công việc.)
Đèo móc với đoạn của Châu Chấu, chúng ta sẽ suy luận ra rằng, bất cứ kẻ nào có mưu đồ, ý muốn và đạo đức kém một khi luyện đến mức tinh xảo các khả năng trong quyển sách Đắc Nhân Tâm (đại diện cho tri thức) sẽ chắc chắn dẫn đến một đại họa cho những người xung quanh, đó chính là lừa đảo – tùy mức độ. Giảm mức độ đi một chút, chúng ta sẽ có vô số anh chàng đi cưa cẩm và dụ dỗ gái hay phụ nữ, bằng cái vẻ hình thức giả tạo. Chúng ta sẽ có vô số các cô phụ nữ nói chuyện thật duyên dáng và thông minh, đằng sau đó là những suy tính chẳng khác nào mụ cáo 9 đuôi. Chúng ta sẽ có những người phục vụ, những doanh nhân không thật lòng (đương nhiên là sẽ nói xấu hoặc lường gạt khách hàng bất cứ lúc nào nếu không thích) khi áp dụng “nghệ thuật” này…
Trong cuộc sống hàng ngày, tôi dám cá, mỗi khi chúng ta giận dỗi nhau hay chúng ta muốn đạt được một điều gì đó…Với những kẻ thông minh, một vài hoặc tất cả trong số chúng ta một khi đã nắm được các phương pháp này sẽ trở nên cực kỳ giả tạo và rỗng tuếch. Chúng ta sẽ hứng chí lên lau nhà cho mẹ, và sau đó, đổi lại mẹ sẽ cho con chút tiền đi bấm điện tử. Chúng ta sẽ nói ngọt và và ngồi chia sẻ, tám chuyện tùm lum tùm la vì thằng kia hay con kia đang giận mình mấy ngày hôm nay. Chúng ta sẽ nói chuyện thân thiện với thầy, để sau này được một xíu ưu ái…
Giấy thì làm sao gói được lửa, nhưng vàng thật thì đếch sợ lửa đâu. Giả tạo thì trước sau gì người ta cũng biết, và mọi thứ xây nên sẽ bị đốt cháy, đốt luôn tờ giấy gói gém sự giả tạo. Còn đã thật lòng thì cóc sợ cái quái gì, vàng ném đi đâu người ta cũng thích cả thôi. Thế nên, hãy hiểu Đắc Nhân Tâm với đúng nghĩa của nó. Muốn đến được trái tim của người khác, thì phải thực sự lấy trái tim của mình, phát sóng lượng tử wifi qua cho người ta thì người ta mới nhận được các bạn ạ. Chỉ có từ trái tim mới đến được trái tim mà thôi…
Tôi thừa nhận mình là người khó tính, nhưng không phải là người cầu toàn. Những điều nói ở trên, tôi không muốn quơ đũa cả nắm, nếu bạn thuộc số ít kia thì tuyệt quá, nhưng phần đông là như thế, họ hiểu như thế. Tôi không phiến diện khi nói 2 từ “phần đông”, hãy cảm nhận đi, trước khi phản biện trong những comment bên dưới. Nếu không thì chúng ta có một Việt Nam như ngày hôm nay sao
À, khoan đã, tôi phải đính chính lại: Đắc Nhân Tâm là một nghệ thuật. Một nghệ thuật thực sự gắn với cái đẹp của loài người, của tính nhân bản, của sự vứt bỏ đi cái tôi – cái bản ngã, của tính thiện. Nó đúng nghĩa là Nghệ thuật khi người ta đối xử với nhau thật lòng và bằng trái tim. Lúc đó phương pháp và cách thức thể hiện sẽ như nàng công chúa được khoác thêm những bộ cánh lung linh. Wao, quá là đẹp… Cái nghệ thuật này, nó khác hẳn với 2 từ nghệ thuật mà mọi người thường hiểu chưa tới như cái tiêu đề câu view của tôi.
Ngay bây giờ, nếu có thể, hãy thử đọc lại Đắc Nhân Tâm một lần nữa !
Vậy nhé,
Chào thân ái và quyết thắng !
-Lục Phong-
Tựa đề tiếng anh là “HOW TO WIN Friends and Influence People” => cái gì là nghệ thuật ở đây trời?
mình có 1 thắc mắc ngu ngu thế này: Tác giả đã khẳng định ĐẮc Nhân Tâm là việc chinh phục trái tim người khác. Và còn khẳng định :”DNT không phải nghệ thuật”. Vậy xin hỏi cái gì mới là nghệ thuật đây?
Người ta vẫn nói nghệ thuật chơi đàn. Thực ra chơi đàn đơn thuần chỉ là gõ phím, gảy dây, ai cũng làm được. Nhưng gõ, gảy thế nào cho lọt tai, cho mê đắm tâm hồn, đó là nghệ thuật.
Nghệ thuật còn là vẽ. Vẽ cũng chỉ là đường nét nguệch ngoạc, bôi màu linh tinh. Nhưng nguệch ngoạc, bôi phết thế nào cho rung động tâm can ng xem, đó là nghệ thuật.
Đá bóng đẹp cũng là nghệ thuật. Mà đá bóng chỉ là dùng chân, dùng đầu, dùng ngực tác động vào quả bóng, ai cũng làm được. Vấn đề làm đá thế nào cho người xem cảm thấy cuồng nhiệt, si mê, khóc cười vì nó, đó là nghệ thuật.
Xa hơn nữa, còn có Nghệ thuật quyến rũ. Quyến rũ đơn thuần cũng chỉ là nói vài câu nói, làm vài cử chỉ, chăm chút bản thân, theo đuổi ng khác. Nhưng làm thế nào cho người ta thương nhớ mình, yêu mình, đó là nghệ thuật.
DNT theo mình cũng thế. DNT thực chất chỉ là dùng lời nói tac động vào tâm hồn và lí trí người khác. Nhưng làm thế nào mà bất cứ ai cũng bị mình tác động đến, đó là Nghệ thuật.
Định nghĩa nghệ thuật mà tác giả dẫn ra, theo mình nó hơi hạn hẹp. Theo mình, Nghệ thuật là tất cả những gì đẹp đẽ, tinh tế mà con người hướng đến.
Tác giả viết như bài ở trên, theo mình hiểu, là đang hơi nhầm lẫn. Tg nói DNT không phải nghệ thuật, vì có những kẻ đang lợi dụng nó mà Lừa Dối người khác. Xin thưa, Lừa Dối thì không phải là DNT, mà DNT thì cngx k phải là lừa dối. Đây là 2 thứ tách biệt, xin đừng đưa vào 1 chỗ mà đánh đồng với nhau.
DNT vẫn là nghệ thuật, hơn nữa còn là 1 trong những nghệ thuật cao nhất trong số những nghệ thuật. Nếu như âm nhạc, hội họa chỉ có thể tác động 1 vài đối tượng, mà vẫn coi là nghệ thuật được, thì DNt là việc tác động đến MỌI đối tượng, tại sao lại không gọi nó là Nghệ Thuật?
ex
cái trong Đắc Nhân Tâm chỉ là kỹ thuật, còn con người dùng những kỹ thuật làm sao mới gọi là nghệ thuật.
Anh không có ước muốn Đắc Nhân Tâm trong bài này.
Anh nói như vậy thì có Đắc Nhân Tâm gì đâu, em chả thấy có cái gì gọi là thuyết phục tim người trong bài viết của anh cả, như vậy thì anh nói về nghệ thuật Đắc Nhân Tâm để làm gì chứ 😀
à xin có chút đính chính nhỏ, sóng wifi là sóng vô tuyến, không phải sóng lượng tử, mà cũng chẳng có khái niệm sóng lượng tử nữa, chỉ có mỗi lý thuyết cơ học lượng tử nghiên cứu cuyển động của các đại lượng vât lý như năng lượng và xung lượng, nghiên cứu tầm vi mô nơi một số khái niệm vật lý có lưỡng tính sóng hạt mà thôi. Khi dùng từ ngữ để thuyết phục người tin vào quan điểm của mình cũng cần chú ý vào cách sử dụng từ ngữ cho thật chính xác nhé
cái gì cũng chỉ là công cụ, vấn đề là ở con người, con người sẽ dùng công cụ đó để làm gì???
Chân thành là điều cốt lõi!