*Photo: Shikigamis
“Con yêu mẹ” “Con yêu bố…”
Những câu này chỉ có 3 từ, nhưng lại là thử thách không thể vượt qua của tôi. Chắc là bạn cũng giống tôi. Dường như chúng ta ngột thở khi định thốt ra những câu này. Chúng ta sợ một sự vỡ òa cảm xúc nào đó sẽ đến ra sau khi nói, khiến ta không dám đối mặt vượt qua…
Vì sao nói “con yêu mẹ” hay “con yêu bố” lại khó khăn hơn việc nói “anh yêu em” “em yêu anh” trong khi mỗi câu cũng chỉ có 3 từ, cũng đều thể hiện tình cảm với người mình yêu thương?
Bức tường không thể vượt qua…?
Quan hệ giữa cha mẹ và con cái, có thể rất êm đềm trong tuổi thơ, thường trở nên căng thẳng khi đứa con bước vào tuổi dậy thì, phát sinh những mâu thuẫn triền miên, đôi khi đến mức việc chung sống dưới một mái nhà cũng trở nên cực kỳ khó chịu… Phải chăng điều này, cùng với các xung đột thế hệ, sự khác biệt trong việc định hướng của cha mẹ với sự tự định hướng cuộc đời của đứa con… đã tạo nên một rào cản không thể vượt qua?
Phải chăng lời nói chỉ là vô nghĩa, hành động mới thực sự quan trọng: chúng ta có thể cho cha mẹ thấy mình yêu họ đến nhường nào mà không cần nói ra?
Hay đơn giản là ta không đủ can đảm?
Sự thật là quan hệ giữa chúng ta và cha mẹ sẽ luôn nảy sinh mâu thuẫn, nên đôi lúc yêu thương bằng hành động không thể đủ. Người ta có thể làm tổn thương lẫn nhau trong khi vẫn yêu thương nhau, cũng có thể làm tổn thương nhau vì quá yêu nhau.
Sự thật là, dù bạn có làm bao nhiêu điều tốt đẹp cho cha mẹ, việc được nghe từ nơi bạn câu nói giản dị và chân thành kia vẫn sẽ làm cha mẹ hạnh phúc hơn rất nhiều. Rất có thể chúng ta không bao giờ đủ can đảm nói ra những lời đó, cho dù lúc này đây ta sắp, hoặc đã, chẳng còn cơ hội…
Câu trả lời không phải ở sự ngụy biện “lời nói là vô nghĩa”, cũng không hoàn toàn nằm trong lòng can đảm, dù can đảm rất cần. Câu trả lời đơn giản là, chúng ta không quen nói ra những điều đó.
Ta đã sống thiếu những lời yêu thương giản dị
Bạn có thường xuyên thấy cha bạn hôn mẹ bạn vào buổi sáng trước khi đi làm, thường xuyên thấy cha bạn nói với mẹ rằng “anh yêu em”, và ngược lại? Bạn có thường được cha mẹ hôn lên má khi còn nhỏ và luôn sẵn lòng nói yêu bạn ngay cả khi thời gian dần làm bạn mất đi những nét hồn nhiên vốn có? Nếu bạn được như thế, không còn gì tuyệt vời hơn. Nhưng tôi nghĩ thường là không…
Chúng ta không có thói quen nói lời yêu thương. Cha mẹ không dạy chúng ta điều đó, văn hóa cũng không khuyến khích. Thói quen chúng ta học được là không nói! Cho đến khi chúng ta có nhu cầu được nói thì mọi việc lại dường như quá muộn…
Khi một thứ trở thành thói quen, chúng ta dễ dàng thực hiện hơn. Ngược lại, khi việc không nói những lời yêu thương với cha mẹ trở thành thói quen, chúng ta cũng rất khó để vượt qua nó.
Quá khứ và tương lai
Có lẽ… đã muộn để đổi thay quá khứ. Ta không bao giờ đủ can đảm nói với cha mẹ mình. Nhưng chúng ta có thể hướng đến phía trước, trong những mối quan hệ mới, xây dựng một điều gì đó khác hơn, để được sống ấm áp hơn, và cũng để con cái chúng ta không phải giữ một niềm ân hận về sau, như ta đã từng.
Ngay khi bạn bắt đầu yêu ai đó, hãy nói với người ấy bạn yêu họ mỗi ngày. Thời kỳ đầu của một mối quan hệ tình cảm là giai đoạn cảm xúc trào dâng, nên chúng ta dễ dàng khởi đầu việc ấy. Hãy hôn người yêu mỗi lần tạm biệt và gặp lại. Đối với con trẻ, hãy duy trì thói quen này ngay cả khi chúng không còn ngây thơ đáng yêu trong mong muốn ích kỷ của bạn…
Hãy dạy trẻ nhỏ thường xuyên nói yêu thương với bạn, ngay từ khi chúng bắt đầu biết nói những lời đầu tiên (lẽ tất nhiên bạn cũng phải sống xứng đáng với lời yêu thương đó, nếu không chuyện ấy sẽ trở thành một trò lố) để câu “con yêu mẹ/con yêu bố” trở nên dễ dàng trên môi con trẻ, để yêu thương tràn ngập trong gia đình của bạn.
Đây không phải là câu chuyện trong một bộ phim tình cảm. Chỉ đơn giản là một thói quen tốt mà chúng ta có thể thực hiện. Những lời yêu thương có thể tạo nên điều kỳ diệu. Chúng khiến mối quan hệ trở nên gần gũi và gắn kết hơn. Ngần ngại gì không lấy một chút can đảm để thử, phải không?
Tình cảm không thể chỉ dựa trên lời nói. Nhưng ai cũng có nhu cầu được nghe những lời yêu thương chân thành.
Den Pho
Tại sao lại bỏ thói quen yêu lãnh tụ, yêu Đảng, yêu Bác Hồ vĩ đại đì vậy ?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười
…………
Yêu biết mấy khi con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi “Bác Hồ ơi!”
(Nguyên bản là Xít-Ta-Lin, nhưng có người chế nhạo nói tiếng nước ngoài, con nít VN tập nói làm sao nói được . Tớ xin phép đổi lại thành tiếng Việt và tên Bác Hồ thân thương của chúng ta để bài thơ nghe đỡ láo)