(1415 chữ, 5.5 phút đọc)
“Làm thế nào tôi có thể hành động nhất quán để giảm thiểu cái ác trên thế giới?”
Mình đọc được một câu hỏi như vậy của tiến sĩ Jordan Peterson – một nhà tâm lý học đương đại, được đăng trên Triết Học Đường Phố. Theo bài viết đó thì việc tìm ra đáp án cho câu hỏi này sẽ đem lại tác dụng tốt cho cuộc sống của đọc giả.
Tuy nhiên theo mình thì câu hỏi đó hơi lủng củng và khó hiểu. Dường như “hành động nhất quán” và “giảm thiểu cái ác” không liên quan mấy đến nhau. Không những vậy, một người cố gắng “hành động nhất quán” có thể đang phạm tội ác với chính mình.
Hầu như ai ai cũng cố gắng hành động nhất quán. Tại sao vậy? Bởi chúng ta sợ bị cười chê. Khi bạn nói câu trước mâu thuẫn với câu sau, bạn bị người khác bắt bẻ. Khi quan điểm hôm nay của bạn khác với hôm qua, bạn có thể bị chế nhạo. Khi hành động của bạn ngày mai khác với hôm nay, người ta mô tả bạn một cách tàn nhẫn: “Hắn đang đốt cháy những cái mà mình đã tôn thờ, và tôn thờ những cái mà mình đã đốt cháy! Hắn, kẻ hai mặt!”
Chúng ta nào có muốn bị coi thường. Hình ảnh bản thân của chúng ta vô cùng quan trọng. Một số người trong chúng ta thậm chí tự sát khi vô tình bị vài người xung quanh coi là ‘kẻ ngốc’. Chẳng hạn, chỉ vì bị bạn bè chê cười về chiếc váy lạ lẫm lần đầu diện tới trường, em nữ sinh nọ có thể viết thư tuyệt mệnh rồi nhảy sông tự tử…
Bất cứ điều gì không thay đổi, điều đó không thật sự sống. Tất cả những gì đang sống đều biến đổi không thôi, tựa như quá trình nở rộ của một đóa hồng. Ban đầu, chưa có hoa – chỉ nhú lên một chồi non. Rồi cái chồi non ấy bừng nở thành đóa hoa rực rỡ. Nhưng, vài ngày sau, bông hoa héo rũ và chết. Những cánh hoa chết héo ấy cũng chẳng giống bông hoa rực rỡ trước đó một chút nào. Liệu có ai gọi đóa hồng đó là “hai mặt”, “không nhất quán” hay không? Không! Đó đơn giản là sự phát triển.
Khi bạn cố gắng sống nhất quán, bạn đã chết hẳn. Sự phát triển bên trong bạn bị ngưng chặn, ứ đọng. Bạn dần biến mình thành một cái xác cứng ngắc. một hình mẫu bất di bất dịch.
Rất nhiều khi chúng ta đã tin rằng quan niệm của mình hoàn toàn đúng. Chúng ta đứng lên chống lại cả thế giới để bảo vệ niềm tin ấy. Thế rồi, một ngày, với những thông tin mới thu thập được, ta nhận ra có gì đó sai sai. Điều ta đấu tranh cho bằng tất cả sinh lực giờ đây lại không đúng nữa.
Chuyện kể, cuối thế kỷ 20 xuất hiện một giáo phái nọ. Họ tin rằng năm 2.000 sẽ là năm chấm dứt sự tồn tại của nhân loại. Thế giới sẽ diệt vong vào thời khắc đầu tiên của Thiên niên kỷ mới. Vào lúc ấy, Chúa Trời vén mây hiện ra, phán xử tất cả những kẻ đã từng sinh ra trên cõi đời này. Không hiểu vì lý do gì nhưng họ tin chắc rằng sau khi phán xử, Chúa sẽ ban thưởng rồi đưa họ lên Thiên Đàng, nơi đó họ có thể thoát ly hết đau khổ trần gian. Họ bỏ gia đình, công việc, bất chấp mọi lời khuyên can, chụp lên mình những chiếc áo choàng kỳ quặc và cùng nhau đợi giây phút tận thế được nhắc tới trong sách Khải Huyền.
Đồng hồ chậm rãi điểm, tích tắc, tích tắc… Sắp đến 0 giờ. Họ nắm tay nhau: Thế giới sắp diệt vong rồi! Và họ hân hoan vô cùng. Rồi, đồng hồ điểm 0 giờ. Họ nín thở. Chuông đồng hồ vang lên. Một khoảng yên lặng rất dài. Không có gì xảy ra cả. Một con chim đói ăn bay ngang nền trời đêm, buông vào sự tịch lặng ấy hai tiếng kêu quang quác và mất hút, biến toàn bộ sự chờ đợi của nhóm người cuồng tín thành bức tranh biếm họa tức cười. Hoang mang cực độ, họ cố tiếp tục ngóng trông. Khi chuông đồng hổ điểm 1 giờ sáng, những tiếng xì xào bắt râm ran: “Phải chăng chúng ta đã bị lừa?” Họ nghĩ?
Vị giáo chủ nắm được tình hình. Ông ta ngay lập tức đứng bật dậy, quay mặt về phía các tín đồ, dang rộng hai tay, hô lớn: “Chúa vừa nhắn với tôi, qua tiếng chim kêu ban nãy, rằng ngài gần thời gian để chuẩn bị cho một sự phán xử mãnh liệt và hà khắc hơn. Hãy chờ đợi. Chúa sẽ ban phước lành cho những ai đã đến đây ngày hôm nay bằng một vé miễn phí lên Thiên Đường sau khi chết.”
Như người chết đuối vớ được cọc, tất cả những môn đồ đều đồng thanh hưởng ứng lời sấm truyền của vị giáo chủ. Ngày hôm sau, khi được giới truyền thông phỏng vấn, họ cùng nhau khẳng định chắc nịch rằng: “Chúa sẽ đến vào một ngày khác, và chúng tôi vẫn đúng!” Vì sao vậy? Họ lỡ làm điều ngu ngốc, và họ sợ bị chê cười, nên họ cần nhất quán. Sự nhất quán cứu vãn thể diện của họ, tất nhiên, trong mắt họ mà thôi. Ngay từ đầu, người ta đã cười họ rồi.
Vấn đề là sau đó, họ còn phục vụ giáo phái một cách nhiệt tình hơn hẳn trước khi bị “hớ”. Họ chẳng muốn tin rằng họ đã sai, nên quyết định tiếp tục sống trong ngốc nghếch.
Có biết bao nhiêu người cá tính, biết bao nhà cách mạng, hiền nhân, ngôi sao giải trí… vướng vào cái bẫy này. Bạn xăm tên một ai đó lên cơ thể để thể hiện tình yêu, nhưng rồi bất ngờ người ấy bỏ đi, bạn chỉ biết nói rằng mình “không có gì hối hận vì đã yêu hết mình.” Thực tế, bạn nên hối hận chút ít. Điều bạn cần rút ra là lần sau, đừng xăm bất cứ tên ai lên cơ thể. Cuộc sống quá mênh mông để khẳng định chắc chắn về tính cách của bất cứ ai và sự chính xác của bất cứ điều gì. Các nhà cách mạng còn khốn khổ hơn: Đôi lúc họ cống hiến cả đời cho một sự nghiệp mà chỉ khi về già, họ mới nhận ra nó hoàn toàn rỗng tuếch, nhưng quá xấu hổ để thừa nhận nó. Thậm chí, họ tiếp tục giết người để uốn nắn xã hội cho vừa với khuôn mẫu lỗi mốt của mình, bởi không dám đối diện thực tế. Trên bề mặt lý trí, họ sẽ tiếp tục cho rằng mình đúng, nhưng thẳm sâu bên trong, họ thấy có cái gì đó không ổn, và chúng chỉ hiện ra về đêm, trong những giấc mơ não nùng của họ.
Chúng ta không cần cố gắng sống nhất quán, nhưng nếu có thể, hãy sống trung thực với bản thân mình. Nếu sai, hãy sửa – không phải vì sự đàm tiếu của người đời, mà vì sự trưởng thành tự thân. Nếu họ cười, hãy cứ để họ cười. Sự phát triển và trưởng thành của chúng ta quan trọng hơn những tiếng cười đó. Không cần nổi nóng, dù với người khác hay với chính mình. Nếu đã từng ngốc nghếch, hãy học ra bài học để tránh nỗi lầm lần sau. Nếu làm gì đó không đúng đắn, hãy xin lỗi và cho mình cơ hội làm mới lại. Đôi khi có những sai lầm mà ta không thể sửa chữa được – thì đơn giản vui lòng chấp nhận nó trong sự trưởng thành và mạnh mẽ.
Cố gắng hành động nhất quán sẽ biến chúng ta từ một kẻ ngốc thành một kẻ siêu ngốc. Nhưng sự trung thực với bản thân lại mang cho chúng ta cơ hội để sửa chữa và học hỏi. Ta có thể giả vờ với xã hội, đôi khi; chỉ cần đừng giả vờ với chính mình.
Tác giả: Quang Vũ
Ảnh minh họa: Free-Photos
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2