“Nobody likes being alone that much. I don’t go out of my way to make friends, that’s all. It just leads to disappointment. ” ― Haruki Murakami, Norwegian Wood
Trong vài năm trở lại đây, tôi bắt đầu cảm thấy cô đơn, mỗi lúc một nhiều hơn. Tôi nhận ra điều đó khi có những chuyện bản thân không thể chia sẻ được với người khác bằng ngôn từ, hoặc khi cố gắng diễn đạt những gì mình trải nghiệm hay suy nghĩ thì tôi nhận về những sự dán nhãn, ngờ vực hoặc hiểu lầm.
Tôi thường hay viết nhật ký, viết thư, viết truyện chỉ để diễn đạt thế giới bên trong. Tôi đã từng thèm khát một người thấu hiểu mình, thấu hiểu những nỗi đau, những trăn trở, mơ ước, những nỗi sợ hãi, những sự lựa chọn. Họ sẽ lắng nghe và chấp nhận tất cả những gì tôi thể hiện mà không hề phán xét. Nhưng khi dần nhận ra rằng mình thật sự cô đơn, tôi đã thấy rất khó khăn để chấp nhận được điều đó vì bản thân đã luôn tin rằng sẽ có ít nhất một người đồng điệu về tâm hồn.
Không biết rằng ngoài kia có nhiều người cảm thấy cô đơn không, nhưng tôi cho rằng một người có nhu cầu kết nối ở những tầng tinh thần, xúc cảm, tư duy càng sâu thì càng dễ cảm thấy lẻ loi, lạc lõng vì chúng là những trải nghiệm trực tiếp của cá nhân, không ai khác có thể can dự được. Nó khó được đáp ứng hơn rất rất nhiều lần so với với nhu cầu tìm bạn chơi đá bóng cùng, tìm bạn học tiếng anh cùng, tìm bạn lượn phố cùng. Chưa kể những định kiến của xã hội, sự định hướng của truyền thông khiến con người dễ cảm thấy bị tách rời khỏi đồng loại nếu bản thân mang một sắc thái khác biệt với số đông, với những điều được khẳng định lặp lại trong cộng đồng là “lẽ thường” hay “đúng đắn.”
Dạo gần đây tôi dần nhận ra rằng cô đơn chỉ là cảm xúc, thái độ cá nhân khi ở trong sự một mình. Một mình không nhất thiết là ngồi thu lu hiu hắt ở giữa núi đồi mênh mông lạnh giá. Một mình này còn có ý là trải nghiệm những thứ khác với số đông, xuất hiện sự không ăn nhập, lạc loài, sự lệch sóng. Nó có thể mang nguyên nhân từ một chấn động tâm lý, sự chia cắt với người mình rất yêu thương, sự khác biệt về lối tư duy hay văn hóa, v.v… Một mình này cũng có thể là sự trải nghiệm chính mình. Và cô đơn là kết quả của việc không hài lòng với sự một mình, có nhu cầu kết nối với một (số) đối tượng nào đó khác nhưng không được. Trong khi một mình là hiện tượng khách quan, thì cô đơn là cảm giác cá nhân chủ quan.
Ví dụ khi buồn khổ chuyện gì đó, ta muốn có người tâm sự cùng, nhưng kéo hết danh bạ điện thoại mà không tìm được ai thích hợp, ta bỗng thấy nỗi cô đơn trải dài không sao đỡ nổi. Vậy việc ta một mình với câu chuyện buồn khổ ban đầu là khách quan, còn cảm giác lẻ loi trong hoàn cảnh không có ai chia sẻ là chủ quan. Tại trường hợp này, nhu cầu được người khác lắng nghe, kết nối, cảm thông hay khao khát hòa nhập với số đông chính là nguyên nhân tạo ra cảm giác cô đơn cho một người khi các điều kiện xung quanh không đủ đáp ứng.
Khi một người không còn nhìn ra bên ngoài, không còn muốn thế giới bên ngoài tương thích với mình hoặc muốn mình ăn khớp với nó, thậm chí không còn nhu cầu kết nối với ai khác, họ chỉ đơn giản nhận biết chính họ, sự hiện diện/tồn tại của bản thân và thực tại đang diễn ra, lúc đó, nỗi cô đơn không thể xuất hiện được, và thực tại một mình cũng không còn đáng quan tâm nữa. Đơn giản vì thực tại ấy được chấp nhận hoàn toàn nên nó tuôn chảy trong bình thản, không có đánh giá nào nảy sinh, không có ham muốn nào được khởi tạo nhằm mục đích thay đổi hiện tại nữa.
Xin chớ hiểu lầm rằng tôi đang mô tả sự cự tuyệt với thế giới hay đóng kín cửa tâm hồn với loài người. Tôi chỉ đang nói rằng sự kém hài lòng với hiện tại khiến một người sinh ra các ham muốn để sửa chữa các “khuyết điểm” của nó. Không còn muốn kết nối với người khác không có nghĩa là thu mình lại trong vỏ ốc, ai tới gần thì xù lông nhím lên phản kháng. Ở đây, không còn muốn kết nối với người khác có nghĩa là không nảy sinh ý định kéo người khác về gần mình, hay đẩy mình về phía họ – tự thân không gồng ép, hay dùng tới bất kỳ nỗ lực nào cả. Đó là trạng thái chấp nhận tự nhiên là tiền đề cho việc tương tác tự nhiên.
Ví dụ bạn thích ăn cam trong khi cả lớp thích ăn táo. Bạn bị cả lớp tẩy chay không chơi cùng. Khi ấy, so với cả lớp, bạn một mình với sở thích ăn cam. Nhưng bạn không nhất thiết phải cảm thấy tủi thân vì không có ai giống mình, và cũng không nhất thiết phải chấp nhận mình là nạn nhân của sự xa lánh. Đó đơn giản là sự khác biệt. Cảm thấy muốn tránh xa kẻ lạc loài là lựa chọn của cả lớp, cảm thấy cô đơn, đau khổ là lựa chọn của bạn. Cả hai đều là những dạng phản kháng.
Đôi khi một người đi vào trải nghiệm những trạng thái tâm lý hay tư duy khác biệt thì dễ dàng cảm thấy lạc lõng với thế giới xung quanh. Vì ở thế giới bên trong, chỉ có duy nhất một mình người đó chạm tới, không ai có thể đồng hành cùng được, bất kể trải nghiệm đó được mô tả, diễn đạt ra sao đi chăng nữa. Nếu họ vươn ra ngoài tìm kiếm, cảm giác cô đơn sẽ ùa về. Nếu họ hài lòng với trạng thái của chính mình, nỗi cô đơn biến mất.
Khi càng đi sâu vào chính mình, khả năng đối diện với sự cô đơn càng gia tăng. Đó là một cảm giác ai rồi cũng sẽ nếm trải. Có thể, cô đơn không phải là một trạng thái dễ dàng chấp nhận, chưa kể, nó cũng là thứ tạo thêm những vết thương lòng cho một người, khiến chất lượng đời sống tinh thần, sức khỏe của họ suy giảm. Nhưng vấn đề ở đây là người đó có đủ sức mạnh đón nhận nó không hay sẽ tìm mọi cách để khỏa lấp bằng các mối quan hệ phụ thuộc hoặc đồng hóa với nó để mang các phán xét tiêu cực với con người và thế giới xung quanh.
Nói chuyện với người thân về những gì mình cảm thấy, nuôi thú cưng, lên facebook chém gió, tham gia câu lạc bộ, làm việc nọ việc kia, v.v… là những cách để điều tiết sự cô đơn. Nhưng câu hỏi đặt ra đó là chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta không có người thân, không có thú cưng, không có mạng xã hội, không có câu lạc bộ, không có gì bên ngoài giúp ta chống đỡ cảm giác lẻ loi cả? Khi ấy chúng ta sẽ làm gì nếu không phải là đi đến tận cùng cô đơn hay hoàn toàn tận hưởng bản thân mình.
Tóm lại, tôi cho rằng cảm giác cô đơn là thử thách ngăn cản chúng ta trải nghiệm sự một mình, hoặc là dấu hiệu nhắc nhở ta quay trở về với chính mình. Nếu có quan điểm cho rằng loài người là sinh vật xã hội với các nhu cầu giao tiếp, kết nối. Vậy chính cảm giác cô đơn kia sẽ thách thức góc nhìn về bản chất của con người.
Có thể, đối diện với cô đơn không phải chuyện đơn giản nếu chúng ta có xu hướng chú ý nhiều đến thế giới bên ngoài vì cô đơn là một cú đảo ngược đưa người ta hướng vào nội tâm. Việc tìm thấy điều gì trong trạng thái cô đơn đó còn tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi cá nhân. Có người tìm thấy niềm vui trong đó, thấy nó là cơ hội để tận hưởng/trải nghiệm/tìm hiểu bản thân. Vậy suy cho cùng, cô đơn cũng chỉ là một loại hoàn cảnh, thái độ của ta mới là điều quyết định ta sẽ hạnh phúc hay khổ đau trong hoàn cảnh đó.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa