28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Chuyện vớ vẩn – Ai thèm quan tâm!

Featured Image: Kevin Dooley

 

Nghe nói: Bao nilon vô cùng độc hại, từ khâu sản xuất đến sử dụng, tiêu hủy, chôn xuống đất không được, đốt lên trời cũng không xong. Một cái bao nilon cỏn con mà 500 năm chưa phân hủy hết. Giật mình, hoảng hốt! Có lẽ nào hôm nay mình dùng nó đến mấy đời sau vẫn có “cơ may” nhìn thấy nó. So với tuổi thọ trung bình của một con người, nilon há chẳng phải là “trường sinh bất lão” hay sao?

Quay về nhìn thực tế, lại càng giật mình hoảng hốt. Trời ơi, nilon ở đâu ra mà nhiều quá vậy… Từ nhà ra đường, từ đường tới chợ, từ chợ tới siêu thị, cơ quan, đâu đâu cũng thấy hiện hữu cái bao nilon. Không mua gì, bán gì, đựng gì mà người ta không dùng tới nó như một giải pháp nhanh chóng, thiết thực, gần gũi nhất. Và cũng không có cái gì người ta lại dễ vứt đi nhanh như nó.

Chính vì thế một khối lượng khổng lồ nilon được sản xuất ra mỗi năm cũng đồng nghĩa với việc một gã nilon khổng lồ khối lượng được thải ra cho môi trường. Nếu trong lịch sử có thời kỳ đồ đá, đồ sắt, đồ đồng thì xã hội Việt Nam hiện nay phải chăng đang trải qua “thời kỳ” bao nilon? Nó là thành tựu cuả nền văn minh hay một bước đệm cho sự tàn phá, hủy hoại âm thầm, dai dẳng?

Tôi là người cũng “biết sợ”, nên bản thân “tự giác ngộ” phải tiết chế tối đa việc sử dụng bao nilon. Đi đâu mua gì người ta có cho thêm cái nilon đựng thì phải “nhã nhặn” từ chối, về nhà tái sử dụng những túi còn sạch sẽ, cố gắng không vứt bỏ một cái nào “oan uổng”. Ngoài ra, vận động mẹ đi chợ bằng làn, mang hộp nhựa đựng thịt cá.

Nói chung, lúc đầu có vẻ rất nhiệt tình, hăng hái, muốn ta đây một tay bảo vệ môi trường. Nhưng than ôi, mới được một thời gian ngắn ngủi đã vội tắt ngấm. Vì thấy mình chả giống ai, xung quanh người ta cứ dùng đầy ra đấy, mình có tiết kiệm một hai cái cũng chẳng thấm vào đâu, khác nào cất vài hạt muối ở biển mà mong nó bớt mặn. Mẹ đi chợ bằng làn được vài bữa thấy lỉnh kỉnh, bất tiện lại cứ phải nhắc đi nhắc lại điệp khúc “không cần cho vào nilon” với người bán hàng, nghe vừa chán, vừa lạc lõng giữa rừng người, rừng nilon. Thôi, thế là chấm hết một ý định tốt đẹp vừa mới chớm.

Lại nghe nói: Pin đã qua sử dụng vứt bỏ vào thùng rác, rồi bị đem chôn lấp dưới đất cũng vô cùng độc hại. Lượng chì, lượng thủy ngân từ pin ngấm vào lòng đất làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra đủ các thứ bệnh khủng khiếp cho con người.

Sợ quá, lại tự dặn lòng mình từ nay sẽ thu gom pin vào một chỗ, không tùy tiện vứt vào thùng rác nữa. Vấn đề là phải tìm chỗ nào người ta thu gom pin. Nghe đâu như ở siêu thị X. Nhưng chẳng lẽ cất công từ nhà đi siêu thị chỉ để vứt mấy cục pin. Thôi đành phải đợi khi nào mua sắm gì nhân tiện mang đi vậy. Ấy thế mà mãi chả thực hiện được, vì xung quanh nhà đã có vài cái siêu thị rồi, chưa kể chợ búa đủ cả, cần gì phải “lặn lội” ra tận chỗ siêu thị X kia nữa.

Thở dài ngao ngán, muốn chung tay bảo vệ môi trường cũng khó. Kết quả là tôi có cả một túi đựng đầy pin đã qua sử dụng vứt lăn lóc trong tủ, chưa biết bao giờ mới đem được đến nơi cần thu gom. Rất có thể một hôm nào đấy, “ngứa mắt” “tiện tay”, lẳng luôn vào thùng rác, cho hết hẳn cái ý định tốt đẹp nửa vời kia đi.

Còn một vấn đề khỏi cần nghe ai nói cũng biết rồi: Đó là rác thải. Hàng ngày, hàng giờ bản thân mình và mọi người đang “sản xuất” ra nó. Xã hội không ngừng vận động, phát triển thì rác cũng không ngừng tuôn chảy, dịch chuyển từ chỗ này qua chỗ khác. Rác ở đô thị đã chất cao như núi, mà không hề có dấu hiệu sụt giảm. Rác ở nông thôn, miền núi thì gần như buông lỏng, chả ai quản lý.

Những vấn đề ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, dịch bệnh, tốn diện tích đất, tôi không bàn đến. Thắc mắc của tôi là tại sao Việt Nam mình không phân loại rác như các nước khác, tại sao các sở ban ngành quản lý về môi trường không hướng dẫn và đưa vào sử dụng những thùng rác các màu khác nhau để thuận tiện cho việc tái chế. Điều này, cả thế giới biết, chẳng lẽ Việt Nam không biết. Cứ nói đến rác là người ta lại đổ lỗi cho người dân không có ý thức. Riêng tôi (và chắc là nhiều người khác nữa) thì muốn được phân loại rác quá chừng mà chẳng biết phân loại xong sẽ vứt ở đâu, cho chung vào xe rác hổ lốn các thứ trên đời, còn có ích gì nữa.

Bất kỳ một loại rác thải nào cũng có thể đem tái chế được, nếu không tin bạn cứ vào google mà xem. Này nhé, thức ăn thừa có thể biến thành phân vi sinh cho cây trồng, các chai lọ đồ nhựa có thể chuyển hóa thành xăng dầu, vỏ hộp sữa hộp nước giải khát hô biến ra các tấm lợp, thậm chí mẩu bút chì vứt đi có thể trồng cây, vỏ trứng tạo ra chất dẻo, bã kẹo cao su tạo ra nhựa..vv, độc hại như nilon, pin, cao su đều tái chế được hết.

Trình độ thẩm mỹ cao còn có thể biến rác thành các tác phẩm nghệ thuật, công viên vui chơi, giải trí. Chẳng có cái gì vứt đi cả, vừa tiết kiệm vừa tránh được bao nhiêu vấn đề phát sinh. Nhiều nước trên thế giới còn lạc quan cho rằng rác đang là một nguồn tài nguyên mới chưa được khai thác hết tiềm năng.

Vậy câu hỏi đặt ra: Tại sao nilon được sử dụng tràn lan vô tội vạ, tại sao pin đã qua sử dụng không có chỗ thu gom lại, tại sao rác không được phân loại tái chế, tại sao những ý tưởng xanh, những dự án vì môi trường đều chết yểu hoặc chỉ được biết đến trong một phạm vi hạn hẹp. Và tại sao tất cả mọi người từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp sản xuất, người dân thường đều thờ ơ, bàng quan, vô tự lự trước tất cả những điều đó?

Câu trả lời có lẽ là: Chuyện vớ vẩn, ai thèm quan tâm.

 

Phương Liên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

24 BÌNH LUẬN

  1. Tất cả những người viết bài xã hội tôi thấy có cái hay là: viết rất hay, hùng hồn nhưng được cái chả thấm mấy đến độc giả cả. Thiết nghĩ việc gì cũng phải có sự ăn khớp mới hoạt động tốt được. Giả dụ bạn có 1 mảnh ghép tranh, thì không thể mang nó đi chơi Lego được. Tuyen truyền mấy vấn đề này cũng thế. Viết kiểu bác học thì chỉ có bác học mới hiểu (mà chưa chắc đã làm), huống chi đâu phải ai cũng là bác học mà hiểu.

    • Sao lại chả thấm mấy đến độc giả? mưa lâu ngày, đất cũng phải ướt chứ bạn. mấy vấn đề này có gì là bác học đâu, rất bình dân thôi. Tôi có một mảnh tranh ghép, bạn cũng có một mảnh và mọi người đều có mảnh tranh ghép.chỉ là chưa ghép được vào với nhau thôi.

  2. Cái gì cũng từ người quản lý, lãnh đạo. Nhà nước phải đứng ra tuyên truyền, vận động và thậm chí phạt tiền nếu người dân thiếu ý thức. Chứ chờ vào người dân tự nhận ra vấn đề thì hơi khó! Vài thiểu số như bạn và mình có ý thức thì cũng chả thấm vào đâu so với cả một biển vô ý thức. Đối với họ thế giới này có tàn lụi cũng chả sao, miễn là sau khi họ chết nó mới trở thành một nơi không thể sống nổi nữa. Nhưng theo luân hồi nhân quả họ sẽ đầu thai trở lại trên trái đất để hứng chịu mọi hậu quả tàn khốc do sự vô ý thức của họ ở kiếp trước. Còn những người nỗ lực chiến đấu vì một thế giới tốt đẹp hơn sẽ được đầu thai sang hành tinh khác, không phải chết thiêu chết ngập ở cái trái đất bốc mùi ô nhiễm nồng nặc này nữa! Hoặc tuyệt vời hơn nữa là đã dứt luân hồi vi vu trên trời roài. Haha!

    • Có vẻ vậy, đối với rất nhiều người thế giới này tàn lụi, đồi bại cũng chẳng sao. Họ không hiểu các vấn đề của thế giới, được người khác nói cho thì lại phủ nhận và “Vớ vẩn, lo mà làm ăn đi”, “Hoang tưởng”, “Lo chuyện bao đồng”…. và rất nhiều thứ khác đại loại như vậy là những thành ngữ chung của sự hồi đáp từ họ..

  3. Trước mắt cũng ráng để dành đồ nhựa và cái gì tái chế được cho mấy cô bán ve chai. Trên Google thấy có vài nơi ở VN cũng đặt thùng rác phân loại nhưng có vẻ không khả thi lắm. Em âm thầm ước ao một ngày nào đó có phép thuật để biến mọi loại rác không tái chế được vào hố đen vũ trụ đây chị ơi. 😀

    • Ừ, mình cũng chỉ có mỗi cách thu gom cho hàng ve chai là thực hiện được tích cực nhất. thế mà,nhiều người không hiểu lại nghĩ là mình tham mấy nghìn lẻ, khổ thật!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI