(1526 chữ, 6 phút đọc)
Không rõ tự bao giờ cậu mắc chứng sợ tiếng động mạnh. Hễ nghe thấy một âm thanh dữ dội là tim cậu giật nảy lên, bụng co thắt lại, gáy nóng như lửa đốt và toàn thân rịn mồ hôi. Như thể có một con quái vật – hoặc kẻ sát nhân nào đó – sẽ xuất hiện cùng với âm thanh lớn, lao về phía cậu. Cậu sẽ từ từ quay lại kiểm tra: Chẳng thấy mối đe dọa cụ thể nào cả. Chỉ là cái nồi inox rơi từ trên kệ bếp xuống. Vậy thì, cậu nghĩ, cái quái gì đã xô đổ chiếc nồi? Lần bước thận trọng, run rẩy, cậu quay về phòng ngủ, đắp chăn kín mít nhưng mắt vẫn mở to, môi rì rầm cầu nguyện.
Thời gian trôi đi, cậu không còn dám ra đường. Tiếng động cơ xe cộ dần trở nên đáng sợ, và “lũ vô văn hóa” thường đột ngột bấm còi khiến cậu cảm thấy sắp trụy tim đến nơi! Giam mình trong bốn bức tường nhà, để cho an toàn, cậu cũng loại bỏ tất cả những đồ inox, không dùng kiểu ấm đun nước bằng điện thường réo lên rất ghê gớm mỗi khi nước đạt 100 độ, dẹp bỏ mọi loại bàn ghế (để không thể có thứ gì bị rơi được nữa) và không nghe nhạc.
Nhưng vì quá chú ý vào các âm thanh, nên càng lúc cậu càng trở nên mẫn cảm. Những âm thanh trước kia nghe thật bé nhỏ và yếu ớt, nay chẳng hiểu sao như trở nên ầm ĩ hơn. Cậu bỏ dùng dầu mỡ để tránh tiếng chiên rán “xèo xèo”, và lắp đặt hệ thống cách âm như một phòng Karaoke cho căn nhà nhỏ của mình. Khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, thậm chí cậu không dám vặn vòi nước quá mạnh vì sợ tiếng nước chảy xuống bồn rửa mặt, không dám sử dụng van xả nước bồn cầu, không dám súc miệng khi đánh răng và thậm chí không dám đi dép trong nhà vì âm thanh loẹt quẹt của nó.
Và thế là cậu chẳng còn chăm sóc nổi bản thân mình. Cha mẹ đón cậu về sống cùng, đưa cậu vào một phòng cách âm – vốn là phòng ngủ trước đây của cậu. Mỗi ngày, hai ông bà sẽ đưa thức ăn qua một cái lỗ hẹp có nắp che dưới khe cửa, sau khi thông báo cho cậu bằng một tin nhắn qua Facebook. Về việc vệ sinh cá nhân, giờ cậu “đi” vào một chiếc bô có lót một lớp bông mỏng – cho đỡ gây “âm vang” – và sau đó nhờ bố mẹ xử lý giúp.
Đây chỉ là một câu chuyện phóng đại về một anh chàng bị mắc chứng ám ảnh sợ hãi. Người mắc phải chứng ám ảnh sợ hãi thường rơi vào một vòng luẩn quẩn như thế: Càng sợ – càng né tránh; càng né tránh, vấn đề càng phình to – và càng sợ hãi hơn!
Theo một cách nhìn nào đó thì tất cả chúng ta đều bị ám ảnh sợ. Mặc dù cách ứng xử của người bệnh có phần quá đà, nhưng về cơ chế thì không khác người “bình thường”. Khi gặp một thách thức nội tâm khó đối mặt nào đó, chúng ta thường tránh việc nhìn thẳng vào vấn đề. Vô tình điều đó lại làm cho vấn đề phình ra tới một kích cỡ mà đôi lúc, đã ngoài khả năng điều chỉnh của ta. Nói một cách đơn giản, chúng ta đã xử lý nỗi đau khổ bằng cách để cho nó âm thầm tự tăng trưởng.
Nỗi sợ hãi nói riêng và những thách thức nội tâm nói chung chính là “chiếc bóng” của ta. Khi ta hiện diện dưới ánh mặt trời của sự sống, “chiếc bóng” ấy sẽ luôn ở cùng ta dù ta có muốn hay không.
Câu chuyện về chiếc bóng như vậy được ghi lại trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử:
“Một người sợ cái bóng của mình bèn chạy trốn; nhưng càng chạy mau thì cái bóng càng theo bén gót; thấy như vậy vẫn còn chậm, nên anh ta lại càng ráng chạy mau hơn nữa, không ngừng, tới nỗi kiệt lực mà chết. Người đó thật dại khờ, không biết rằng chỉ cần dừng lại, đứng vào chỗ bóng mát sẽ không còn thấy bóng mình nữa.”
(Lược trích từ blog của chú Nguyễn Duy Nhiên)
Mẩu truyện trên đưa ra cách xử lý tạm thời với những “cái bóng” của chúng ta: Hãy tìm một nơi tạm nghỉ, dừng chân, một bóng mát nhẹ nhàng. Hãy tạm tránh ánh nắng cuộc đời, và sự bình yên sẽ đến, ít nhất trong giây phút đó. Nhưng với mình đó không phải là giải pháp thấu triệt. Người lữ hành trên sa mạc không thể nào né tránh ánh nắng mãi mãi. Một ốc đảo ngọt ngào với nước uống, bóng râm… chỉ là chặng dừng chân tạm thời để lấy lại sinh lực. Và khi thời điểm đến, người ấy sẽ phải đứng dậy và tiếp tục dẫn bước trên hành trình thênh thang của mình, ít nhất cũng là để tìm thực phẩm, sau đó là để về được đến căn nhà yên vui nơi đang có gia đình ấm áp, vợ, con và ánh đèn… chờ đợi anh ta.
Ngược lại, nếu vì sợ đối mặt với cái bóng mà anh ta cố ở lại ốc đảo nhỏ bé ấy thật lâu, anh ta sẽ sớm kiệt quệ do thiếu thức ăn. Kịch bản không khác gì chuyện xảy đến với anh chàng sợ âm thanh bên trên: Sự né tránh rất dễ khiến chúng ta rơi vào bi kịch.
Bạn có thể trốn khó khăn bằng cách xin một kỳ nghỉ, đi du lịch, đổi chỗ ở hoặc thay đổi công việc. Điều đó đôi khi thật sự cần thiết nếu bạn cần năng lượng cho một khởi đầu mới. Nhưng xin đừng quên rằng, có những vấn đề ở tầng sâu tâm thức mà bạn sẽ đem theo từ nơi này đến nơi khác, cả khi thức lẫn khi ngủ.
Ai đó đã nói: Khi một người không hạnh phúc, thì dù đi đến bất cứ đâu cũng không hạnh phúc. Anh ta thấy mình bất hạnh ở Hà Nội, vì thế anh ta cho rằng nếu đến Paris mình sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng khi đến Paris anh ấy vẫn bất hạnh như thường. Hóa ra anh chỉ kéo cái bất hạnh của anh từ Hà Nội tới Paris, như cách anh kéo lê cái bóng.
Mình tin rằng, tốt hơn, chúng ta nên dừng lại để quan sát và tìm hiểu điều chúng ta sợ. Ta sẽ nhận ra một sự thật trần trụi rằng: “cái bóng” là không thể xóa bỏ, không thể trốn chạy và không thể né tránh. Nếu muốn sống một cuộc đời đúng nghĩa, cái bóng chính là điều mà chúng ta phải vui lòng nhận để được đứng dưới ánh mặt trời rực rỡ của sự sống.
Và một sự thật mạnh mẽ hơn: ‘cái bóng’ và ‘ánh sáng’ – cả hai chỉ là một. Vì có ánh sáng nên có cái bóng. Không có cái bóng thì không có ánh sáng. Cũng như nỗi đau là bạn đồng hành của hạnh phúc – chúng ta biết giá trị của hạnh phúc bởi vì chúng ta biết thế nào là đau khổ. Khi ta nhận ra chân thật sự tồn tại “tuy hai mà một” của chúng, thay vì hoàn toàn thoát ly khỏi cuộc đời để tránh né cả hạnh phúc lẫn nỗi đau (như một vài người đã làm), chúng ta sẽ làm điều ngược lại: Đón nhận cả nỗi đau và hạnh phúc. Yêu cái bóng như yêu chính ánh mặt trời.
Và ta sẽ thấy, mình quả là ngốc nghếch. Ta – tôi và bạn – không khác gì anh chàng sợ âm tiếng động mà tôi đã kể lúc đầu. Chỉ trừ khi bị điếc, anh ta mới thật sự ngừng nghe thấy âm thanh bên ngoài (chưa nói tới âm thanh đến từ bên trong tâm trí, hoặc tiếng thét từ các cơn ác mộng của anh ta – những thứ này chỉ chấm dứt khi anh ta chết hẳn). Anh ta không biết rằng tiếng động đang nhắn nhủ một thông tin giản dị: “Chàng trai à, cậu vẫn còn nghe được.” Tương tự, nỗi đau và những thách thức nội tâm nhắn nhủ với chúng ta rằng: “Này bạn, bạn vẫn đang sống với vô số những điều tuyệt vời!” Phải, ngay cả trong nỗi đau, chúng ta vẫn có thể rút ra những bài học tốt lành cho mình – điều mà đôi khi ta không nhận được từ hạnh phúc.
Chỉ khi đã nằm dưới mồ, chúng ta thoát hẳn được “cái bóng” nơi chính mình. Và lúc đó, làn da lạnh ngắt của ta cũng chẳng bao giờ còn cảm nhận được hơi ấm của ánh dương.
Tác giả: Thiếu Lê Tú Anh
*Featured Image: JordanStimpson
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2
Có người đã donate cho tác giả 400k mua một thùng bia. Không biết THĐP có thể chuyển tiền cho bạn bằng cách nào?
https://i.imgur.com/kDIWG8a.jpg
Gửi lời cảm ơn người bạn đã ủng hộ bài mình viết, và cảm ơn THĐP. Bạn chuyển giúp mình qua tài khoản ngân hàng.
Số tài khoản: 0491000003354
Người nhận: Đinh Quang Vũ
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thăng Long.