27 C
Nha Trang
Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Charlie Chaplin – Từ trại tế bần đến ngai vàng của một ông vua hề xích lô

[1530 words, 6 minutes read]

Charlie Chaplin sinh ra đã thiếu vắng bóng cha bên cạnh. Nhưng có lẽ Chaplin cũng chẳng bao giờ muốn nhắc nhiều đến người cha là một gã nghiện rượu trong cuộc đời mình. Tuy thiếu thốn tình cảm cha nhưng cuộc đời chẳng bất công khi Chaplin có một người mẹ và người anh hết mực yêu thương cậu.

Cậu không nghèo nàn tình yêu thương nhưng gia đình cậu lại quá nghèo nàn tiền bạc. Cuộc sống khốn khó đến nỗi không có khả năng đóng tiền nhà, mẹ cậu lúc nào cũng nói lời xin lỗi hai đứa con khi để nó suốt ngày phải ăn đầu cá. Năm Chaplin bảy tuổi, có người gõ cửa nói với mẹ cậu việc đưa cậu vào trại tế bần sẽ là một sự lựa chọn tốt hơn cho Chaplin. Còn anh trai Chaplin buộc phải đưa lên tàu để làm việc.

Đó là khoảng thời gian mà cuộc đời bắt đầu gieo rắc tội lỗi vào cuộc sống cậu bé tội nghiệp còn chưa kịp đánh vần. Tuổi thơ tươi đẹp đã phải nghiến răng cam chịu học thuộc hai từ ‘cuộc đời’ một cách đớn đau. Chaplin bị đánh đập thậm tệ trong trại, nhiều lần có ý định trốn thoát nhưng không thành. Chính trại tế bần là cội nguồn khai sinh ra một Chaplin mạnh mẽ và kiên cường. Chaplin đã từng nói về nỗi đau ấy như vẫn chưa hết bàng hoàng trong giây phút đầu.

“Tôi hầu như chẳng bao giờ biết thế nào là khủng hoảng bởi tôi đã luôn sống trong khủng hoảng từ khi còn là một cậu bé. Tôi tự cho phép mình thoát ra khỏi mọi rắc rối bằng cách lãng quên chúng.”

Sau khi rời khỏi trại tế bần, Chaplin tiếp tục sống và chăm sóc người mẹ bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh tâm thần. Bà luôn coi sàn nhà là những con sông, nói những điều chỉ có trong đầu óc tưởng tượng. Điều đó đã khiến cho sự trống rỗng và tuyệt vọng căng phồng lên trong trái tim cậu, không còn cách nào khác khi phải đau đớn đưa mẹ đến trại tâm thần. Trả lời những ý kiến trái chiều trong bổn phận một đứa con, Chaplin nói:

“Nếu ai muốn đong đếm hàm lượng đạo đức trong gia đình tôi bằng cách đem áp dụng những chuẩn mực thông thường, điều đó sẽ sai lầm giống như đem nhiệt kế nhúng vào nồi nước sôi.”

Sự nghiệp của Chaplin bắt đầu trong một rạp tạp kỹ được anh trai cậu là Sydney giới thiệu. Đây cũng chính là nơi mà cậu đã gặp gỡ và thầm yêu nàng Hetty, người mà Chaplin đã cầu hôn mặc cho cậu và nàng chỉ vừa gặp gỡ nhau ít phút trước đây. Nàng bảo nàng không thể lấy cậu vì nàng khi ấy chỉ mới 16 tuổi còn cậu thì chưa bao giờ nhắc đến tình yêu.

“Em sẽ khiến anh tan nát cõi lòng nếu em không lấy anh, Hetty. Ít nhất hãy nói là em sẽ chờ anh. Anh sẽ chờ em.”

Nhưng chuyến lưu diễn đầu tiên của Chaplin sẽ khởi hành vào ngày mai và nàng không biết sẽ phải chờ đợi chàng trong bao lâu. Bởi lẽ sự chờ đợi luôn giết chết những con người cô độc tội nghiệp, và Chaplin đã chẳng lấy làm lạ khi nhận được tin từ anh trai mình rằng nàng đã kết hôn sau đó. Đau buồn và hụt hẫng khi đọc thư nàng viết, Chaplin xem đó là số phần đã được định sẵn trong cuộc đời chàng.

“Em chúc cô ấy thật nhiều hạnh phúc, không hẳn thật nhiều, một chút.”

Sứ mệnh của một người nổi tiếng bén rễ có lẽ là khi Chaplin được Mack Sennet gửi thư mời đề nghị sự có mặt của Chaplin trong xưởng phim của ông ta. Mack là một ông vua hài kịch, là người đã cho Chaplin một khởi đầu không thể thuận lợi hơn mặc cho

“Lúc đầu tôi diễn thật kinh khủng. Sennett ước gì đã không thuê tôi. Tôi chỉ làm được nhiêu đó.”

Nhưng “Sự thật là tôi đã suýt chút thành thảm họa nếu như không sáng tạo kẻ lang thang.”

Kẻ lang thang chính là cái lốt ngụy trang bên ngoài của anh thanh niên trẻ tuổi trong dáng dấp một ông già say rượu với bộ râu mép kiểu Hitler đã tạo nên thương hiệu đặc trưng không lẫn vào một ai của Chaplin.

“Ôi giây phút nhiệm màu đó khi tôi bước qua cửa phòng thay đồ. Tôi thấy như mình bị nhập. Tôi có thể cảm thấy anh ta gọi tôi. Kẻ lang thang.”

Chính kẻ lang thang đã dẫn đường, đưa lối Chaplin tiến gần hơn đến ngôi sao long lanh soi sáng trên toàn thế giới. Là kẻ lang thang đã đưa tay cho Chaplin nắm lấy, kéo chàng ra khỏi hố thẳm mà tuổi thơ nghèo khổ đã nhấn chìm chàng xuống tận đáy sâu.

Sự nghiệp của Chaplin sang trang mới khi chàng giờ đây không chỉ là một diễn viên hài kịch mà còn là một đạo diễn phim. 20 bộ phim trong một năm đã đánh sập lời tuyên bố hùng hồn của Mack.

“Mơ tiếp đi nhóc. Tôi biết cái nghành này và cậu không nổi tiếng đến mức đó đâu.”

Mack đã nhổ nước bọt khinh bỉ vào hai anh em Chaplin khi cậu ngỏ lời muốn trở thành đạo diễn phim. Muốn có chương trình của riêng mình và muốn làm chủ.

Đôi chân của Chaplin là đôi chân có vuốt sắc. Còn con đường mà cậu đang theo đuổi là con đường dẫn đến hang sâu và rừng thẳm. Và nếu không tự thiêu hủy mối quan hệ giữa cậu và Mack thành tro tàn thì kẻ bước đi trên con đường sáng tạo sẽ mãi là kẻ bước đi trong mù lòa.

Chaplin bắt đầu quay lưng với Mack, người đã cho Chaplin sự khởi đầu để bắt tay với Billy Anderson, một ngôi sao cao bồi được đánh bóng.

“Đó không phải là điều tôi tự hào gì trong sự nghiệp của mình. Nhưng tôi muốn có một xưởng phim của mình.”

Quy luật luôn là thế, nếu muốn làm bừng sáng ngọn lửa của chính mình. Kẻ châm lửa còn phải biết cách biến mình thành con sư tử dũng mãnh, phải tự yêu thương chính mình hơn sự khinh bỉ bản thân.

Có thể nói Chaplin là một người làm việc quá nhiều, đủ để quên đi cảm giác tận hưởng nó. Chaplin luôn lao đầu vào các bộ phim và vỡ diễn, cống hiến nó một cách nhiệt huyết. Một cảnh phim cô gái ngồi ăn trong cơn đói cồn cào được quay lại lần thứ 46. Cách chọn diễn viên cũng thật lạ. “Tôi đang tìm diễn viên không phải là diễn viên.” Anh trai Chaplin, là quản lý của Chaplin lúc đó đã từng nói với báo chí.

“Charlie được cung cấp toàn bộ thời gian mà cậu ấy cần và đủ tiền để sản xuất theo cách mà cậu ấy muốn… Chất lượng chứ không phải số lượng là cái mà chúng tôi theo đuổi.”

Chưa tới 30 tuổi, là người đàn ông nổi tiếng nhất thế giới, có xưởng phim riêng mang tên mình. Chaplin vẫn chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ nghỉ ngơi tận hưởng.

“Nó mang quá nhiều ý nghĩa đối với tôi.”

Mang dòng máu một người nghệ sĩ đích thực luôn rực cháy khát vọng, vua của những tên hề thèm muốn tiếng cười như đã từng ước muốn được lãng quên đi tuổi thơ bất hạnh và nghèo đói. Một ông vua luôn tự gắng thân nuôi dưỡng tâm hồn mình cho những cuộc chiến chinh, tìm niềm vui cho mình trong tiếng cười của người khác, tự biến mình thành một kẻ điên rồ ngớ ngẩn không phải vì quá yêu sự dịu ngọt mà vị đã quá chén ghét mùi vị đắng cay.

Còn kẻ nào hiểu rõ giá trị niềm vui tiếng cười bằng kẻ chưa từng trông thấy nó một cách trọn vẹn, kẻ đã luôn khát khao nó trong suốt cuộc đời. Một tâm hồn chai sạn dấu mình trong cái lốt ngụy trang của sự ngây thơ, tựa như sự khổ đau chưa bao giờ xuất hiện giữa những tiếng cười. Chaplin, cùng với lòng dũng cảm trong tình yêu tiếng cười, mạnh mẽ kiên cường nhờ tình yêu ấy. Chaplin đã đi thẳng đến trước mặt của tất cả thế giới này và khiến người ta hét vang. Ông xứng đáng là vua, không chỉ là của những tên hề, mà còn trong cả tình yêu của thế giới dành cho ông.

Bài viết được dựa trên bộ phim Cuộc đời vua hề. Kể về những cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Charlie Chaplin. Bộ phim vẫn còn rất dài và tôi sẽ còn tiếp tục kể trong một bài viết sau.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Momentmal 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI