Những ngày gần đây mình liên tiếp được chứng kiến những người bạn đi vào trải nghiệm biến đổi nội tâm một cách mãnh liệt sâu sắc. Có thể nói họ đang đứng trước ngưỡng cửa “tái sinh”, thay đổi triệt để về nhận thức bên trong. Họ đang trải nghiệm cái chết của bản ngã (ego death). Tùy người sẽ có những biểu hiện khác nhau với cường độ và thời gian kéo dài khác nhau. Nhưng về bản chất, đây là một phúc lành ẩn giấu sau vẻ ngoài đau đớn và bất mãn. Có người biểu hiện trong sự mất hết động lực sống, mệt mỏi uể oải, cảm thấy mịt mù hoang mang, mất định hướng và khao khát sống. Có người thì biểu hiện trong liên tiếp các sự kiện chấn động, sụp đổ diễn ra, như thay đổi công việc, chia cắt với người thân yêu bởi cái chết, và từ đó bắt đầu tìm kiếm các giá trị tâm hồn. Còn có người thì biểu hiện trong việc chứng kiến nhiều sự kiện trùng hợp một cách lạ lùng, khiến họ phải chú ý cao độ và đặt những câu hỏi nền tảng như “Tôi là ai”, “Mục đích cuộc đời là gì?”, v.v…
Mình nghĩ rằng cái chết của bản ngã là một đề tài quan trọng mọi người cần quan tâm tìm hiểu, nên hôm nay mình muốn chia sẻ những kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân về nó. (Cá nhân mình đã trải qua trạng thái giằng co kéo dài 5 năm, do không được tiếp cận với tri thức và định hướng đúng đắn về trải nghiệm này.)
1. Lập trình một con người
Đầu tiên, bạn có thể hình dung mỗi người trong số chúng ta được sinh ra trong đời cũng giống như một cái máy tính đã được thiết kế và lắp đặt hoàn thiện, được cắm điện và đi vào sử dụng. Phần cứng của cái máy tính là thân xác, tâm trí, xúc cảm. Người sử dụng máy tính chính là Linh Hồn (Thần Khí / Spirit / Chân Ngã). Chương trình chạy thì vô vàn các loại, như ăn ở, ngủ nghỉ, học hành, trồng cây, chụp ảnh, làm việc, suy tư, cãi cọ, chiến đấu, yêu thương, hờn dỗi, v.v… Các bạn có thể tưởng tượng bất kỳ điều gì mà con người có thể làm được, thì đó là một chương trình được vận hành. Có hàng triệu tỷ chương trình, và với mỗi người khác nhau thì có giới hạn và biên độ hoạt động khác nhau.
Tuy nhiên, có một vấn đề “nhỏ” ở đây, đó là đa phần con người khi được sinh ra và lớn lên thì quên mất Cội Nguồn là Linh Hồn, và đồng thời quên luôn người sử dụng thể xác, tâm trí chính là Linh Hồn ấy. Chưa hết, ta quên luôn mục đích sống và các tiềm năng sức mạnh đích thực của bản thân. Thay vì sống để lan tỏa ra các giá trị hữu ích và mang tính sáng tạo, thì chúng ta sống để tự bảo tồn chính mình, hưởng thụ thành quả cho chính mình và phản ứng rập khuôn theo văn hóa xã hội cũng như theo sự thao túng của truyền thông, dư luận. Chúng ta nhầm lẫn công cụ với mục đích. Nên có thể nói, một người khi quên mất bản chất và ý nghĩa cuộc đời thì sẽ không có tự do, sống theo một quán tính phản ứng với môi trường mà không hề có sự lựa chọn nào khác. Mục đích sống của họ nằm ở việc xây dựng bồi đắp vô số các hình ảnh phù phiếm bên ngoài (con ngoan trò giỏi, sếp cấp cao, nhân viên xịn, người xinh đẹp dáng chuẩn, người dễ thương thông minh, người có danh tiếng, quyền lực và của cải, v.v…), chứ không phải sống với bản chất nội tại (người hạnh phúc và bình an).
2. Các ví dụ thường gặp về sự phòng thủ của bản ngã
Bản ngã (ego) được sinh ra với nguyên lý âm, song hành với linh hồn là nguyên lý dương. Nó có chức năng là đầy tớ, bề tôi, kẻ theo sau và người phụng sự, diễn đạt các mục đích vĩ đại của tâm hồn. Tuy nhiên, khi quên mất kết nối linh thiêng này, bản ngã sẽ bị thay đổi cơ chế hoạt động, từ hy sinh để phục vụ tâm hồn chuyển sang bảo tồn/bảo vệ chính mình (dù chức năng bảo tồn/bảo vệ vạn vật đã được mặc định là của linh hồn). Đặc điểm của cơ chế phòng thủ này rất rõ ràng nếu bạn để ý. Nó mang tính chất tâm lý ưa thích sự an toàn, ổn định, và thói tự mãn cá nhân.
- Cãi nhau cho bằng được với ai đó là sự phòng thủ khỏi việc đối diện với nỗi xấu hổ hay với khả năng mình có thể sai.
- Chống cự lại hoàn cảnh khó khăn đang diễn ra là sự phòng thủ khỏi việc phải gỡ bỏ đi ý kiến và kế hoạch của riêng mình.
- Không dám từ bỏ các thói nghiện là sự phòng thủ khỏi phải đối diện với một khả năng sức mạnh lớn lao hơn cái mình đang có trong hiện tại, khỏi phải chấp nhận rằng mình đang yếu đuối và u mê.
- Đổ lỗi cho người khác đã khơi dậy những khó chịu bên trong mình là sự phòng thủ để khỏi phải đối diện với trách nhiệm tự kiềm chế tâm trí và xúc cảm.
- Nuối tiếc quá khứ hay mong ngóng đến tương lai là sự phòng thủ để không phải đắm mình trong hiện tại (vì hiện tại sẽ hòa tan bản ngã).
- Lý luận vô độ mà không chịu thực hành và tự cho rằng mình đã giác ngộ và biết hết mọi thứ là sự phòng thủ khỏi phải nhớ lại cội nguồn (không phải là bản ngã), khỏi phải đi vào trải nghiệm trực tiếp nằm ngoài ngôn từ (địa hạt của tâm trí.)
- Sợ hãi và chống cự cái chết/sự thay đổi đột ngột là sự phòng thủ để khỏi phải nhòe đi trong sự linh động và vô thường.
- Gây dựng hình ảnh cá nhân ấn tượng thu hút sự chú ý và chấp nhận của người khác là sự phòng thủ để khẳng định và gia cố bản ngã phù du, tạo cảm giác vững chắc như thể đây là linh hồn bất biến.
- Tìm kiếm sự thỏa mãn và hài lòng trong danh tiếng, tiền bạc hay các thú tiêu khiển là sự phòng thủ khỏi cảm giác bình an chân thực tỏa ra từ Chân Ngã (cố tình đánh tráo cảm giác, gây nhầm lẫn).
- Ích kỷ, không dám hy sinh hay phục vụ người khác, viện cớ là mình phải giỏi rồi mới giúp được người là sự phòng thủ khỏi sự tan rã khi tiếp xúc với tình yêu.
- Xấu hổ vì những điều mình đã từng làm hay tự ti rằng mình không làm tốt việc gì đó là sự phòng thủ để khỏi được biến đổi tốt đẹp hơn trong ngọn lửa hành động, là cách chống bị thiêu cháy của ego.
- Lý luận về Thượng Đế và phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế là sự phòng thủ để khỏi thừa nhận bản chất thật của chính mình (là Thượng Đế).
- Lo lắng rằng không có một người Thầy dẫn dắt mình giác ngộ là sự phòng thủ để khẳng định mặt nạ giả tạo yếu đuối hiện tại.
…
Kể ra thì muôn vàn sự phòng thủ của bản ngã được thiết lập khi đánh mất kết nối với linh hồn. Tất cả những gì tiêu cực một người thể hiện trong cuộc sống đều khẳng định rằng anh ta chưa nhận ra được đâu là mặt nạ và đâu là con người chân thực.
3. Cái chết của bản ngã – Tắt đi chế độ phòng thủ
Cái chết của bản ngã là quá trình tắt đi chế độ phòng thủ đã nêu ở trên. Tùy vào độ cứng và dày của những bức tường mà quá trình “tắt” này có thể diễn ra trong những khoảng thời gian dài ngắn khác nhau và có cường độ cực đoan đau đớn khác nhau. Nếu một người hiểu ra rằng chế độ phòng thủ này cần được dẹp bỏ để họ hòa nhập với tâm hồn thường hằng bất biến và vĩ đại tuyệt diệu thì người đó có thể dễ dàng quy phục (surrender) trước các tình huống đang bào mòn bức tường bản ngã. Thời gian tháo gỡ sẽ không kéo dài mà càng ngày càng rút ngắn để người đó được thanh thoát nhẹ nhàng và nhận ra ánh sáng sự thật.
Nhưng nếu một người không hiểu được cơ chế này, không chấp nhận nó và cố tình chống cự những sự kiện nghịch cảnh đang diễn ra, hiểu lầm ý định tốt đẹp của cuộc đời, thì sẽ càng xây nên những bức tường dày đặc hơn. Trong khi sự va vấp với dòng chảy cuộc đời là không đổi nên càng ngày họ sẽ càng sống tiêu cực hơn, cứng nhắc hơn và khổ sở hơn. Thậm chí, nếu quá trình tan rã của bản ngã đang diễn ra mà người đó không quy phục hoàn toàn thì có thể dẫn đến những tổn thương sâu sắc về thể chất và tinh thần.
Sự tắt đi chế độ phòng thủ này có thể hiểu như người sử dụng máy tính (linh hồn) đang cố gắng nâng cấp sản phẩm của mình để nó hoạt động đúng chức năng và mục đích. Anh ta đang tìm cách tắt cái công tắc phòng ngự ấy đi, hoặc đang chỉnh sửa hệ điều hành đang tiếp tay cho cơ chế tiêu cực này. Những cá nhân giác ngộ đã và đang diễn đạt những sự thật về bản chất con người và thực tại chính là những kỹ sư đang giúp những người khác tự nâng cấp chính mình, tự tắt đi chức năng dư thừa độc hại, đi ngược lại với mục đích thánh thiện của tâm hồn. Những người có lòng tin thì sẽ lắng nghe các dấu hiệu của sự nâng cấp, để bản thân mình trở nên thanh sạch và hoàn hảo. Những người kém tin thì sẽ chống cự lại các dấu hiệu mà cuộc đời hay vũ trụ gửi tới trong những nghịch cảnh, để bản thân tiếp tục sống trong ma trận vị kỷ.
4. Một số phương thức ấn nút tắt chế độ phòng thủ của bản ngã
Có thể nói tất cả các sự kiện trong cuộc sống đều giúp một người tháo gỡ chức năng phòng thủ này. Gia đình là để yêu thương và kết nối. Lao động là để cống hiến và phục vụ tận tụy. Khó khăn là để vực dậy những phẩm hạnh thiêng liêng. Khi một người có mục đích tiến hóa, họ sẽ thấy sự nâng cấp được diễn ra mọi phút giây, trong mọi hoàn cảnh sống và mọi mối quan hệ. Còn khi không có mục đích tiến hóa, thế giới này chỉ hiện ra là mồi mê đắm lạc thú giác quan và đấu trường ganh đua kiếm chác, chống cự lại khổ đau, già nua, bệnh tật và cái chết. Có một số phương pháp giúp một người ấn nút tắt chế độ phòng thủ này.
- Lao động hăng say cao độ, không mong cầu kết quả
- Buông bỏ, xả ly vật chất
- Yêu thương ngập tràn, vị tha, phụng sự
- Cầu nguyện God với toàn bộ lòng thành kính
- Nhập định sâu
- Trải nghiệm chất thức thần (psychedelics)
5. Ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tắt chức năng phòng thủ của bản ngã
Có một câu hỏi đặt ra đó là tại sao phải tắt chức năng phòng thủ này đi? Câu trả lời đó là chức năng này không phù hợp cho sự tiến hóa nhận thức của con người. Nó làm cản trở khả năng học hỏi, thích nghi và yêu thương tự nhiên của chúng ta. Nó khiến con người càng xa rời nội tâm, chia rẽ lẫn nhau, đắm chìm trong xung đột, mâu thuẫn và nghèo đói (cả về vật chất và tinh thần). Sự phòng thủ không phải là mục đích cao thượng của bản ngã, mà là sự nhầm lẫn sinh ra do một người quên mất kết nối với cội nguồn tâm linh. Chức năng của bản ngã là phụng sự và biểu đạt mục đích cao đẹp của tâm hồn, lan tỏa tình yêu, bình an và hạnh phúc. Sự phòng thủ có cấu trúc đi ngược lại với những trạng thái thiêng liêng này nên nó cần phải được gỡ bỏ.
Có người nhầm tưởng rằng tắt chức năng phòng thủ chính là đè bẹp bản ngã hay giết chết bản ngã. Đây là góc tiếp cận sai lầm và phiến diện. Phòng thủ chỉ là một chức năng (tiêu cực) của bản ngã trong vô vàn các chức năng khác nhau. Trong khi, bản ngã là một phần của tâm hồn không thể tách biệt, như cái tay là một phần của cơ thể. Bạn không cắt cái tay đi mà hướng nó đến sự lao động đúng đắn.
Nói là cái chết của bản ngã (ego death) chỉ mang ý nghĩa hình ảnh. Cái thật sự chết đi ở đây là ảo tưởng về chức năng của bản ngã, không phải bản ngã ấy.
6. Kết luận
Nói tóm lại, một người cần nhìn thấy cơ chế phòng thủ tâm lý mà mình đang sử dụng trong những tình huống diễn ra thường ngày để có thể tháo gỡ nó dần dần. Sự chuyển hóa, sự sống, hạnh phúc và tình yêu đích thực chỉ có thể đâm chồi nảy lộc từ một mảnh đất thoáng đạt của tự do và lòng can đảm. Hãy bắt đầu “nâng cấp máy tính” của chính mình để có thể trải nghiệm những “chương trình” hay những thực tại tuyệt vời hơn.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh: Cameron Grey
Các bài viết liên quan
>> Sự hình thành của Bản ngã (Ego) – Vì sao cái tôi cá nhân của bạn chỉ là ảo tưởng
>> Ảo tưởng về sự tách biệt — Tìm Hiểu Sâu Hơn Về Bản Chất Của Ego (Bản Ngã / Cái Tôi Cá Nhân)
🎯 Đặt mua tạp chí Aloha của THĐP để trau dồi kiến thức trí tuệ, những nội dung được chọn lọc chỉ có tại THĐP ➡️ bit.ly/THDPmembership
🎯 All Volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP