27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Tự truyện Benjamin Franklin, hành trình của một vĩ nhân

Photo: Bìa sách Tự Truyện Benjamin Franklin

 

“Mười bảy tuổi, tôi khăn gói thu xếp hành lý cùng lên tàu với anh. Sau ba ngày lênh đênh trên biển, từ Boston, chúng tôi đã đến New York. Nhưng đáng tiếc, tại đây, chúng tôi không tìm được việc làm và phải tiếp tục lên đường đến Philadelphia. Thật không may, chuyến đi không biết trước lần này lại đem đến cho chúng tôi một tai họa. Chúng tôi gặp phải một cơn bão lớn, chiếc thuyền bị đánh nát tươm những cánh buồm. Trôi lênh đênh 30 giờ trên biển, rốt cuộc chúng tôi không thể đi xa hơn để đến Philadelphia mà phải dừng lại ở một bến cách đó vài mươi dặm…”

Thật là thú vị nếu tôi thực sự được là nhân vật “tôi” trong đó, bởi vì, biết sao không, tôi chỉ đang tưởng tượng ra mà thôi, hic. Tôi đang tưởng tượng mình được phiêu lưu khắp nơi cùng anh chàng Benjamin Franklin đây, nhưng không thể được, bởi vì ông này sống ở thế kỷ 18 cơ mà.

Nếu bạn chưa biết Benjamin Franklin là ai, thì để tôi giới thiệu ngắn gọn: Ông Franklin là một chính khách, là nhà lập quốc nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Ông là một trong 4 người ký vào tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776. Đó chỉ là điểm nổi bật nhất thôi, ngoài ra ông còn là người đa tài của Thời Đại Khai Sáng: Ông còn là một nhà khoa học, một tác giả, một thợ in, một triết gia, một nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, một nhà ngoại giao hàng đầu. Cột thu lôi mà cả thế giới chúng ta đang sử dụng là phát minh của thiên tài này đấy.

Ấn tượng ngay với những trang viết đầu của quyển sách Tự truyện Benjamin Franklin, tôi vui như tóm được vàng, vì thế chẳng ngần ngại gì “cuỗm” ngay nó về nhà. Với giọng văn tự sự kể chuyện, bạn sẽ được đưa vào chuyến phiêu lưu của Franklin lúc nào không hay. Bạn sẽ tưởng tượng ra những con đường đất ở Philadelphia thế kỷ 18 đầy bụi đất ra sao, những khẩu súng cối để phòng vệ cho thành thị sau này được trang bị như thế nào và nhất là, nhà in của Franklin sẽ ra sao nhỉ?

Mươi tuổi, Franklin đã phải đi làm nhà in cho anh trai. Mười bảy tuổi ông phiêu lưu sang các miền đất khác để làm việc. Cũng như bao con người thanh niên trẻ khác, qua những khó khăn và sốt bệnh, không có người thân ở bên cạnh, đã có lúc Benjamin từng nghĩ: Lẽ ra mình không nên bỏ đi như thế. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, và ông lại tiếp tục làm việc chăm chỉ dù phiêu lưu ở mảnh đất mới nào đi nữa.

Tuy không được đi học bài bản ở trường lớp như người khác nhưng Franklin sau này lại trở thành một danh nhân, chính khách nổi tiếng nhờ tự học. Nhờ óc sáng dạ, sự chăm chỉ học hành và sự cần mẫn không mệt mỏi trong công việc, anh chàng Benjamin đã học rất nhanh và sớm trưởng thành hơn những người cùng tuổi. Ở tuổi vị thành niên, Franklin viết vài tác phẩm ẩn danh tính và nghe được những lời khen ngợi từ người lớn. Ngoài ra, lợi dụng thế mạnh ngành in của mình, sau này ông còn viết rất nhiều tác phẩm cho những người dân còn thiếu nhiều hiểu biết, chẳng hạn như là ca dao tục ngữ mà sau này trở thành những câu truyền miệng của người ta. Phải thừa nhận, ông rất có tài trong việc “viết”, và ông cũng thừa nhận là nó giúp ích ông rất nhiều trên con đường sự nghiệp.

Xuyên suốt quyển sách là một câu chuyện trải nghiệm của một con người trong hành trình cuộc sống để trở nên tốt hơn. Cuộc hành trình chứa đựng nhiều vấn đề trong cuộc sống mà trong chúng ta, ai cũng phải đối mặt như: Những chuyện về tiền, những xích mích và ràng buộc trong gia đình, cách ứng phó với thế giới bên ngoài ra sao khi gặp vấn đề, tìm cho mình một lẽ để sống, hiểu về những gì đất nước đang xảy ra cũng như là bắt đầu có chút quan tâm đến chính trị để giúp đỡ những người xung quanh.

Trong chuyến phiêu lưu mà bạn sắp đi cùng ông, hãy để ý nhé, Franklin sẽ kể rất chi tiết về thời trẻ của mình đấy. Ông kể về những suy nghĩ của mình trước sự việc, ông kể về sự làm việc chăm chỉ của mình đến thế nào, đọc sách thâu đêm hăng say ra sao. Có lẽ, nhờ đọc nhiều sách và làm việc từ khi còn nhỏ, Franklin đã rèn được cho mình khả năng giao tiếp rất có bản sắc riêng mà nhiều người phải quý mến. Bạn sẽ rất bất ngờ về cách giao tiếp của ông cho coi, một cách giao tiếp rất sắc xảo, vừa lịch thiệp, vừa cứng cáp, mà điểm nổi bật nhất, theo tôi, là các ngôn từ được sử dụng chuẩn đến “từng milimet”.

Nhờ khả năng lý luận cao và một lòng ham cống hiến cho xã hội, sau này Franklin được nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống nhà nước và ông được trường Đại học St Andrews trao bằng Tiến sĩ danh dự ngành Luật. Điều đáng quý thuộc vào loại bậc nhất ở ông là không bao giờ dùng khả năng lý luận để giành chiến thắng cho riêng mình. Ông coi đó là những điều không cần thiết, và chỉ thực sự dùng lý luận để tranh đấu cho lợi ích của dân chúng mà thôi.

Cũng nhờ sự để tâm rèn luyện đến từ ngữ sử dụng, phương pháp luận và đọc sách về tôn giáo mà Benjamin Franklin còn có một hệ thống triết lý sống rất hợp lẽ hợp tình. Những triết lý rất thực dụng, thực dụng ở chỗ nó không có gì cao siêu quá đỗi mà là rất phù hợp với đời sống dung dị của một con người. Như là cách trả ơn người ta đã giúp đỡ mình, đã cho mình mượn tiền, đã quyên góp tiền cho mình, đã cho mình thuê nhà giá rẻ. Là cách sống cống hiến cho cuộc đời chứ không phải là chọn tiền bạc, vân vân… Đây là một điểm cực kỳ quan trọng mà mỗi người cần phải học hỏi, phải tập theo trang bị cho mình những triết lý sống riêng để vượt qua khó khăn hay bão tố luôn sẵn sàng vồ vập ta bất ngờ…

Nhưng trên hết tất cả những điều đã nói, thứ mà làm tôi nể phục ở ông nhất là sống một đời sống chân thành, chính trực và nghĩa khí. Ông chỉ làm những điều dựa trên lẽ phải và chính trực, dù cho nhiều khi điều đó sẽ gây mích lòng ai đó, sẽ làm thiệt hại cho ông vài điều, nhưng ông không coi đó là quan trọng. Người như thế thì đi đâu cũng có quý nhân phò trợ, hiền nhân giúp đỡ, chẳng phải hạnh phúc sao? Ai trong chúng ta cũng biết là nên sống theo lối đó, nhưng không phải ai cũng làm được, vì ta còn nghĩ về cái lợi của bản thân quá. Từ chuyện nhỏ, ta có thể trả muộn sách cho người ta chứ không như Franklin, thức thâu đêm để đọc cho hết và trả đúng hạn. Ông đấu tranh cho dân chúng mà không màng đến lợi ích của bản thân mình, nhưng còn nhiều người trong chúng ta chọn cách là im lặng. Sự khác biệt của vĩ nhân và ta, dường như chỉ cách nhau một sát na của tính kỷ luật.

Nhờ quyển sách này mà tôi ngày càng thích viết hơn, và càng viết, càng để ý đến ngôn từ thì tôi càng cảm thấy thích thú và nhận ra tầm quan trọng của nó. Viết và lý luận rõ ràng sẽ là một trong những kỹ năng lợi hại nhất cho một người sống tốt giữa thế giới này, và quyển sách này ít nhiều sẽ hỗ trợ bạn học được một số điều thú vị.

Có thể, bạn sẽ bị ông thu hút từ những trang sách đầu tiên. Và có thể, bạn cũng sẽ giống tôi, trở nên ngưỡng mộ ông từ khi nào chẳng biết. Một tấm gương rất đáng quý. Một tấm gương mà có đôi khi, vào một phút giây nào đó, bạn thoáng nghĩ, bạn sẽ trở nên to lớn hơn, cao cả hơn, cần mẫn hơn, biết hi sinh hơn là quá khứ của chính mình. Và từ đó, đời bạn có thể mở sang một trang khác để bắt đầu sống hết mình, cống hiến cho cuộc đời, rồi bắt đầu nở hoa…

Tự truyện của một vĩ nhân đáng kính phục mà tôi nghĩ nếu không một lần trong đời bạn nên biết đến thì thật là đáng tiếc. Hi vọng mọi người sẽ tranh thủ đọc nó, nhất là những cô cậu nhỏ hay những thanh niên trẻ khỏe, càng sớm càng tốt, vì nó rất tuyệt và lợi ích cho bạn một cách khá toàn diện.

Nếu đã lâu rồi bạn chưa đi đâu khỏi nơi bạn ở, lâu rồi chưa đọc sách thì chuyến phiêu lưu này là không thể thú vị hơn đâu!

Vậy nhé,
Chúc bạn một ngày tốt lành!

 

-Lục Phong-

Xem trích đoạn sách:
http://www.vinabook.com/c518/tu-truyen-benjamin-franklin-p48380.html


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. benjamin frankin nghe tên và sự xuất sắc của ông đã lâu và có những câu nói của ông lấy làm nguyên tắc sống. Bây giờ có cuốn tự truyện thì quả là tuyệt vời.

  2. Nhận xét của BGK (còn cập nhật)

    Nguyễn Hoàng Huy: Cái tên Lục Phong nghe rất quen thuộc, hình như trước đây cũng từng đăng rất nhiều bài trên THĐP. Đùa thôi, anh đã quen em trên FB lâu rồi đúng không nhỉ. Tuy nhiên vì đây là một cuộc thi nên anh buộc phải nhận xét cho công tâm, không thể vì tình riêng mà thiên vị được. Đã nhiều lần anh muốn nhận xét về cách viết của em nhưng cơ hội không cho phép, thôi thì cứ tạm xem đây là thời điểm, hy vọng em cởi mở tiếp nhận.

    Anh biết em muốn mình viết với một phong cách tự nhiên; đó cũng là một cách viết hay, tuy nhiên cái em cần thêm là sự sáng tạo. Một cách viết tự nhiên mà thiếu sáng tạo thì nó sẽ trở thành một bản Vietsub vlog nói tiếng Việt. Hay nói đơn giản hơn là nó trở thành văn nói mất rồi. Với lại nhiều khi không phải lúc nào mình cũng tự nhiên như bà tiên được. Phải biến hóa nhiều thêm vào, thiên biến vạn hóa khôn lường. Phải gây được bất ngờ trong câu văn, khi nổi khi trầm, khi trở thành trẻ trâu khi biến thành thánh thần… Anh nghĩ đó là một mục tiêu em dư sức nhắm tới được, nhưng anh chưa thấy được nó trong bài viết này. Nhận xét cũng đã dài có lẽ nên nhường chỗ lại cho các giám khảo khác. Anh chấm 70 điểm bài này.

    Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo: Bài viết khá, ít lỗi chính tả hay lỗi đánh máy. Giới thiệu rõ nét suy nghĩ của tác giả về quyển sách. Tuy nhiên về nội dung sách thì chưa được rõ ràng do thiếu trích dẫn (em chỉ trích một đoạn mở đầu, đối với anh đoạn đó chưa hấp dẫn lắm). Chưa hấp dẫn đối với người đọc. Bài này cũng giống như những bài viết khác của Lục Phong, cần phải là một người chịu đọc, phải đọc đi đọc lại vài lần mới thấy hay, còn lướt sơ qua thì không thu hút. Phong cách này dùng cho một bài giới thiệu thì không thích hợp. Đoạn mở đầu hơi … mất hứng (ngay chỗ “nhưng không thể được…”), nhưng về sau thì kết cấu, diễn biến hợp lý. Và vì thiếu trích dẫn, thiếu những câu tóm ý cho từng đoạn nên anh phân vân không biết em đang tường thuật theo mạch kể chuyện trong sách hay đó là những điều em rút ra khi đọc sách. Anh đồng ý với Huy ở chỗ là đọc xong bài giới thiệu này anh không biết có nên tìm đọc sách hay không nữa. Chấm điểm: 70/100

    * “Sắc sảo” chứ không phải “sắc xảo”

    Đoàn Minh Hằng: Chị cũng đọc bài viết của người quen này khá nhiều lần. Em chọn một cuốn sách thuộc loại ít người đọc, và nhân vật viết tự truyện cũng là một cái tên không quen thuộc. Chị cũng cho rằng em tham dự cuộc thi cho vui chứ không có mục đích đoạt giải. (Giống như trong cuộc thi ca nhạc các giám khảo bảo em là em sai lầm khi chọn bài đó 🙂 Tiếp theo, em đưa văn nói vào bài viết, nếu với một cuộc thi, hay kể cả với 1 tác phẩm, thì bài viết của em sẽ bị đánh giá là thiếu chỉn chu. Bài viết của em đều đều, không có gì nổi bật, bởi cả cuốn sách, bởi cả nhân vật, tự thân nó sẽ làm cho bài giới thiệu khô khan. Và thực sự thì chị đọc xong chị cũng sẽ ko đi tìm hiểu ông chính khách này là ông nào, cũng như chị sẽ đi tìm cuốn sách này để đọc. Nhưng có môt điểm quan trọng, là em thích cuốn sách và nó có tác động mạnh mẽ đến em. Nhờ cuốn sách mà em thich viết. Cuốn sách thu hút em. Đây là một vĩ nhân em kính phục. Tất cả như vậy với em là đủ và đối với một bài viết dự thi thì đó là một điểm sáng thuyết phục ban giám khảo 🙂 Chấm điểm: 70/100

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI