28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Rừng Na Uy – Haruki Murakami, sự chân thành sâu sắc nhất mà cũng trần trụi nhất

Featured Image: Bìa sách “Rừng Na Uy” phiên bản tiếng Anh

 

Tôi từng nghe nhiều câu nói về việc nên chọn sách để đọc như thế nào. Trong số những đúc kết đáng học hỏi đó có ba câu thường“lớn tiếng” nhắc nhở khi tôi chọn sách đọc, một câu đại ý là ‘Bạn đọc bao nhiêu cuốn sách không quan trọng bằng thấm được bao nhiêu phần trong nó’, nữa là ‘Một cuốn sách sau khi đọc xong khiến bạn tâm đắc nhất dù chỉ một câu thì cuốn sách ấy vẫn đáng đọc’, hay gần đây nhất, và ấn tượng nhất với tôi về ý nghĩa của những mặt giấy và những con chữ là như này: “Đôi khi bạn đọc được một cuốn sách và nó truyền cho bạn một thứ đức tin cuồng loạn, và bạn dần tin rằng thế giới đang bị chia cắt này sẽ chẳng thể nào hàn gắn lại được khi và chỉ khi toàn bộ nhân loại đọc được cuốn sách đó.”

Huyên thuyên về chuyện đọc sách như thế có hơi tốn thời gian nhưng việc này có liên hệ nhiều tới việc đọc sách của tôi. Riêng tôi cảm thấy số quyển sách đem lại cho mình cảm giác kỳ diệu như nó là thứ viết ra dành cho mình, thứ được viết bởi một người có thể chỉ lối cho mình, gần như là khai sáng ấy, thì quả thật không nhiều. Nó như những mối nhân duyên, những mối duyên đến mà không ai trong chúng ta có thể tiên đoán, có thể cảm được cái ý nghĩa đặc biệt của nó. Mối duyên không chỉ có giữa người với người, người với sách, nó cũng kỳ diệu và thiêng liêng không kém. Tôi nghĩ rằng, tất cả những người cũng đọc Rừng Na Uy và từng bị nó lay động thấu tim gan mình, họ và tôi đã có được sợi dây kết nối vô hình mà mãnh liệt nhất. Tôi đã nghĩ như thế về sự hàn gắn nhân loại trong câu nói trên kia.

Tôi đã mua Rừng Na Uy vào một dịp mua sách rất bình thường, không hề tìm đọc bình luận, phê bình trước, giới thiệu tóm tắt cũng không, chỉ biết nó nổi tiếng mức độ “Cứ bảy người Nhật thì có một người đọc Rừng Na Uy”. Tóm lại chỉ là một trong những cuốnlần ấy tôi khuân về để ngâm cho hết thời giờ trong kỳ nghỉ. Tôi đã chẳng hiểu một tí gì sau khi đọc xong nó. Tôi không hiểu điều mà nhà văn muốn nói, tôi không hiểu ý nghĩa của cuốn tiểu thuyết, tôi không hiểu cả những bình luận, tôi không hề cảm thấy như họ. Có lẽ lúc ấy tôi còn quá ngây thơ non nớt, tâm hồn chưa đủ sâu, kinh nghiệm sống, hiểu biết cuộc đời cũng chưa đủ rộng để cảm nhận nó.

Nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ, đó là cuốn đầu tiên dù tôi không nắm bắt được dòng cảm xúc của nhân vật, tức là chưa có sự đồng cảm với những gì nhân vật đang kể, đang cảm, thì tôi vẫn bị nó cuốn hút một cách vô thức, khiến tôi đọc cho đến dòng cuối cùng. Mặc dù có thể lúc đấy đơn thuần là do sự tò mò về diễn biến câu chuyện. Tôi đã không có gì để suy nghĩ nhiều về cuốn sách sau khi đọc xong lần đầu ấy. Nhưng nó để lại một sự ám ảnh nhẹ nhàng trong đầu tôi.

Nói nhẹ nhàng là vì nó không hiện hữu và chiếm toàn bộ đầu óc tôi mọi nơi mọi lúc, mà chỉ là đôi khi nó mớivô tình gợi lên và từ từ len lỏi vào đầu óc tôi, dần lớn lên và đạt được một chỗ trong tiềm thức tôi. Chính cái cách chờ đợi một cách đặc biệt ấy, chờ cho đến khi tôi sẵn sàng trở lại, nó đã khiến tôi cầm lên khỏi kệ và đọc lại không chỉ một mà hai, rồi ba, bốn lần và cho đến bây giờ cuốn tiểu thuyết ấy tôi đã thuộc nằm lòng từng câu thoại, từng cảnh vật và từng sợi dây cảm xúc của nhân vật như thể họ là có thật, và tôi đã thật sự cùng họ trải qua tất cả.

Rừng Na Uy là một cuốn tiểu thuyết sống động, nó tràn đầy sinh lực và cảm xúc. Nó không khiến thực tế trở nên tuyệt vọng hơn, nó không khiến người đọc đồng cảm để rồi tìm đến sự giải thoát như ba trong số nhân vật của câu chuyện. Rừng Na Uy mang trong nó một nguồn sức sống mãnh liệt, bao phủ bên ngoài bằng vỏ bọc của mộtthế giới thực, một thời đại thực nghẹt thở và tuyệt vọng. Đọc hàng chục lần, nghĩ về nó hàng năm theo sự trưởng thành của mình, tôi mới nhận ra, cái thứ hy vọng âm ỉ và niềm tin mạnh mẽ vào sự sống, vào tương lai mà nó khơi dậy trong tôi, chính bắt nguồn từ cách mà Toru Watanabe thành thật và lạnh lùng kể về những suy nghĩ, cảm xúc của anh ta về cuộc sống và con người, và cách mà anh ta đối thoại, cư xử với những người khác trong câu chuyện.

Tất cả những lời nói, những suy nghĩ, những hành động đó đều xuất phát từ sự thành thật sâu tận đáy lòng của anh ta. Toru Watanabe chấp nhận và chân thành với người khác về những khiếm khuyết của mình. Anh ta nói những gì mình thật sự nghĩ và cảm thấy. Anh ta chia sẻ về cuộc sống của mình và nỗi đau của mình một cách đơn giản và chân thành nhất. Anh ta không che giấu những mảng tối trong tâm hồn, không giấu bản ngã của mình, không giấu cả sự ghê tởm bản thân.

Nhưng trên tất cả là, sáu nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết đều sống như thế. Họ thành thật với nhau. Họ đến với nhau tự nhiên và chân thành. Họ chấp nhận việc mỗi người đều có những đứt gãy riêng và học cách lắng nghe và nói chuyện, học cách chia sẻ và học cách hiểu nhau. Tất cả sự thành thật đó họ đã bộc lộ bằng những cách đơn thuần nhất, hay có thể nói trần trụi nhất, qua những cuộc trò chuyện, bày tỏ về quá khứ, về hiện tại, qua những lá thư, những giận dữ, những đau đớn, những tiếp xúc thể xác…Ta chân thành nhất khi ta thể hiện bằng những gì thuộc bản năng con người của mình nhất.

Như sự can đảm chấp nhận một mối quan hệ đầy khiếm khuyết của Hatsumi, vì cô ấy thấu hiểu và thành thật với tình cảm của mình. Một Midori với bản năng tràn đầy sức sống và lạc quan vượt lên trên những khốn khổ và khắc nghiệt của cuộc sống xung quanh. Cái cách cô nói ra từng chữ một rằng cô muốn làm những trò kinh tởm với Watanabe, cái cách cô nói rằng cô đã hy vọng cậu thấy được kiểu tóc mới của mình, cái cách cô bảo Watanabe rằng cô đã yêu hắn… Và bên trên những lối sống khác nhau mà tất cả bọn họ đã chọn, có thể đầy mâu thuẫn và vô cảm như Nagasawa, hay là một cuộc sống cô đơn và thiếu nhiệt huyết như Watanabe thì tất cả bọn họ luôn có một điểm chung: Sự chân thành.

“Cái phẩm giá lớn nhất của hắn là lòng trung thực. Không những hắn không bao giờ nói dối, hắn còn luôn sẵn sàng nhận khuyết điểm của mình.”
“Cậu đang nói rằng cậu ghen tị với cách sống của tớ?” – “ Không, tớ không nói thế. Tớ đã quá quen với việc chỉ là chính mình.”
“Tôi hoang mang rồi. Tôi sẽ không phân bua gì cho mình đâu, nhưng tôi tin chắc là mình đã sống chân thực như mình vẫn biết.”

Rừng Na Uy dạy tôi một điều quan trọng, tất cả chúng ta không thể đều trở thành những vĩ nhân, hay làm được những điều to lớn, trở nên thành công và nổi tiếng. Nhưng chúng ta luôn có thể sống hết sức lực, tâm can mình bằng sự chân thành. Chân thành với chính bản thân, học cách chấp nhận những khuyết điểm của mình, học cách tha thứ cho bản thân, học cách yêu và sống như chính con người mình và học cách đối xử với người khác như thế.Sự giản dị mà lôi cuốn người ta vào từng con chữ một, từng trang sách một của Rừng Na Uy khiến nó đôi với tôi luôn là cuốn tiểu thuyết tràn đầy nhất, đẹp đẽ nhất của Murakami.

Tôi luôn nhớ những lời bộc bạch của dịch giả Trịnh Lữ: “Đọc Rừng Na Uy rồi, tôi chắc bạn sẽ nghĩ nhiều về bản thân mình. Về người mình yêu. Về bạn bè. Về bố mẹ anh chị em trong nhà… Đọc lời thoại trong Rừng Na Uy, tôi chỉ mong mình cũng nói được như thế với người mình yêu mến”. Đó chính xác là những gì cuốn tiểu thuyết dạy cho tôi, và là thứ ánh sáng duy nhất cháy trong đêm mà tôi dựa vào để đi con đường của mình, không, bất cứ con đường nào.

 

Chau Tran


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. BGK ai bất ngờ vì Châu đã đọc 4 lần, nhưng mình hông có bất ngờ, mình cũng đã đọc cuốn này nhiều lần, số lần theo số năm và không đếm được, hầu như cuốn nào của Murakami mình đều thế, lần nào đọc, mình cũng vui. Nên mình cũng hiểu bạn nữa nè. Muốn bắt tay bạn ghê 🙂

  2. Cảm ơn bạn về cách bạn chia sẻ về điều bạn nhận được khi đi qua khu rừng Nauy của Murakami. Nó khiến tôi thấy rõ ràng và đơn giản hơn những gì tôi đã gặp trong khu rừng đó. Tôi đã đọc 4 lần, và sẽ còn trở lại khu rừng đó nhiều nữa. Cảm ơn bài viết và tác giả.

  3. Thank bạn Chau Tran. Mình đã đọc quyển này 2 lần: lần 1 là khi mình đang đối mặt với những sóng gió tình cảm; lần 2 là khi trong lòng mình vô cùng trống rỗng, vô cảm. Và mình đã đồng cảm với những nhân vật trong sách, đã vô cùng yêu thích quyển sách này, nhưng mình không thể gọi tên những cảm xúc mà quyển sách mang lại. Nhưng sau khi đọc bài viết của bạn, mình cảm thấy rõ ràng hơn về những cảm xúc của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI