Featured Image: Bìa sách “Khói Sẽ Làm Cay Mắt Tôi”
“Buổi chiều tôi lên đê một mình, lặng lẽ gom lại một ít hương xưa cất vào đâu đó trong sự bộn bề tuổi trẻ. Cỏ may cứ dùng dằng níu lại. Dăm con bò còng lưng cõng gió, vài cánh cò nhẫn nại hớp sương. Thế là thành quê hương. Giản đơn và hồn hậu. Có ngần ấy thôi nhưng coi hoài không thấy chán. Chiều nay bạn từ xa về, bạn nói đặt chân xuống làng một cái tự dưng mình hết muốn bon chen. Bạn nói quê hương luôn đẹp đối với những ai biết đủ.”
Đoạn văn trên được trích trong bài “Men dọc triền đê”, một trong số ba mươi bảy bài tùy bút ngắn được gói gọn trong cuốn “Khói sẽ làm mắt tôi cay” của Hoàng Công Danh. Tôi đã bị cuốn hút bởi văn phong giản dị mà thâm thúy, lối miêu tả đơn giản nhưng độc đáo, và đặc biệt hơn hết là tôi có thể cảm được tình yêu nồng nàn của tác giả dành cho quê hương Quảng Trị. Tôi muốn giới thiệu đến các bạn quyển sách này vì với tôi đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà đó là cả một nền văn hóa của người Việt.
Một tác phẩm “ngược dòng”
Tôi xin mạn phép gọi Hoàng Công Danh là anh, vì tác giả chỉ lớn hơn tôi có ba tuổi (anh sinh năm 1987). Tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra điều đó, vì anh còn quá trẻ để viết được những dòng văn mà với tôi là khá “cứng”. Trong khi những cây bút trẻ khác hồ hỡi chạy theo những chuyện tình ướt át, ủy mị, những tản văn miên man, đầy chất teen và hiện đại thì anh lại đi ngược chiều. Đó cũng là nét độc đáo của tác giả. Những nhân vật của anh là những người đã cùng anh trải qua tuổi thơ thần tiên tại quê nhà như bạn bè, ông nội, cô bé chăn trâu, con bò, con nhái, chim én, ánh trăng,… Một điều đặc biệt nữa là do Hoàng Công Danh là Thạc sỹ Vật lý Lượng tử tại Belarus, nên có một số chi tiết nhỏ anh đã giải thích bằng các quy luật vật lý. Điều đó không làm cho văn của anh nhàm chán mà ngược lại làm cho người đọc thích thú hơn.
Từ đầu đến cuối quyển sách, người đọc chỉ thấy một tình yêu mãnh liệt với quê hương của tác giả, thỉnh thoảng có xen lẫn một vài cảm xúc bất chợt của tình yêu đôi lứa. Người đọc như được chạm đến địa danh Triệu Phong một cách chân thực vì lối miêu tả chi tiết, sống động và sắc nét. Ví như khi một đọc đoạn miêu tả hoa mười giờ trong bài “Đất nở hoa”sẽ thấy cái nghệ thuật so sánh của Hoàng Công Danh:
“Hoa mười giờ hồng thắm và có một bố cục xếp cánh chặt chẽ. Mỗi cánh hoa mang hình một cánh bướm điệp màu. Lối khai hoa của nó cũng bất ngờ như cách xòe cánh họ nhà bướm. Độ gần trưa, chỉ cần nắng vỗ nhẹ thì tất cả búp bất ngờ bung ra đồng loạt. Nếu chạy đi đâu đó một chút rồi quay lại thì cả vườn hoa đã loát hồng lên. Từ đó tôi gọi hoa mười giờ là hoa của sự bất ngờ. Cái bất ngờ như nụ hôn của gã lưu vong từ độ nào trở về lại gặp người tình xưa cũ, chưa nói năng chi đã vồ lấy đôi má muồi duyên.”
Việt Nam đậm nét trong từng câu chữ
Tác giả viết quyển tùy bút trong thời gian du học tại Belarus từ năm 2007 đến 2010. Có lẽ trong thời gian đó, Hoàng Công Danh đã rất nhớ quê, nên cảnh vật tái hiện trong anh rất rõ nét, và có thể nói đó cũng chính những hình ảnh đặc trưng nhất của nông thôn Việt Nam. Tác giả đã vẽ ra một bức tranh hoàn mỹ dẫn người đọc đi từ cồn Mai đến chòi sĩ tửrồi đứng dưới cây khế sau nhàvà ngẩn ngơ ngồi dưới thềm trăng.
Ngoài ra, anh cũng đã chiếu một đoạn phim ngắn về những hoạt động ngày Tết rất mộc mạc như đi chợ Tết, hái lá mai, đón ông bà, nấu bánh, đốt pháo,…. Nếu ai đang xa xứ thì đây quả là liều thuốc tuyệt vời để chữa bệnh nhớ thương quê hương. Còn với những ai được sinh ra và lớn lên nơi thành thị tấp nập, thì đây sẽ là một bản đồ văn học dẫn đường bạn đến với nông thôn hiền dịu. Hay với những ai vẫn còn luyến tiếc tuổi thơ ngây dại thì đây sẽ là chiếc vé vô thời hạn để quay về bất cứ lúc nào.
“Cho đến khi trở lại quê nhà, mỗi hoàng hôn đều cho tôi được tắm gội lại màu nắng năm xưa, khơi gợi lại cảnh cũ. Quê hương đổi thay nhiều, nhưng cứ vào hoàng hôn thì mọi hình dáng năm xưa lại trở về, đơn giản bởi cái lũy tre bao bọc phía sau làng, hay là những nóc nhà đều chỉ còn lại một màu xám đen ngược sáng…” [Hoàng hôn quê nhà]
Hãy cùng tác giả bước từng bước trên miền quê Quảng Trị
Hãy một lần cùng Hoàng Công Danh nếm trải “Pháo Tết ngày xưa”; “Rơm rạ quê mùa”; “Hạt lúa sau mùa”; hay “Nếp tranh xưa”; để được chơi những con tò he, được nghe tiếng nhái râm ran hay được đi tát nước dưới trăng. Và còn tuyệt hơn nữa vì bạn sẽ được tác giả mời một bữa cơm mới – “… Bữa cơm đầu tiên nấu từ hạt lúa mới gặt. Trong một buổi chiều chạng vạng, bên thềm hiên, mùi cơm mới thơm hương vị cánh đồng, nguyên vị sữa ngọt và cái dẻo mềm đến nỗi mỗi hạt cơm lùa vào miệng đều dính ngay ở đó. Người ta bảo cái dẻo của cơm lúa mới là để mình ngậm mà nghe, cảm nhận thành quả sau một vụ mùa.” [Câu chuyện mùa hạ].
Để rồi thả lòng hòa quyệt với thiên nhiên, để thấm đẫm cái hồn dân tộc, để uống cạn những giọt tinh hoa của nông thôn đất Việt.
Tôi không định phân tích hết cuốn sách vì trình độ văn chương của bản thân không đủ, và một lẽ nữa là vì tôi không muốn làm mất đi sự tò mò của các bạn. Mong muốn duy nhất của tôi là bài viết có thể mang đến cho những con người yêu sách biết thêm về quyển tùy bút tuyệt vời này. Quyển sách là một tác phẩm sâu sắc dành cho những ai “…vô tình bỏ quên ánh trăng để đến với những ngọn đèn đường, bỏ quên cái thanh bình để tìm đến sự đô hội. Để một hôm thèm sự dân dã, dịu dàng, thơ mộng, chợt nhớ ra còn có một thềm hiên ngồi đón trăng về.” [Ngồi dưới thềm trăng].
Thụy Yên
Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).