Featured Image: Bìa sách “Bên Thắng Cuộc” phần 2
Lúc đầu, tôi định sẽ chọn nói về cuốn ‘Người hùng nghìn mặt’ của Joseph Campbell, cuốn sách rất hay, nói về dàn bài chung của huyền thoại và cổ tích, về giấc mơ và huyễn tưởng của không chỉ một, hai, …mà hàng nghìn thế hệ, người nối tiếp người, quốc gia nối tiếp quốc gia. Nhưng rồi tôi lại do dự trước cuốn ‘Cộng Hoà’ của Plato. Một bên bán cầu não của tôi gào ‘Joseph Campbell’, bên kia gào ‘Plato’, hai cuốn sách khác hẳn nhau về bối cảnh, tựa đề, nội dung, cả hai chỉ có một điểm chung duy nhất: Hai tác giả thiên tài đều đã qua đời, một người Mỹ, và một người Hy Lạp cổ. Đắn đo một thôi một hồi, tôi quyết định sẽ đặt cho mình những câu hỏi sau:
- Tôi viết cho ai? (Độc giả của tôi là ai?)
- Tôi viết nhằm mục đích gì? (Ngoài lý do tiền thưởng)
- Tôi viết như thế nào? (Thành thật thẳng thắn hay lươn lẹo hài hước)
Sau một hồi so đo suy tính, não tôi cuối cùng cũng vặn vẹo ói ra được tựa sách thứ ba, cuốn sách tôi thực sự muốn viết về. Số là hè năm ngoái, cũng tầm tầm vào độ này, tôi tải về laptop một tệp pdf mang tên ‘Bên Thắng Cuộc’ của tác giả/nhà báo Huy Đức. Mọi người biết đấy, rảnh rỗi sinh nông nổi, tôi lên mạng, nhập vài từ khoá, xem vài phim tài liệu, đọc vài bài gửi trên mạng từ các forum khác nhau, và cuốn sách xuất hiện, đột ngột như một lời tiên tri. Chỉ có điều, lời tiên tri này không hướng về tương lai, mà hướng về quá khứ, và khác hẳn với một lời tiên tri mập mờ với nhiều cách suy đoán, cuốn sách nói về một chủ đề rất rõ ràng, về số phận và cuộc đời của ‘bên thắng cuộc’, của những người đã bồng súng lên và ngã xuống đất, của những người cầm súng nhưng không là lính, và của những người lính không cầm súng.
‘Tôi đã đọc cuốn sách trong hoàn cảnh nào?’
Mùa thu năm 2013 đánh dấu lần đầu tiên tôi nhấn chuột vào file pdf mang tên ‘Bên Thắng Cuộc’. Lúc đó, tôi vừa chia tay bạn gái, vừa trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, vừa chuyển nhà, vừa gặp lại bạn bè sau những tháng xa cách, và vừa xa cách bạn bè sau những ngày gặp lại. Đó là một cuốn sách khá dài để đọc trên màn hình máy tính, nhưng trong màn khói thuốc tôi cũng cố mầy mò đọc cho tới tận trang cuối cùng. Số là, cốt truyện của cuốn sách là một trong những cốt truyện bi tráng và sầu thảm nhất mà tôi từng đọc.
‘Tại sao tôi thích nó (cuốn sách)?’
Những người đã đọc/xem cuốn sách/bộ phim ‘Chuyện dài bất tận’ (The Never-ending Story) của tác giả Đức Michael Ende chắc cũng không xa lạ với ý nghĩ ‘độc giả làm nên cuốn sách’. Cuốn ‘Bên Thắng Cuộc’ cho tôi ý nghĩ tương tự như thế, một cảm giác rằng những nhân vật trong sách có thể sống, chết, yêu, ghét, giết chóc, cứu vớt, …một cách thực tế, cứ như thể đó là câu chuyện về những mảnh đời thật có khi.
Nhưng lý do tôi thích cuốn sách không dừng ở đó. Tôi nhận ra rằng thực tế luôn luôn điên rồ hơn những gì diễn ra trong sách, và tôi nhấn mạnh cụm từ ‘luôn luôn’, bôi đen và in nghiêng, chỉ thiếu điều gạch chân chúng. Những gì trên trang sách do một người hoặc một nhóm người nghĩ ra, cốt truyện cũng chỉ có vậy, nhân vật cũng chỉ có vậy, tình tiết cũng như thắt nút mở nút được học hỏi từ truyền thống đọc và viết của nhân loại. Nhưng thực tế là câu truyện dài bất tận, là lịch sử được chồng chéo lẫn lộn lên nhau, trong lịch sử nghe ngai ngái có mùi sắt của máu, cùng thứ mùi hăng hắc đặc trưng của thuốc súng và bệnh tật.
Tôi thích cuốn sách vì nó giải đáp những thắc mắc thời niên thiếu của tôi về đất nước mà tôi đã sinh ra và lớn lên trong, về những câu chuyện ít được nhắc đến, những mẩu chuyện hiếm hoi tới mức khi nghe tới, người ta thường gạt đi, hoặc ngờ ngợ bất tin. Bạn biết không, khi tìm hiểu về thế giới, về cách thế giới được gây dựng nên, bạn tự hỏi liệu thế giới có điên rồ không? Nếu câu trả lời là có, nếu bạn thấy thế giới điên rồ, bạn cần tự vấn: Liệu những câu chuyện khó tin có là sự thật? Nghi ngờ những gì bố mẹ bạn nói, nghi ngờ những gì ông bà bạn nói, nghi ngờ những gì tivi và internet nói, và trên hết, nghi ngờ bản thân, cật vấn đức tin của bản thân, tự nhìn lại mình, và nhìn lại những người xung quanh. Khi bạn thấy cô đơn, khi bạn thấy không ai chia sẻ lý tưởng của mình, khi bạn bị dồn tới đường cùng bới chính suy nghĩ của bản thân, đó là bước đầu tiên.
‘Nó (cuốn sách) có gì hay, có gì ấn tượng?’
Cuốn sách ấn tượng tôi về cách diễn đạt Việt ngữ trôi chảy, mạch lạc, lối viết văn sinh động, cục mịch mà êm ái, bi tráng mà khách quan, cay đắng lẫn với chút hài hước. Tôi thích những cuốn sách do nhà báo viết, đặc biệt là những nhà báo từ thế kỷ trước, mà George Orwell là một ví dụ. Cuốn sách có gì hay? Tôi thiết nghĩ bạn phải đọc mới cảm nhận được.
‘Thông điệp của cuốn sách?’
Ngắn gọn hai từ thôi: Lịch sử.
‘Tôi học được những gì từ cuốn sách?’
Tôi học (lại) được từ cuốn sách một điều: Người thắng cuộc sẽ viết lịch sử, không phải người thắng cuộc sẽ viết nên lịch sử.
‘Tại sao tôi nghĩ nhiều người nên đọc nó?’
Tới đây, tôi xin dùng ba câu hỏi phụ đã nêu ở phần mở đầu làm tiểu đề cho các vế trả lời cho câu hỏi.
1- Tôi viết cho ai? (Độc giả của tôi là ai?)
Độc giả của tôi là thành viên Triết Học Đường Phố, tầm tuổi có lẽ từ 15 đến 65, những người hiểu, biết đọc và biết viết tiếng Việt, có thể sinh sống ở Việt Nam có thể không, có thể có quốc tịch Việt Nam có thể không (dù có lẽ tuyệt đại đa số mang quốc tịch Việt Nam). Với giả định như vậy, tôi giới thiệu cuốn ‘Bên Thắng Cuộc’ như là cuốn sách duy nhất tôi muốn đọc, với tư cách là người Việt, hàn huyên với người Việt, về những vấn đề mang tính Việt Nam.
2- Tôi viết nhằm mục đích gì?
Ngoài tiền thưởng ra, tôi muốn nói ý kiến bản thân về lịch sử: Theo tôi, lịch sử đóng vai trò rất lớn đối với vận mệnh của một quốc gia, mà cụ thể hơn là Việt Nam. Tôi muốn bạn biết rằng lịch sử được xây dựng lên từ bề dày những cuộc đời và số phận, mà trong lịch sử ấy mỗi cuộc đời và mỗi số phận ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Những chuyện cũ từ một trăm năm trước ảnh hưởng trực tiếp tới thực tế hiện tại. Những chuyện cũ từ một nghìn năm về trước ảnh hưởng tới thực tế hiện tại. Nói cho đúng hơn, những chuyện từ trăm, nghìn năm trước quyết định những gì đang diễn ra, cách này hay cách khác, và chỉ có duy nhất một lịch sử, quyết định cho số phận của duy nhất một thế giới. Bởi lẽ ấy, biết chuyện của tiền nhân không chỉ để tránh cho lịch sử khỏi lặp lại, mà còn giúp tôi và bạn đoán được phần nào tương lai của bản thân, gia đình, xã hội, quốc gia, và thế giới.
3- Tôi viết như thế nào?
Tôi viết để nói bạn nghe về một câu chuyện từ quá khứ, và qua đó chỉ cho bạn thấy một mẩu nhỏ không quan trọng trong cả quá trình nhân loại gầy dựng và gìn giữ lịch sử. Chẳng qua là mấu nhỏ của lịch sử tình cờ lại là câu chuyện về Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ trước. Mẩu nhỏ này của lịch sử, bạn hãy cẩn thận, thấm đẫm máu tươi và thật ghê rợn, giống như một câu chuyện ma không hồi kết, hết giấy mà chưa hết truyện, nhưng lại đáng đọc vì tất cả những lý do nêu trên. Hơn cả, mẩu nhỏ đó của lịch sử còn hàm chứa tôi, bố mẹ và chị gái tôi, anh chị em họ hàng tôi, cũng như nó chứa cả bạn, quyến thuộc của bạn, bố mẹ và anh chị em của bạn.
Thay cho kết luận, tôi muốn trích dẫn điều 5, trong ‘5 điều Bác Hồ dạy’, tác phẩm có thể được tìm thấy ở mọi trường tiểu học, trên mạng và trong sách. Nếu vì bài viết này mà bạn cầm cuốn sách lên đọc, tôi muốn bạn chiêm nghiệm câu nói này của Hồ Chủ tịch.
“5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.” (Hồ Chí Minh)
Ty
Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).
Cảm nhận của mình khi đọc xong là như bạn đang pr sách thì phải và đúng là viết vì tiền thưởng như bạn đề cập đến ở trên nên văn vẻ gượng ép quá đi, nhưng dù sao cũng cảm ơn bạn…
bạn đang giới thiệu về sách à ?
không hiểu lắm