Tôi – một cậu trai tuổi đôi mươi, sống trong một gia đình vui vẻ và chan hòa, có những người bạn vô cùng thân thiết, cũng có mối tình thật đẹp với người mình thương. Học hành thì cũng tàm tạm, cũng vào được một trong những trường đại học khá nổi tiếng ở Sài Gòn. Có vẻ dường như tất cả đều bình thường, duy chỉ có một việc: tôi rất hay KHÓC – và đối với một gia đình chỉ có 1 thằng con trai là tôi thì điều này phiền muộn lắm, cho cả gia đình tôi lẫn tôi.
Xưa kia mỗi lần bị la hay đánh đòn, cái mà tôi có thể làm được là khóc, khóc thật to, và hết. Thuở nhỏ thì chắc ai chả vậy nhỉ? Điều đó thì cũng bình thường mà! Nhưng một trong những sự kiện sắp tới mới thật sự gây lo lắng. Chỉ vì một sự ức chế, tức giận vì tôi không thể cãi lại được chị mình, tôi cũng khóc. Chỉ vì thằng bạn cùng lứa to tiếng hơn tôi, tôi cũng khóc. Thậm chí là đang tranh giành nhau 1 cái đèn led với người anh họ mà tôi cũng có thể bật khóc.
Rồi thì lên tới cấp 2, cái tuổi chập chững bắt đầu biết thương người này, nhớ người kia; cái tuổi bắt đầu biết thêm sự đời, thêm sự tình; tôi vẫn không ngừng tuôn nước mắt. Chỉ một xích mích nhẹ, cãi nhau, nói được vài ba câu nước mắt tôi lại rơi, nhiều lúc cũng không hiểu vì sao? Vì quả tức trong mình hay vì sự yếu đuối, sợ hãi của bản thân; hoặc có thể là một thứ cảm xúc nào đó mà tại thời điểm ấy, tôi vẫn chưa hề biết đến. Rồi lên cấp 3, cái thời nam sinh điêu đứng một lòng một dạ với tà áo dài tung tăng đến trường, bắt đầu hiểu được tình yêu là gì; cái thời mà người ta vẫn thường hay nói về một tình yêu trong sáng, ngây ngô, dễ thương,…; cái thời mà suy nghĩ bắt đầu chín chắn hơn, cũng là bắt đầu cho một sự lo toan sau này nhiều hơn – nghề nghiệp. Cái thời mà người ta vẫn thường hay nói con người khi đó trưởng thành hơn, đững đạc hơn, tôi vẫn không ngừng khóc. Khóc vì bị người mình thương từ chối, khóc vì đội mình thua trận bóng sống còn. Rồi cho đến khi lên tới đại học, sự thay đổi cũng không có gì nhiều. Nước mắt – cái thứ cứ mãi bám theo tôi suốt 20 năm trời qua vẫn chưa bao giờ manh nha ý định từ bỏ.
Từ nhỏ đến lớn, tôi vẫn luôn được dạy rằng con trai là phải luôn mạnh mẽ, phải có sự nghiệp ổn định, là bờ vai vững chắc cho người phụ nữ, trụ cột vững chắc cho cả gia đình. Và vì thế, khóc là một điều không thể chấp nhận được ở một người đàn ông. Vì đối với ba, khóc là một động từ nhằm ẩn ý cho 3 tính cách: YẾU ĐUỐI, YẾU ĐUỐI VÀ YẾU ĐUỐI. “Con trai mà khóc thì như bê đê vậy!”
Nhưng cuộc sống của tôi đâu chỉ quanh quẩn trong nhà, tôi vẫn luôn có những người bạn, những người anh chị em,… và tôi mong rằng họ sẽ không phán xét tính cách của tôi. Nhưng có vẻ như điều đó không thực chút nào cho lắm. Vẫn là cái biệt danh MÍT ƯỚT đi từ nhà đến trường, rồi từ trường đến những nơi vui chơi,… riết rồi nó như một cái tên thứ hai mà tôi nghĩ chắc không còn ai nhớ được tên khai sinh của tôi la gì – ngoại trừ tôi. Còn mấy bác trong nhà thì chắc mọi người cũng đoán được mà! Làm gì có ai có thể chấp nhận một thằng cháu trai mà suốt ngày “khóc nhè” cơ chứ! Mọi thứ đến với tôi như một sự ngăn cản một cách ức chế cảm xúc của mình vậy, và chính điều đó càng làm tôi dễ khóc hơn!
Như tôi nói ở trên, cuộc sống trên đại học của tôi cũng không quá nhiều đổi thay. Vẫn cứ như thế, kìm được giọt nào hay giọt đó, nhưng khóc thì vẫn không thể nào thôi được. Khóc vì chia tay người yêu, khóc vì không bảo vệ được tình yêu của chị mình. Tôi vẫn cứ khóc thôi. Nhưng những giọt nước mắt này đặc biệt hơn một chút: rằng lúc ấy với tôi là những giọt nước mắt đồng hành, rằng chỉ tôi với nó, trong một căn phòng kín tắt đèn tối thui, rằng chỉ mình tôi được biết mình đang khóc. Nước mắt lúc ấy có vẻ hơi cô đơn, nhưng lại chứa đựng nhiều cảm xúc nhất. Cho đến một ngày…
Tôi cũng khá may mắn khi có được một nhóm bạn thời cấp 3 vẫn còn chơi chung tới bây giờ. Tụi nó chơi cũng thoải mái lắm, ăn uống cũng không cầu kì gì, thấy rẻ là muốn ủng hộ ngay rồi! Đám trong đó có thằng Dương – một trong những thằng hài hước và cũng rất đàn ông (tính ra nếu xét về độ “mít ướt” thì tôi chắc trùm lớp rồi, huống chi đây chỉ là một nhóm 4 đứa!) Thiệt tình thì nó hay lắm. Cãi lộn là cãi cho bằng tới, thông minh nhưng lại rất đơn giản. Nó được tôi gọi ngầm là một trong những thằng vô cảm nhất, bởi vì nó đi đâu, làm gì cũng chỉ có một mình – một mình vậy riết không lẽ không chán, không tủi sao! Thế mà nó vẫn sống được như vậy tới bây giờ! Trời đất này cũng kỳ lạ ha! Và thế là (cho đến một ngày) …một ngày dịp lễ, tôi có ý rủ nó xem phim cùng ở rạp để cho cuộc sống nó bớt chán hơn (tôi tin là vậy), thay đổi cuộc sống của nó chút xíu. Nhưng ai ngờ đâu chính nó lại làm cuộc sống tôi đổi thay nhiều vô cùng, nói đúng hơn là giúp tôi sống lại với cuộc sống của chính mình!
Hai đứa cùng đi xem một bộ phim về tình yêu, đôi bên chia xa do dối gian nhau nhưng rồi cuối cùng cũng tha thứ và trở về cạnh nhau. Nhưng cái chính ở đây không phải là bộ phim, mà là ở thằng Dương: nó KHÓC! Nước mắt nó cứ chảy mãi suốt đoạn nam chính về lại bên nữ chính, cùng nhau bảo vệ kỉ vật mà hai đứa tạo ra trước dông bão. Nó khóc mà nước mắt chưa rơi hết giọt này lại vội rơi giọt khác, như thể cảm xúc ấy trong nó tràn ngập lắm! Nhưng mà…hai tay nó cứng đờ một chỗ trên thành ghế, nó không lấy áo lau, cũng chả buồn nhìn ngó xem có ai thấy mình khóc không. Vậy đó, mắt nó thì cứ hướng về màn hình, lệ nó thì vẫn cứ vội vã lăn. Phim hết, nó cũng chẳng vội chạy ra phòng vệ sinh, che mặt cho không ai thấy một đấng nam nhi lại khóc chỉ vì một bộ phim 90 phút. Nó ngồi yên đó, chắc là ngẫm lại cảm xúc lúc ấy, rồi lưu giữ nơi đâu đó, sau đó mới nói tôi ra về.
Vậy thôi, chỉ vậy thôi đó, chỉ vỏn vẹn chừng 10 phút hơn thôi, mà mọi thứ trong tôi như rối bời vô cùng. Tôi bất ngờ lắm, bất ngờ bởi vì một thằng bạn mà mình từng nghĩ nó vô cảm – giờ đây lại khóc trước một bộ phim; bất ngờ vì nó là một thằng con trai; và bất ngờ hơn nữa là vì nó dám khóc nơi đông người mà chẳng tơ vương lấy một chút xấu hổ hay ngại ngùng nào! Lúc sau tôi vờ đùa nó:
“Phim hay mày ha, tao xém khóc luôn ấy.”
“Tao thì khóc luôn rồi chứ xém gì nữa. Phim hay mà!”
Tôi bất chợt đứng hình, trộm nghĩ: mày dám nói cho tao biết rằng mày khóc luôn hả! Mày không sợ tao trì triết nói xấu mày sao! Rồi vô tình đúng lúc đó nó nói thêm:
“Đó là một trong những lí do tao thích xem phim một mình. Vì khi ấy tao có thể toàn tâm thưởng thức bộ phim hơn, khi ấy tao có thể được khóc nhiều hơn cho những cảm xúc đẹp ấy trong phim, và chính những cảm xúc ấy cũng sẽ ghi dấu trong tao, cho cuộc sống tao thêm muôn màu muôn vẻ hơn nữa!”
Như một cú tát táng thẳng vào những sức ép từ ba mẹ, những lời trêu chọc từ bạn bè hồi xưa, lòng tôi khi ấy như muốn bùng nổ vỡ tan tành, cảm xúc trong tôi không thể nào vui sướng hơn. Tôi muốn ôm nó, nhưng chắc nó không cho – tại nam với nam chốn đông người cũng hơi kì – thế nên chỉ khoác vai, và cười với nó suốt cả lúc ra về.
Nó khi ấy chắc không hiểu được đâu, một con người bị kìm nén trong tôi như muốn nhảy bổ ra ngoài, vui sướng vì hạnh phúc, mừng rỡ vì lần đầu tiên có người giống mình đến vậy, mà xúc động vô cùng khi chính người ấy lại đem đến động lực cho mình được cơ hội một lần nữa sống lại cuộc sống của chính mình!
Từ nhỏ đến lớn tôi luôn được dạy phải trở thành một người đàn ông đúng mực, mạnh mẽ, thành công – rằng một thằng đàn ông thì không bao giờ cho phép mình khóc cả. Và thế là trong tôi luôn dày vò giằng xé nỗi niềm ấy, cái mà tôi thường bị người ta gọi là MÍT ƯỚT. Và cũng chính vì những đám đông ấy mà trong suốt 20 năm qua tôi đã tin rằng đó chính là một trong những khuyết điểm lớn nhất của bản thân, rằng mình sẽ không bao giờ có thể trở nên một thằng đàn ông đúng mực nếu như cứ mãi khóc thế này.
Cho đến khi khoảnh khắc ấy xảy ra, cái khoảnh khắc như trời mệnh ban bố làm tôi chợt tỉnh giấc – rằng mình mãi ngủ quên trong những lời ra tiếng vào của mọi người bao lâu rồi nhỉ! Cái khoảnh khắc như một cú tát vào mặt choàng tỉnh, bật dậy chỉ để hỏi chính bản thân mình một câu: Cuộc sống này tôi sống cho ai? Và có ai thấy rằng tất cả những điều ấy đều được tạo từ con người mà ra, rằng từ những ý niệm về nước mắt là một sự yếu đuối thường chỉ dành cho phụ nữ giờ đây trở thành biểu tượng không được gán trên những người đàn ông không? Có còn ai chịu thấy rằng nước mắt có rất nhiều loại nước mắt không?
Nước mắt của sự bi ai, thương tiếc hay nước mắt khóc cho một nỗi uất ức, tức tưởi từ bấy lâu nay, nhưng cũng có thể giọt lệ này rơi xuống là để tả nỗi niềm hạnh phúc mà người ấy nhận được, hay chỉ đơn giản khóc vì một cái đẹp, vì một cảnh buồn hay vì một thứ gợi nhớ lại kí ức. Mắt là cửa sổ tâm hồn, thế nên những gì từ mắt ra đều là xuất phát từ tâm hồn cả. Vậy thì tại sao chúng ta lại phải kìm nén một thứ từ tâm hồn, trong trắng và tinh khôi đến vậy!
Cuộc sống của con người chứa đựng đầy cảm xúc. Và chính những giọt nước mắt ấy là thứ giúp hằn sâu trong tâm hồn ta những kỉ niệm, những khoảnh khắc mà tại nơi đó, cảm xúc luôn được đong đầy, tràn ngập, dù cho đó có là vui hay buồn, tự hào hay oán hận… Chính những cảm xúc ấy đã làm cho cuộc đời ta thêm đẹp hơn, đầy sắc màu hơn.
Cuộc đời không còn là một chuỗi ngày dài bình thường lặp đi lặp lại hằng kì mà giờ đây nó là tổ hợp của cảm xúc trong từng giờ từng phút từng giây để từ đó tạo ra từng ngày khác biệt nhất. Sẽ có lúc đó là một ngày buồn, một cảm xúc chán nản vây quanh dồn dập; nhưng cũng sẽ có lúc cuộc đời vui như hoa ngày tết vậy. Cảm xúc lúc lên lúc xuống, cuộc sống cũng từ đó mà đa dạng thêm. Và việc khóc giờ đây trở thành một con dao – không phải đâm chết tim nhau – mà là cứa vào tâm hồn ta, hằn sâu những cảm xúc ấy trong ta sao cho thật nhất, đầy sinh động và rõ nét nhất. Vả lại những cảm xúc ấy không có lỗi, tâm hồn này có há chi mà phải đóng chặt lại, tự nhốt mình bên trong để rồi ngày nào ấy khi chốt cửa không còn mở được nữa, ta sẽ lại chết trong vô cảm và đầy cô độc mất.
Suy nghĩ trong tôi dần một thay đổi, và điều đó cũng làm hành động tôi thay đổi theo. Tôi bắt đầu dám khóc nhiều hơn và khóc trước nhiều người hơn. Khóc vì một bộ phim hay, khóc vì một cảnh quay đẹp, khóc cho một tình huống xót thương bên lề đường, khóc cho một cậu bé nghèo ngoài phố… Và rồi bất chợt một điều đặc biệt lại xảy đến với tôi: tôi cười nhiều hơn trước. Tôi cười cho một cuộc chia ly bất thành rồi lại tái hợp, tôi cười cho cặp vợ chồng già đèo nhau trên con xe Martin ngoài phố, tôi cười cho một cậu nhóc trẻ khóc đòi mẹ vào ngày đầu tiên đi học…
Có thể bạn không tin, nhưng cuộc sống của tôi đã bắt đầu thay đổi nhiều hơn trước. Cuộc sống của tôi giờ đây tràn ngập hết thảy những cảm xúc của đời người. Có những ngày chán nản vô cùng, vì buồn và vì mệt; nhưng cũng có những ngày thì vui như trẩy hội, những buổi chiều đầy tiếng cười với lũ bạn, những buổi tối đầy lâng lâng cảm xúc qua từng câu hát trong cái loa treo tường. Cuộc sống giờ đây đẹp hơn nhiều, đa sắc hơn nhiều, đậm đà hơn nữa qua ngòi tô của những cây sáp màu cảm xúc mà đầu ngòi tô ấy chứa đầy nước mắt.
Rồi tôi bắt đầu nghĩ đến những chuyện khác, tôi bắt đầu nghi ngờ những hình mẫu mà ba mẹ tôi đã luôn một mực dạy tôi rằng phải hướng đến, những quan điểm xã hội đùa nghịch về giới tính thứ 3 của bè bạn, những câu chuyện về hình xăm và “trông mặt mà bắt hình dong”… tôi bắt đầu nghi ngờ nhiều thứ hơn, nghi ngờ về những chuẩn mực xã hội được đặt ra, nghi ngờ về những khẩu hiệu ngoài đường phố về chống khói thuốc lá,… Và hành động tôi từ đó mà cũng khác đi.
Tôi đã bắt đầu thông cảm hơn với những người LGBT, tin rằng những hình xăm ấy không có nghĩa là sự quậy phá, giang hồ, ăn chơi, hư hỏng,… tôi cũng bắt đầu nhận ra hình tượng mà ba muốn tôi trở thành không phù hợp với tôi chút nào. Tôi không thể nào trở thành một người có cuộc sống ổn định, không ăn chơi đua đòi, không xa đọa trong những thú vui mà ba cho rằng không bổ ích như bar, pub,… mạnh mẽ, cứng rắn, uy quyền và đặc biệt là không bao giờ được khóc cả. Đây không phải là con người của tôi, và cũng chẳng phải là con người tôi muốn trở thành.
Chính Dương – thằng bạn của tôi – và những giọt nước mắt của nó đã như xóa tan đi cái định kiến ấy, nhắc nhở và thúc đẩy tôi hãy trở thành con người mà chính mày mong muốn, con người mà mày luôn tin rằng mày sẽ luôn thoải mái và hạnh phúc khi sống cùng. Tao đã nhận ra được rồi. Cám ơn mày nhiều lắm!
Một câu chuyện dài được viết ra chỉ qua trải nghiệm 10 phút đồng hồ trong rạp phim với thằng bạn. Ai hầu như ai cũng vậy, được chăm sóc, nuôi nấng dưới vòng tay của người thân; được vui chơi, đùa nghịch cùng lũ bạn chúng bè. Rồi sau này lớn lên, rời xa vòng tay gia đình, sống nơi đất khách quê người, gặp nhiều bạn bè mới, trải nghiệm nhiều điều mới, cũng sẽ phải bắt đầu chống chọi với nhiều thứ hơn trước, nhưng bản thân cũng bắt đầu được thỏa lòng mình tự do hơn.
Vậy khi đó, mong bạn hãy nhớ một điều rằng: giờ đây bạn đã gần như là một cá thể riêng biệt trong xã hội loài người này rồi, thì xin hãy tận dụng điều đó để sống như một cá thể độc lập thực thụ, biết suy nghĩ, biết nhìn nhận theo nhiều phía, đa góc cạnh, để từ đó chọn lựa sống đời sống mà chính bản thân này cảm thấy thoải mái và hạnh phúc nhất. Chỉ cần mình hiểu được mình, những người khác không quan trọng! Vì cuộc sống là thế, đầy chông gai, đầy hiểm trở nhưng cũng đầy bất ngờ, đầy hạnh phúc. Và nước mắt người đàn ông khi ấy như một cái nét thật đẹp, thật tinh khôi và thật dịu dàng.
Tác giả: cuduy1997
Ảnh minh hoạ: StockSnap
Chào em, cảm ơn em vì đã tham gia cuộc thi viết này nhé!
Bài viết của em rất dễ thương, mộc mạc chân tình và đặc biệt cái khúc về sau: từ khi không còn kìm nén khóc -> cười nhiều hơn -> nhìn đời khác đi, bao dung hơn, trân trọng hơn … chị cảm thấy thông điệp ấy rất hay.
Về mặt cá nhân, chị cũng là một người hay khóc nên cũng hiểu được cái cảm giác sảng khoái mà nước mắt mang lại sau khi khóc, mới đây chị cũng viết mấy tus trên trang cá nhân về nước mắt nữa đấy, thật trùng hợp đúng không? Nhưng ở một góc độ khác chị cũng như mọi người không thích con trai khóc nhiều quá vì cái gì nhiều quá cũng không tốt. Thật may vì em khóc nhiều nhưng cũng cười nhiều chứ không chỉ khóc không hâha
Bài của em dễ thương vừa đủ!Chị thích!
Sau đây là trích đoạn bài viết về nước mắt của chị, em đọc thêm cho vui với cho có thêm góc nhìn nhé:
“Chúng ta có 3 loại nước mắt:
– nước mắt cơ bản giúp mắt luôn ẩm ướt, chống bụi bẩn và bảo vệ con ngươi.
– nước mắt phản xạ là loại nước mắt tiết ra khi mắt gặp những chất độc, chất lạ như chất axit từ hành, ớt, côn trùng gây cay hay vật thể nhỏ lạ rơi vào mắt. Nước mắt này để rửa trôi các chất bên trên đồng thời chứa kháng khuẩn tiêu diệt các vi khuẩn muốn xâm nhập vào mắt.
– nước mắt cảm xúc tiết ra khi chúng ta đau đớn, buồn rầu, sợ hãi hoặc cả khi quá hạnh phúc vui sướng. Nước mắt này giúp tâm trí trở về trạng thái cân bằng. Cơ chế của nước mắt này như sau:
Khi đứa trẻ bị té ngã hay cả người lớn bị đau, chúng ta lo lắng, sợ và khóc. Việc khóc giúp não tiết ra một loại chất giảm đau tự nhiên làm cho cơ thể dễ chịu hơn. Bên cạnh đó khi ta căng thẳng sợ hãi não tiết ra một loại chất độc. Nước mắt là cách não đẩy chất độc ra bên ngoài. Càng khóc nhiều chất độc ấy càng được giảm bớt và ta sẽ thấy dễ chịu hơn.
Ngoài ra việc khóc giúp chúng ta hít thở sâu hơn, nhận nhiều nhiều oxygen cho cơ thể, tim cũng hoạt động tốt hơn để bơm máu lên não. Não nhận được nhiều máu nhiều oxi sẽ giúp ta bình tĩnh và suy nghĩ thấu suốt hơn.
Tất cả những lý do trên khiến cho việc khóc trở thành một trong những việc rất đáng giá để giải toả cảm xúc và sự căng thẳng, đưa người ta về trạng thái cân bằng một cách tự nhiên.
Quan trọng hơn cả, từ khi còn là đứa trẻ mọi người đều học được bài học về cuộc sống: bất kể khi nào đứa trẻ khóc nó đều nhận được nhiều quan tâm hơn, nhiều an ủi hơn, nhiều chiều chuộng hơn từ những người xung quanh vì vậy dần dà việc khóc thay vì bản năng cân bằng của cơ thể thì lại trở thành một công cụ của tâm trí để kiếm tìm sự đồng cảm nhiều hơn là việc giải toả nỗi đau thông thường.”
Chào Cuduy1997, cảm ơn bạn đã tham gia cuộc thi.
Bài viết của bạn tôi đọc thấy vẫn chưa đủ hay và chiều sâu, văn phong bình thường không nổi bật. Đoạn từ “Rồi thì lên tới cấp 2…. ý định từ bỏ” bạn sử dụng chữ cái đến 7 lần một cách dư thừa, bỏ nó đi chỉ làm cho câu văn thêm gãy gọn và trau chuốt. Tôi không hiểu tại sao nhiều người viết bài bây giờ hay chêm vào những chữ dư thừa như làm câu văn dở hơn nhiều; thêm vào cho bài văn dài ra hơn hay sao? Vẫn còn phát hiện lỗi chính tả trong bài (vd: dông bão, trì triết…). Điểm số sẽ được biết sau.
Đoạn bạn kể người bạn tên Dương đi đâu làm gì cũng chỉ có một mình không chán không tủi, thật ra tôi thấy bạn có thể học tập được nhiều từ hắn. Chỉ có những người mạnh mẽ tự tin mới có thể đi một mình, làm một mình. Bạn có thể làm như hắn được chưa? Nếu chưa thì thử tập một tháng không nói chuyện với bất cứ bạn bè nào, không đi chung với ai, chỉ đi một mình. Tập được như vậy tôi nghĩ chỉ có tốt hơn cho bạn thôi. Đừng chỉ làm chính mình, hãy trở nên phiên bản tốt nhất của chính mình. Không phải tôi bảo bạn đừng bao giờ khóc nữa, mà là khóc có chọn lọc, như người bạn Dương của bạn, tôi nhiều khi xem phim cũng khóc, nhưng ngoài đời thì có vẻ như vô cảm.
Bạn phải xác định được giới tính của mình, nếu không phải/muốn làm giới tính thứ 3 thì phải tập trở nên mạnh mẽ cho bằng được. Xã hội không dung thứ cho một người đàn ông yếu đuối. Cuộc đời sẽ chà đạp những người như vậy cho tới khi họ học được cách trở nên mạnh mẽ hơn, tôi đã từng bị chà đạp nhiều năm trời cũng chỉ vì thiếu mạnh mẽ, chỉ khi mạnh mẽ hơn bạn mới có thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Phụ nữ là phái yếu, nên họ không kiểm soát được cảm xúc là chuyện không đáng nói. Tôi vẫn luôn bảo thằng cháu mới 4 tuổi rưỡi phải biết kiểm soát những cảm xúc, những cơn giận dữ của nó. Hiện giờ nó hiểu tiếng Anh nhiều hơn nên tôi nói với nó bằng tiếng Anh: You need to control your emotion, your anger. You need to be a man. Thỉnh thoảng nó vẫn hay lặp lại những gì tôi dạy nó.
Xin chào Duy nhé,
Cảm ơn bạn đã gửi bài dự thi về THĐP. Mình có đôi lời nhận xét như sau:
Bạn viết có cảm xúc, chân thành, giản dị, câu chuyện theo diễn biến thời gian. Đây là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu vì nó khiến nội dung đơn điệu, kém hấp dẫn.
Về nội dung, bài viết có một góc nhìn khác biệt. Đó là khi bạn dễ dàng thể hiện được nỗi buồn thì cũng dễ dàng thể hiện được niềm vui, dễ khóc thì cũng dễ cười. Bạn đi từ thái cực kìm nén sang thái cực cởi mở hoàn toàn với những xúc cảm. Tuy nhiên, ngoài lề một chút, mình thấy là người ta không nên thiên quá về cực nào. Không phải không khóc là không có lòng trắc ẩn, không biết rung động trước cuộc đời. Cảm xúc chỉ là công cụ. Mình nên học cách điều tiết nó thì sẽ tốt hơn. Tức là trong một tình huống mình có khả năng lựa chọn khóc hay không khóc, thay vì hoàn toàn kìm nén hoặc hoàn toàn để cảm xúc cuốn trôi.
Xét về tính văn chương nghệ thuật, bài thi không có gì đáng kể. Vẫn còn lỗi chính tả “chì chiết” chứ không phải “trì triết.”
Điểm thi sẽ được công bố sau. Chúc bạn sức khỏe và sự lạc quan trong cuộc sống.
Thân mến,
Vũ Thanh Hòa