Khi nói: “Đó là một cô gái cá tính.” Bạn có được những hình ảnh nào trong tâm trí về cô gái đó?
Có phải đó là một cô gái nhìn giống một thằng con trai, nước da ngăm đen vì phơi nắng quá nhiều, mặc trên người mấy bộ đồ kiểu bụi đời chẳng giống ai. Một cô gái thích nhạc rock and roll, tai đeo headphone ngồi vắt vẻo trên cửa sổ, mắt lim dim, lắc lư theo điệu nhạc. Một cô gái có thể đi chơi, ăn uống, đi dạo phố, mua sắm thậm chí là đi du lịch một mình. Mặc kệ những con mắt xung quanh tò mò như muốn hỏi: “Con bé này không có bạn bè hay bạn trai gì sao? thấy suốt ngày đi một mình.” Một cô gái đam mê tốc độ và thích các trò chơi mạo hiểm…?
Vâng, tôi là một cô gái như vậy. Nhưng tôi không cho đó là một cô gái cá tính. Đơn giản đó chỉ là những lựa chọn trong lối sống của cô ấy.
Tôi sẽ định nghĩa “Cá Tính” theo cách riêng của tôi: Cá tính là những tính cách mang màu sắc rất cá nhân tồn tại trong mỗi một con người. (Trong cá tính của mỗi người không phải cá tính nào cũng xấu, nếu đó là những cá tính tốt chúng ta tiếp tục phát triển nó.)
Để bạn có thể nhìn thấy một Nam Nhung cá tính. Nào! Mời bạn ngồi xuống, thư giãn đi và cùng tôi xem một đoạn phim tài liệu ngắn.
Bắt đầu nhé!
Nam Nhung là một đứa bé gái sống và lớn lên cùng với Cha và em trai. Trước năm 1997, Cha của nó là một người đàn ông rất cá tính với tất cả những tính xấu, vì vậy nó thừa hưởng rất nhiều những cá tính của Cha mình
1. Thiếu kiên nhẫn
Nam Nhung là một đứa trẻ hết sức thiếu kiên nhẫn.Có rất nhiều mục tiêu được đặt ra nhưng chưa lần nào nó hoàn thành mục tiêu một cách nghiêm túc. Biết rằng tập thể dục mỗi ngày rất có ích lợi cho sức khỏe, nó lên kế hoạch chi tiết, háo hức đặt báo thức. Những ngày đầu tiên, khi nghe tiếng chuông báo thức, nó hào hứng thức dậy, mỉm cười chào bình minh. Sau khi vệ sinh cá nhân, nhanh chóng xỏ giày và ra ngoài.
Được ít ngày nắng thực hiện rất nghiêm chỉnh. đều đặn. Cho đến một buổi sáng chuông báo thức kêu lên như thường lệ, nó mở mắt ra và ngoài trời đang mưa, quên luôn việc chào bình minh thay vào đó nó tự ru ngủ bản thân bằng những âm thanh êm ái trong tâm trí: “Tệ thật! Sáng ra đã mưa gió, ẩm ướt như này thì làm ăn gì được? Giờ mà chạy bộ thì ướt hết, không cẩn thận về lại đổ bệnh. Thôi! Để chắc cú, hôm nay nghỉ, mai nắng rồi chạy.” Kéo mền cao hơn một chút vì nó cảm thấy lạnh hơn mọi ngày… Và rồi không biết mưa đã tạnh từ khi nào, chỉ nhớ hôm đó nó còn vô lớp trễ. Mà kỳ ghê, thời tiết thật biết cách làm khó con người ta, vì sáng hôm sau, hôm sau, hôm sau nữa, nguyên một tuần sáng nào cũng mưa. (Quê Nam Nhung hai mùa: mưa, nắng.)
Kết thúc những ngày mưa, bắt đầu những ngày nắng thì thói quen tập thể dục mỗi sáng của nó chỉ còn tồn tại trong thì quá khứ.
2. Nóng tính, độc đoán, thiếu sự lắng nghe, hành động nông nổi
Nói đến lĩnh vực này, con bé Nam Nhung chấp luôn năm tỉnh Tây Nguyên.
Năm học lớp 12, thật ra nó không chơi thân với bất kỳ ai, nhưng có một bạn cùng lớp tên Nga mỗi ngày đều đặn tới đón nó đi học. Với nó, bạn Nga là một tài xế riêng chăm chỉ làm việc mà không cần nhận lương.
Một hôm đang nằm dài trên bàn học và mơ màng trong tiết toán, nó loáng thoáng nghe câu được câu mất bạn Nga nói: “Thủy 12B3 đòi đánh tớ, tan học đòi gặp tớ ở quán nước cổng trường. Tớ sợ lắm Nhung ơi! Mà tớ có làm gì Thủy đâu.” Nó gọn lỏn: “Nhung biết rồi, để Nhung ngủ đi, lát nữa dậy rồi tính.” Không cần chờ tới lúc tan học, ngay khi hết tiết toán, vác bộ mặt ngái ngủ xuống lớp 12B3, đứng trước cửa lớp nó hất hàm. “Thủy là ai?” Rất nhiều con mắt nhìn về một bạn gái có mái tóc dài đang ngồi phía cuối lớp. Mặc định luôn đó là Thủy mà nó cần tìm, nhìn một vòng xung quanh lớp. “Mấy bạn ra ngoài hết đi, Nhung muốn nói chuyện với Thủy.” Chưa đầy ba nốt nhạc ngân, tất cả đã ra ngoài. Đóng cửa lớp lại, với những kỹ thuật các đòn tấn công của Karate đã được tập luyện rất nhiều lần, nó lao thẳng vào Thủy không cần một lời chào hỏi, cũng không cần phải nghe bạn Thủy có điều gì cần trình bày hay giải thích nào không… Đang hăng máu, nghe bên ngoài la ó: “Thầy cô đang tới Nhung ơi!” Trong một nốt nhạc nó bật khỏi cửa sổ bằng một cú nhảy không thể chuyên nghiệp hơn và lặn mất tích không để lại tăm, nó bỏ học hết ngày hôm đó.
Sáng hôm sau lên trường trong trạng thái lo âu, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu. “Lần này lên hội đồng kỷ luật bị đuổi học chắc rồi.” Nhưng lạ chưa. Không có một ai tới tìm và hỏi nó chuyện gì đã xảy ra, là vì không một ai kể cho thầy cô nghe về sự việc đó và kẻ nào đã gây ra chuyện này, ngay cả bạn Thủy. Nó nhếch mép. “Hừ… có thế chứ, mấy đứa tụi mày biết điều sẽ gặp nhiều may mắn.” Ngồi vào chỗ và đổ người dài lên bàn, khi chưa kịp chìm vào cõi mộng, bạn Nga hớt hải chạy lại chỗ nó. “Nhung ơi! nhầm người rồi! Thanh Thủy không phải là Thu Thủy, lớp 12B3 có hai Thủy cơ mà.” Nó ngồi bật dậy. “Bớt giỡn! Mà thôi… Nhung biết rồi, im lặng đi để Nhung tính.” Nhớ lại những gì đã gây ra ngày hôm qua, nó tự nói với bản thân: “Giờ sao, không lẽ xuống gặp người ta nói xin lỗi? Uầy! Làm vậy không được, nhục mặt lắm.” Nó nhắm mắt lại và thêm một lần nữa đẩy câu chuyện đó vào thì quá khứ. Vụ đấy chẳng ai sờ gáy nó cả, và nó lại nằm ngoài vòng pháp luật như nhiều lần khác.
3. Thiếu yêu thương và tha thứ
Về khoản này, Nam Nhung nó chấp luôn ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Thiếu yêu thương và tha thứ cho người khác đã đành, nó thậm chí còn không yêu thương và tha thứ được cho chính bản thân.
Học xong, tìm được việc và bắt đầu đi làm, sếp là một người Hàn Quốc, được sếp ưu ái, vì lẽ đó nó luôn cố gắng làm hết sức tránh mọi sai sót để không phụ lòng sếp. Cách làm việc đòi hỏi sự cầu toàn tuyệt đối của nó thì làm gì có thật trong thực tế. Một ngày cuối năm 2011( Tết âm lịch) sếp yêu cầu nó kiểm tra lại mọi thứ coi có vấn đề nào cần giải quyết trước khi nghỉ lễ. Kiểm tra và thấy mọi thứ ổn rồi, nó báo cáo cho sếp. Sáng ngày 3 Tết, điện thoại rung lên, trên màn hình là Big Boss, nó hí hửng. “Chắc sếp lớn gọi tới chúc Tết đây mà, có thế chứ.”
— Alo.
— Nam Nhung! Tại sao lại để chuyện này xảy ra? ^^#€÷£$/!$#_×&$*$*/!^^… bla bla.
Sau Tết, viết đơn xin nghỉ việc, không phải vì giận sếp, nó giận chính mình, giận là vì sao Nam Nhung lại để chuyện này xảy ra? tại sao có thể làm việc thiếu trách nhiệm như vậy? điều này không thể chấp nhận được, không thể tha thứ được. Nó nghỉ việc như vậy. Lãng xẹt!
Ở một mình và chẳng bao giờ đi chợ hay nấu nướng gì, nó mua đồ ăn bên ngoài ăn cho qua ngày, mà đâu phải có nhiều tiền để mua những món ăn đảm bảo cho sức khỏe. Nó ăn uống vô tội vạ, cái gì rẻ tiền mà ăn được là nó ăn, các loại nước ngọt được sản xuất trong quy trình hóa chất khép kín, nó nghiện như con nghiện thèm ma túy. Thói quen thức dậy sớm, tập thể dục, phơi nắng, đọc sách… với nó thật xa lạ.
Bệnh viện, cuối cùng nó phải nhập viện vì gặp vấn đề về sức khỏe bởi tất cả những thói quen xấu và lối sống không lành mạnh trong suốt một thời gian dài. Nằm trên giường bệnh nó bắt đầu ngẫm nghĩ…
…Tạm dừng…
Bạn ơi! Nhìn tôi này, Nam Nhung đang ở trước mặt bạn này, một đứa trẻ với rất nhiều cá tính xấu. Bạn có thể thích một đứa trẻ như vậy không? Tôi nghĩ là không, không ai có cảm tình chứ đừng nói tới việc muốn chơi chung với một đứa trẻ như vậy. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Gần một Nam Nhung ngập tràn những cá tính xấu như vậy, hẳn đó là một lựa chọn tồi.
Này! Bây giờ chúng ta hãy cùng xem tiếp bộ phim để thấy một Nam Nhung phiên bản khác nhé.
Nằm trên giường bệnh, nó kéo ngăn tủ đã bị phủ mờ bởi bụi thời gian có dán nhãn tên “Thì quá khứ của Nam Nhung” nó bắt đầu xem xét và và nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra. Nhìn chăm chăm qua khung cửa sổ, ngoài đó có một cây bàng đã rụng hết lá, xơ xác, đứng trơ trọi một mình, run rẩy giữa mùa đông xám xịt, lạnh căm. (Quê Nam Nhung có hai mùa, nhưng tới tháng 12 thời tiết rất lạnh và những cây bàng sẽ đổ hết lá.) Và ở trong này, có một Nam Nhung hiện tại rất giống như cây bàng đó, vẻ bên ngoài tiều tụy, nhếch nhác, khô cằn, cô độc đến đáng thương… Hai tay bó gối, bất chợt một giọt nước mắt nóng hổi lăn vội vàng trên gương mặt hốc hác, xanh xao vì bệnh. Nhanh tay quệt đi giọt nước mắt ấy, vì sợ ai đó sẽ nhìn thấy bộ dạng yếu đuối, thất bại thảm hại này của nó. Nó đã tự tạo ra địa ngục và cầm tù chính mình bằng những cá tính xấu, giống như một cái ao tù chưa khi nào chịu mở ra để thải đi những thứ nước cũ kỹ chứa đầy những rác rưởi, cặn bẩn, rong rêu nhớp nháp và mùi hôi hám đặc trưng của nước ao tù, để mà nhận lấy một nguồn nước mới từ mạch trong lòng đất mang tới sạch sẽ, tinh khiết và thơm ngọt. Trước giờ nó cứ giữ khư khư những cá tính cũ kỹ, xấu xa, bốc mùi ấy như một bửu vật gia truyền, chưa bao giờ chịu mở ra để học biết và rèn tập những điều mới lạ, đẹp đẽ và sáng láng hơn. Nó ngước mắt lên nhìn cây bàng một lần nữa. Bỗng mắt nó sáng rực lên. “Aha! Đúng rồi, cây bàng này nhìn bên ngoài vậy thôi, chứ bên trong thân cây đang dần căng tràn nhựa sống, khi mùa xuân về cái cây ấy sẽ đâm chồi, nảy lộc và xanh biếc nay mai.” Nó ngân nga lặp lại một giai điệu trong đầu. “Nam Nhung sẽ đi tìm mùa xuân cho riêng mình.”
Đúng rồi! cái ao tù đó, việc cần làm là xẻ rãnh cho nước cũ chảy đi mang theo tất cả những thứ cũ kỹ, nhầy nhụa và hôi hám kia, rồi dọn dẹp sạch sẽ và đợi mạch nước mới, món quà của tự nhiên tuôn ra làm đầy, sẽ trang trí lại cái ao, mua bông súng về trồng và thả những con cá nhiều màu sắc vào đó. Cảm nhận có một dòng nước đầy sự sống bắt nguồn từ trong tâm linh đang tuôn tràn ra tưới mát cho tâm hồn đang khô hạn, héo úa của mình, nó bất chợt mỉm cười và hình như trong lồng ngực trái tim cũng đang nhảy nhót theo một điệu nhạc mà nó ngân nga.
“Whose adorning let it not be that outward adorning of plaiting the hair, and of wearing of gold, or of putting on of apparel; But let it be the hidden man of the heart, in that which is not corruptible, even the ornament of a meek and quiet spirit, which is in the sight of God of great price.” (1 Peter 3:3-4 KJV)
Nhận ra rằng không thể mãi là một đứa trẻ gái đầy dẫy những cá tính của riêng mình mà cần thay đổi để trở nên một cô gái trưởng thành. Nó thấu hiểu một điều: sự trưởng thành không phải việc bắt đầu thay đổi vẻ bề ngoài như chuyện để tóc như thế nào hay mặc trên người những gì… mà sự trưởng thành bắt đầu từ sâu bên trong giống như sự sống mãnh liệt tiềm ẩn của cây bàng, hoặc như một mạch nước bắt nguồn từ bên trong lòng đất. Sự trưởng thành là những nhân cách của một con người bình thường cần có ấy là sự yêu thương, vui mừng, bình an, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ… Sự trưởng thành sẽ là trang sức lóng lánh, đẹp đẽ, giá trị bề trong, sự tinh sạch chẳng hư nát của một tâm hồn-linh dịu dàng, tĩnh lặng… điều đó thật tốt lành biết bao, quý báu biết bao.
Sau khi từ bệnh viện trở về nhà, cô gái Nam Nhung đã bắt đầu tập cách đi chợ mua nguyên liệu, học nấu những món ăn có lợi cho sức khỏe như việc lựa chọn ăn nhiều rau hơn, hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ, bắt đầu các thói quen tốt như ăn, uống, ngủ, nghỉ, làm việc điều độ, thức dậy sớm, tập thể dục, phơi nắng buổi sáng và đọc sách mỗi ngày. Cô gái ấy đã tập cách kiên nhẫn thực hiện, duy trì những thói quen tốt. Bắt đầu tập tành cách yêu thương, tha thứ cho bản thân, cho những người xung quanh và nhiều điều khác. Mỗi ngày cô gái ấy bớt đi tính cách nóng nảy, độc đoán, thiếu sự lắng nghe và những hành động nông nổi.
Sau hơn một năm “Cây Bàng Nam Nhung” đã nảy những chồi non đầu tiên báo hiệu mùa xuân mới đang đến. “Ao tù Nam Nhung” đang dần vơi đi thứ nước cũ kỹ cùng những thứ tiêu cực. Một mạch nước khiết tinh, thơm tho, dịu ngọt, đầy sức sống mới từ trong tâm linh chảy ngang qua tâm hồn đang kiên nhẫn làm đầy cô gái Nam Nhung mỗi ngày.
Hết
Cảm ơn bạn đã cùng tôi xem bộ phim tư liệu ngắn này. Nhìn tôi đi, trước mặt bạn bây giờ là một cô gái, tên cô ấy là Nam Nhung. Bạn thích Nam Nhung mới này chứ? Tôi tin rằng bạn sẽ thích hơn một Nam Nhung cũ trước đây.
Qua bộ phim ngắn của cuộc đời mình tôi tự nhận thấy đâu đó trong những mối quan hệ trong gia đình, tình yêu khác giới, nơi công sở, nơi công cộng và cả những mối quan hệ trong xã hội mà tôi chưa kịp đặt tên, quá nhiều người trong chúng ta và ngay chính bản thân tôi đã cư xử với nhau bằng những “cá tính khuyết tật” thay vì những nhân cách của sự trưởng thành, để rồi chúng ta tự làm tổn thương chính mình và những người bên cạnh. Thậm chí chúng ta cắt đứt sợi dây kết nối yêu thương con người với con người và vạn vật xung quanh. Và rồi chúng ta tìm cách ngụy biện cho những sai lầm của mình bằng những suy nghĩ , lời nói như: “Tôi phải là chính tôi, cuộc đời tôi là của tôi, tôi sống theo cách mà tôi muốn…”
Trong tiếng Anh từ “I” (Tôi) nhìn có vẻ rất mạnh mẽ, thẳng thắn và gây được sự chú ý vì nó được viết hoa. Nhưng đó là từ cô đơn nhất. Con người chúng ta cũng vậy, nếu cứ khăng khăng “Tôi” hẳn rồi “I” sẽ cô đơn hơn bao giờ hết.
Và khi “I and You” (Tôi và Bạn) điều đó sẽ thật đủ đầy, ngọt ngào, êm ái và tràn ngập yêu thương. Nếu không tin bạn thử phát âm ra thành tiếng “I” và “I and You” đi. Cảm nhận của bạn sẽ là câu trả lời cho riêng bạn. Chúng ta sống bằng những “cá tính khuyết tật” trong chữ “I” như vậy đã đủ rồi. Đã đến lúc chúng ta sống bằng nhân cách của sự trưởng thành trong đó có “I and You.” Mỗi chúng ta cần được đổ đầy nhân cách để không còn chỗ trống cho những cá tính xấu. Nhân cách của sự trưởng thành sẽ quyết định sự phát triển của chính bản thân chúng ta và cả xã hội.
Tác giả: Nam Nhung
Chào Thân mến Triết Học Đường Phố,
Nam Nhung muốn nói cảm ơn rất nhiều vì những giá trị mà THĐP đã mang lại cho cá nhân NN và những ai quan tâm đến THĐP. Khi biết rằng THĐP có tổ chức một cuộc thi viết, NN không hề nghĩ rằng có thể viết được hai bài dài như vậy gửi lên một trang web lớn như vậy. Điều này chưa từng có dù chỉ là trong tưởng tượng. NN rất được khích lệ vì dám làm những việc chưa bao giờ làm, quan trọng hơn nữa qua cuộc thi NN có cơ hội nhìn lại những yếu điểm của bản thân để qua đó NN thể rút ra những bài học cho riêng mình và không ngừng hoàn thiện bản thân mình hơn nữa để thật sự trở thành một con người có nhân cách.
Chúng ta ở đây đã làm những việc mà chúng ta cần làm, và như vậy là đã đủ.
Một lần nữa cảm ơn THĐP rất nhiều.
Chúc cho THĐP có được tất cả những điều cần thiết để tiến xa hơn nữa trên con đường mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng.
XX
Nam Nhung.
Chào Nhung, em thích được gọi là Nhung hay Nam Nhung? Nhung không thì nghe nữ tính hơn hả? Cảm ơn em đã gửi bài thi thứ 2 cho cuộc thi. Anh cũng đồng ý với Phi Tuyết là bài này em viết hay hơn bài trước: rõ ràng, cool ngầu hơn, chấp luôn 5 tỉnh Tây Nguyên luôn, quá dữ. Cái còn thiếu ở bài viết này để được điểm cao hơn là tính chất văn chương nghệ thuật sáng tạo, thật ra khả năng này không nhiều người có, nó đòi hỏi mình phải đọc nhiều và nhớ nhiều.
Theo em thì từ nam tính trở nên nữ tính khó hơn hay ngược lại, hay khó ngang nhau?
Bài này anh chấm 84 điểm.
Chào anh Huy,
Có lẽ em cảm ơn anh rất nhiều lần rồi nên lần này em sẽ không cảm ơn anh nữa, vì điều gì quá cũng không tốt.
Em sẽ trả lời một vài câu hỏi của anh.
1. Mọi người gọi Nhung, Nam Nhung… thậm chí là Anh Nhung (Đi học bạn bè toàn gọi em vậy.) =]]
Gọi cách nào cũng được, điều đó không quan trọng. Quan trọng là cách chúng ta cư xử với nhau.
2. Việc nam tính trở nên nữ tính hay ngược lại, việc nào dễ hay khó hơn, hay là khó ngang nhau? Em nghĩ rằng điều này phụ thuộc vào con người đó là ai. Một người có đủ Trí Tuệ và Nhân Cách, người đó sẽ làm tốt hơn không chỉ trong việc này, nhưng cả trong những việc khác nữa.
3. Anh nói chính xác. Viết là nghệ thuật, người cầm viết là nghệ sĩ. Nếu viết mà không có tính văn chương nghệ thuật, sáng tạo thì vô tình chúng ta làm cho “Nghệ Thuật” bị méo mó, biến dạng. Nghệ thuật đòi hỏi khả năng Thiên phú và sự rèn tập không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ. (Rõ ràng không phải ai cầm cây bút cũng được gọi là nghệ sĩ.)
Em nói nhiều hơn mức cần thiết rồi.
Trân trọng.
Nam Nhung
Chà, bài viết này mang cảm giác khá hơn bài trước rất nhiều rồi đấy em. Đọc hai bài và chị có thể cảm nhận được sự trưởng thành của em trong từng câu chữ rồi đấy, dù mới chỉ một tháng chứ mấy hả?
Dù biết đây là câu chuyện cá nhân nhưng việc đề cập tên riêng nhiều lần quá sẽ gây một rào cản nho nhỏ trong việc đưa mạch cảm xúc của độc giả vào cùng với nhân vật. Cụ thể là nó làm tách biệt cái “I” và cái “YOU” trong suy nghĩ của người đọc, khiến họ bị đứt cái mạch liên tưởng với bản thân ngay giữa chừng. Nếu em chỉ đơn thuần dùng từ “TÔI” chẳng hạn (viết hoa để nhấn mạnh thêm) thì sẽ khiến người đọc đồng cảm được nhiều hơn nữa đó. Vì ai cũng có thể thấy được cả bản thân mình trong từ Tôi ấy.
Nói đi cũng phải nói lại, dưới góc độ tự truyện thì chuyện này cũng hoàn toàn ổn chứ không sao cả. Nó cho thấy một Nam Nhung đang dần biết yêu bản thân mình thông qua việc rất yêu tên riêng của mình.
Nhắc lại điều quan trọng là chị đánh giá bài này cao hơn bài trước của em đó ạ!
Chúc em cuối tuần xinh đẹp và viết nhiều hơn nữa nhé!
Chào chị Phi Tuyết,
Cảm ơn chị vì đã bỏ thời gian quý báu của mình để nhận xét bài viết của em. Em cũng nhận thấy rằng việc sử dụng tên của mình nhiều quá đó thật sự là vấn đề. Em sẽ tự kiểm điểm và rút kinh nghiệm cho những vấn đề tương tự.
Một lần nữa cảm ơn chị rất nhiều.
Xin chúc chị tất cả, my Queen. ^^
Nam Nhung.
Chào nam Nhung,
Cảm ơn bạn đã nhiệt tình ủng hộ cuộc thi của THĐP. Mình có đôi lời nhận xét về bài thi của bạn như sau:
Bài thi của bạn có bố cục, nhưng nội dung không đủ hấp dẫn mình. Mình thấy 3 mục 1,2,3 của bạn đều có 1 câu chuyện minh họa tương ứng. Nhưng khi đọc đến câu chuyện thứ 4 là bạn ăn uống không lành mạnh, mình không hiểu rằng nó thuộc vào mục nào. Nếu nó thuộc mục thứ 3 là thiếu yêu thương và tha thứ thì mình thấy cũng không hợp lý. Và nếu không thuộc mục nào thì câu chuyện này làm bố cục bài của bạn bị lỏng lẻo, mất cân xứng.
Bài thi còn lỗi chính tả: “Đầy rẫy” chứ không phải “đầy dẫy”. Nhiều câu không có chủ ngữ tạo ra cảm giác rất chưng hửng và khó nắm bắt cho người đọc. Chưa kể, bạn xưng nhiều ngôi lẫn lộn (“nó”, “Nam Nhung”, “tôi”) khiến bài thi không thống nhất và chặt chẽ.
Ngoài lề một chút, nói về “cá tính”, theo mình thì không có cá tính tốt hay cá tính xấu, chỉ có cá tính khác nhau và cái nào cũng đáng được trân trọng và gìn giữ. Người mất đi cá tính là người mờ nhạt, sống thuận theo số đông. Người càng trưởng thành thì cá tính của họ càng sắc nét vì họ ý thức rõ về bản thân hơn nên có thể biểu lộ chính mình một cách rõ ràng hơn.
Ngày xưa, thời phong kiến, phụ nữ thông thường thể hiện sự nhu mì, mềm yếu, ít có tiếng nói. Nên những người phụ nữ nào đi ra khuôn phép đó thì được gọi là “cá tính”, tức là khác với chuẩn chung. Nhưng không có nghĩa hiền lành, mềm mại không phải là một cá tính. Bây giờ, khi con gái có quan điểm mạnh, độc lập, bụi bặm nhiều hơn, thì con gái nhu mì, điềm đạm lại là nổi bật hơn cả.
Điểm thi sẽ được công bố sau. Chúc bạn sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống.
Thân mến,
Vũ Thanh Hòa
Chào Vũ Thanh Hòa,
Một lần nữa NN xin phép được gọi VTH là nàng. Qua những nhận xét của nàng cho bài viết của NN. NN cũng xin có một đôi lời như sau:
1. Rất cảm ơn nàng về những nhận xét và dành lời khen tặng cho bài viết.
2. Chính xác! Việc ăn uống không lành mạnh trong câu chuyện thứ 4 nằm trong phần thứ 3 (Thiếu yêu thương và tha thứ.) Và nó thể hiện sự thiếu yêu thương bản thân của NN. Một người thật sự yêu thương bản thân thì không bao giờ có thói quen ăn uống không lành mạnh để gây ảnh hưởng tiêu cực đên thể xác và tâm hồn của chính mình.
3. “Đầy dẫy” là một từ trước đây đã từng được sử dụng và đúng chính tả. Sau đó được thay thế bằng “đầy rẫy”. (Có thể Google để biết thêm chi tiết.) Chúng ta không thể kết luận rằng cái cũ là sai và cái mới là đúng. (Tùy trường hợp.) Trường hợp này NN nghĩ “Sao cũng được.”
Một số câu dài NN sử dụng một chủ ngữ để tránh lặp từ.
Vấn đề cuối cùng trong bài viết là về việc sử dụng các ngôi.
a. Nam Nhung và nó nằm trong bộ phim.
b. Tôi là để nói chuyện trực tiếp với người đọc
c. “I,You” là phần mở rộng của bài viết. Không liên quan tới việc ngôi trong bài viết.
Ngoài lề một chút. Bất kỳ bài viết hay câu nói nào thật ra nó chỉ thể hiện quan điểm riêng của cá nhân đó, nó chưa chắc là chân lý. Quan điểm về cá tính và nhân cách trong bài này cũng là thể hiện quan điểm của NN. NN viết bài này không với mục đích để tìm ra người có chung quan điểm. Câu nói NN hay sử dụng đó là: “Tôi và bạn không nhất thiết phải nhảy chung một nhạc, vì vậy chúng ta thoải mái với nhau chút đi.”
Cuối cùng, một người con gái bên ngoài nhìn bụi bặm, độc lập chưa chắc cô gái đó không nhu mì, điềm đạm và nữ tính và ngược lại. (Quan điểm riêng của NN)
Cảm ơn nàng rất nhiều vì sự giúp đỡ trong suốt thời gian qua.
Thân ái và quyết thắng.
Nam Nhung.