28 C
Nha Trang
Thứ tư, 30 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bàn về chủ nghĩa cá nhân – Bài 6

Featured Image: Werner Schnell

 

Một trong những vấn đề mà những người ủng hộ quan điểm về chính phủ hạn chế và nhỏ hơn, ủng hộ quyền tư hữu tài sản và trao đổi tự do đang phải đối mặt là tên gọi của chính mình. Về mặt lịch sử từ “người tự do” là đáp án và nó vẫn được sử dụng tại nhiều khu vực ở châu Âu lục địa. Nhưng trong những nước nói tiếng Anh, đặc biệt là ở Mỹ, hiện nay từ này được dùng để chỉ những người ủng hộ vai trò can thiệp của chính phủ và nói chung là cách tiếp cận của chủ nghĩa tập thể đối với chính trị và văn hóa – hầu như trái ngược hoàn toàn với nghĩa ban đầu của nó.

Những người tự coi mình là “những người tự do kiểu cũ” đã từng có những cố gắng nhằm phục hồi lại thuật ngữ này nhưng không thành công. Trước tình hình đó, những người ủng hộ quan điểm tự do nguyên bản đã vận dụng nhiều thủ thuật về mặt ngôn ngữ học. Có một thời gian nhiều người đã sử dụng nhãn hiệu “bảo thủ”, là nhãn hiệu trước đây được gán cho những đối thủ kiên cường nhất của họ. Danh hiệu này, mặc dù được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, nhưng không được những nơi khác chấp nhận và cũng không đứng vững được ở đây. Một phần là do nhiều người tự do kiểu cũ không chịu sử dụng và những người mà chúng ta có thể gọi là bảo thủ kiểu cũ hay bảo thủ “truyền thống” kiên quyết không thừa nhận, họ đòi quyền sử dụng thuật ngữ này.

Gần đây hơn, những người tán thành chính phủ thật sự hạn chế quyết định sử dụng thuật ngữ “người tự do” (libertarian), trong khi những người khác thích sử dụng thuật ngữ nghe có vẻ học thức hơn: “người tự do cổ điển” (classical liberal).” (Tôi từng sử dụng cả hai thuật ngữ này).
Nhưng những lựa chọn đó cũng đặt ra nhiều vấn đề và được cho là chưa thỏa mãn. Như F. A. Hayek đã chỉ rõ, thuật ngữ “bảo thủ” (conservative) không những ám chỉ truyền thống tư tưởng cho rằng đấy không phải là “người tự do” (liberal) theo nghĩa cũ mà còn ngụ ý sự nghi ngờ về lý do và thái độ hoài nghi đối với sự thay đổi cộng với thái độ hòai cổ và cảm tình đối với những thứ như truyền thống, thang bậc, uy quyền, mà đấy không phải là những thành phần chủ chốt của truyền thống tự do trong lịch sử, một truyền thống nhấn mạnh quyền tự do cá nhân, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân.

Thuật ngữ “người tự do truyền thống” (classical liberal) phù hợp hơn nhiều, nhưng lại nặng nề và rõ ràng là ngụ ý những ý tưởng của truyền thống bảo thủ chứ không phải là những tư tưởng đang phát triển. Từ “người tự do” (Libertarian) thông dụng hơn (xuất hiện cả trên Facebook!) nhưng có cũng có một số nhược điểm. Vốn là một từ xấu, những người biết lịch sử của từ này dễ nghĩ rằng kẻ dùng nó như một nhãn hiệu là một người vô chính phủ. Trong đa số trường hợp điều đó là không đúng và tạo ra lầm lẫn.

Nghiêm trọng hơn, thuật ngữ người tự do (libertarian) lại hướng sự chú ý đến chỉ một phần của triết lý rộng rãi hơn: Chống lại chính phủ và quyền lực chính trị có phạm vi quá rộng. Đấy quả thực là phần trung tâm của triết lý, nhưng không phải là tất cả và sử dụng thuật ngữ này có thể làm cho những thành tố khác bị coi nhẹ hay lờ đi.

Đây có phải thực sự là vấn đề không? Nếu có, thì đã nghiêm trọng đến mức phải khẳng định bất kỳ ý nghĩa nào? Rõ ràng đây không phải là khó khăn nghiêm trọng nhất, nhưng lịch sử và kinh nghiệm chính trị cho thấy rằng nó nghiêm trọng hơn là người ta có thể nghĩ. Tất cả những từ, đặc biệt là những nhãn hiệu chính trị, đều có tất cả các cung bậc liên tưởng về lịch sử và văn hóa, và những nghĩa phụ, tức là những thứ có ảnh hưởng đáng kể đối với cách thức phản ứng của người ta đối với các cá nhân và tư tưởng gắn kết với những người đó. Một số nhãn hiệu có một loạt liên tưởng tiêu cực đến mức không thể sử dụng để định danh lý lẽ của bạn, đấy là nói nếu bạn muốn thuyết phục người khác.

Ví dụ như ở Mỹ, bất cứ lý lẽ nào nhằm ủng hộ cho việc phi tập trung hóa và bớt tập quyền hóa mà gắn với thuật ngữ “quyền của bang” đều sẽ chết yểu vì thuật ngữ này tạo ra liên tưởng về đặc quyền sắc tộc và chia tách sắc tộc. Những từ khác tạo ra một lọat những liên tưởng tích cực và điều đó làm cho những người có thái độ trung lập có cảm tình hơn với những lý lẽ gắn kết với chúng. Điều đó đã từng xảy ra với từ “người tự do” (liberal), đấy cũng là lý do vì sao người ta lại cố gắng chiếm đoạt từ này.

Hiện có một thuật ngữ ít được sử dụng, nhưng đã có thời nó từng giữ thế thượng phong và được coi là nhãn hiệu của một lọat tư tương liên quan đến quyền tự do và trách nhiệm cá nhân. Đấy là từ “chủ nghĩa cá nhân” (individualism) hay đúng hơn “chủ nghĩa Cá Nhân” (Individualism). Trước năm 1850, từ “chủ nghĩa cá nhân” ít được dùng và nếu dùng thì thường có nghĩa xấu, hàm ý tính ích kỷ và thói vô trách nhiệm. Nhưng từ khoảng năm 1850 trở đi, hàng lọat người cầm bút ở cả hai bờ Đại Tây Dương (chứ không chỉ những nước nói tiếng Anh) bắt đầu sử dụng từ này và liên kết những điều như “cá tính” theo lối tích cực. Từ năm 1870 trở đi nó trở thành danh từ viết hoa và được sử dụng như một nhãn hiệu chính trị.

Trong giai đoạn giữa năm 1880 và 1912 ở Anh, Mỹ và Pháp đã diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai phe tri thức được xác định một cách rạch ròi và được tổ chức một cách cẩn thận, đấy là những phe phái tự nhận là những người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa và những người theo thuyết tập thể chủ nghĩa. Nhóm thứ hai gồm những người xã hội chủ nghĩa Fabian, những người tự nhận là tiến bộ (Progressives) ở Mỹ (tức là những người chiếm được từ “liberal”), nhưng còn bao gồm cả những người theo phái đế quốc chủ nghĩa bảo thủ, những người ủng hộ chính sách ưu tiên người bản địa và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, cũng như của đảng Cộng hòa do những người như Theodore Roosevelt làm đại diện. (Nhiều người xã hội chủ nghĩa và tiến bộ “tả khuynh” còn là những người ủng hộ chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những chính sách thí dụ như ưu sinh – nay chẳng còn ai nhớ).

Những người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa là những người ủng hộ chính phủ tối thiểu và phản đối đế quốc và thực ra là phản đối tất cả những hình thức của chủ nghĩa tập thể, dù đấy có là chủ nghĩa tập thể mang mầu sắc sắc tộc hay dân tộc thì cũng thế. Họ còn liên kết với nhiều phong trào khác, mà trên hết là phong trào nữ quyền, nhiều người lãnh đạo của phong trào này thời đó tự coi mình là những người theo thuyết Cá Nhân chủ nghĩa. Trung tâm của luận cứ là liệu chính phủ có trách nhiệm thúc đẩy sự thịnh vượng chung của tập thể, tức là sự thịnh vượng được coi là đứng trên và bên ngòai sự theo đuổi hạnh phúc cá nhân và liệu có một bản sắc tập thể lấn át yêu cầu của những con người cụ thể hay không.

Thuật ngữ biến mất

Cho đến những năm 1930 sự bất đồng giữa chủ nghĩa Cá Nhân và chủ nghĩa Tập Thể được hiểu là một trong những bất đồng căn bản nhất trong nền chính trị hiện đại. Cho mãi đến những năm 1930 sự chống đối Kế họach Kinh tế Mới (New Deal) chủ yếu xuất phát từ những người tự coi mình là theo thuyết cá nhân chủ nghĩa và thuộc về một truyền thống tri thức cho đến lúc đó đã có nền tảng vững chắc. Sau đó, trong những năm 1940 và 1950 thuật ngữ, như một nhãn hiệu chính trị, đã không còn được sử dụng nữa và trở thành chữ viết thường. Tại sao? Đấy là một bí ẩn, nhưng rõ ràng một phần là do sự tái chuyển hướng của “cánh hữu” diễn ra đồng thời với Chiến tranh Lạnh.

Ngoài những tổ chức mang tính lịch sử hiện đã bị lãng quên nhưng đã đến lúc chín muồi cho sự phục hồi, thuật ngữ chủ nghĩa Cá Nhân có một loạt ưu điểm so với những thuật ngữ khác trong thế giới đương đại. Thuật ngữ này có ý nghĩa tích cực đối với nhiều người, nhưng nó còn phân biệt những người có phản ứng tích cực với những người phản ứng không dứt khóat và rõ ràng. Như vậy là nó gửi đi một thông điệp rõ ràng. Nó có nhiều ý nghĩa và liên tưởng, bên cạnh quan điểm rõ ràng về chính phủ và vai trò của nó, nó còn hàm ý thái độ của người ta đối với văn hóa, triết học, và cuộc sống xã hội nói chung. Nó không có nghĩa là nếu bạn tự coi mình là như thế thì bạn là người ủng hộ nguyên trạng (bạn có thể là người như thế, nhưng đấy không phải là hàm ý của từ này).

Nhưng trước hết, nó liên quan tới cuộc tranh luận đang gia tăng trong xã hội hiện đại. Sau khi bức tường Berlin và Liên Xô sụp đổ, chúng ta đã quay trở lại với cuộc tranh luận diễn ra trong giai đọan 1880 và 1914, tức là cuộc tranh luận giữa những người theo thuyết Tập Thể thuộc mọi xu hướng một bên và bên kia là những người bảo vệ sự tự chủ của cá nhân và lựa chọn tự nguyện. Chúng ta có thể nói, mà không có ý mỉa mai, “Những người Cá Nhân chủ nghĩa toàn thế giới liên hiệp lại!” Đã đến lúc lau chùi nhãn hiệu này và làm sống lại nó.

[themify_box style=”green rounded” ]Stephen Davies là giám đốc khoa học tại Institute of Economic Affairs ở London.[/themify_box]

 

Phạm Nguyên Truờng dịch
Nguồn: Stephen Davies – Đã đến lúc phục hồi chủ nghĩa cá nhân hay chưa?

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

  1. làm thế nào để những người theo cá nhân chủ nghĩa có thể liên kết tạo thành một tổ chức để rồi dùng sức mạnh của tổ chức đó thực hiện mục đích chung của họ? KHông phải chủ nghĩa cá nhân phản bác điều đó sao? Họ thừa nhận tổ chức, như 1 thực thể gồm các cá nhân tự nguyện gia nhập, nhưng lợi ích khi gia nhập là lợi ích mang lại cho từng cá nhân, chứ đâu phải cho tổ chức đó, khi đó tổ chức đó có sức mạnh gì? Mâu thuẫn này không thể dùng chủ nghĩa cá nhân thuần túy để giải thích được. Nó làm rối loạn đầu óc, có khi phân liệt tâm thần không chừng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,880Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI