28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bạn luôn sùng bái thần tượng vì không biết giá trị của mình

Ai cũng từng có thần tượng cho riêng mình. Đó là người chúng ta mến mộ. Họ tạo ra những giai điệu khiến tâm hồn chúng ta phải nhảy múa. Những quyển sách khiến tâm hồn ta một lần nữa được tái sinh. Bàn tay họ khẽ chạm nhẹ trái tim ta và khiến nó rung lên.

Âm nhạc Trịnh Công Sơn bước vào cuộc đời tôi từ năm tôi học lớp 8, rồi tôi được đưa đẩy đến với âm nhạc Phạm Duy những năm học 12. Nhạc Trịnh đầu độc tâm hồn tôi, nhạc Phạm Duy ru ngủ tôi. Khi đọc sách Phạm Công Thiện, tôi bị ảnh hưởng cái thói khinh bỉ cuộc đời của ông ấy. Khi tôi tiếp cận triết học, tôi bị chi phối bởi tư tưởng của Nietzche. Tôi học đòi Van Gogh sống đời nghệ sĩ trong nghèo đói để dành thời gian cống hiến cho nghệ thuật. Bất kể một thứ gì tôi đọc, tôi nghe, tôi bị cuốn hút, tôi đều tạo cơ hội cho nó thâm nhập từng bước vào tâm hồn mình. Cùng với đó là bóng dáng của người đã sinh thành ra nó. Tôi xây những pho tượng kiên cố khó lòng đập vỡ. Để rồi ôm ấp nó trong tất cả giấc mộng mà tôi đã tự giăng ra trong cuộc đời tôi.

Nói văn vẻ quá thì rất khó để hiểu. Một cô bạn của tôi yêu quý thần tượng một anh chàng diễn viên điển trai Hàn Quốc. Cô ấy đọc tất cả những bài báo tô vẽ anh ta. Cô ấy tải vô số hình ảnh của anh ta về điện thoại, dạo chơi tất cả những dòng bình luận để bảo vệ bênh vực thần tượng trước những lời tiêu cực. Khi có cơ hội được tận mắt trông thấy anh ta bằng mình trần da thịt, cô bạn của tôi sẵn sàng đứng đợi giữa trưa hè nắng nóng hàng tiếng đồng hồ liền, rồi la hét, hô vang. Tất nhiên tôi tôn trọng sở thích của cô ấy, cho đến khi cô ấy quay lưng và giẫm nát những bảng giá trị mà cô ấy đã tự động gán ghép cho anh ta.

Thần tượng nào rồi cũng đến buổi hoàng hôn. Ngay từ lúc bắt đầu thì ánh hào quang đã dần tắt. Nhưng người hâm mộ không chịu hiểu. Họ cứ muốn tôn sùng thần tượng của mình như một vị thánh và đóng đinh anh ta vào cây thập tự, đặt gánh nặng lên vai anh ta đến mức thần tượng của họ bị nghiền nát dưới nó.

Người hâm mộ không biết họ bị lạc lối. Có thể họ đã bị mê hoặc bởi những giai điệu. Nhưng ngay lập tức họ đã gạt chúng sang một bên rồi chạy theo bóng dáng của người tạo ra nó. Gạt âm nhạc, gạt văn học, gạt hội họa sang một bên rồi chạy theo một sự hiện diện mơ hồ.

Tôi nhận ra rằng tại sao tôi lại phải quan tâm đến tác giả nếu tôi đã từng rất hạnh phúc khi đọc quyển sách này, khi tôi nghe bản nhạc này, tôi đã có thể tận hưởng nó rất trọn vẹn khi tôi chưa từng biết tác giả của nó là ai. Tôi đã nghe nó rất hay mà không so sánh đến những bản nhạc trước.

Thần tượng là không cần đến. Thần tượng phải được chết, bởi chỉ khi chết đi họ mới có thể tạo ra những tác phẩm mới. Ai cần bận tâm đến tác giả khi tôi chỉ cần âm nhạc thôi, tôi không cần đời sống của ông ta. Tất nhiên nếu không có kẻ bán rượu thì không thể có rượu ngon cho tôi uống. Nhưng tôi nhận ra tôi không nên để thần tượng rào chắn giữa tôi và những gì họ đã tạo ra. Vậy nên tôi đã giết chết sạch tất cả thần tượng: Giết chết Trịnh Công Sơn, giết chết Phạm Duy, giết Phạm Công Thiện, giết Nietzche, giết Van Gogh, giết luôn cả cái tôi mù quáng lầm lỗi.

Người hâm mộ vẫn thường hay quan tâm đến đời tư của thần tượng. Sự quan tâm này chỉ luôn bắt nguồn từ sự tò mò. Sự tò mò đã khiến họ trở thành tội nhân đang đe dọa cuộc sống của người khác. Hoặc giả âm nhạc hay văn chương của họ là bản đồ dẫn bạn đến một chốn thảnh thơi và bạn cần nó. Bạn cũng cần hiểu nếu quá chăm chú nhìn vào bản đồ, bạn nhất định không thể nhìn vào bản thân mình.

Tác giả của những bản nhạc tôi thích, những cuốn sách tôi yêu quý, họ chỉ xuất hiện với sứ mệnh giải mã chính tôi. Tôi hiện hữu và tôi được viết trong quyển sách của họ. Để khi đọc vào, tôi thấy mình tâm đắc với từng câu từng chữ. Nhưng họ không là gì ngoài một phương tiện để giúp tôi nhận ra chính tôi. Tôi nhận ra rằng bất kể điều gì tôi thích, mọi thứ đều được bắt nguồn từ tôi. Không thần tượng nào là thần thánh. Đừng lên mạng chửi bới nhau, đánh mất chính mình vì mấy gã vớ vẩn ấy. Đập vỡ những pho tượng, chỉ có tác phẩm của họ là xứng đáng được kính trọng.

Đã có lúc tôi tự hỏi tại sao một người lại có thể thần tượng một người đến thế? Tôi đã nhận ra là bởi họ không biết giá trị của chính mình. Thế nên mọi người khác đều có thể trở thành giá trị. Họ có giá trị vì tôi đã không biết giá trị của bản thân.


Tác giả: Ni Chi

Edit: Triết Học Đường Phố

Ảnh minh họa: Free-Photos

📌 Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership

📌 Aloha Volume 1 (miễn phí), Volume 2, Volume 3, Volume 4, Volume 5, Volume 6

📌 Nhà tài trợ: Đông Hưng Group

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI