25 C
Nha Trang
Thứ hai, 14 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[Bài dịch] Brahmacharya: Trung đạo của sự Tiết độ

Bạn có từng bắt gặp mình lướt web, đọc blog của một người lạ hay tìm kiếm những người quen cũ trên Facebook đến tận đêm khuya? Bạn không yên giấc khi bị quấy nhiễu bởi những cơn ác mộng có nguyên do từ một bộ phim hành động bạo lực mà bạn đã xem dạo gần đây? Hay là việc uống tới hai tách cà phê sáng nay khiến bạn đang cảm thấy bồn chồn?

Khi các giác quan của chúng ta kết nối với những khoái lạc của thế giới, chúng mang đến cho chúng ta nhiều niềm vui thích, nhưng chúng cũng có thể khiến chúng ta phung phí năng lượng và mất cân bằng. Duy trì sự điềm tĩnh trong khi sống trong thế giới của các giác quan là một nhiệm vụ tối quan trọng đối với những người tập yoga. Nó giúp chúng ta khôi phục sự hài hòa cho cơ thể và tâm trí.

Brahmacharya—sự điều độ của các giác quan—là một trong những thực hành cơ bản mà yoga đề xuất để kiểm soát những ham muốn giác quan. Đây là nguyên tắc thứ tư trong 5 Yama, những tiết chế, thứ giúp chúng ta trau dồi ý thức về bản thân và chuyển hóa những thói quen không đồng bộ với những nguyện vọng tinh thần của chúng ta.

Theo nghĩa đen, Brahmacharya dịch ra là “bước đi trong tâm thức Thượng Đế”. Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa là Brahmacharya hướng tâm trí vào trong, cân bằng các giác quan và dẫn đến sự tự do để thoát khỏi những phụ thuộc và thèm muốn. Các Yogi cho chúng ta biết rằng khi tâm trí được giải thoát khỏi sự thống trị của các giác quan, những khoái lạc giác quan sẽ được thay thế bởi hạnh phúc nội tâm.

Thuật ngữ Brahmacharya đôi khi được gắn liền với sự tuyệt dục (celibacy), tuy việc bảo tồn năng lượng sống thiết yếu thông qua điều độ trong hoạt động tình dục là một phần của brahmacharya, nhưng đây là một góc nhìn hạn hẹp. Trong văn hóa Vệ-đà, từ “brahmacharya” nói tới giai đoạn đầu tiên trong 4 giai đoạn của cuộc đời, của một học viên. Trong giai đoạn này, học viên tầm Đạo dành toàn bộ thời gian của mình với một vị thầy tâm linh, và đó là điều hoàn toàn tự nhiên, một thời gian độc thân tuyệt dục. Từ này cũng đề cập đến lời thề tuyệt dục của một sannyasi (một người từ bỏ). Tuy nhiên, trong bối cảnh của các yama, brahmacharya đề cập đến một con đường trung đạo của sự tiết chế. Cả hưởng thụ thái quá hay kìm nén đều có thể làm cạn kiệt năng lượng sống thiết yếu của bạn [ND: bạn chỉ kìm nén khi bạn không biết cách chuyển hóa]; cả hai đều có thể khiến bạn bất an và bồn chồn. Con đường trung đạo cho phép bạn tận hưởng sự kiểm soát các giác quan của mình thay vì để chúng mất kiểm soát và làm hỏng việc tận hưởng cuộc sống của bạn.

Thực hành Brahmacharya trải rộng từ mức rất có cấu trúc cho đến cực kỳ trực giác. Một người thèm ăn các thanh kẹo có thể cần phải áp đặt giới hạn chỉ một cái mỗi ngày. Tuy nhiên, bánh phô mai socola hai tầng có thể phù hợp cho một dịp đặc biệt. Trong một thế giới tràn ngập các kích thích, việc đưa ra những lựa chọn sáng suốt về những cuốn sách và tạp chí chúng ta đọc, những bộ phim chúng ta xem và bạn bè chúng ta giữ cạnh bên sẽ giúp chúng ta bảo tồn năng lượng và giữ cho tâm trí của chúng ta tập trung và linh động. Tiết độ trong các hoạt động của giác quan để chúng ta không chìm đắm vào chúng, luôn cam kết và trung thành với một đối tác trong mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau – đó là con đường trung đạo của Brahmacharya.

ĐIỀU ĐỘ LÀ GÌ?

Bước đầu tiên trong chiến lược đơn giản và thanh nhã của brahmacharya để quản lý ham muốn là trau dồi ý thức về những cảm giác thèm muốn của bạn và cách bạn thể hiện chúng. Khi các giác quan tỉnh táo và hoạt động, hãy quan sát chúng, cho phép chúng hoạt động điều độ và sẵn sàng đặt ra giới hạn. Thay vì kìm hãm các giác quan, việc quan sát chúng một cách có ý thức mang đến cho tâm trí một cơ hội để hành động theo một cách có thể đo lường được. Nó đòi hỏi một sự chuyên tâm ghi nhớ về tiết độ khi bạn đang tham gia một bữa tiệc kem hay một đợt cày phim, song nguyên tắc này có hiệu quả đáng kinh ngạc. Khi tâm trí của bạn nói với bạn rằng mình đang hành động một cách vô độ, hãy lưu ý, có lẽ đã đến lúc thay đổi hành vi của bản thân.

Tuy nhiên, vấn đề là cùng một tâm trí đã quen với việc thỏa thê tận hưởng những trải nghiệm của cảm giác, lại đang được yêu cầu phải tự phải điều chỉnh chính nó. Đôi khi tâm trí bị mê hoặc bởi các giác quan đến nỗi nó mất hết cảm giác về tỷ lệ như thế nào là điều độ.

Thước đo chân thực của sự điều độ với bất kỳ trải nghiệm cảm giác nào là ảnh hưởng của nó đến suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng và năng lượng của bạn. Khi những khoái lạc có thể được trải nghiệm mà không có cảm giác tội lỗi hay khó chịu, và nếu nó không làm bạn bận tâm, thì nó không phiền nhiễu đến trạng thái cân bằng của bạn. Nhưng nếu tâm trí bị xao nhãng, rối loạn quá mức bởi một trải nghiệm lạc thú, thì nguyên nhân của sự xáo trộn đó cần phải được xác định thông qua việc quan sát bản thân kỹ lưỡng và được giải quyết thông qua brahmacharya.

Một phương pháp hữu ích để đánh giá chất lượng của trải nghiệm giác quan là kiểm tra mức độ bạn có thể “tiêu hóa” nó. Trong cuốn sách Prakriti: Your Ayurvedic Constitution (TD: Prakriti: Hiến pháp Ayurvedic của bạn) (Ayurveda là một hệ thống y học truyền thống của Ấn giáo), Robert Svoboda chỉ ra rằng các vấn đề tiêu hóa không chỉ giới hạn ở dạ dày hoặc ruột non. Chúng ta cũng “tiêu hóa” những trải nghiệm trong tâm trí. Dưới đây là những dấu hiệu mà Svoboda gợi ý cho thấy khả năng “tiêu hóa” tinh thần kém:

  • Bạn thiếu sự an lạc tinh thần sau khi hấp thụ những khao khát giác quan.
  • Trong quá trình “tiêu hóa”, tâm trí của bạn cảm thấy mệt mỏi và đầy ứ.
  • Trải nghiệm của bạn kéo theo những cảm xúc không mong đợi
  • Bạn cố kìm nén hoặc cố tình che giấu trải nghiệm; nó không thể được hồi tưởng một cách dễ dàng từ ký ức hay bạn không sẵn lòng truyền đạt cho người khác.
  • Giấc ngủ hay giấc mơ bị quấy nhiễu bởi trải nghiệm của bạn.

Những dấu hiệu này cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về cách tâm trí có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những lạc thú giác quan. Ví dụ, sự khó chịu thường đi kèm với việc tiếp xúc quá nhiều các hình ảnh bạo lực trên truyền hình. Ngay cả một mẩu tin đồn về người nổi tiếng cũng có thể khiến tâm trí cảm thấy mệt mỏi. Và bạn có thể ngập ngừng thừa nhận rằng bạn đã dành ba giờ liên tục để chơi video game. Quan sát tinh thần của bản thân là chìa khóa để nhận ra những thực tế trong trải nghiệm của chúng ta.

NHỮNG CÔNG CỤ CHO SỰ CHUYỂN HÓA VỚI BRAHMACHARYA

Một khi bạn đã phát triển ý thức về những trải nghiệm cảm giác nào là có hại hay quá độ, bạn sẽ cần một số kỹ thuật thực tế để quản lý chúng một cách khôn ngoan hơn. Một trong những chiến lược mạnh mẽ nhất để phát triển khả năng kiểm soát là thỉnh thoảng để cho các giác quan của bạn được nghỉ ngơi. Ví dụ: Chủ động nhịn ăn và chỉ uống nước trái cây, quán sát sự tĩnh lặng hay kiêng quan hệ tình dục. Những thực hành như vậy không chỉ làm tươi trẻ cả cơ thể và tâm trí, chúng còn cho chúng ta cơ hội để tăng cường ý thức tâm linh.

Thực hành yoga cũng có thể giúp bạn quản lý những ham muốn, cho dù bạn đang hồi phục sau giai đoạn nuông chiều bản thân (dopamine detox) hoặc chỉ đơn giản là cố gắng trau dồi ý thức về bản thân cao hơn. Hít thở thư giãn sẽ làm dịu lại hệ thống thần kinh của bạn và mang lại một sự tập trung trung tính khác với trải nghiệm giác quan. Một người bạn gần đây đã kể cho tôi cách cô ấy hạn chế chứng nghiện đồ ăn, mỗi lần cô ấy đối diện cơn thèm ăn, cô ấy tự nhủ rằng mình sẽ thuận lòng để thưởng thức, với điều kiện là chỉ ăn sau khi đã thực hiện 10 phút hít thở cơ hoành. Thông thường, vào cuối bài hít thở, cơn thèm muốn của cô đã thuyên giảm; từng chút một, cơn nghiện của cô mất dần.

Thực hiện các tư thế yoga cũng là một công cụ mạnh mẽ để chuyển hướng sự chú ý và năng lượng. Kết hợp với hít thở có ý thức, chúng tụ hội sự tập trung vào bên trong thay vì hướng tới kích thích giác quan bên ngoài. Nhưng có lẽ cách thực hành hiệu quả nhất để khôi phục sự cân bằng bên trong là japa (lặp lại một câu mật chú trong đầu). Trong lúc hành thiền, tất cả các giác quan đều được nghỉ ngơi. Trải nghiệm thiền định với một câu mật chú dần dần biến đổi các năng lượng cảm xúc được tiêu thụ bởi các giác quan và thay thế chúng bằng phúc lạc của sự tập trung và khả năng kiểm soát giác quan. Sau đó, bất kể có sự thu hút của các đối tượng giác quan, tâm trí vẫn tìm thấy sự viên mãn trong chính nó.

Brahmacharya, do đó, đem tới chúng ta những chiến lược tích cực và thực tế để quản lý các giác quan. Brahmacharya dạy chúng ta tự tiết chế, kìm hãm khuynh hướng nuông chiều, tận hưởng cùng cực, đắm chìm trong cảm giác của bất kỳ giác quan nào mà thiếu vắng các biện pháp kiểm soát. Phương pháp này thay thế khoái lạc giác quan bằng một cảm giác lan tỏa của sự hiện diện thiêng liêng, một cơ hội để bước đi trong ý thức Thượng Đế. Bằng cách này, chúng ta có thể thỏa mãn khao khát vĩ đại và thanh cao nhất trong tất cả mọi khao khát: tìm kiếm thực tại vĩnh hằng, nguồn gốc của phúc lạc vô biên.

YAMAS

Là bước đầu tiên trong 8 bậc của raja yoga được nêu trong Yoga Sutras của Patanjali, các yama (giới luật) giúp chúng ta quản lý mối quan hệ của chúng ta với bản thân, những người khác và thế giới xung quanh.

  1. Ahimsa – Không gây hại
  2. Satya – Thành thật
  3. Asteya – Không trộm cắp
  4. Brahmacharya – Tiết độ các giác quan
  5. Aparigraha – Không chiếm hữu

GIỮ CÁC GIÁC QUAN CỦA BẠN

Trong Katha Upanishad, Tử thần Yamaraja, hướng dẫn người học trò vượt trội Nachiketa của mình về cách tìm kiếm phúc lạc chân thực. Ông nói:

“Hãy biết rằng Chân ngã (Atman / Soul) chính là chủ xe, và thân xác là cỗ xe. Cũng hãy biết rằng lý trí (Buddhi) chính là tài xế và tâm trí (mind) là dây cương. Các giác quan là những con ngựa, đối tượng của giác quan là những con đường.”

Một người hợp nhất với chân ngã, giác quan và tâm trí được gọi là “Người thưởng thức”. Một người có tâm trí vô kỷ luật phải chịu đựng các hoạt động từ các giác quan mất kiểm soát của mình, giống như một người đánh xe ngựa phải chịu đựng những con ngựa không được huấn luyện. Một người có hiểu biết đúng đắn về brahmacharya và có tâm trí kỷ luật sẽ hưởng thụ các giác quan được kiểm soát, giống như một người đánh xe ngựa thưởng thức cái thú điều khiển những con ngựa đã được huấn luyện.

Bằng cách kiểm soát các giác quan – bằng cách thực hành Brahmacharya – một người bước đi trong ý thức Thượng Đế thay vì lang thang vô định trên con đường của các đối tượng giác quan.

• • •

Tác giả: Rolf Sovik
Dịch giả: Red Peace@FloatVietnam
Hiệu đính: Prana

lyc-rolf1

Về tác giả Rolf Sovik: Chủ tịch và Giám đốc Tinh thần của Viện Himalaya và một nhà tâm lý học lâm sàng trong thực hành tư nhân, Rolf Sovik đã nghiên cứu yoga ở Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nepal. Ông có bằng về triết học, âm nhạc, nghiên cứu phương Đông và tâm lý học lâm sàng. Cựu đồng giám đốc của Viện Himalaya Buffalo, NY, ông bắt đầu thực hành yoga vào năm 1972 và bắt đầu con đường là một học giả Himalaya truyền thống vào năm 1987. Ông là tác giả của quyển sách Moving Inward, đồng tác giả của tác phẩm đã được trao giải “Yoga: Mastering the Basics”, và là người đóng góp cho Yoga Quốc tế.

>>> [THĐP Translation™] Brahmacharya là gì + Nofap quotes từ những bậc thầy tâm linh Ấn Độ

spot_img
Prana
Prana
"Cái hang bạn sợ bước vào cất giữ kho báu bạn tìm kiếm." — Joseph Campell

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,860Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI