27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tích cực, tại sao không nhỉ?

*Feature Image: Cuba Gallery

 

“Người tiêu cực chỉ thấy khó khăn trong cơ hội, người tích cực thấy được cơ hội trong khó khăn.” – Khuyết Danh

 

Đây không phải kiểu câu hỏi gợi ý: Lấy mắt kính màu hồng mà đeo vào, sẽ thấy mọi thứ “hồng toàn tập”, nhưng là: Luôn có gam màu hồng từ những thứ rất xám để được nhìn nhận.

Đâu đó trong cuộc sống, ta thấy được sự lạc quan nơi số phận kém may mắn hoặc cái kết của vài câu truyện, bộ phim, tác phẩm văn học, sách tâm lý, giáo dục, đời sống, tự truyện, hồi ký, v.v… Mang dáng dấp của hy vọng, gợi mở hướng tư duy tích cực. Thực tế hơn cả, bạn trẻ có dịp “lướt” qua vài khóa học kỹ năng sống, kỷ năng mềm, luôn thấy có một mắt xích chung trong chuỗi kỹ năng suy nghĩ tích cực. Tất nhiên, không phải tài liệu, giáo trình nào đều đề cập đến từ khóa “suy nghĩ tích cực” cả, nhưng được thể hiện qua câu chuyện nhỏ, từ những giờ chia sẻ qua micro, qua câu chữ ngôn từ các loại, nói chung, ta có nhận ra hay không thôi. Chẳng hạn qua vài hiện tượng xã hội sau đây, ta thấy được màu sắc của tích cực là thế nào nhé

Bạn Tưng, hầu như bọn con trai, cánh đàn ông nào dùng internet đều biết đến bạn này, thời gian qua ta cũng ít nhiều thấy nhiều bình luận sôi nổi. Bỏ qua những lập luận ủng hộ và phản biện đúng hay sai, ta dễ thấy có một điều thật lạ: càng bị ném đá, dư luận càng sục sôi, lượt xem clip không ngừng tăng. Đã thấy lời mời biểu diễn hát là phụ, khoe thân là chính, vậy hóa ra sự quan tâm của dư luận là cái đà để người ta trở thành tâm điểm của tai tiếng. Loạn rồi chăng? Không! Bà Tưng như thỏi nam châm thu hút nhu cầu/xu hướng còn tiềm ẩn của giới trẻ chưa được bộc lộ, đó là cơ hội để ta nhận ra thực đơn tinh thần của giới trẻ đang bao gồm món nào, nhu cầu giải trí đang ở mức độ cao hay thấp, chỗ đứng của giá trị nghệ thuật còn nằm trong khẩu phần giải trí  hay không (thưởng thức nghệ thuật cũng là hình thức giải trí)?

Tưng là một phần trong những hình thức rẻ tiền hay đắt giá, có góp phần cho quá trình phát triển tâm hồn mỗi cá thề? Nên nhớ, tất cả mọi nhu cầu đều xuất phát từ chúng ta, và chính ta quyết định cho sự tồn tại của “phù phiếm” bằng cách tự định hướng bản thân và “gia cố” bản ngã. Dù sao cám ơn Tưng và ê kíp, một nốt trầm, một vết xước ngoài da là dấu hiệu cho xã hội can đảm tự kiểm, thanh lọc và hoàn thiện mình. Một vết sẹo hằn trên da sẽ kém đẹp hơn, nhưng là vết tích chứng tỏ hệ miễn dịch đang còn hoạt động, xã hội vẫn chuyễn mình, tiến bộ đó thôi.

“Xách balo lên và đi” cũng vậy, một chủ đề nóng khiến ta suy ngẫm về cuộc sống, về hoài bão, về trải nghiệm, về quá trình khám phá bản thân….rồi mở rộng cái nhìn về Phượt, du lịch bụi, không nhỏ hẹp như ta nghĩ bấy lâu. Rồi thấy sự thật, sự rạch ròi trong câu chuyên của Chíp có là gì so với cảm hứng mà ta nhận được? Ta nhất quyết phải tin vào sự thật ư, thế ta tin vào sự thật hay ta tin vào những gì tốt đẹp để phát triển bản thân từ những thứ ta nhận được? Cái gì khiến ta có cảm hứng về cuộc sống, để tiếp bước… là lời lẽ thách thức buổi họp báo đó sao, hay thể loại tự truyện hay tiểu thuyết.

Sao lại phải “vật lộn” với mặt hạn chế của Chíp, tập trung vào tình tiết vụn vặn nhiều nghi vấn làm gì, mà hãy hỏi: Cao hơn thế là ý nghĩa gì? Xa hơn thế là thông điệp nào từ Chíp? Không hẳn một chuyến đi phượt dài ngày nhỉ, mà cả một thái độ nghiêm túc với khát khao tuổi trẻ, là dấn thân vào cuộc sống, dám “đi một ngày đàng” để mở rộng “không gian sống”, thấy tâm hồn bao dung trong khi không tổn hại, xâm phạm đến con người, pháp luật, đạo đức, môi trường.

Lại nói về Nick Vujicic chút nhé. Chính câu chuyện của anh ấy đã là một thông điệp tích cực, một nhân vật mang tầm quốc tế qua chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp, một hình ảnh mang tính thương mại cao. Hàng triệu bạn trẻ tìm đến anh để tìm lại động lực sống, cái khát khao đang …. mòn dần đều. Điều đó thật tuyệt vời, và khi ta nhìn anh ấy, có nhớ lại những mảnh “đời Nick Việt” bình dị quanh ta không thế, hay những hình ảnh nhỏ bé ấy không bằng “hàng nhập”, chưa được PR kịp thời, chưa được lên sân khấu để ta nhìn lên (nhìn lên hiểu theo nghĩa đen, còn thực sự, Nick là mảnh đời để ta “nhìn xuống”) hay bóng người dị tật bán vé số quá nhiều rồi, đến nỗi hình ảnh đó không cho ta chút nào động lực (nhiều thì mất giá)?

Nếu ta thực sự chủ động tích cực, không cần đợi đến hình ảnh lớn lao để tìm lại động lực, nhưng ở ngay đây, ngay lúc này, thông điệp nhỏ từ cuộc sống đang chờ ta chậm lại, quan sát và suy ngẫm. Nếu chẳng may những điều nhỏ nhặt chưa tác động được ta, mà phải nhờ anh Nick, thì cuộc đời ta cũng thấy ý nghĩa hơn rồi, hơn rất nhiều so với việc đến xem show của Nick vì phong trào, nhu cầu giải trí, nhu cầu nghe thuyết trình, nhu cầu được “căng tràn khát khao…. trong vài ngày.”

Nói đi cũng phải nói lại, cũng chẳng thể “bơ đi” với những điều chưa đúng (không phải là “không đúng”) nhận xét, bình luận luôn được khuyến khích trong xã hội. Hiện đại là chỗ đó, có quyền thể hiện quan điểm cá nhân, nhưng xã hội văn minh hay không còn phụ thuộc vào cách thức truyền tải. Bẳng cách nào? Qua công thức đơn giản: Dẫn chứng + lập luận + giải pháp + khuyến khích cũng là quá đủ để có một đóng góp (có ý thức) cho một xã hội thăng tiến, cho văn minh của tri thức qua những hiện tượng xã hội trên đây. Thiết nghĩ, góp ý mang tính xây dựng như thế được coi là tích cực rồi.

Không chỉ dừng lại ở ba nhân vật kể trên, nhưng phổ quát hơn là những căn bệnh  của tuổi mà ta sẵn sàng đối mặt: Chán trường, chai rản, tâm lý hoài nghi, e ngại, vô định, quán tính của những chuỗi ngày như bao ngày…. dẫn đến cách nhìn thiếu tích cực. Chúng do ta tạo ra một cách vô thức, là cái bẫy để ta tự bước vào. Hương vị của hy vọng, của tuơi trẻ, của hạnh phúc sẽ trở nên đậm đà nếu ta chủ động tích cực – một lựa chọn LỚN, một giải pháp hợp lý và hợp thời.

“Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” là tựa đề một quyển sách đã “mớm” cho Trí khá nhiều ý niệm về sự thay đổi trước khi lật trang đầu tiên, và đến khi gấp lại bìa sách, mới hay chúng ta thay đổi khi “góc nhìn” thay đổi.

Bài tập cho người đọc: Nếu bài viết này có gì tiêu cực, thử góp ý xây dựng nhé.

 

Trí Xích Lô

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI