28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tản mạn 20/11 – Những sứ giả của thời gian

Gửi tặng thầy Khúc Hữu Vinh, cô Trần Hoàn, cô Hương Ly, cô Ngọc Anh ! Em yêu các thầy cô, rất rất nhiều !

Vì ta cũng là lịch sử

Tôi còn nhớ những ngày tháng chuyển giao giữa cấp 1 và cấp 2 của tôi như in. Tôi là một đứa học sinh vô cùng xuất sắc, ít nhất là ở trong cái phạm vi trường làng nhỏ hẹp đấy. Học bạ đẹp lung linh nhưng lại không được học trường chuyên. Chắc cũng là do duyên số khi mà năm tôi đặt chân lên cấp 2 cũng là lúc trường cấp 2 được xây gần nhà tôi, cách nhà có hơn 1km. Khác với chị gái ngày xưa phải đi học xa, ở nhà người thân thì giờ tôi lại được học ở trường gần nhà. Gần hơn và cũng cùi hơn.

Nói không phải tự khen nhưng thực sự so với đám bạn còn đang tuổi ăn tuổi chơi choai choai cùng nhau vào trường đợt đấy, tôi là nhân tố nổi bật nhất. Lối tư duy khác người và vốn kiến thức không được học trong sách vở khiến tôi trở thành một cục nam châm thu hút tất cả các ánh mắt của thầy cô. Chẳng ai có thể ngờ một thằng học sinh thuộc dạng còi nhất trường, sống trong một lớp học mà ba phần tư học sinh là con em dân tộc và hoàn cảnh khó khăn. Thế mà nó lại đánh bật tất cả các anh chị khối trên trong cuộc thi trình bày mâm ngũ quả trung thu với bài hùng biện dài loằng ngoằng về ý nghĩa cái mâm ngũ quả của lớp nó. Đến tận bây giờ tôi cũng chẳng hiểu vì sao lúc đó mình chém gió mạnh thế. Rồi sau đó là liên tiếp những hoạt động đoàn đội, diễn kịch, thi thố, kể chuyện, ca hát. Gần như cái nào cũng có mặt tôi. Và điều quan trọng là lực học ổn định và có xu hướng tốt dần đều. Lúc đó có lẽ là khoảng thời gian mẹ tự hào về tôi nhiều nhất, lúc nào con mình cũng được cô khen nhiều nhất khi đi họp phụ huynh và nhận được nhiều phần thưởng nhất mỗi khi đi tổng kết.

Ngày cấp 2 còn quá trẻ con nên tôi vẫn giữ cho mình thái độ học tập chăm chỉ và đều các môn. Toán lý hóa cũng ổn mà văn sử địa cũng chả tệ. Kiểu phấn đấu trở thành học sinh giỏi toàn diện nên việc môn gì cũng phải giỏi là điều đương nhiên. Tuy vậy thiên hướng theo những ngành xã hội và mơ mộng đã bắt đầu nảy sinh từ bé nên tôi không thể cưỡng mình lại theo cái con đường đã vạch ra từ trước. Càng ngày tôi càng mê văn nhiều hơn, phấn đấu vô cùng học văn để được một lần đặt chân vào giảng đường trường báo. Nhưng những thầy cô ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất lại không phải là những người thầy dạy văn, mà lại là những người thầy dạy sử – những người thầy kính yêu mà tôi gọi là những sứ giả của thời gian. Họ nắm giữ trong mình bao nhiêu những điều cũ kỹ của cả nhân loại nhưng đồng thời cũng là nắm giữ tất cả niềm hy vọng của tương lai khi truyền lại cho chúng tôi những thứ cũ mèm đấy nhằm mục đích hướng tới ngày mai.

Người thầy dạy sử đầu tiên của tôi ở trường cấp 2 là một thầy giáo trẻ người dân tộc. Hình như lúc đó thầy mới ra trường được hai hay ba năm gì đấy, trẻ và rất đẹp trai. Nếu thầy mà gặp tôi vào khoảng 4 năm sau đó chắc thầy bị tôi viết thư tỏ tình rồi. Nhưng may cho thầy (và cho cả tôi) là lúc đó cái đầu óc ông cụ non của tôi chưa đủ khôn để phát hiện ra mình là ai mà tỏ với tình nên tôi vẫn kính trọng thầy như một người anh đáng mến, cho tôi những bài học đầu đời về lịch sử. Tôi nhớ là ngày đó tôi đi học là lúc Bộ Giáo dục mới cho cải cách sách giáo khoa được 2 năm và số lượng tiết Sử theo phân phối chương trình là 1 tiết/tuần. Vậy mà có một thằng hâm tuần nào cũng leo sang lớp khác học đi học lại hết 3 tiết Sử của thầy giáo trẻ dạy. Đương nhiên là không phải vì tôi thích thầy mà là vì tôi yêu môn Sử của thầy giáo.

Ở cái vùng núi nghèo đấy thì làm gì có điều kiện tìm tài liệu học tập, vậy nên ngoài những cuốn sách giáo khoa Sử các lớp mà tôi có được thì những cuốn sách chuyên sâu về Sử của thầy đúng là một miền đất mới lạ trong mơ mà tôi lúc nào cũng muốn chạm vào. Thầy giáo biết tôi thích Sử nên cũng thường xuyên nói chuyện với tôi về Sử, trả lời mọi thắc mắc của tôi về Sử và nuôi dưỡng cho tôi niềm đam mê yêu Sử. Tôi còn nhớ lời của thầy nói cho đến tận bây giờ và coi đó là một sự nhắc nhở cho bản thân về việc không bao giờ được lãng quên quá khứ, lãng quên lịch sử. Bởi vì, lịch sử là một phần của hiện tại, một phần của tương lai, một phần của thầy, của trò và của mỗi người. Và bởi vì : Chúng ta cũng là lịch sử !

Thầy cho tôi hiểu việc tìm ra được niềm đam mê của chính mình quan trọng như thế nào và đam mê với Sử của tôi có ý nghĩa như thế nào với cuộc đời tôi. Thầy nói rằng tương lai những người học trò của thầy sẽ trở thành những người làm nên lịch sử. Và thầy cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi đang góp phần viết nên những trang lịch sử ấy.

Cho đến bây giờ tôi mới thấm thía những lời thầy giáo trẻ của mình dạy cho mình. Những điều chúng ta nghĩ, những việc chúng ta làm, những thứ chúng ta viết hoặc nói ra. Sớm muộn gì cũng đi vào quá khứ và trở nên cũ kỹ. Nhưng nó có được ghi vào lịch sử hay không và ghi như thế nào thì lại tùy vào thái độ sống và cách sống của mỗi người. Nếu ta sống tốt và làm những điều có ích, sử sách sẽ ghi chúng ta vào những trang vẻ vang, tốt đẹp, hào hùng. Đương nhiên, ngược lại nếu ta sống không tốt thì lịch sử cũng tàn nhẫn mà ghi tên chúng ta vào như một bằng chứng cho sự ngu dốt, tội ác hoặc tệ hơn là như một kẻ vô danh – không bao giờ được nhắc đến trong lịch sử.

Vì luôn nghĩ rằng mình là một người mang trong mình sứ mệnh làm nên lịch sử nên tôi luôn trăn trở ít nhiều về cách sống, suy nghĩ và hành động của mình. Đã có những lúc bốc đồng và thiếu suy nghĩ trước khi hành động. Đã có những lúc làm những việc không đúng với đời, với người và với chính lương tâm của mình. Nhưng nghĩ đến cùng tôi vẫn ngày một cố gắng làm những điều tốt và có ích để trở thành một người làm nên lịch sử tốt nhất có thể.

373572

 

Hãy yêu Sử theo cách của riêng em

Câu chuyện về thầy giáo trẻ cho tôi niềm đam mê học Lịch sử có lẽ nó còn cứ dài ra mãi nữa nếu không có sự kiện thầy phải luân chuyển công tác và đi tăng cường vào một trường THCS vùng 3 – vùng đặc biệt khó khăn trong 3 năm. Lúc tôi chuyển nhà và cũng là chuyển trường 2 năm sau đó, thầy vẫn chưa quay về trường cũ. Nhưng trong 2 năm học tiếp theo ở trường cũ tôi vẫn may mắn gặp được những người thầy tuyệt vời như thế.

Vì lúc nào tôi cũng là một đứa khác người và đặc biệt nổi trội giữa tập thể nên không có gì lạ khi tôi lại lọt vào tầm ngắm của quá nhiều thầy cô kéo vào các đội tuyển học sinh giỏi. Đã có thời gian tôi từng bị phát điên vì ôn cùng một lúc song song hai đội tuyển : 1 là đội tuyển Sử – niềm đam mê của tôi và 1 là đội tuyển Ngoại ngữ – được chọn vào có lẽ vì là đứa duy nhất trong trường có cách phát âm tiếng anh chuẩn nhất, sống giữa quá nhiều học sinh dân tộc mà tiếng Kinh nói còn chưa sõi là như vậy đấy.

Và người thầy dạy Sử thứ hai bước vào cuộc đời học trò của tôi đơn giản như vậy đấy. Cô là một cô giáo hiền và đáng mến gần như là nhất mà tôi từng biết. Cô là người đã cho tôi được cầm cái gậy tí hon đáng yêu mà mấy cô hướng dẫn viên hay cầm trong bảo tàng để chỉ trỏ lên cái bản đồ mà do chính cô vẽ ra.

Phải công nhận rằng phải sống trong cái môi trường khó khăn thì con người ta mới có thể phát huy tính sáng tạo. Giáo cụ trực quan và đồ dùng thực hành cho học sinh lúc đó thiếu thốn vô cùng. Nhưng cô đã truyền cho chúng tôi tình yêu với Sử bằng chính những cái bản đồ vẽ trên khổ giấy A0 đơn sơ như thế đó. Khi mà nhiều thầy cô khác phải tận dụng những chiếc ăng-ten của mấy chiếc radio bỏ đi để làm cái gậy trỏ bản đồ thì sự xuất hiện của một cái bút có thể thay đổi chiều dài dùng để chỉ bản đồ đúng là một thứ đồ chơi lạ mắt với cả đám học sinh nghèo lúc đấy. Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ có thể quên cái cảm giác cô đặt vào tay tôi chiếc bút đó và vỗ vãi mời tôi lên bảng, thuyết trình về bài học « Lý Thường Kiệt quyết định tấn công trước để tự vệ » trong một giờ thao giảng với gần chục thầy cô giáo ở bên dưới. Và có ai tưởng tượng được không ? Thằng nhóc lớp 8 không bình thường đó đã say sưa kể về diễn biến cuộc chiến chống quân Tống đó trên bục giảng như bị ma nhập, tay thì cầm bút chỉ trỏ liên tục vào bản đồ, mắt thì sáng rực tình yêu với Lịch sử. Ở phía dưới, tôi nhìn thấy cô giáo đáng mến của mình đã nở một nụ cười, mãn nguyện

Ngày tôi chuyển nhà và chuyển trường cũng là ngày cô đi thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Tôi nhớ vô cùng hôm đó là một buổi sáng cuối đông, cô vẫn đến trường vì biết tin tôi đang làm thủ tục rút học bạ. Tôi còn nhớ gương mặt xương xương ấy đã nhìn vào tôi, đôi bàn tay gầy gầy cầm phấn hàng ngày dạy tôi ấy đã ôm tôi vào lòng và khóc. Cô giáo thân yêu đã đưa cho tôi chiếc bút thần kỳ nhiệm màu mang sức mạnh của một người giáo viên hết mình với môn Sử, hết mình với học sinh. Cô chỉ dạy tôi một kỳ học nhưng lại để lại cho tôi quá nhiều kỷ niệm. Cô nói với tôi là hãy giữ niềm đam mê với Lịch sử càng lâu càng tốt. Hãy yêu Sử theo cách của riêng tôi, học Sử nhưng đồng thời cũng phải sống trong Sử, hiểu Sử để rồi yêu Sử theo cách của chính mình.

Sau này khi chuyển trường cấp 2, không một thầy cô giáo nào dạy Sử có thể để lại trong tôi nhiều ấn tượng như thế!

1309317531493_n_thy

Dạy Sử – dạy người !

Lên cấp 3, tôi trở thành một con người khác. Lớn và trưởng thành hơn ít nhiều nhưng vẫn vô cùng trẻ con và có nhiều tâm sự. Quãng thời gian này cũng là quãng thời gian vô cùng phức tạp, chồng chéo nhiều mối quan hệ và rắc rối với việc sống thật với bản thân của tôi nên có lẽ vì thế mà tình yêu với Lịch sử của tôi bị gián đoạn ít nhiều. Nhưng nói đến môn Sử ở cấp 3 thì tôi vẫn không thể không nhắc tới hai cô giáo đáng kính của tôi : một cô giáo dáng người mảnh mai bị nói ngọng hai chữ « n » và « l » bây giờ đã chuyển về dạy ở Gia Lâm – Hà Nội và một cô giáo cao như người mẫu, duyên dáng, đã lập gia đình nhưng vẫn xì tin dùng facebook và gần như ngày nào cũng like status của tôi.

Sở dĩ tôi nhắc tới hai người thầy này cùng một lúc vì họ thân thiết với nhau còn hơn bạn bè đồng nghiệp vậy. Cùng ở tổ bộ môn Sử. Cùng dạy tôi và có ấn tượng tốt với tôi. Những điều mà các cô truyền lại cho tôi nhiều hơn cả Lịch sử. Tôi vẫn giữ trong ví của mình chiếc Thẻ sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội của cô giáo dạy Sử đầu tiên chủ nhiệm tôi đầu năm lớp 12 mà tôi đã xin lại của cô lúc cô chuyển nhà về Hà Nội. Cô là một người rất hiền, hiền nhất trong những cô giáo của tôi ở trường cấp 3. Cách dạy của cô thu hút vô cùng. Cách cô đưa vào đầu chúng tôi về Cách mạng công nghiệp, về Cách mạng tư sản, về Trật tự thế giới mới nó nhẹ nhàng và truyền cảm như thể cô đang dạy chúng tôi một bài thơ. Những ngày cô bắt đầu chuyển công tác là những ngày tôi buồn nhất. Vị trí chủ nhiệm bị chuyển cho người khác, vị trí dạy Sử cũng chuyển cho một cô giáo khác – cô giáo mà tôi vẫn đinh ninh là khó tinh nhất trường. Cô dạy cho tôi hai chữ trách nhiệm rất quan trọng, mặc dù bận bịu việc gia đình rồi cả hồ sơ chuyển nơi làm việc, mệt mỏi với việc chạy từ Sở giáo dục này xuống Sở giáo dục Hà Nội nhưng cô vẫn lên lớp chúng tôi tới tận ngày cuối cùng. Tất cả học sinh trong lớp cô đều thuộc tên, thuộc tính cách của từng đứa. Như một đứa đặc biệt như tôi thì cách hỏi bài cũ của tôi dành cho tôi cũng khác, không hỏi những thứ đã học thuộc, chẳng hỏi những thứ đã cho ghi, mà thay vào đó là những thứ đòi hỏi phải tư duy rất cao. Những câu hỏi « Vì sao ? », « Tại sao ? », « Phân tích, chứng minh… » mà mấy bạn khác sợ hơn sợ cọp thì tôi lại trả lời ngon lành. Tôi vẫn tự hào lắm vì mình đã trở thành một trong những học sinh được cô yêu quý nhất trong lứ a học sinh cuối cùng cô còn công tác ở ngôi trường ấy. Một ngày cuối tháng 3 năm ngoái, khi tất cả học sinh lớp 12 trong trường đang sục sôi không khí căng thằng làm hồ sơ thi đại học thì một người bạn cùng lớp, cùng tên với tôi đã vĩnh viễn ra đi vì bệnh tim. Để lại trong lòng mỗi chúng tôi sự hụt hẫng vô bờ bến. Và cô đã gọi điện về với tôi, từ Hà Nội và khóc. Tôi thương bạn rồi thương cả cô. Tình thầy trò dường như bện thắm lại từ lúc nào chả rõ. Có lẽ cuối tuần sau tôi nên làm một chuyến sang Gia Lâm thăm cô thôi.

Cô giáo thứ hai dạy Sử ở trường cấp 3 mà tôi yêu quý lại là cô giáo ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất và khiến tôi xấu hổ về bản thân mình nhiều nhất. Những ngày cuối cùng của đời học sinh của tôi qua đi trên ghế của những lớp ôn thi tốt nghiệp Sử mà được cô đứng lớp. Tôi thì mải mê Facebook, nghe nhạc, đọc truyện, ngủ và ăn ở bên dưới. Cô thì giảng ở bên trên. Bạn bè đứa nào cũng chép lấy chép để, đầy hết cả vở còn tôi vẫn lãng tử ngồi như không có chuyện gì xảy ra. Rất may mắn là có tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái, không thì có lẽ tôi đã chẳng có thể qua nổi môn Sử với số điểm cao đáng ngạc nhiên : 9 điểm. Về sau thi ĐH, phần vì chẳng ôn tập tử tế, phần vì học tủ, phần vì đang thất tình vì chia tay với người mà tôi yêu nhất từ trước đến giờ mà tôi đã giành cho mình số điểm thảm hại : 3 điểm môn Sử. Một điều mà có lẽ trước đó tôi chẳng bao giờ ngờ được rằng mình sẽ làm ra.

Không phải tự bào chữa nhưng tôi nghĩ rằng dù sao đó cũng là một cái duyên. Từ cái duyên điểm thấp dẫn đến cái duyên trượt ĐH và cái duyên được học ở Học viện Thanh thiếu niên, với XH1 và với xóm nhà lá đáng yêu của tôi bây giờ. Nhưng dù sao tôi vẫn xấu hổ về số điểm đó của mình lắm. Cô giáo cầm giấy báo điểm ĐH của tôi ở trường cấp 3 và chỉ cười thôi. Cô hay cười lắm. Kể cả trong những lúc cô khó khăn nhất, cô vẫn cười. Hôm trước vừa bị ngất vì khó thở và phải đi bệnh viện, hôm sau lên lớp giảng bài khó nhọc, cô vẫn cười. Cô là cô giáo duy nhất dùng Facebook và biết tôi là gay mà vẫn yêu quý và thương tôi đến tận lúc này. Đợt khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất, muốn về thăm nhà mà không có tiền, cô còn định cho tôi tiền đề bắt xe về thăm nhà sau 3 tháng đi học ĐH nhớ nhà đến phát điên. Mặc dù lúc đó cô đang trông mẹ ốm trong bệnh viện ở Hà Nội. Một người thầy như thế, kính trọng và biết ơn, liệu như thế nào cho đủ?

Những người thầy dạy Sử, những sứ giả của thời gian, những con người đã giúp tôi làm nên lịch sử, những người đã dạy tôi làm người – đến bao giờ tôi mới trả hết được ơn thầy???

LUKAS CHUNNY

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Đam mê không phải là điều ai cũng tìm thấy trong cs này, và càng hiếm hoi hơn khi gặp được rất nhiều người thày đáng kính tiếp thêm lửa đam mê cho bạn … Hy vọng Bạn sớm tìm được một định hướng tương lai phù hợp với đam mê của mình … Be U, Be Beautiful 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI