Nội dung
Tôi không viết bài này để biện minh cho “ngoại tình”; tôi sẽ nói về chữ này sau. Trước tiên, tôi muốn kể về hai người bạn thân của tôi. Cả hai đều rơi vào ngõ cụt hôn nhân như rất nhiều cặp đôi khác, nhưng họ chọn hai hướng khác nhau.
Một người chọn ly hôn. Người kia thì không.
Và sau tất cả, người ly hôn nói với tôi:
“Giá mà hồi đó tao đừng chọn ly hôn.”

1. Người Thứ Nhất: Ly Hôn Vì Bị Vợ Từ Chối Suốt Hai Năm
Anh bạn này là kiểu người đàn ông mẫu mực, đàng hoàng, tử tế, có trách nhiệm. Làm ra tiền. Không nhậu nhẹt, không cờ bạc, không ngoại tình. Chỉ biết về nhà đúng giờ, đưa con đi học, lo vợ từng bữa ăn sáng.
Chỉ có một điều làm anh ta nghẹn lại mỗi đêm: vợ không còn muốn gần gũi nữa.
Suốt hai năm. Không bệnh. Không con nhỏ. Không cãi nhau lớn. Chỉ là sự lạnh nhạt dần trở thành im lặng, rồi biến thành một bức tường không thể phá vỡ.
Anh ta thử mọi cách: từ ngọt ngào đến cứng rắn, từ nhẫn nhịn đến bày tỏ thẳng thắn. Mua hoa, đặt phòng khách sạn, viết thư tay, đưa đi chơi xa. Nhưng vợ anh, vẫn lạnh như đá.

Cuối cùng, anh chọn ly hôn. Trong danh dự. Không phản bội. Không làm tổn thương ai. Anh ra đi trong lặng lẽ, với niềm tin rằng anh đã làm điều đúng đắn.
Nhưng cái giá anh phải trả thì không ai nói trước:
• Mất quyền nuôi con
• Bị họ hàng vợ đổ lỗi
• Bị con oán trách vì “bỏ mẹ”
• Cô đơn trong căn hộ thuê giữa tuổi 40
• Mất 50% tài sản cho một người không xứng đáng
Anh ta nói với tôi, trong một đêm uống rượu đến 3h sáng:
“Tao tưởng ly hôn là tự do. Nhưng không ngờ nó là án tù cô đơn. Nếu ngày đó tao ích kỷ hơn, chắc giờ tao còn được làm cha mỗi ngày. Tao không cần ai hiểu. Nhưng cái cảm giác mất con… nó như bị chặt mất một phần người.”
2. Người Thứ Hai: “Ngoại Tình” Trong Âm Thầm Để Giữ Lại Một Phần Chính Mình
Người bạn thứ hai có một câu chuyện khác. Bề ngoài gia đình anh ta trông hoàn hảo: vợ đẹp, con ngoan, nhà cửa khang trang. Anh có sự nghiệp ổn định, vợ không ghen, không làm khó, không nổi nóng.
Chỉ có một điều thiếu: Vợ anh đã không còn thật sự nhìn thấy anh.
Không ánh mắt say mê. Không vuốt tóc âu yếm. Không một câu khen động viên. Mỗi ngày về nhà, anh cảm giác như đi vào một nhà trọ, nơi người ta sống cạnh nhau vì nghĩa vụ, không phải vì tình yêu.
Anh ta từng muốn cải thiện. Nói chuyện. Mở lòng. Tạo bất ngờ. Làm mới quan hệ… Nhưng tất cả chỉ là những đợt sóng nhỏ vỗ vào một bức tường đá đã quá cứng.
Và rồi, anh ta gặp một người phụ nữ khác. Không ràng buộc. Không đòi hỏi. Chỉ đơn giản là nhìn anh bằng ánh mắt khao khát, điều anh đã không nhận được từ vợ mình suốt nhiều năm.

Anh “ngoại tình”, nhưng không bỏ vợ. Không phá gia đình. Không tạo sóng gió.
“Tao không biết mình đúng hay sai. Nhưng nếu không làm vậy, tao sẽ chết khô bên trong. Tao vẫn đi làm, vẫn dạy con học, vẫn lo cho vợ. Nhưng ít nhất, có một nơi tao được là chính mình.”
Và kỳ lạ thay, cuộc hôn nhân của anh vẫn còn. Vợ con vẫn đủ đầy. Anh ta vẫn giữ được vai trò người cha, người chồng, ít nhất là trên giấy tờ. Không ai biết. Không ai tổn thương.
Anh ta không tự hào, nhưng cũng không hối hận. Vì với anh, đó là sự đánh đổi âm thầm để không tan vỡ.
3. Con Đường Thứ Ba: Trở Thành Thánh Nhân
Tôi từng nghĩ đàn ông chỉ có hai lựa chọn khi rơi vào hôn nhân bế tắc: hoặc ly hôn, hoặc ngoại tình. Nhưng thật ra, còn một con đường thứ ba, tuy hẹp, tuy gian nan, nhưng có thật: con đường trở thành thánh nhân. Tuy nhiên đây là con đường ngoại lệ, không thể kỳ vọng với hầu hết đàn ông.
Đây là con đường của những người chọn giữ mình giữa sa mạc khô hạn, chọn yêu vô điều kiện khi không được yêu lại, chọn trung tín khi bị phản bội bằng sự thờ ơ, chọn vượt qua nhu cầu bản năng sinh học bình thường của con người.
Không phải vì họ yếu đuối. Mà vì họ đã tìm thấy một nguồn lực khác, không đến từ vợ, không đến từ tình dục, mà đến từ sự kết nối với Đấng Tối Cao.
Người đàn ông đi con đường thứ ba không ngoại tình, cũng không ly hôn. Họ không trốn chạy, cũng không vùng vẫy. Họ đứng vững, như một cột trụ trong bóng tối, như một tu sĩ sống giữa phàm trần.
Và cũng bởi vậy, con đường này không dành cho số đông. Nó không phải lối thoát mà là lối hiến tế. Không phải ai cũng đủ tĩnh lặng, đủ mạnh mẽ, đủ dũng cảm để bước vào.
Tôi nhớ đến một nhân vật trong “Tự truyện một Yogi”, Lahiri Mahasaya, một vị thánh cư sĩ vĩ đại. Ông kết hôn, sống đời thường như bao người, nhưng chỉ quan hệ với vợ đúng một lần, để có con, rồi sau đó giữ trọn đời sống thanh khiết. Điều kỳ lạ là người vợ không những không oán trách mà còn tôn kính ông như một bậc hiền triết. Vì giữa họ có sự hiệp thông cao hơn thân xác, một tình yêu siêu vượt bản năng, được dẫn dắt bởi ánh sáng tâm linh.
Nếu bạn đang đọc đến đây, và thấy mình không thể chọn ly hôn, cũng không muốn ngoại tình thì hãy biết:
Con đường thánh nhân không hứa giải thoát, nhưng hứa ý nghĩa và sức mạnh.
4. Vì Sao Người Vợ Từ Chối Sex Trong Thời Gian Dài Còn Tệ Hơn Chồng Ngoại Tình?
Khi người vợ từ chối ân ái một cách kéo dài, không có lý do chính đáng, không vì bệnh tật hay tổn thương thực thể, mà đơn giản vì “không còn muốn”, thì đó không còn là sự lựa chọn cá nhân. Đó là sự phản bội bằng sự im lặng.
Một cuộc hôn nhân không tình dục là một thân xác không còn linh hồn. Đàn ông có thể chịu đựng nhiều thứ, nhưng bị từ chối như thể không còn giá trị làm đàn ông là một trong những nỗi đau sâu sắc nhất.
Người vợ như vậy thường vẫn giữ vai trò mẹ, người nội trợ, người quản lý gia đình. Nhưng cô ấy đã rút lui khỏi vai trò người vợ mà vẫn đòi hỏi chồng giữ trọn vai trò người chồng là điều vô lý không tưởng.
Ít người dám lên án phụ nữ khi họ từ chối sex. Nhưng khi đàn ông tìm đến một người khác để được lắng nghe, được chạm vào, được yêu như một người đàn ông thật sự, thì họ lại bị kết tội.
“Chớ từ chối nhau, trừ khi hai bên đồng ý tạm thời để dành thì giờ cầu nguyện; rồi phải trở lại với nhau, kẻo Sa-tan cám dỗ vì anh em không tự chủ được.” – 1 Corinthians 7:5
Không như nhiều phụ nữ tư duy méo mó, tình dục không phải là đặc ân, nó là giao ước. Khi một người vợ chối bỏ giao ước đó, không nói rõ, không chữa lành, không cùng nhau vượt qua, thì người chồng bị giam vào một nhà tù.
5. Thành Kiến Với Chữ “Ngoại Tình”
Xã hội có một thói quen rất nông cạn và ấu trĩ đó là cứ nghe đến chữ “ngoại tình” là mặc định người đó sai, người đó xấu, người đó đáng bị lên án không thương tiếc. Không cần biết bối cảnh. Không cần biết người ấy đã chịu đựng những gì. Không cần biết họ đã gào thét bao lần trong im lặng mà không được đáp lại.
“Ngoại tình” trở thành nhãn dán đạo đức, một loại con dấu đỏ chói gạch tên một người khỏi bất kỳ quyền được cảm thông nào.
Nhưng sự thật không đơn giản như thế. Có những người đàn ông ngoại tình vì bị đẩy đến giới hạn của cô đơn, im lặng, và bị từ chối kéo dài. Không phải họ muốn phản bội. Họ chỉ đang sinh tồn.
Không ai hỏi người vợ đã sống như thế nào trước khi người chồng ngoại tình? Cô ấy có còn giữ lửa không? Có còn vuốt tóc, có còn nhìn chồng như một người đàn ông thực sự không? Hay cô ấy chỉ còn là người quản lý trong nhà, không hơn không kém?
Chúng ta dễ dàng tha thứ cho sự lạnh lùng. Nhưng lại không bao giờ tha thứ cho hành vi tìm kiếm sự ấm áp ở nơi khác. Và chính điều đó khiến nhiều người đàn ông chọn im lặng chịu đựng, cho đến khi chính họ cũng không còn nhận ra mình là ai.
6. Những Con Số Không Nói Dối: Khi Tình Dục Cạn, Hôn Nhân Rạn
Nhiều người cho rằng tình dục chỉ là một phần nhỏ trong hôn nhân. Nhưng các nghiên cứu thực tế cho thấy: khi phần nhỏ đó biến mất, mọi phần khác cũng bắt đầu nứt vỡ.
• Một nghiên cứu từ Yabiku & Gager (Sexual Frequency and the Stability of Marital and Cohabiting Unions – 2009) theo dõi hơn 5000 cặp trong 5 năm cho thấy: các cặp quan hệ tình dục ít hơn 1 lần/tháng có nguy cơ ly hôn gấp đôi so với nhóm duy trì 1 lần/tuần trở lên.
• White & Booth (Divorce over the life course: The role of marital happiness – 1991) phát hiện rằng những người báo cáo “vấn đề tình dục nghiêm trọng” trong hôn nhân có khả năng ly hôn tăng khoảng 2.3 lần.
• Và trong nghiên cứu của Dzara (Assessing the effect of marital sexuality on marital disruption – 2010) tại Mỹ, những người chồng cảm thấy “rất không hài lòng” với đời sống tình dục có nguy cơ ly hôn cao hơn 200–300% so với nhóm hài lòng.
Những con số này không nói rằng tình dục là tất cả. Nhưng chúng nói rõ: khi tình dục mất đi, lòng tin, sự kết nối và khát vọng sống chung cũng theo đó mà héo úa.
7. Một Kết Luận Buồn Nhưng Thật
Tôi không viết bài này để cổ xúy cho việc phản bội. Tôi viết để nói lên một góc khuất mà ít ai dám nói ra:
Không phải mọi người đàn ông ngoại tình đều là kẻ tồi. Không phải ai ly hôn cũng là người cao thượng.
Có những người ngoại tình, không phải vì ham muốn thấp hèn, mà vì họ đang chết dần bên trong một hôn nhân không tình yêu. Có những người ly hôn, không phải vì ích kỷ, mà vì họ không chịu nổi cảm giác bị xem như kẻ vô hình.
“Tao thà bị gọi là kẻ phản bội bởi những kẻ không hiểu chuyện còn hơn trở thành cái xác biết đi bên cạnh người vợ không còn muốn chạm vào mình.” – người bạn thứ hai
Và tôi, Người Từng Trải, chỉ biết lặng thinh. Bởi vì tôi biết rõ một điều:
Anh ta không nói dối.
Tác giả: Người Từng Trải