*Photo: pisty_06
Vô tình đọc vài bài viết trên các trang báo điện tử, vô tình đọc được một số bình luận của mọi người về các bài viết đó, vô tình nhận ra những sợi dây liên kết mơ hồ quanh chủ đề đang được bàn tán… tôi bỗng cảm thấy mình cũng có thể góp vài dòng vào câu chuyện cho thêm phần náo nhiệt. Ấy là câu chuyện về văn minh ở nước ta.
Câu chuyện cũ xì tôi đã nghe từ cái ngày còn đi học bé tí, vô tuyến vẫn thường phát sóng những dự báo, những hy vọng của lớp lớp người dân Việt Nam về một quốc gia văn minh, thịnh vượng… Đó là câu chuyện văn minh của hơn 10 năm trước. Còn bây giờ, nó đã tiến xa hơn, để thành những khẩu hiệu, phong trào, biểu ngữ,… trở thành cuộc vận động toàn dân chứ chẳng phải điều gì mơ tưởng nữa. Nỗ lực hiện thực hóa khát khao trở thành một xã hội văn minh trong suốt quãng thời gian ấy là không thể phủ nhận. Vì thế mà bây giờ nhìn lại, tôi băn khoăn không biết thành quả cho sự cố gắng lớn lao này có xứng đáng hay không? Chẳng phải tự nhiên gần đây có ý kiến nên cấm xe máy lưu thông tại các thành phố lớn, hay có thời điểm, người ta đòi dẹp bỏ gánh hàng rong vì làm mất mĩ quan đô thị, rồi chuyện quán xá vỉa hè mất vệ sinh đường phố,v.v… Những chủ đề ấy ngay từ khi nhen nhóm đã được bàn tán từ mạng xã hội cho tới cái mạng nhện, từ báo lá cải đến các ngõ xóm diễn đàn. Chứng tỏ không chỉ tôi mà nhiều người cũng có cùng nỗi lo: Cần làm gì để Việt Nam của chúng ta trở nên văn minh hơn?
Về phần trả lời thì xin để mọi người tự đánh giá theo điểm nhìn của mình, bởi môi trường sống từng người chẳng ai giống ai nên đáp án khó mà thống nhất được. Còn tôi thì chỉ dám nói lên quan điểm cá nhân về câu chuyện văn minh này ở một vài khía cạnh. Mong là với chút ít hiểu biết hạn hẹp, tôi có thể đưa ra cái nhìn mới trong bước đi kế hoạch “văn minh khai sáng” mà chúng ta đang làm, cụ thể hay mơ hồ sẽ do các bạn nhận xét, nhưng hẳn là không hề dễ dàng.
Cách đây ít hôm có đọc trên trang VTC News (xem bài viết cụ thể tại đây) về đề nghị cần cấm đi xe máy khu vực đô thị, tôi rất hào hứng với quan điểm này của tác giả, vì theo suy nghĩ của tôi thì điều này là cần thiết cho công cuộc phát triển của đất nước, mà gần hơn là để xã hội văn minh hơn. Tuy nhiên, lại có những bình luận phản bác quan điểm này dựa trên các cơ sở khiến tôi hết sức ái ngại. Vì đó là những cơ sở luẩn quẩn, bàn lùi, và nhất là cản trở sự tiến bộ của toàn thể xã hội. Các cơ sở đó khá là đa dạng nên tôi sẽ nêu ra một ít dưới đây để tất cả có thể tham khảo. Tựu chung thì cũng khá quen thuộc, không phải là trở ngại gì mới.
“Không phải ai cũng đủ tiền mua ô tô, thuế cao buộc giá thành cao nên khó đến với đa số người lại. Chưa kể ô tô tốn diện tích hơn xe máy, khi đi vào ngõ hẻm gặp khó khăn, ra đường chật hẹp thì không đi nổi. Mà nếu có đủ tiền mua, đủ đường đi thì cũng không “nuôi” được, giá xăng tăng cao đã đành lại cả phí gửi xe đắt đỏ mà tìm mỏi mắt cũng không có chỗ đỗ.”
Trả lời: Đúng. Đây chính là những trở ngại đầu tiên mà bất kì ai cũng nghĩ đến khi đọc được ý kiến như vậy. Tuy nhiên không có nghĩa là chúng ta bất lực. Theo chủ quan cá nhân, tôi có thể nêu lên vài hướng xử lí sau.
Trước hết, giảm từ từ thuế nhập khẩu ô tô, đồng thời tinh giản các thủ tục đăng kí chủ xe, khi bước đầu của việc mua một chiếc ô tô đã đơn giản hơn thì mọi người sẽ tiếp cận nó dễ hơn. Sau khi đã kéo khoảng cách với dân lại gần như vậy, Nhà nước cần tạo ra một môi trường cạnh tranh thông thoáng cho các doanh nghiệp bất kể nội – ngoại tham gia. Khi các nhà đầu tư thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng, họ sẽ không ngần ngại đầu tư, từ chỗ cung cấp nhân lực học nghề để lắp ráp, gia tăng các dịch vụ đi kèm ô tô như rửa xe, sửa chữa,… chúng ta sẽ có thể tiếp cận gần hơn công nghệ của nước ngoài từ những việc vụn vặt để tiến tới một ngành công nghiệp sản xuất ô tô “made in Việt Nam”.
Bên cạnh các bước đi để mang chiếc ô tô giá rẻ đến với mọi nhà, chúng ta cũng cần mở rộng mạng lưới bán xăng E5 ron 92 (xăng sinh học thân thiện môi trường), ưu đãi nhiều hơn với doanh nghiệp sản xuất, tạo điều kiện cho người dân được lợi tối đa. Thêm vào đó, tiến hành xây những bãi đỗ xe hiện đại đảm bảo đủ cung ứng, giá cả phải chăng. Về diện tích, một chiếc ô tô chở được nhiều người hơn xe máy, nên khi loại bỏ xe máy, cũng không cần quá lo về diện tích chiếm dụng đường đi. Đồng thời bên phía thành đoàn nên kết hợp với các trường Đại học, Cao đẳng trong thành phố để ra mắt thêm dịch vụ xe ôm sinh viên, tác phong chuyên nghiệp, giá cả vừa phải, phục vụ chu đáo,… hỗ trợ đi lại tương tự như xe bus, lại tạo công ăn việc làm cho các bạn.
Và nói thêm, ô tô đảm bảo an toàn hơn hẳn xe máy, chưa kể ý thức rõ ràng không thể như lái một chiếc xe máy được, lạng lách, đánh võng, lấn làn,… hoàn toàn có thể chính người cầm lái phải trả giá chứ không đơn giản là hư hỏng vỏ xe.
Cuối cùng thì nhà nước cần tính tới việc mở rộng làn đường để phục vụ đủ số ô tô lưu thông. Nên tôi có ý kiến như sau để không chỉ đường rộng hơn, mà cả vỉa hè cũng thoáng hơn, các hàng quán không còn nhếch nhác, bán rong vắng bóng, kích thích bất động sản,…
Đầu tiên là về ý thức từng cá nhân, nhà nước quyết liệt chỉ là biện pháp bất đắc dĩ, nếu dân trí cao hơn thì kế hoạch văn minh đô thị hẳn suôn sẻ hơn nhiều. Hiện nay hè phố phần lớn bị lấn chiếm vì mục đích kinh doanh và mưu sinh, (chưa nói đến nguyên nhân xe máy). Vậy phải xử lí được tình trạng này trước.
Bước đầu có lẽ cần phải đưa nhà ở chung cư về mức giá chấp nhận được, tuy nhiên chất lượng sử dụng thì vẫn phải tốt chứ không được xuống theo. Khi giá nhà dễ chịu hơn, cộng với việc giấy tờ được tinh giản (như dùng mã số định danh hoặc kho lưu trữ thông tin cá nhân cấp quốc gia,…) thì sẽ dễ vận động nhân dân mua nhà hơn. Việc vận chuyển đồ đạc nếu có thể tận dụng nhân lực sinh viên (tôi không chắc là TNTN hay là một công ty sinh viên dọn nhà nào đấy, nhưng càng chu đáo và tin cậy thì càng tốt) để làm giá rẻ thì sẽ rất có lợi. Cùng với đó là thanh tra hàng loạt các chung cư đã đi vào sử dụng để đánh giá, cân nhắc xử phạt nếu mắc sai phạm, tạo tâm lí an toàn cho khách hàng. Đối với các hộ dân đang kinh doanh cửa hàng, họ sẽ không thể xây gara cho khách chứa ô tô nên đối với nhà hàng, khách sạn hay những hộ kinh doanh đảm bảo xây được thì tốt, nếu không phải có phương án chuyển họ vào các trung tâm thương mại hay chợ tập thể với giá mặt bằng ưu đãi, có hệ thống cứu hộ đủ tiêu chuẩn. Tôi nghĩ nếu có thể thực hiện như vậy, nhà nước làm nhân dân ủng hộ, chúng ta còn hạn chế thêm tình trạng làm giá, buôn gian bán lận, hàng lậu hàng nhái nữa,… Một khi đã quy củ thì không thể để khách mua hàng vào trung tâm vẫn chất lượng như ngoài đường, càng không để trộm cắp lộng hành. Còn với các hộ kinh doanh nhỏ như hiệu thuốc, tạp hóa, hiệu gia dụng,… hỗ trợ họ xây nhà mới với căn hộ thêm 1-2 tầng, như vậy xây xong họ vẫn có thể tiếp tục kinh doanh, lại có thêm lợi thế vỉa hè rộng rãi do đã lùi mặt tiền và nhiều gia đình đã chuyển vào chung cư.
Kế tiếp, cần đưa các quán bán nước bày bàn ghế, mời khách ngồi cắn hướng dương và chém gió bên ly nước vào khuôn khổ. Nếu muốn kinh doanh như vậy, họ phải chuyển vào trong nhà chứ không được ngồi la liệt ở vỉa hè. Tạo thành mô hình quán kem, quán coffee, quán trà sữa, quán pizza,… rộng khắp. Nếu muốn bày bàn ghế ra phía ngoài, phải đảm bảo sạch sẽ và nhất là không lấn chiếm hành lang chung. Ví dụ nếu tôi là lãnh đạo, sẽ đề ra quy định tính từ mặt nhà ra hết vỉa hè là 4 mét, cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh. Vỉa hè từ trên 4 mét thì các hộ được phép bày hàng không quá ½ diện tích chung để đảm bảo có phần đường cho người đi bộ. Và vì đã cấm xe máy, nên cũng không phải lo dựng xe gây mất không gian công cộng. Vỉa hè trở nên thông thoáng, an toàn.
Việc dẹp bỏ tình trạng bày bán nước giải khát, đồ ăn vỉa hè ngoài tác dụng làm không gian chung thoáng đãng hơn, còn có thêm nhiều lợi ích khác. Dân ta vốn quen tự túc, nên khi không có công ăn việc làm thường chỉ ở nhà bán quán mưu sinh qua ngày. Đó là môi trường thích hợp cho lối sống thu mình, ít giao lưu học hỏi. Chưa kể môi trường ấy còn giúp các bạn trẻ tụ tập, mải mê chém gió giết thời gian, lãng phí nguồn nhân lực. Nếu có thể thu gọn lại bộ phận này để sử dụng tốt hơn, tôi nghĩ sẽ rất có ích với sự phát triển dân trí nước ta. Một việc làm sinh lợi như thế, tại sao còn e sợ không làm?
Đối với các gánh hàng rong, đó là kế mưu sinh của họ, chúng ta phải tôn trọng và dẹp bỏ nó dựa trên tinh thần hướng dẫn, giúp đỡ chứ không thể như bọn côn đồ, dí dao vào cổ rồi bảo cút. Theo ý kiến cá nhân tôi, một đô thị văn minh không nhất thiết phải hoàn toàn mất đi hình ảnh này, dẹp bỏ hàng rong thực ra mà nói là cải thiện hình ảnh hàng rong trở nên tiến bộ hơn trước. Nhà nước nếu ra chỉ thị cấm loại hình này chắc chắn nhân dân sẽ phản đối, nên để cải thiện cái thúng hàng rong bây giờ, theo tôi nên dựa vào chính những người dân, và nhà nước chỉ là đi sau.
Lúc này trên đường đã không còn xe máy làm chủ mà ít đi rất nhiều, chủ yếu là ô tô và xe bus, taxi, xe đạp điện (có thể yêu cầu mũ bảo hiểm, biển số và giấy tờ tương đường xe máy, xử phạt tương đương để tiện quản lí, tránh lách luật),… cho nên người gánh rong sẽ không thể lao ra giữa đường được nữa (tôi mong là nhận thức của họ đủ tốt để không làm vậy), vì thế họ cần sự trợ giúp của cộng đồng – đừng chỉ nói suông mà hãy hành động. Bất kì một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào có tay nghề cao và lòng hảo tâm đều có thể lắp ráp và sản xuất những mẫu xe kéo tiện dụng, an toàn và cơ động để những người bán rong có thể dùng cho công việc mưu sinh. Giá bán nếu không được nhà nước trợ giá thì có thể được đài truyền hình giúp đỡ bằng việc đăng tin miễn phí, để ai có thiện tâm thì tìm đến góp tiền cho họ mua sắm đủ gánh hàng. Còn địa điểm thì chẳng đi đâu cho xa, chính là những quãng vỉa hè ở trên (tuyệt đối không xuống đường bán), chính ý thức chia sẻ không gian chung của cộng đồng sẽ là cái mặt bằng bán hàng của họ. Còn trong trường hợp chưa thể cấm ngay được xe máy, theo tôi sẽ vẫn diễn ra tình trạng người bán rong chạy ra giữa đường rao bán, không thể kiểm soát được dù nó nguy hiểm và làm giao thông thêm rối. Cho nên nếu chưa thể cấm xe máy trước khi bán rong được quản lí, cộng đồng buộc phải tìm cách khác giúp đỡ họ.
Như tôi được biết phần lớn những chủ gánh rong này không còn kế mưu sinh nào khác, nên muốn dẹp bỏ họ nhất thiết phải cho họ cơ hội làm việc mới. Có lẽ lại phải cần đến những con người tốt bụng. Khi ô tô phát triển, các dịch vụ đi kèm sẽ rất cần để nó trở thành một phương tiện hấp dẫn. Bạn nghĩ sao nếu các chủ hàng rong trở thành nhân viên của một công ty xe ôm thân thiện, hay một tiệm pizza, một cửa hàng chuyển phát đồ giá rẻ,…? Theo ý tôi cấm xe máy thì nên là xe máy dân dụng, đối với các dịch vụ làm ăn dựa vào phương tiện này, thay vì xóa bỏ hãy phát triển theo hướng chuyên nghiệp thành ngành nghề hẳn hoi, để có thể chuyển nguồn nhân lực nhàn rỗi sang có công việc ổn định, đặc biệt chính là lực lượng bán rong. Trong trường hợp họ không đáp ứng được nhu cầu chuyên môn của công việc, có thể đưa họ vào lực lượng nhân viên môi trường, từ cắt tỉa cây cảnh phố xá cho tới dọn dẹp đường phố, thu gom rác thải,… Khi cái bụng đã đói thì đầu gối cũng phải bò, cộng đồng giúp họ là để họ giúp cộng đồng văn minh hơn, và chính họ cũng phải hiểu điều đó để tự vận động mà thích ứng, và với năng lực thích nghi tốt, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng họ vẫn sống khỏe bằng công việc mới.
Và một vấn đề nữa là nếu nhà tôi mua 2 chiếc ô tô chẳng hạn, vậy 3 chiếc xe máy đang dùng sẽ đi đâu? Đó chính là nỗi băn khoăn của hàng chục triệu hộ dân đang dùng xe máy mà tôi cũng đã tính đến. Rõ ràng không chỉ khối tài sản hàng tỉ đô này gặp nguy hiểm mà cả ngành công nghiệp xe máy cũng sẽ điêu đứng theo. Cần phải làm gì để sinh lợi từ khối tài sản thừa này chính là việc cần thiết để thuyết phục người dân tính đến kế hoạch mua ô tô, từ bỏ xe máy? Theo tôi thì đây là bước cốt lõi, một khi xử lí được thì sẽ rất nhiều người tự nguyện tham gia quá trình văn minh hóa.
Theo ý kiến chủ quan của tôi thì nên thuyết phục các doanh nghiệp đang có hoạt động lắp ráp xe máy sang hướng xuất khẩu sản phẩm, thay vì để sản xuất phục vụ người dân, đồng thời đánh thuế thật cao đối với xe ngoại nhập giá rẻ, một số loại vốn giá đã cao thì có thể cho dừng nhập. Như vậy sẽ cắt giảm số lượng xe mới sắp được đưa ra thị trường. Bước này cần phải tiến hành đầu tiên trước tất cả các bước làm trên đây, vì là một kế hoạch dài hơi nên một động thái cụ thể sẽ là cảnh báo tốt cho cả người dân lẫn doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó. Với số xe đang lưu kho và chờ bán, ta có thể hỗ trợ doanh nghiệp thu hồi để chuyển sang bán tại thị trường mới, bước này phải làm thuyết phục nhanh gọn và vận chuyển cẩn trọng, giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với số lượng xe máy đang sử dụng thì có thể chia làm hai bộ phận: dân dụng và kinh doanh.
Loại dân dụng là do các hộ gia đình dùng cho hoạt động hàng ngày, chiếm tỉ lệ khá cao và khó xử lí nhất. Chính vì là bộ phận “hiểm hóc” nhất nên càng phải xử lí khéo léo. Hiện tại tôi chưa thể tìm được một giải pháp cụ thể nhằm thuyết phục họ từ bỏ phương tiện đi lại này, bởi điều kiện cá nhân chưa cho phép (dù sao tôi cũng chỉ 18 tuổi, chưa đi đủ xa và nhìn đủ nhiều, biết đủ thứ và hiểu đủ sâu như nhiều người khác). Nhưng tôi đang tính đến một khả năng sau:
Xét trên bình diện quốc gia, nhu cầu ô tô và khả năng cung cấp còn chưa đồng đều, tôi nghĩ chưa thể vội cấm xe máy rộng rãi được. Vậy chúng ta hoàn toàn có thể chuyển lượng xe máy đang sử dụng tới các tỉnh thành khác. Khi người dân bắt đầu quen với việc không sử dụng xe máy, họ sẽ thấy cái lợi tất yếu của nó. Từ các thành phố thí điểm ấy mà nhận thức người dân được nâng cao hơn, rồi số xe máy đó cứ thế được chuyển dần tới các vùng khó khăn. Bất cập xảy ra là phạm vi hoạt động loại phương tiện này giảm dần vì nhiều nơi đã cấm. Bản thân người dân sẽ phải chăm chỉ, sáng tạo hơn trong công việc, kích thích khả năng làm việc của họ để nhắm tới một chiếc ô tô. Không phải đơn giản là mua ô tô, mà đó còn là dấu hiệu cho thấy, cơ bản, dân trí đã tiến bộ, họ biết phấn đấu cho chính cuộc sống của mình.
Tuy vậy, phương án trên vẫn còn khó khả thi nhiều vấn đề chưa thỏa đáng, rất mong những ai quan tâm có thể viết vài dòng bình luận nêu ý kiến để tôi tham khảo hoàn thiện nó hơn.
Thứ hai là loại kinh doanh, tôi xin chia làm mấy loại cùng hướng xử lí sau:
Những người dùng nó làm phương tiện mưu sinh như chuyển đồ (gia cầm, súc vật, bàn ghế, đồ điện tử, bình gas,…) cần phải dẹp bỏ. Họ phải nâng cao trình độ bản thân để tìm công việc mới, hoặc tìm phương tiện mới, hay các dịch vụ như trên tôi đã liệt kê. Tất cả chúng ta, chẳng ai chấp nhận được hình ảnh những chiếc xe máy chở theo hàng hóa lỉnh kỉnh gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Thậm chí còn gây tắc đường nữa. Cần phải làm triệt để, thật cứng rắn để những vụn vặt ấy không làm hỏng bức tranh giao thông nước ta.
Tiếp theo là các nhân viên chuyển phát đồ, xe ôm mà tôi đã nhắc đến. Cụ thể tôi muốn chuyên nghiệp hóa đội ngũ này để họ thành ngành nghề phục vụ đời sống, giống như tài xế ô tô hay xe bus. Tất cả đều là để phục vụ nhân dân được tốt hơn. Về vấn đề thành lập công ty thì có lẽ nên để tư nhân họ làm, bởi đây chỉ là một bước chuyển mình của họ, nhà nước tạo điều kiện cho họ làm giàu là đủ. Chất lượng sẽ được người dân giám sát, giá cả cạnh tranh đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con. Và vì đây là công việc tập trung nên quản lí sẽ dễ dàng hơn, lượng xe máy được lưu thông này không làm ảnh hưởng nhiều đến môi trường văn minh nữa. Lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, nhổ nước bọt bừa bãi, dắt chó đi dạo, không đội mũ bảo hiểm,… sẽ không còn.
Khâu cuối cùng là nằm ở hình thức phạt, theo tôi nên có khung xử phạt mới với cả ô tô, xe máy. Thật là nặng, nặng hơn hẳn trước. Khép họ vào khuôn khổ, nâng cao ý thức từ khâu thi cấp bằng cho đến khi lái xe. Đồng thời mở rộng lực lượng chức năng, CSGT chấp nhận ghi hình, chụp ảnh, ghi âm làm bằng chứng nếu người tham gia không hài lòng thái độ công tác. Đổi lại, chính người dân cũng tự nhìn nhau, thấy tình trạng vi phạm luật có thể lưu lại bằng chứng để tố cáo cơ quan công an. Việc chuyển đổi từ xe máy lên ô tô sẽ thực sự là văn minh.
Đây là phần thứ nhất của bài viết, vì tôi cũng mới chỉ nói về việc ô tô thay thế xe máy như nào, phần kế tiếp sẽ là về các phương tiện công cộng. Viết bài này thực tôi cũng không mong thay đổi suy nghĩ của những ai đang phản đối cấm xe máy, cũng không có ý chê trách mọi người trình độ thấp hay tầm nhìn hạn hẹp. Ai cũng có khó khăn của chính mình, nói Nhà nước gặp khó khăn trong việc quản lí xe máy cũng không sai, nhưng nếu cho rằng vì thế mà họ cấm xe máy thì… THẬT ÍCH KỈ!!!? Nhiều người nghĩ: “Mấy ông quan đấy ngồi ô tô điều hòa nhiều nên đầu óc lên mây lên gió hết, không còn gần dân, không còn biết cái vị bụi bặm thiêu đốt dân đen những khi tắc đường nữa”. Vậy sao họ không cố gắng mua một chiếc ô tô nhỉ? Không có điều kiện ư? Nếu là người đã có gia đình, công việc, tôi sẽ nói rằng: “Các bác hài lòng với cuộc sống hiện tại vậy thực sự đã xác định mục tiêu cho tương lai bản thân, gia đình, xã hội chưa?” Nếu là các bạn trẻ: “Mình cũng như các bạn, cấm xe máy thì không biết lấy gì đi học, chắc chen chúc xe bus, nhưng mình nghĩ vấn đề không phải là ngoài xe máy ra còn phương tiện nào để đi, mà là cả đời này mình chỉ có mỗi xe máy để dùng hay sao?”.
Không phải đơn giản là mua ô tô đâu, tôi chắc chắn đấy mọi người.
Ambitious Man
Chỉ đi trong thành phố thì đi xe đạp để đỡ tắc đường, đỡ ô nhiễm môi trường. Ở các nước đã phát triển người ta đi xe đạp rất nhiều, sao dân mình cứ phải phụ thuộc vào xe máy?!
Thắng HoàngKim 🙂 mình ko nghĩ ai có quyền thì quyết định được
Ambitious Man thời của chúng ta cơ mà quyền nằm trong tay họ. vãi chưỡng =))
Thắng HoàngKim :)) đừng nóng, sắp tới là thơi đại của chúng ta mà, thế hệ trước già rồi cũng ra đi hết
trách họ vô ích, cứ biết bản thân ko phạm phải sai lầm như họ để sửa chữa nó đã
Ambitious Man nếu tư duy giáo dục của mấy nhà lãnh đạo khác đi, dạy con trẻ làm những con người bình thường chứ không bắt chúng làm ông nọ bà kia, không nhồi nhét vào đầu chúng lý tưởng này nọ, hãy dạy chúng bỏ rác vào thùng, bố mẹ hãy hỏi chúng là con học được gì rồi? chứ đừng hỏi con được nhiêu điểm? thì tại sao không?
p/s: mà đùa vậy thôi. có san phẳng thành phố thì san mấy cái mới xây sau này thôi. chừa chừa mấy cái kiến trúc từ thời pháp lại. chúng đẹp quá, phá đi là có tội với con cháu 🙂
theo bạn thì người dân việt nam bây có thể đứng dậy như nhân dân nhật bản ngày xưa hay ko? :))))))
cho một quả bom, san bằng đi toàn bộ thành phố rồi xây lại từ đầu thì có vẻ rẻ và dể hơn =))
Biết bao giờ mới được như thế đây 🙂
cảm ơn bạn nhưng có thể nói rõ hơn được ko? Vì là phần đầu nên chưa rõ là ý bạn muốn nói chỗ nào ko sâu, mình sẽ xem xét để bổ sung cho phần sau. Đây ko phải là chuyên mục chính nên mình sẽ kết thúc nó sớm, mong bạn cho biết thêm ý kiến
cảm ơn bạn đã góp ý cho bài viết, nhưng tôi xin nói rõ là bài viết này không đề cập đến vấn đề nảy sinh do giai cấp lãnh đạo, bạn nói đúng nhưng tôi muốn đưa ra một góc cạnh khác: không phân biệt lãnh đạo hay dân đen, cứ sống ở việt nam là phải có trách nhiệm với vấn đề xã hội. Như đã viết là cán bộ làm và dân ủng hộ 🙂 bạn thử nhìn từ phía lãnh đạo – người dân nhé, vì nhiều bài khác cũng có cái nhìn là từ dân – lãnh đạo
Cần phải quan tâm đến nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Chắc chắn các bác lãnh đạo, các nhà quy hoạch đều biết cả đấy, nhưng họ có làm không lại là chuyện khác. Đó là chuyện của thể chế chính trị độc quyền kìm hãm sự phát triển, chuyện của cơ chế thị trường có định hướng XHCN gây thất thoát, thiếu sức sống cạnh tranh lành mạnh, chuyện của nhóm lợi ích nhưng lợi ích của họ lại không song hành với lợi ích xã hội… Giải quyết một vài vấn đề trên, đa số các vấn đề xã hội khác như giao thông, y tế, giáo dục đều sẽ tiến tới tốt hơn thôi.
Trông thì sâu đó nhưng lại ko sâu =))
Thích ý đầu của chị này. ^^
Bài viết dài mà ý kiến non nớt quá. Chỉ cần quan chức ko thăm những và vì dân thôi mọi vấn đề khác sẽ được giải quyết.