27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tự học (Phần 5): Đừng trở thành một tên mọt sách

Năm 228, thừa tướng nhà Thục Hán là Gia Cát Lượng đem quân lên phía bắc tấn công nước Ngụy. Đây là chiến dịch đầu tiên trong chuỗi chiến dịch được hậu thế gọi là “lục xuất Kỳ Sơn”, đỉnh cao trong sự nghiệp cầm quân nhưng cũng là nỗi ân hận lớn nhất trong cuộc đời Khổng Minh.

Tương quan hai bên không cân sức do lực lượng của Ngụy đông gấp 4 lần Thục. Nhưng vì tấn công bất ngờ, quân Thục thắng lớn những trận đầu và lập tức chiếm được một vùng đất rộng lớn của đối phương. Để ngăn chặn viện quân nước Ngụy đến giành lại vùng đất đã mất, Gia Cát Lượng biệt phái vị tướng tâm phúc của mình là Mã Tắc đến trấn thủ Nhai Đình – cứ điểm quan trọng nhất mà quân Thục buộc phải giữ lấy nếu muốn tiếp tục chiến dịch.

Mã Tắc là một người rất thông minh, sử chép ông là người “tài trí hơn người, làu thông binh thư, giỏi bàn kế sách.” Vì thế mà ông được “thừa tướng Lượng trọng đãi khác thường.” Hai người thường cùng nhau đàm luận từ sáng tới khuya, rất hợp ý nhau. Trong chiến dịch chinh phạt các bộ tộc người Man ở phía nam¹, Mã Tắc là người đã hiến kế để Gia Cát Lượng có thể yên định được vùng đất này. Vì thế nên ông rất được Khổng Minh tin tưởng khi trao trọng trách trấn giữ Nhai Đình.

Tuy nhiên, Khổng Minh không tính đến một điều, đó là Mã Tắc thông minh nhưng trước giờ ông ta chỉ biết bàn binh trên giấy, chứ chưa có kinh nghiệm trận mạc bao giờ. Mã Tắc thuộc làu binh thư nhưng chưa từng dùng binh ngoài chiến trường. Mã Tắc tài trí hơn người nhưng lại chưa có kinh nghiệm ứng biến khi lâm trận. Vì thế khi đến Nhai Đình, Mã Tắc lập tức làm theo những gì binh pháp dạy mà không xem xét kỹ tình hình thực tế. Ông cho toàn quân đóng quân ở trên đỉnh núi cao. Mã Tắc nói với phó tướng Vương Bình rằng:

– Trong Binh pháp từng nói ở trên cao đánh xuống thấp, thế như phá trúc chẻ tre, quân Ngụy dám bao vây, ta sẽ đánh cho một phiến giáp cũng chẳng còn!
Vương Bình khuyên can:
– Ngộ nhỡ quân Ngụy chặn nguồn nước, quân ta chẳng phải không đánh cũng tự bị rối loạn hay sao?
Mã Tắc cười mà nói:
– Binh pháp đã nói: Đặt quân vào chỗ chết, quân ắt sống. Quân Ngụy nếu chặn nguồn nước của ta, quân ta coi như bị dồn vào chỗ chết. Bị dồn vào chỗ chết thì sẽ có sức một địch mười, lúc đó còn làm gì mà sợ quân Ngụy.

Thế là, không nghe lời Vương Bình, Mã Tắc truyền lệnh cho quân hạ trại trên núi. Học theo binh pháp thế nào thì giờ cứ thế mà làm thôi.

Nhưng Mã Tắc không ngờ rằng, chiến trận thực sự khác xa những lý thuyết trong binh thư. Đối thủ của Mã Tắc là danh tướng Trương Cáp đem quân đến Nhai Đình, một mặt cho người cắt đứt nguồn nước của quân Thục, rồi sau đó liền cho quân vây chặt đỉnh núi. Như đã nói, quân Ngụy đông đảo gấp nhiều lần quân Thục. Binh sĩ của Mã Tắc từ trên núi nhìn xuống thấy khắp nơi có quân Ngụy bao vây, cờ xí rợp trời thì lòng quân lay động, nhớn nhác hoảng sợ. Mã Tắc hạ lệnh cho quân từ trên cao đánh xuống, nhưng lúc này sĩ khí quân Thục đã suy giảm, không còn ai dám đánh xuống núi. Một thời gian không lâu sau, nguồn nước cung cấp của quân Thục cạn kiệt, quân Thục càng rối ren, hoảng sợ. Trương Cáp thấy vậy liền hạ lệnh phóng hỏa lên các trại của quân Thục, khiến quân Thục rối loạn chẳng còn hàng ngũ gì nữa. Đến lúc này thì Mã Tắc tắc thật rồi. Ông biết không thể giữ nổi ngọn núi nhỏ, bèn liều chết đánh xuống núi để mở đường máu thoát thân. May cho Mã Tắc, trên đường tháo chạy gặp được Vương Bình đến ứng cứu nên mới có thể an toàn thoát thân.

Vậy là cứ điểm Nhai Đình thất thủ, Khổng Minh buộc lòng phải thu quân dù đang trên đà chiến thắng. Vì sai lầm trong lựa chọn nhân sự, ông đã để vuột mất cơ hội lớn nhất để thôn tính nước Ngụy. Trong những lần ra quân sau đó, quân Ngụy phòng thủ rất kỹ càng và Khổng Minh hầu như không chiếm thêm được một tấc đất nào². Bản thân Mã Tắc do trước đó đã lập quân lệnh trạng, nên khi về đến nơi liền bị xử tội chết. Người đau lòng nhất chính là Khổng Minh, khi ông vừa thất bại trong chiến dịch ấp ủ cả đời, lại vừa phải tự tay hạ lệnh giết đi người tâm phúc nhất của mình. Đây là sai lầm lớn nhất, và là sự kiện đau đớn nhất trong cả sự nghiệp của Gia Cát Lượng.

Đời sống không phải lúc nào cũng giống như những gì chúng ta được học. Từ lý thuyết sách vở cho đến thực tế là một khoảng cách rất xa. Tuy nhiên, có rất nhiều người chúng ta cũng giống như Mã Tắc, không hề nhận ra sự khác biệt này.

CÁI BẪY CỦA SỰ HIỂU BIẾT

Vào năm 1996, tiến sĩ Benjamin Bloom đưa ra một lý thuyết về nhận thức trong giáo dục. Theo đó, ông chia nhận thức của người học thành 6 bậc:

[Cấp độ 1]: BIẾT

[Cấp độ 2]: HIỂU

[Cấp độ 3]: VẬN DỤNG

[Cấp độ 4]: PHÂN TÍCH & TỔNG HỢP

[Cấp độ 5]: ĐÁNH GIÁ

[Cấp độ 6]: SÁNG TẠO

Đây được gọi là thang đo Bloom. Nó được sử dụng rất phổ biến trong giáo dục tại Mỹ. Khi chúng ta học hỏi một điều gì đó, chúng ta sẽ đi từ thấp đến cao trong thang đo này và bắt buộc phải qua 2 cấp độ thấp nhất là Biết và Hiểu. Đầu tiên, bạn phải Biết một điều gì đó. Sau đó bạn đào sâu suy nghĩ để Hiểu được kiến thức đó, rồi mới có thể Vận dụng nó vào cuộc sống của mình. Sau khi đã qua được 3 tầng đầu tiên này, bạn mới có thể đạt đến mức độ Phân tích, Đánh giá những gì đã học, hoặc Sáng tạo nên kiến thức mới.

Bởi vì chúng ta luôn bắt đầu từ Biết và Hiểu, chúng ta thường đánh giá quá cao 2 bậc nhận thức ở cấp độ thấp này. Chúng ta thường cho rằng hiểu biết càng nhiều thì càng tốt. Vì thế nên việc học của chúng ta hướng đến mục tiêu Hiểu và Biết thêm thật nhiều kiến thức.

Thực tế là, việc hiểu biết sâu rộng không thực sự tác động nhiều đến đời sống của bạn. Việc Biết nhiều kiến thức chỉ có tác dụng làm phong phú vốn kiến thức của bạn, và việc Hiểu nhiều chỉ có tác dụng phát triển tư duy của bạn. Thứ thực sự tác động nhiều đến cuộc sống của ta nằm ở cấp độ 3, Vận dụng. Chỉ khi bạn vận dụng được những kiến thức mình biết vào cuộc sống, cuộc đời bạn mới có thể thay đổi. Nếu tôi đọc 200 cuốn sách self-help về kinh doanh, tôi có thể huênh hoang rằng mình hiểu biết nhiều về kinh doanh (mặc dù thực tế là không). Nhưng nếu tôi chỉ nằm nhà thẩm du với mớ kiến thức của mình thay vì bắt tay khởi nghiệp, tôi sẽ chẳng thể nào giàu lên được.

Một điều mà đa phần mọi người không nhận ra là kiến thức không cải thiện cuộc sống của ta, hành vi mới cải thiện cuộc sống của ta. Bạn không thể giàu lên bằng việc đọc vài quyển sách kinh doanh. Bạn không thể thay đổi bản thân bằng việc tham gia những khóa học về thành công. Bạn chỉ có thể kiếm tiền bằng cách thực sự kinh doanh, và chỉ có thể thay đổi cuộc sống bằng cách nhấc mông lên và thực hành những kiến thức bạn biết.

Chúng ta thường quá coi trọng hiểu biết, nên nó thường dẫn việc phát triển bản thân đi vào những lối mòn. Đầu tiên, dễ thấy nhất là đa số chúng ta thường chỉ vận dụng được rất ít những gì mình biết. Bởi vì chúng ta thường nghĩ rằng biết là đủ, và áp dụng kiến thức vào thực tế thì khó, chúng ta thường né tránh việc thực hành. Học về kinh doanh rất dễ, nhưng khởi sự một công việc kinh doanh và đối mặt với cả tá vấn đề và nguy cơ thất bại thì khó vô cùng. Đọc hết cuốn Sức mạnh của thói quen (Charles Duhigg) rất đơn giản, nhưng việc thay đổi nếp sống mà mình đã quen thuộc lại vô cùng khó chịu. Thông thường thì mọi người chỉ vận dụng được một phần nhỏ những gì mình biết, và để phần lớn kiến thức mốc meo trong các ngăn kéo não bộ.

Cái bẫy thứ hai mà sự hiểu biết dẫn ta đến là tâm lý “tôi biết rồi”, hay trở nên kiêu ngạo kiêu ngạo. Những người hiểu biết rộng nhưng ít vận dụng thường cho là mình có thể làm được mọi thứ, trong khi thực tế là họ chưa làm được gì nhiều. Họ sẽ gạt ngoài tai những lời khuyên và gắt lên “tôi biết rồi”. Đôi khi, họ sẽ kiêu căng cho rằng mình biết rất nhiều, trong khi thực tế là họ biết rất ít vì tồn tại một khoảng cách rất xa giữa lý thuyết và thực tế. Mã Tắc hẳn phải nghĩ ông là Tôn Tử tái sinh, nhưng sự thực là ông chưa hề cầm quân bao giờ. Như đã phân tích ở trên, việc Biết không tác động nhiều đến cuộc sống. Tâm thế này rất nguy hiểm vì nó khiến chúng ta ngừng lại việc ứng dụng, điều giúp ta thực sự thay đổi.

ĐỪNG TRỞ THÀNH TÊN MỌT SÁCH

Ghé qua bất kỳ lớp học nào trên đất nước này và bạn sẽ thấy một số lượng lớn kính cận ở tất cả mọi nơi. Nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn hóa phương Đông nói riêng luôn có xu hướng nhồi nhét rất nhiều kiến thức vào đầu học sinh theo kiểu học thuộc. Bởi vì từ trước đến nay xã hội coi mục đích của việc học là có thêm thật nhiều hiểu biết, chương trình mà chúng ta được đào tạo luôn rất nặng nề. Tư tưởng này dẫn đến việc những kiến thức trong trường học thường là không thực tế và không thể vận dụng nổi. Những học sinh như chúng ta vì đã quen với cách học này nên rất thường xuyên rơi vào những cái bẫy của sự hiểu biết.

Lý do mà con người coi trọng kiến thức là vì: phải có kiến thức thì người ta mới có thể hành động đúng đắn. Mọi người coi trọng những nhà thông thái vì họ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt. Bạn phải có kiến thức về tin học mới có thể kiếm sống bằng nghề kỹ sư IT. Bạn phải có kiến thức về giao tiếp mới có thể ứng xử tốt trong đời sống hàng ngày. Khi ta học một điều gì đó, ta kỳ vọng mọi thứ diễn ra như sau:

BIẾT → HIỂU → ĐƯA RA NHỮNG QUYẾT ĐỊNH TỐT → SỐNG TỐT (1)

Bạn đi học đại học với kỳ vọng có thể áp dụng kiến thức trong trường để kiếm tiền. Bạn đọc một cuốn sách vì nghĩ rằng những ý tưởng trong đó có thể giúp mình giải quyết vấn đề. Chúng ta kỳ vọng mọi thứ diễn ra theo phương trình (1). Nhưng đó là kỳ vọng thôi. Sự thực là chúng ta thường chỉ tập trung vào Hiểu và Biết, 2 tầng đầu của tháp Bloom. Mục tiêu của chúng ta khi học tập là hiểu biết nhiều hơn chứ không phải là để làm được nhiều điều hơn. Vì ta không bao giờ vận dụng, mọi chuyện diễn ra như thế này:

BIẾT → BIẾT → BIẾT →…. → BIẾT NHIỀU HƠN → BIẾT RẤT NHIỀU MÀ CHẲNG LÀM ĐƯỢC GÌ CẢ

Kiểu học như thế này khá là phí phạm thời gian vì chúng ta để kiến thức mốc meo trong trí não mình và chẳng thể thay đổi cuộc sống của bản thân. Phần còn lại của bài viết này sẽ đưa ra 3 ý tưởng để bạn có thể xác định được đâu là những kiến thức có tính vận dụng cao, và làm thế nào để vận dụng những kiến thức mình biết vào đời sống. Trừ khi, bạn quá lười để làm điều đó.

1. CHÚ TRỌNG VÀO VẬN DỤNG THAY VÌ HIỂU BIẾT

Như tôi đã nói ở phần trên, chỉ khi ta vận dụng những gì mình biết thì cuộc sống của ta mới thực sự thay đổi. Vì thế, tôi tin rằng ta nên hướng việc học của mình đến được tầng 3 của thang Bloom thay vì tầng 1 và tầng 2 như quan niệm thông thường. Nghĩa là chúng ta nên chú trọng vào học những kiến thức có tính vận dụng cao và thực hành liên tục những gì mình đã học. Khi bạn theo đuổi một chương trình học nào đó thì bạn nên chắc rằng mình có thể vận dụng điều này vào đời sống hoặc công việc của mình.

Một cách nhanh nhất để xác định được kiến thức nào có tính vận dụng cao là tự hỏi bản thân: Vấn đề của mình là gì? Tôi nghĩ đây là cách tốt nhất để định hướng những gì mình cần học. Nếu như bạn có vấn đề về giao tiếp, bạn hẳn sẽ có thể vận dụng những kiến thức trong cuốn Đắc nhân tâm vào đời sống của mình. Nếu như bạn thường xuyên thức đến 2h sáng, khoa học về thói quen sẽ là thứ cần cho bạn. Cái hay của việc học dựa trên vấn đề của bản thân là những kiến thức đó chắc chắn sẽ có thể vận dụng. Vấn đề chỉ là bạn có muốn hay không thôi. Cách này cũng mang lại sự hào hứng hơn so với những kiến thức thông thường, vì ta biết rằng ta sẽ có thể khắc phục những rắc rối trong đời mình.

2. COI TRẢI NGHIỆM LÀ MỘT CÁCH HỌC

Chúng ta thường nghĩ rằng học và hành là 2 quá trình tách biệt nhau. Đầu tiên chúng ta học trước, sau đó áp dụng kiến thức vào đời sống. Mọi người thường nghĩ rằng:

HỌC → HÀNH → THẾ LÀ XONG → ĐI NGỦ THÔI

Nhưng thực tế là khi chúng ta áp dụng kiến thức vào đời sống, ta cũng có thể học thêm được nhiều điều. Thậm chí chính trong lúc vận dụng kiến thức, ta mới học được nhiều nhất. Trải nghiệm là thứ in sâu vào tâm trí hơn bất kỳ câu chữ hay lời nói nào. Những điều mà bạn tin tưởng nhất thường đến sau những trải nghiệm quan trọng trong đời, chứ không phải đến từ một cuốn sách hay lời nói của một vị diễn giả nào đó. Việc vận dụng kiến thức không phải là kết thúc của việc học, mà là sự hoàn thiện của việc học. Học và hành thực ra là một vòng lặp nối tiếp nhau:

HỌC → HÀNH → HỌC ĐƯỢC NHIỀU HƠN → HÀNH ĐƯỢC NHIỀU HƠN → HỌC ĐƯỢC NHIỀU HƠN NỮA → …..

Chuyện kể rằng Thomas Edison đã phải bỏ học và đi bán báo khi mới 12, nhưng đến cuối đời ông là người đứng tên của hơn 1000 bằng sáng chế. Kể từ khi nghỉ học, ông đã liên tục mày mò và tự mình thực hiện hàng trăm cuộc thí nghiệm. Những cuộc thí nghiệm này không chỉ đơn giản là thực hành những gì Edison đã biết, mà chính trong quá trình nghiên cứu đó, Edison mới càng học hỏi thêm được nhiều hơn. Đó là lý do vì sao ông có được ngần ấy bằng sáng chế đó bạn tôi à.

3. HỌC CÁCH THOẢI MÁI VỚI NHỮNG THẤT BẠI

Điều khiến chúng ta chùn chân khi áp dụng kiến thức vào thực tế là ta phải đối mặt với nguy cơ thất bại. Ta sợ hãi việc áp dụng kiến thức kinh doanh mình mới học được vì rất có thể ta sẽ thua lỗ. Ta chần chừ thực hành những thủ thuật giao tiếp mới biết vì ta không chắc liệu chúng có hiệu quả hay không.

Nhưng thất bại là điều tất yếu sẽ xảy ra khi bạn làm bất kể điều gì đó trong đời. Cho dù đó là thiết lập một công việc kinh doanh, thử gặp gỡ và giao lưu với những người mới, bắt đầu một dự án nào đó, kiểu gì bạn cũng sẽ thất bại. Điều hay ho mà ít người nhận ra là thất bại không phải là điểm kết thúc của thành công, nó là một phần tất yếu của thành công. Nếu bạn không thành công bằng ai đó, có thể là bạn chưa thất bại nhiều bằng anh ta. Nếu ai đó kém cỏi hơn bạn, có lẽ họ chưa vấp ngã nhiều bằng bạn. Những người thành công nhất, thực tế là những người trải nghiệm một điều gì đó và thất bại trong lĩnh vực đó nhiều nhất. Walt Disney từng bị từ chối 302 lần cho đến khi ông thành công với chuột Mickey. Michael Jordan đã từng trượt 9000 cú ném bóng trong cả sự nghiệp, đó là lý do vì sao anh là cầu thủ bóng rổ hay nhất thế giới. Tác giả của những tiểu thuyết kinh điển chắc hẳn đã phải xé đi hàng ngàn trang viết, trước khi họ có thể xuất bản một cuốn sách hay dày vài trăm trang.

Thất bại là một phần của quá trình. Vấn đề không phải là làm thế nào để không bao giờ thất bại, mà làm thế nào để có thể thoải mái với những thất bại và bước tiếp sau những vấp ngã.

Tác giả: Vũ Đức Huy

Biên tập: THĐP

Ảnh: Thomas Franke on Unsplash

GHÉ THĂM BLOG CỦA TÔI TẠI: fb.com/cahoileothac


CHÚ THÍCH
¹ Thủ lĩnh của các bộ tộc Nam Man nổi dậy chống đối triều đình nhà Thục Hán chính là Mạnh Hoạch. Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, tác giả La Quán Trung hư cấu ra sự tích “Thất cầm Mạnh Hoạch”. Gia Cát Lượng bắt được Mạnh Hoạch đến 7 lần, nhưng thả ông ta đi những 6 lần. Đến lần thứ 7 thì Mạnh Hoạch hoàn toàn bị thu phục và trọn đời phục tùng nhà Thục Hán. Và đó cũng chính là nguồn gốc của món gà Mạnh Hoạch ngày nay.

² Trong lần chiến dịch phạt Ngụy lần thứ 3, Khổng Minh đã chiếm được 2 quận của nước Ngụy là Vũ Đô và Âm Bình. Tuy nhiên 2 quận này chỉ có vị trí phòng thủ chiến lược chứ không hề có nhiều giá trị về mặt kinh tế do nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh, địa hình chia cắt lại ít dân cư. Đại khái là Khổng Minh chỉ chiếm được vùng đất giống như tỉnh Lai Châu, Sơn La của nước ta bây giờ vậy.


💪 [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI