28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bài học đạo đức của Tolstoy – Triết lý của 3 Ẩn sĩ

Tolstoy

Sự thức tỉnh tâm linh của Tolstoy

Tolstoy

Hầu hết mọi người biết đến Lev Tolstoy thông qua tiểu thuyết sử thi Anna Karenina và Chiến tranh và Hòa bình. Cả hai đều là kiệt tác trong dòng tiểu thuyết, đều rất dài, cực kỳ chi tiết và đầy sự am hiểu về những đam mê và sự điên rồ của con người.

Nhưng vào những năm 1870, khi Tolstoy đã xuất bản những cuốn tiểu thuyết này và đạt được danh tiếng lẫy lừng, ông đã có một sự thức tỉnh tâm linh. Ông từ bỏ sự giàu có (Tolstoy vốn đã là một địa chủ giàu có nhờ gia sản thừa kế) và lối sống xa hoa của mình, ông bắt đầu sống một cuộc đời rất bình dị, cống hiến hết mình cho việc từ thiện và viết lách.

Cựu quân nhân và cựu thành viên của tầng lớp tinh hoa nay đã trở thành một tín hữu Cơ đốc không chính thống, một người lên tiếng chống lại giới thống trị, một người theo chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa hòa bình. Tay chơi một thời bấy giờ đã chọn một lối sống và ngoại hình như một thầy tu. Ông mặc những chiếc áo choàng giản dị, dành nhiều thời gian một mình và bắt đầu tìm hiểu về tâm linh của các nền văn hóa khác nhau.

Tolstoy thẳng thắn công kích tôn giáo chính thống và có tổ chức. Ông đã viết một số cuốn sách phi hư cấu giải thích đức tin tâm linh mà ông mới tìm thấy.

Kiệt tác phi hư cấu của Tolstoy, The Kingdom of God is Within You (tạm dịch: Vương quốc Chúa Trời nằm ở trong bạn) (1894) khái quát những niềm tin căn bản của chính ông. Luận thuyết hòa bình này đã bị cấm ngay lập tức tại Nga, nơi di sản đầy đủ của Tolstoy vẫn bị xem nhẹ do quan điểm hòa bình của ông.

Tác phẩm The Gospel in Brief (TD: Phúc âm Sơ lược) (1902) đã chắt lọc và đơn giản hóa bốn sách Phúc âm trong Kinh Thánh, loại bỏ các yếu tố siêu nhiên và những lời tuyên bố về nguồn gốc thần thánh của Đức Giêsu thành Nazareth. Thay vào đó, bằng cách kể về cuộc đời của Đức Giêsu như một câu chuyện, cuốn sách đã chứng minh sự tốt đẹp giản đơn trong hành động của Ngài và hoạt động chống lại giới thống trị dẫn đến việc Ngài bị bắt và xử tử.

Tolstoy có ảnh hưởng sâu sắc đến một số nhà hoạt động phi bạo lực vĩ đại nhất của thế kỷ 20, trong đó có Martin Luther King Jr., Cesar Chavez và Mahatma Gandhi, người mà ông có sự trao đổi thư từ thân mật.

Tolstoy
Mikhail Nesterov, Hermit Fathers And Immaculate Women – The Culturium

Sau khi thức tỉnh tâm linh, Tolstoy cũng viết lại nhiều truyện cổ tích dân gian để nói lên đạo đức tốt đẹp. Một trong những truyện hay nhất trong số đó, The Three Hermits (tạm dịch: Ba Ẩn sĩ), tôi sẽ tóm tắt dưới đây:

“Một giám mục đang trên đường đến Tu viện Solovetsky phía bên kia Biển Trắng, nằm ở phía bắc nước Nga. Trên chuyến hành trình, một ngư dân đã chỉ cho vị giám mục một hòn đảo nhỏ. Người ngư dân nói với ngài rằng có ba ẩn sĩ sống trên đảo, tìm kiếm sự cứu rỗi linh hồn. Anh ta biết điều đó vì họ đã từng giúp anh sửa chiếc thuyền bị đắm. Các ẩn sĩ rất già, không biết chữ và sống chủ yếu trong im lặng. Họ sống trong những căn chòi bằng bùn, nhưng họ hào phóng và hạnh phúc.

Vị giám mục khăng khăng rằng ngài phải tới được hòn đảo để gặp các ẩn sĩ. Khi ngài gặp họ, họ đúng như mô tả: luộm thuộm và gần như câm. Ông hỏi họ cầu nguyện như thế nào. Các ẩn sĩ lặp lại một lời cầu nguyện ngắn gọn và nguyên sơ.

Vị giám mục hời hợt ca ngợi nỗ lực của họ nhưng nói với họ rằng cách tốt nhất để làm hài lòng Chúa là đọc những lời cầu nguyện chính xác như được thực hành bởi Giáo hội. Ông đã dành hàng giờ để hướng dẫn họ những lời trong Kinh Lạy Cha, điều họ đã học được với rất nhiều khó khăn.

Khi hoàng hôn buông xuống, vị giám mục phải rời đi. Cuối cùng ngài cũng dạy được ba ẩn sĩ đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha. Khi ngài lên thuyền, ngài chúc phúc cho họ và hướng dẫn họ cầu nguyện như ngài đã dạy họ.

Vị giám mục lên thuyền trở lại con tàu neo đậu đằng xa. Con tàu đi vào màn đêm. Vị giám mục không thể ngủ mà thay vào đó chăm chăm nhìn ra biển. Khi đang trầm ngâm dưới ánh trăng lấp lánh trên những gợn sóng, ngài nhận thấy một điều kỳ lạ. Một ánh sáng cắt ngang mặt biển đang nhanh chóng tiến gần con tàu.

Vị giám mục không thể tin vào mắt mình khi bắt đầu nhận ra ba ẩn sĩ đang chạy trên biển như thể họ đang đi trên đất liền.

Cũng nhìn thấy các ẩn sĩ, người lái tàu buông tay lái trong sự kinh hoàng. Tất cả các hành khách tập trung tại đuôi tàu và chăm chăm nhìn trong sự hãi hùng đầy hiếu kỳ khi ba ẩn sĩ đang tiến tới, bừng sáng và không hề chú ý đến mặt biển dưới chân họ.

Khi họ tới chỗ con tàu, vẫn đứng trên mặt nước, các ẩn sĩ nói với vị giám mục rằng họ đã quên lời cầu nguyện mà ngài đã dạy họ và xin ngài chỉ bảo thêm những bài cầu nguyện.

Thấy mình thật nhỏ bé trước phép lạ và sự khiêm tốn của ba người đàn ông, vị giám mục nghiêng người sang bên mạn tàu, làm dấu thánh giá và nói với các ẩn sĩ rằng lời cầu nguyện nguyên sơ của họ đã đủ để chạm đến Chúa. Vị giám mục nói: “Tôi không xứng đáng để chỉ dạy quý ngài, xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi, những con người tội lỗi.”

Mặc dù thiếu hiểu biết về các tín điều tôn giáo, những ẩn sĩ đã sống một cuộc đời thiêng liêng đến nỗi họ thậm chí còn không hay biết là mình có thể thực hiện phép lạ.

Đối với những người thành thạo tôn giáo chính thống và có tổ chức, các ẩn sĩ thì vô học và xuềnh xoàng. Nhưng sự hiểu biết của các ẩn sĩ về cái thiện thì chân thành và vĩ đại hơn sự hiểu biết của vị giám mục.

Quan điểm của Tolstoy không chỉ dừng lại ở vấn đề tôn giáo. Câu chuyện ngầm đặt câu hỏi về ý niệm cho rằng đạo đức thì hoàn toàn có thể được giáo huấn.

Trong một lần trả lời một người ủng hộ Phong trào Tolstoy (mới thành lập) đã liên lạc để xin ông lời khuyên, Tolstoy đã viết:

“Nói về ‘Chủ nghĩa Tolstoy’, việc tìm cầu những chỉ dẫn hay những giải đáp của tôi cho những câu hỏi là một sai lầm to lớn và thô thiển. Chưa bao giờ và cũng không bao giờ có bất kỳ ‘lời giáo huấn’ nào của tôi. […] Tôi khuyên cô gái trẻ này hãy sống không phải bằng lương tâm của tôi, như cô ấy mong muốn, mà phải bằng lương tâm của chính cô ấy.”

Ludwig Wittgenstein

Nhà triết học thế kỷ 20 Ludwig Wittgenstein hết sức ngưỡng mộ Tolstoy. Ông đã mua một cuốn Phúc âm Sơ lược trong khi được tạm ngưng chiến đấu trên tiền tuyến trong suốt Thế chiến thứ nhất. Đó là cuốn sách cuối cùng còn sót lại tại một cửa hàng sách bán chạy ở Tarnlow, nay thuộc Ba Lan.

Nhà triết học nói với những người chiến hữu rằng cuốn sách đã cứu ông khỏi việc tự tử. Ông luôn giữ nó bên mình và nguyên vẹn khỏi bom đạn. Ông được biết đến với biệt danh “người mang sách Phúc âm” và được đề cử những danh hiệu cao quý nhất vì lòng dũng cảm.

Wittgenstein sau đó đã dùng câu chuyện Ba n của Tolstoy để giải thích sự khác biệt giữa kiến thức và sự hiểu biết.

Trong khi các triết gia cố gắng đưa ra những kết luận về đạo đức hoặc những học thuyết về thế giới, Wittgenstein lại tin rằng họ đã bị đánh lừa bởi ngôn từ khi họ nghĩ có thể đi đến những kết luận như vậy. Thay vào đó, Wittgenstein tin rằng những mệnh đề đạo đức học là “vô lý”.

Ông viết,

“Ngay cả khi mọi câu hỏi khoa học khả dĩ được giải đáp thì các vấn đề của cuộc sống vẫn còn chưa hề được chạm tới.”

Wittgenstein tin rằng các câu hỏi về đạo đức học và thậm chí siêu hình học không phải là vấn đề về kiến thức hay giáo huấn, mà là trải nghiệm và biểu đạt (demonstration). Điều này không có nghĩa là Wittgenstein là một người theo thuyết tương đối, một người không nắm giữ bất kỳ giá trị nào.

Thay vào đó, Wittgenstein và câu chuyện Ba Ẩn sĩ của Tolstoy đã minh họa cho “đạo hạnh” (virtue ethics) – một ý tưởng cho rằng những gì tốt đẹp không thể được truyền dạy hay hệ thống hóa thành học thuyết. Ông tuyên bố rằng đạo đức học thì “siêu việt” – vượt xa tầm với của các giác quan và do đó, nằm ngoài phạm vi hiểu biết mang tính hệ thống hay khoa học.

Thay vào đó, Wittgenstein cho rằng chính nghệ thuật và trải nghiệm sẽ trang bị cho chúng ta trở thành những con người tốt đẹp. Nhà triết học đã viết trong một tạp chí như sau:

Ngày nay mọi người nghĩ rằng các nhà khoa học tồn tại để chỉ dạy họ, còn các thi, nhạc sĩ, v.v. tồn tại để mang lại vui thú. Ý tưởng cho rằng những người này có điều gì đó để dạy họ không xuất hiện trong đầu họ.

Ví dụ của Wittgenstein về câu chuyện Ba Ẩn sĩ của Tolstoy cho thấy rằng nghệ sĩ cũng có những chân lý vĩ đại và sâu sắc để giáo huấn chúng ta.

Biên dịch: Mithrandir
Hiệu đính: Prana
Photo: Odilon Redon, Guardian Spirit of the Waters, 1878

(Bài dịch đã được đăng full lần đầu tiên trong tạp chí Aloha volume 26.)

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI