27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết lý khắc kỷ – 5 cách để sở hữu ý chí bất khuất

thdp translation 3
chủ nghĩa khắc kỷ

Các thành viên của một phong trào trí thức ở châu Âu đang hồi sinh một trường phái triết học khắc kỷ (stoicism) cổ xưa và kết hợp tư tưởng này với tâm lý học hiện đại để tăng cường sự dẻo dai cho tinh thần. Những ý tưởng của họ đưa ra hứa hẹn hấp dẫn cho các lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như người đứng đầu chính phủ đang phải giải quyết những vấn đề toàn cầu trong thời kỳ hậu suy thoái đầy biến động.

Đây là tuần lễ mà những người lãnh đạo của phong trào trên tài trợ cho một sự kiện được gọi là “Tuần lễ Khắc kỷ,” trình bày những nguyên tắc bất hủ và thực tiễn của các hoàng đế và chiến sĩ từ hàng ngàn năm trước. Đồng thời, đó cũng là bài học hữu ích đối với những nhà lãnh đạo trong thời đại này để có thể áp dụng nhằm lấy lại sự bình tâm khi đứng trước hoàn cảnh khó khăn hay khi đứng giữa vòng xoáy danh lợi.

Jonathan Newhouse, tổng giám đốc của công ty truyền thông Conde Nast, đã khẳng định triết lý khắc kỷ chính là chìa khóa đem lại sự tĩnh tâm cho bản thân trong một ngành công nghiệp quá chú trọng vào hình thức. Sam Sullivan, cựu thị trưởng Vancouver, cũng cho rằng chủ nghĩa này đã giúp ông thoát khỏi trầm cảm sau vụ tai nạn trượt tuyết khiến ông bị liệt tứ chi. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton (người từng có lối sống buông thả, trái ngược với những nguyên tắc Khắc kỷ) cũng được cho là đã tìm đến trí tuệ Khắc kỷ trong nhiệm kỳ của mình.

Một người có đầu óc kinh doanh xuất chúng như Nassim Nicholas Taleb cũng ca ngợi triết lý Khắc kỷ trong quyển Antifragile: Things That Gain from Disorder (TD: Kháng mong manh: Hưởng lợi từ hỗn loạn), một cuốn sách mà người tổ chức “Tuần lễ Khắc kỷ” Donald Robertson cho rằng đã thu hút nhiều độc giả tìm đến với chủ nghĩa Khắc kỷ.

Robertson, một nhà trị liệu người Scotland và một người đam mê văn hóa cổ điển, đã mở ra một khóa học về phục hồi tâm lý cho những người quản lý tại tập đoàn dầu khí Shell nổi tiếng thế giới với tên gọi “Làm thế nào để nghĩ như một vị Hoàng đế La Mã” dựa vào cuộc sống của triết gia–hoàng đế Marcus Aurelius. Cuộc sống của ông là hiện thân của 5 tư tưởng Khắc kỷ chính.

📌 [THĐP Review] Suy tưởng (Meditations), Marcus Aurelius – Khi vị vua hiền triết “cai trị” chính mình

khắc kỷ

1. Người Khắc kỷ nhận ra ngay lập tức những gì ngoài tầm kiểm soát

Một nhà lãnh đạo Khắc kỷ biết rằng chỉ có suy nghĩ và ý định của bản thân là thật sự nằm trong tầm kiểm soát, còn mọi thứ khác suy cho cùng đều không thể.

 “Bất kỳ ai ở vai trò lãnh đạo đều phải chấp nhận một nghịch lý về vị trí của họ: những người lãnh đạo phải nắm quyền lực nhưng thường xuyên nó xảy ra vượt khỏi tầm kiểm soát của họ,” Robertson trả lời với Forbes. “Vậy làm sao chúng ta có thể chấp nhận được những giới hạn quyền lực này mà không rơi vào trạng thái bị động?”

Người ta đôi khi nhầm lẫm chủ nghĩa Khắc kỷ với sự phục tùng, nhưng theo ông đó là “một cách hiểu lầm rất thiển cận.” Học trò của trường phái Khắc kỷ cổ xưa thường là con trai của những gia đình giàu có trên khắp thế giới. Rất nhiều người sau đó đã trở thành người cai trị các đế chế hay làm cố vấn về giao thương và chiến tranh cho các nhà lãnh đạo.

Tác giả của quyển Stoicism and the Art of Happiness: A Teach Yourself Guide (Chủ nghĩa Khắc kỷ và Nghệ thuật của Hạnh phúc: Hướng dẫn tự rèn luyện) Robertson cũng nhấn mạnh thêm: “Bạn có thể nêu tên một nhân vật khắc kỷ nào trong lịch sử chỉ biết khoanh tay đứng nhìn không? Ngồi yên một chỗ và không làm gì cả không nằm trong bản chất triết lý của họ.”

Ông cũng dẫn chứng cho câu nói trên thông qua một ví dụ so sánh của Cato xứ Utica rằng người Khắc kỷ giống như một cung thủ đang giương cung một cách tự tin, nhưng một khi mũi tên đã được bắn đi thì người đó phải chấp nhận mũi tên có thể bị gió thổi chệch hướng hoặc mục tiêu đã di chuyển.

Các nhà quản lý Khắc kỷ cũng tương tự như vậy: hoạch định, tính toán mọi thứ rất kỹ lưỡng nhưng vẫn phải chất nhận những gì xảy ra với sự bình thản toàn diện.

2. Trong bất cứ trường hợp nào, sợ hãi, tức giận và các cảm xúc khác chỉ là những sự lựa chọn cá nhân

300px-James_Stockdale_Formal_Portrait

Trên trang Harvard Business Review có bài viết mang tựa đề “Rèn luyện sự kiên cường,” trong đó nhà tâm lý học Martin Seligman của trường Đại học Pennsylvania đề cập đến khái niệm “tâm lý bất lực do huấn luyện.” Đó là khi con người phải sống và chịu đựng những môi trường gây căng thẳng, rồi cuối cùng rơi vào trạng thái hoàn toàn bị động. Tình trạng này là sự đối lập rõ rệt nhất với niềm tin của chủ nghĩa Khắc kỷ vào sức mạnh nội tại.

Bị nhốt tại một trại tra tấn ở Việt Nam, sĩ quan người Mỹ James Stockdale phải chịu những đòn nhục hình từ phía quân kháng chiến và mang trên mình những thương tích như: trật khớp vai, dập nát chân (2 lần) và gãy lưng. Sau khi bị bắn rơi từ máy bay, Stockdale đã bị giam cầm trong 7 năm: hơn 4 năm biệt giam và 2 năm trong tù.

Mặc dù thân thể ông luôn đầy thương tích trong các buồng giam ở Hà Nội, nhưng khi hồi tưởng lại, lúc đó tâm trí ông vẫn luôn tự do, và tinh thần không khuất phục.

Thông qua các kênh liên lạc bí mật, Stockdale, khi đó là một sĩ quan cấp cao, đã duy trì được mạng lưới thông tin đối với các cộng sự cùng bị bắt giam – con số này ban đầu là 75 người, về sau thì có hơn 460 người – bằng cách chỉ đạo và động viên tinh thần. Được trao trả tự do khi chiến tranh kết thúc, Stockdale sau đó được trao Huân chương Danh dự, phần thưởng cao quý nhất trong quân sự, và giữ chức hiệu trưởng trường Naval War College.

Trước khi bị bắt, Stockdale đã tự trui rèn tâm lý và khả năng chịu đựng khổ cực sau khi tốt nghiệp Đại học Stanford, nơi một giáo sư triết học đã giới thiệu cho ông những nhân vật Khắc kỷ, đặc biệt trong đó có Epictetus.

Stockdale sau này viết rằng: “Epictetus đã nói với các học trò của mình rằng không có khái niệm nào gọi là ‘nạn nhân’ của người khác. Bạn chỉ có thể là ‘nạn nhân’ của chính mình. Điều này hoàn toàn nằm ở cách bạn kỷ luật tâm trí.”

Một người quản lý Khắc kỷ cho rằng dù tình hình xung quanh có hỗn loạn đến mấy, người đó vẫn hoàn toàn kiểm soát được cảm xúc và sự giàu có trong nội tâm.

3. Sống một cuộc sống xoay quanh nguyên tắc, không phải tiền tài, danh vọng, gia đình hay quyền lực

Đối với một nhà lãnh đạo Khắc kỷ, mục đích không biện minh cho phương tiện. Họ luôn khao khát và muốn xây dựng cuộc sống xung quanh 4 phẩm cách cốt yếu: Trí tuệ, can đảm, chừng mực và công lý. Nếu họ sống theo bất kỳ giá trị nào khác, thì sự thất vọng là điều không tránh khỏi vì tất cả mọi thứ, ngoại trừ các phẩm cách trên, đều là phù du. Đó cũng là chủ đề chính trong quyển 7 Habits Of Highly Effective People (7 thói quen của người thành đạt) của bậc thầy kinh doanh Stephen R. Covey.

Quả thật rất khó để rèn luyện các phẩm chất này ở những nơi xô bồ và phức tạp như Phố Wall hay Thung lũng Silicon. Tuy nhiên, một doanh nhân Khắc kỷ sẽ nhận ra nếu tham vọng của anh ta gắn liền với bất cứ thứ gì ngoài các phẩm chất cốt yếu kể trên, anh ấy cũng sẽ “giống như chú chó bị buộc vào chiếc xe đẩy và bị lôi theo bất cứ nơi nào chiếc xe đó đi đến” – một câu nói của triết gia Khắc kỷ Cleanthes.

Điều này không có nghĩa người Khắc kỷ không tận hưởng những lạc thú như sự tôn vinh, tình yêu và tiền tài. Đó chỉ là những thứ mà “có thì tốt hơn” chứ không “buộc phải cóđể mang lại hạnh phúc cho những ai theo trường phái này. Một triết gia chân chính, theo lời của Crates thành Thebes, là người “đối xử với những người quyền quý hay những kẻ nghèo hèn đều như nhau.”

Hành trình cuộc sống quan trọng hơn bất cứ ham muốn vật chất nào bởi vì hành trình chính là cuộc sống. Nếu bạn cảm thấy bế tắc trong một môi trường làm việc đòi hỏi những hành vi trái luân lý, một bậc thầy Khắc kỷ sẽ khuyên bạn tốt hơn là nên nghỉ việc thay vì ở lại một nơi làm xói mòn nguyên tắc bạn đang gìn giữ.

Một nhà lãnh đạo Khắc kỷ sẽ làm tất cả mọi thứ trong khả năng để thành công, nhưng sẽ không vi phạm những nguyên tắc của chính mình để theo đuổi lợi danh phù phiếm.

4. Đừng phí phạm cảm xúc cho những kẻ lỗ mãng

Về mặt từ ngữ, khi nói đến chữ “khắc kỷ”, chúng ta thường liên tưởng đến hình ảnh một nguời lạnh lùng, nghiêm khắc, giống như nhân vật Scrooge trong tác phẩm A Christmas Carol. Nhưng trớ trêu thay chủ nghĩa Khắc kỷ còn dẫn tới lòng cảm thông sâu sắc hơn đối với những ai không phải là Khắc kỷ, vì họ không đủ may mắn để sống một cuộc sống xoay quanh nguyên tắc.

Vì vậy, bất kì người nào cư xử lỗ mãng hay lừa lọc, dùng thủ đoạn với một người Khắc kỷ, thì điều này càng minh chứng họ chẳng khác gì con vật bị trói buộc trong câu nói của Cleanthes. Hiển nhiên, với một tâm lý đã được rèn luyện trước những kích thích tiêu cực, người Khắc kỷ lựa chọn cách phớt lờ về mặt cảm xúc khi có người gây sự.

 “Thử thách đối với những ai theo trường phái này luôn là việc chung sống trong một xã hội đầy rẫy những người phải chịu khổ sở vì luôn coi trọng vật chất hay địa vị xã hội, mà không bộc lộ sự không cảm thông cho hoàn cảnh của những người đó,” Robertson nói thêm.

Ông đã viết về sự liên kết giữa liệu pháp nhận thức hành vi hiện đại và chủ nghĩa Khắc kỷ: “Hầu hết các bác sĩ trị liệu hiện nay gặp rất nhiều trường hợp tự gây ra đau khổ cho bản thân nhưng vẫn phải thể hiện thái độ cảm thông và thấu hiểu, ngay cả khi người đó là kẻ thù lớn nhất của chính mình.”

Chủ nghĩa Khắc kỷ là một triết lý tất định, nghĩa là những người theo chủ nghĩa này tin rằng mọi hành động bên ngoài là kết quả không thể kiểm soát được của những tình huống dẫn đến hành động đó. Do đó, nếu một người cư xử thô lỗ, đó là bởi vì bên trong họ có điều gì đó không bình thường dẫn đến hành động như vậy. Điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của người Khắc kỷ. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên rắc rối hơn khi liên quan đến vấn đề tội phạm.

Robertson đề cập thêm: “Một hệ thống công lý hình sự nên đối xử tội phạm như thể họ đã ngu ngốc phạm phải một sai lầm nghiêm trọng nhất trong cuộc đời. Hệ thống đó nên tập trung hướng đến việc khôi phục danh phẩm và giáo dục, hay có thể dùng biện pháp răn đe, chứ không phải trừng phạt hành vi phạm tội, điều mà người Khắc kỷ cho là một cách đáp trả dại dột và hà khắc với phạm nhân. Hành động đó khiến chúng ta chẳng khác gì những kẻ đã phạm tội.”

Một nhà lãnh đạo Khắc kỷ luôn giữ được sự điềm tĩnh trước những hành vi sai trái, thiếu suy nghĩ của người khác. Anh ta không phản ứng thái quá, trong trường hợp buộc phải xét xử sự việc, bất kỳ hành động trừng trị nào được áp dụng đều nhằm cứu giải cho những động cơ bất ổn đằng sau, hơn là mù quáng đưa ra hình phạt đích đáng.

5. Thiền định mỗi ngày để bản thân luôn hướng về những nguyên tắc

Mỗi ngày là sự khởi đầu mới, và người Khắc kỷ thư giãn đầu óc bằng cách đọc hoặc ngẫm nghĩ về một triết lý Khắc kỷ nào đó. Quá trình này được gọi là “làm sạch nhận thức,” hay sự thanh lọc. Người Khắc kỷ ngồi thiền mỗi buổi sáng để lấy lại sự phấn chấn, cũng như tự nhắc nhở bản thân trong việc rèn luyện các nguyên tắc. Trong khi đó, vào buổi tối, việc ngồi thiền sẽ giúp họ chiêm nghiệm lại những việc làm sai trái và cảm nhận sự tự hào xứng đáng cho những gì đã đạt được.

Điều thú vị trong làn gió mới được thổi vào để làm sống lại chủ nghĩa Khắc kỷ từ thời xa xưa này chính là việc cụ thể hóa những tư tưởng này vào đời sống. Chủ nghĩa này được lập ra, kể từ khi Epictetus và các nhà thông thái Khắc kỷ khác dạy rằng triết học là một lối sống, chứ không phải là một bài tập học thuật.

Trong cuốn sách Philosophy for Life and Other Dangerous Situations (Triết lý dành cho Cuộc sống và Những tình huống nguy hiểm) của mình, nhà văn người Anh Julian Evans đã lồng những buổi phỏng vấn của ông với các nhân vật Khắc kỷ xuất chúng ngày nay để tăng thêm giá trị thực tiễn cho những lý tưởng cao thượng này.

Khi đó, những người tổ chức Tuần lễ Khắc kỷ, bao gồm Evans và các giáo sư tại trường Đại học Exeter, đã huy động được hơn 2000 người tham gia sự kiện “Sống như người Khắc kỷ trong vòng 1 tuần.” Họ đã tạo ra nhiều bản thu âm về thiền định và phát hành một quyển số tay 38 trang hướng dẫn cách thực hiện.

Hoàng đế Aurelius đã hình dung một người Khắc kỷ “như một võ sĩ, chứ không phải kiếm sĩ. Vũ khí của kiếm sĩ có thể được nhặt lên và bỏ xuống. Vũ khí của võ sĩ là một phần thân thể của anh ta. Tất cả những gì anh ấy cần làm là nắm chặt nắm đấm.”

Chủ nghĩa Khắc kỷ không phô trương hay đòi hỏi bất cứ điều kiện nào, do đó ai cũng có thể rèn luyện một cách nhanh chóng và đơn giản. Thông qua việc luyện tập hằng ngày, kể cả nam hay nữ, đều sẽ có được một rào chắn tâm lý vững vàng và tự nhiên như bản năng.

Tác giả: Carrie Sheffield – Forbes
Biên dịch: Mai Nguyen
Hiệu đính: Prana


📌 Bài dịch đã được đăng tải trong Volume 9 tạp chí Aloha. Mua membership để đọc tạp chí Aloha đang giảm giá 25% ➡️ http://bit.ly/THDPmembership 

📌 Volume 1, 2, 3 Free! (Click here)

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

3 BÌNH LUẬN

  1. Chào chị. Cảm ơn chị vì đã dịch bài. Em có một câu hỏi về phần 5.Thiền định mỗi ngày để bản thân hướng về những nguyên tắc. Trong bài viết có câu “Người stoic ngồi thiền mỗi buổi sáng để lấy lại sự phấn chấn, cũng như tự nhắc nhở bản thân trong việc rèn luyện các nguyên tắc. Trong khi đó, vào buổi tối, việc ngồi thiền sẽ giúp họ chiêm nghiệm lại những việc làm sai trái và cảm nhận sự tự hào xứng đáng cho những gì đã đạt được.” Em đã thực hành thiền gần 1 năm nay. Nhưng theo em biết, principle của thiền định là tập trung vào bản thân và không gian xung quanh, không suy nghĩ về những chuyện khác, thứ duy nhất chúng ta cảm nhận đó chính là cơ thể chúng ta. Vậy tại sao ở phần 5 khi ngồi thiền chúng ta lại chiêm nghiệm những việc sai trái và cảm nhận những việc đạt được? Giống như là chúng ta ngồi đó suy nghĩ về mọi thứ xung quanh chứ không phải thiền thật sự. Điều đó nó hơi lệch lạc so với principle của thiền định. Có điều gì sai xót xin anh chị chỉ bảo. Em cảm ơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI