28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Công nghệ hiện đại tương đồng với siêu hình học của Vedanta

thdp translation 3

📌 Bài dịch đã được đăng tải trong Volume 8 tạp chí Aloha. Mua membership để đọc tạp chí Aloha đang giảm giá 25% ➡️ http://bit.ly/THDPmembership 

Bạn có thể nghĩ rằng những công nghệ kỹ thuật số, thường được coi là một sản phẩm của phương Tây, sẽ gia tăng sự khác biệt giữa các triết lý Đông phương và Tây phương. Nhưng trong nghiên cứu về Vedanta, một trường phái tư tưởng Ấn Độ cổ đại, tôi thấy một khía cạnh khác. Nhờ sự hiểu biết ngày càng tăng của chúng ta với điện toán, thực tế ảo (VR) và trí thông minh nhân tạo (AI), xã hội hiện đại đang phù hợp hơn bao giờ hết để thấu hiểu những trí tuệ của truyền thống này.

Vedanta tóm gọn phần siêu hình học của bộ kinh Upanishads (Áo Nghĩa Thư), một tập hợp các văn bản tôn giáo Phạn ngữ, có khả năng được viết trong khoảng từ 800 đến 500 trước công nguyên. Chúng tạo thành nền tảng cho nhiều truyền thống triết học, tâm linh và huyền bí của tiểu lục địa Ấn Độ. Upanishads cũng là nguồn cảm hứng cho một số nhà khoa học hiện đại, bao gồm Albert Einstein, Erwin Schrödinger và Werner Heisenberg, khi họ đấu tranh để thấu hiểu vật lý lượng tử của thế kỷ 20.

>> Con mèo của  Schrödinger

Cuộc hành trình của Vedanta tìm kiếm sự hiểu biết bắt đầu từ cái được xem là một điểm khởi đầu hợp lý: Ý thức của chính chúng ta. Làm thế nào ta có thể tin tưởng vào những kết luận về cái ta quan sát và phân tích, trừ khi ta hiểu cái đang thực hiện những quan sát và phân tích đó? Sự tiến bộ của AI, những mạng lưới thần kinh và deep learning (học sâu) đã khiến một số nhà quan sát hiện đại cho rằng tâm trí con người chỉ là một cỗ máy hữu cơ xử lý phức tạp – và ý thức, nếu nó tồn tại, có thể chỉ đơn giản là một đặc tính xuất hiện từ sự phức tạp của thông tin. Tuy nhiên, quan điểm này không giải thích được các vấn đề khó hiểu như về một cái ngã (self) chủ quan và trải nghiệm của chúng ta về qualia (tạm dịch: tính chất), những khía cạnh của nội dung tinh thần như ‘màu đỏ’ hay ‘sự ngọt ngào’ mà chúng ta trải nghiệm trong thời gian chúng ta tỉnh thức (nd: những lúc không ngủ). Tìm hiểu làm thế nào vật chất có thể tạo ra ý thức, vẫn còn được gọi là ‘vấn đề khó khăn’ (the hard problem of consciousness).

Vedanta đưa ra một mô hình để tích hợp ý thức chủ quan và hệ thống xử lý thông tin của cơ thể và bộ não của chúng ta. Lý thuyết của nó tách não bộ và các giác quan khỏi tâm trí. Nhưng nó cũng phân biệt tâm trí với chức năng của ý thức, cái nó định nghĩa là khả năng trải nghiệm đầu ra tinh thần (mental output). Chúng ta đã quen với khái niệm này từ các thiết bị kỹ thuật số. Máy ảnh, micrô hoặc các cảm biến khác được liên kết với máy tính thu thập thông tin về thế giới và chuyển đổi các dạng năng lượng vật lý khác nhau – sóng ánh sáng, sóng áp suất không khí, vân vân – thành dữ liệu kỹ thuật số, giống như các giác quan cơ thể của chúng ta. Bộ xử lý trung tâm xử lý dữ liệu này và tạo các đầu ra liên quan. Điều tương tự cũng đúng với bộ não của chúng ta. Trong cả hai trường hợp trên, dường như trải nghiệm chủ quan (qualia) có một vai trò rất nhỏ để đóng trong các cơ chế này.

Mặc dù máy tính có thể xử lý tất cả các loại thông tin mà không cần sự giúp đỡ của chúng ta, chúng ta cung cấp cho chúng một màn hình để làm một giao diện (interface) giữa máy tính và chúng ta. Tương tự, Vedanta cho rằng thực thể có ý thức – thuật ngữ gọi là Atma – là người/sự/cái quan sát đầu ra của tâm trí. Atma sở hữu, và được cấu tạo bởi, tính chất nền tảng của ý thức. Khái niệm này được khám phá trong các thực hành thiền định, của những truyền thống phương Đông.


Bạn có thể nghĩ về Atma như thế này. Hãy tưởng tượng bạn đang xem một bộ phim trong rạp. Nó là một phim kinh dị, và bạn lo lắng về nhân vật chính, bị mắc kẹt trong một căn phòng. Đột nhiên, cánh cửa trong phim mở tung ra đứng ngay đó là… Bạn nhảy dựng lên mất hết hồn vía. Nhưng mối đe dọa thực sự đối với bạn là gì, ngoài việc nó có thể làm đổ bỏng ngô của bạn? Khi bạn ngưng nhận thức về cơ thể của mình trong rạp phim, đồng nhất với nhân vật trên màn hình, chúng ta cho phép trạng thái cảm xúc của chúng ta bị thao túng. Vedanta gợi ý rằng Atma, cái ngã có ý thức, đồng hóa với thế giới vật chất cũng theo cách tương tự.

Ý tưởng này cũng có thể được khám phá trong lĩnh vực VR (thực tế ảo). Khi tham gia vào một trò chơi, chúng ta có thể được yêu cầu chọn nhân vật hay còn gọi là avatar (hóa thân) – có nguồn gốc là một từ tiếng Phạn, một cách khéo léo tinh tế có nghĩa là ‘một người giáng xuống từ một chiều miền cao hơn.’ Trong các văn bản cũ, thuật ngữ này thường có nghĩa là những hiện thân thần thánh. Tuy nhiên, từ này cũng phù hợp của các game thủ, anh ta hoặc cô ta giáng xuống từ thực tại ‘bình thường’ rồi bước vào thế giới ảo VR. Chúng ta chọn giới tính cho avatar, các tính năng cơ thể, thuộc tính và kỹ năng, tiếp theo chúng ta học cách kiểm soát các chi và công cụ của nó. Chẳng mấy chốc, nhận thức của chúng ta chuyển từ bản thân vật lý sang khả năng ảo VR của nhân vật đại diện.

Trong tâm lý học Vedanta, điều này gần giống với Atma dần quen với cái ngã tâm lý cá nhân gọi là ahamkara, hay bản ngã giả (pseudo-ego). Thay vì là một sự quan sát ý thức tách rời, chúng ta chọn cách xác định bản thân qua các mối liên hệ xã hội và các đặc điểm vật lý của cơ thể. Như thế, ta tin vào bản thân với tham chiếu về giới tính, chủng tộc, kích thước, tuổi tác v.v.. cùng với vai trò và trách nhiệm của gia đình, công việc và cộng đồng. Trong điều kiện nhận dạng như vậy, ta đắm chìm trong những cảm xúc liên quan – một số thì hạnh phúc, một số thì thử thách hoặc căng thẳng – được tạo ra bởi những hoàn cảnh ta chứng kiến mình đang trải qua.

Trong một trò chơi thực tế ảo VR, avatar của ta thể hiện sự bắt chước nhợt nhạt về bản thân thực tế của mình và các vướng mắc của nó. Trong các tương tác của ta với avatar của người khác, ta có thể tiết lộ rất ít về tính cách hoặc cảm xúc thực sự của mình và ngược lại. Thật vậy, những cuộc gặp gỡ giữa các Avatar – đặc biệt là khi có tính cạnh tranh hoặc chiến đấu – thường thâm hiểm, dường như không bị hạn chế bởi mối quan tâm với cảm xúc của những người đứng sau Avatar. Các kết nối được tạo ra thông qua chơi game trực tuyến không phải để thay thế cho các mối quan hệ ngoài đời. Thay vào đó, như các nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins đã lưu ý, những game thủ có đời sống xã hội thực tế lành mạnh sẽ ít có khả năng rơi vào tình trạng nghiện game và trầm cảm.

Những quan sát này lặp lại tuyên bố của Vedanta rằng khả năng hình thành các mối quan hệ có ý nghĩa của chúng ta bị giảm đi bởi sự đắm chìm trong ahamkara. Tôi càng coi bản thân mình như một thực thể vật lý đòi hỏi nhiều hình thức thỏa mãn các giác quan, tôi càng có khả năng vật hóa (xem như đồ vật, objectify) những người có thể thỏa mãn ham muốn của tôi và tạo nên các mối quan hệ dựa trên sự ích kỷ lẫn nhau. Nhưng Vedanta gợi ý rằng tình yêu nên xuất phát từ phần sâu nhất của chân ngã, không phải cái ngã hư giả. Tình yêu, là trải nghiệm từ tâm hồn tới tâm hồn. Tương tác với những người khác trên cơ sở của ahamkara chỉ cho ra được một thứ tình cảm châm biếm giả tạo.

Là Atma, ta vẫn là cái ngã chủ quan trong suốt cuộc đời. Cơ thể, tâm lý và tính cách của ta thay đổi đáng kể – nhưng trong suốt quá trình, ta biết mình là người/sự quan sát bất biến. Tuy nhiên, khi nhìn thấy mọi thứ thay đổi xung quanh ta, ta nghi ngờ rằng ta cũng bị ảnh hương bởi thay đổi, tuổi già và hướng đến sự hủy diệt (cái chết). Yoga, được hệ thống hóa bởi Patanjali,  là một phương pháp thực tế để giải thoát Atma khỏi cơn hoạn nạn tinh thần không ngừng, và để an trú đúng đắn trong thực tại của ý thức tinh tuyền.

Trong thực tế ảo VR, chúng ta thường được kêu gọi để chiến đấu với các thế lực xấu, đối mặt với nguy hiểm và tử vong ảo trên đường đi. Bất chấp những nỗ lực của chúng ta, điều không thể tránh khỏi hầu như luôn xảy ra: Avatar của chúng ta bị giết. Trò chơi kết thúc. Các game thủ, đặc biệt là các game thủ “bệnh hoạn”, gắn bó sâu sắc với Avatar của họ, và có thể đau khổ khi Avatar của họ bị tổn hại. May mắn thay, chúng ta thường được đưa ra một cơ hội khác: Bạn có muốn chơi lại không? Chắc chắn, chúng ta chơi. Có thể chúng ta tạo ra một avatar mới, một người nào đó lão luyện hơn, dựa trên những bài học kinh nghiệm thời gian qua. Điều này lặp lại khái niệm đầu thai trong Vedanta: sự chuyển đổi của cái ngã có ý thức vào một phương tiện vật lý mới.

Một số nhà bình luận giải thích Vedanta gợi ý rằng không có thế giới thực, và tất cả những gì tồn tại đều là sự nhận biết ý thức (conscious awareness). Tuy nhiên, một cái nhìn rộng hơn về các văn bản Vedanta thì nó gần giống với thực tế ảo VR. Thế giới ảo VR hoàn toàn là dữ liệu, nhưng nó trở thành ‘thật’ khi thông tin đó thể hiện ra với những giác quan của chúng ta dưới dạng hình ảnh và âm thanh trên màn hình hoặc thông qua tai nghe. Tương tự, đối với Vedanta, chính những biến hiện nhất thời của thế giới bên ngoài là những vật thể quan sát được, khiến nó ít ‘thực’ hơn bản chất bất biến của ý thức, cái quan sát những biến hiện đó.

Đối với các nhà hiền triết xưa, đắm mình trong thế giới vô thường có nghĩa là cho phép Atma chịu khuất phục một ảo tưởng, ảo tưởng rằng ý thức của chúng ta là một phần của ngoại cảnh, phải chịu đựng hoặc tận hưởng cùng với nó. Không biết Patanjali và những vị tổ sư Vedanta sẽ nghĩ gì về VR: Một ảo ảnh trong một ảo ảnh, có lẽ thế, nhưng nó có thể giúp chúng ta nắm bắt được cái tinh túy trong thông điệp của họ.

Tác giả: Akhandadhi Das – Aeon

Biên dịch: Hàn Tâm

Hiệu đính: Prana

Akhandadhi Das là một triết gia Vedanta và nhà thần học Vaishnava Ấn Độ giáo. Ông là giám đốc của Buckland Hall, một trung tâm hội nghị và tu viện ở Wales, thành viên của Science and Philosophy Initiative (tạm dịch: Khởi xướng Khoa học và Triết học), đồng thời là phát thanh viên và cố vấn cho BBC về những truyền thống triết học và tâm linh Ấn Độ.


📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

  1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
    Người nhận: Vũ Thanh Hòa
    Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
    Số TK: 0451000409314
  2. Chuyển tiền qua Paypal
    Người nhận: Huy Nguyen
    Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI