27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đừng gạt bỏ thế hệ trẻ ra khỏi những giá trị lịch sử

Photo: Hight Above

 

Tôi là một người rất trẻ, tuổi đời, kinh nghiệm, cảm xúc tất cả đều còn rất non trẻ. Nhưng khi đọc qua các ý kiến xung quanh vấn đề các bạn trẻ đi viếng đại tướng trong những ngày qua, tôi cũng muốn viết cái gì đó để chia sẻ cho mọi người hiểu hơn một chút về những người trẻ chúng tôi.

Điều đầu tiên tôi muốn nói tới là điều kiện gì cần để được đi viếng một người đã khuất. Tôi không được dạy rằng phải biết rõ ai đó về lịch sử, về thành tựu về cuộc sống của một người mới được đến viếng họ. Tôi được dạy rằng chỉ cần sự tôn trọng, tấm lòng thành muốn chia buồn thì có thể đến viếng một người đã ra đi. Huống chi, mấy ngày qua người chúng ta viếng là “đại tướng của nhân dân” là nhân vật lịch sử là anh hùng dân tộc là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi có thể không giỏi lịch sử, không biết được hết nỗi khổ của thế hệ trước, không cảm nhận được hết giá công lao to lớn của ông đại tướng, nhưng chúng tôi đã được học về ông và học cách tôn trọng ông, muốn chia buồn với mất mát của cả dân tộc. Tôi biết nỗi lòng của thế hệ trước, sự đau buồn rất lớn nhưng xin đừng chỉ giữ đại tướng cho riêng mình, để cho phép chúng tôi được kính trọng và tỏ lòng tôn kính với đại tướng.

Tôi không giỏi lịch sử dù không ghét nó. Tôi không nhớ được hết các năm, các chiến dịch, các cách đánh thế nào, tôi cũng chưa từng trải qua cuộc sống khổ cực như cha ông. Bởi thế tôi không có quá nhiều cảm xúc khi nghe tin đại tướng mất. Nhưng trong lòng tôi biết rằng dân tộc vừa mất đi một người vĩ đại, biết rằng cả đất nước đang rất đau buồn và trong tôi luôn có một sự tôn kính dành cho đại tướng. Vậy tại sao tôi lại muốn đứng chờ 2 tiếng chỉ để viếng hình ảnh biểu tượng cho đại tướng tại Hội trường Thống Nhất.

Tôi sinh ra trong gia đình nhiều đời làm lính và hy sinh trong chiến tranh. Vì thế, bố mẹ những ngày qua luôn theo dõi sát thông tin qua báo chí và ti vi, nhưng điều đầu tiên bố mẹ tôi làm khi nghe tin đại tướng mất, đó là truyền đạt cho tôi cảm xúc của họ về sự biết ơn đối với đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bố mẹ tôi muốn tôi sẽ thay mặt gia đình đi viếng đại tướng để thể hiện đạo lý nhớ về cội nguồn, nhớ về anh hùng dân tộc. Tôi từ khi sinh ra đã sống ở thành phố Hồ Chí Minh, tại mảnh đất miền Nam này, con người nơi đây chân thật, thoải mái và lạc quan. Có lẽ vì thế tôi không cảm thấy quá đau buồn khi nghe đại tướng mất, với tôi đó cũng là lẽ tự nhiên mà con người không thể chống lại. Tuy nhiên, tôi cũng có một số người bạn nói rằng “họ hàng mất có đi viếng hay không mà đại tướng mất đi như phong trào”. Tôi cảm thấy bực tức không đồng ý và điều đầu tiên tôi đem đi hỏi mẹ tôi. Mẹ tôi nói rằng: “Họ hàng mất gia đình mình luôn có người đại diện đi viếng, thường là bố mẹ vì bố mẹ tiếp xúc nhiều hơn có nhiều tình cảm hơn và cũng vì bố mẹ là người lớn trong gia đình. Còn đại tướng là người cả dân tộc ghi nhớ, mẹ muốn con đi để hiểu đạo lý “ăn quả nhớ kể trồng cây” nhớ về công lao thế hệ trước để có cuộc sống ngày hôm nay”. Và sáng ngày 12, tôi cùng với vài đứa bạn, những đứa cùng lý do như tôi, thay mặt gia đình, đi cùng nhau mà không có bố mẹ, cùng đi bày tỏ lòng thành kính và để hiểu hơn về đạo lý làm người của dân tộc. Chiều hôm đó, bố tôi đi viếng đại tướng để để bày tỏ lòng thành kính. Đó là bài học mà những người trẻ chúng tôi nhận được từ thế hệ đi trước.

Gửi những người lớn. Tôi đi viếng ở Hội trường Thống Nhất và không khó nhận ra qua phong cách và giọng nói để biết rằng mọi người tới đây cũng đến từ khắp mọi miền Tổ quốc. Họ là những người rời quê hương để đến nơi khác làm ăn sinh sống. Tôi đến đây thấy nhiều người nước ngoài cũng trật tự xếp hàng viếng, họ không biết nhiều về lịch sử nước ta, họ vừa đứng chờ vừa hỏi người đi cùng về lịch sử nước ta, họ nghiêm trang và thành kính. Tôi đến đây thấy những người lớn có lẽ là thế hệ mà ngôn ngữ mạng gọi là 7x 8x, họ đi viếng cùng với điện thoại thông minh, chụp người, chụp mình mà quên cả việc dán mảnh băng màu đen được phát, thậm chí có những bác ngoài 60 râu tóc bạc trắng vừa đi vừa bàn về thời quá khứ cũng có những tấm hình làm kiểu giữa đoàn người đi viếng. Tôi thấy những người đem con trẻ tới rồi để cho các em bé chạy vui chơi khắp nơi trước lối vào nơi viếng để rồi các chú bảo vệ phải ưu tiên cho vào trước. Tôi không nghĩ mình đủ nhận thức để nói cái gì đúng cái gì sai. Nhưng mong rằng những người lớn hãy cho thế hệ trẻ cơ hội học hỏi, hiểu biết, trải nghiệm để thành người.

 

Bhtv28

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI