28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Vâng, tôi chỉ là một tân ngữ!

(1048 chữ, 4 phút đọc)

Người ta nói rằng hãy học cách chấp nhận mọi sự đến với mình – chấp nhận hoàn toàn bất kể chúng tròn méo thế nào đi chăng nữa, như đất chẳng hề kêu ca sự hôi thối của rác rưởi, nước chẳng hề than vãn sự nhớp nhơ của sình lầy. Nhưng bây giờ nhìn lại tôi chỉ thấy đó là một lời khuyên không cần thiết, nếu không nói là thừa thãi một cách tai hại. Vì chúng khiến tâm tư của tôi lại thêm xáo động với những sự phân tích về nước, về đất, về rác, về bùn và thêm nghi hoặc chính bản thân bởi câu hỏi “Làm sao để chấp nhận các thứ trong khi rõ ràng là tôi đang đứng ngồi không yên với chúng?”

Nhưng thực ra mọi chuyện rối rắm như vậy là do tôi còn đang mắc kẹt nơi chính mình, đang còn luẩn quẩn trong câu chuyện của bản thân mà không tài nào bước vào câu chuyện của kẻ khác được. Tôi đã không thể chứng kiến thế giới theo góc nhìn của chính nó nên đã ra sức công kích, tàn phá.

Mọi thứ vốn dĩ đã được chấp nhận. Nếu không thì làm sao chúng có thể hiện diện được trước mắt tôi như bây giờ được chứ. Vấn đề chẳng phải ở phía tôi, là kẻ có mở lòng mình được không. Đó chẳng còn là chuyện quan trọng cho sự an vui này nữa. Vấn đề là mọi thứ đã được chấp nhận. Không biết bởi cái gì, nhưng chúng đã được dành dụm cho một không gian mà hiện diện, trong khi tôi đang ngoan cố chống trả ngoại cảnh để bảo vệ miền biên cương của tư tưởng.

Mọi thứ diễn ra giống như một câu bị động trong tiếng Anh. Chúng được chấp nhận. They are accepted. Bởi ai? By whom? Tôi không thể nhìn thấy, không thể gọi tên được cái tân ngữ ấy. Nó là một sự bỏ lửng, một sự trống rỗng đang mời gọi kẻ đứng lẻ loi bước vào, gia nhập cùng nó để khiến nó trở thành một cá thể có khuôn hình (hoặc để kẻ lữ khách kia nhòe tan đi mọi rào chắn.) Và như một mối liên kết không thể cưỡng lại, tôi tự điền chính mình vào vùng còn khuyết rỗng đó để câu bị động kia trở thành “They are accepted by me.” Chẳng cần đến một chút nỗ lực, hay một sự giải thích vòng vo, hay một sự dằn mình để ôm ấp lấy những điều chướng tai gai mắt, tôi thấy sự tồn tại của mình được hoàn toàn trọn vẹn, mình có một ý nghĩa và một mục đích trong đời.

Trước kia tôi đã từng nhiều phen chống trả lại cuộc sống, bằng mọi cách ngăn cản nó thâm nhập làm thay đổi thế giới quan của mình. Khi nghe người ta bảo rằng hãy đầu hàng, tôi chỉ càng thấy nhiều hơn một sự nặng nhọc hoặc càng thấy rõ hơn sự quẫy đạp trong hiện tại của bản thân. Điều đó chẳng khác nào đang gấp đôi lên những cơn hỏa mù, hay thêm một tay kiếm vào trong cuộc binh đao vậy. Càng nhiều câu lệnh được đặt ra, tâm tư này càng thêm rối bời. Vì “chấp nhận” không phải là một việc gì đó có thể “làm”, nên khi nó được đặt sau từ “hãy”, cả câu nói trở nên lố bịch.

Sự thật là tôi không bao giờ chấp nhận được thứ gì như đúng bản chất tự nhiên của nó vì bản thân tôi đã là một lăng kính. Sự tồn tại của tôi không phải là để chấp nhận thế giới, mà là để phân tích, bẻ gãy, cân đong vạn vật, đưa tất cả vào một hệ thống với hàng lối chỉnh tề. Mỗi khi sự kiện ập tới thì tôi chỉ việc truy xuất dữ liệu đã tích lũy để ứng phó, chẳng khác nào một cái máy. Nhưng khi nhìn sâu vào những thứ tôi có thể chấp nhận thì ở đó chỉ là chính mình, là đường nét hữu hạn nào đó trùng khớp với những câu chuyện, ăn nhập với những xu hướng của bản thân. “Tôi” không thể thân mật với thứ gì khác “tôi” cả. Chuyện là như thế.

Vậy nên trong những giờ khắc hoang mang, ai đó nhắc tôi rằng hãy chấp nhận, hãy quy phục thì chẳng khác nào bảo tôi rằng hãy đi chết đi – đó là một điều bất khả. Cái kiếm không thể tự đâm chính mình được.

Chỉ trong một câu bị động, tôi mới có khả năng quy hàng vì tôi được đẩy lùi về phía sau với tầm quan trọng được hoàn toàn xem nhẹ, có thể lược bỏ tôi đi mà câu chuyện không hề mất ý nghĩa. Thế là trong một hệ quy chiếu đảo lộn, tôi có thể chết một cách dễ dàng. Thậm chí, dù không được lược bớt đi, cái tân ngữ “tôi” (me) cũng được mỉm cười toại nguyện trong vị trí của mình, bởi rằng chiến thắng của nó hoàn toàn hòa nhập với chiến thắng của sự trống rỗng trong việc bao dung tất thảy những chủ ngữ trên đời.

Vâng, tôi chỉ là một tân ngữ, là kẻ điền vào chỗ khuyết sau cùng của câu chuyện chấp nhận. Chẳng còn “I” viết hoa dương dương tự đắc, xung phong đứng đầu thiên hạ, gánh lấy mọi trọng trách và mệnh lệnh, đồng thời cũng gánh lấy mọi bất hạnh và thương tổn. Chấp nhận một việc gì đó chẳng còn là chuyện của tôi nữa, chẳng còn là nghĩa vụ hay sự phải làm nào đó nữa. Nó được thực hiện bằng cách không cần phải thực hiện. Giờ đây tôi – cái tân ngữ nhẹ mình nhẹ mẩy này tha hồ chao liệng như một cánh chim trời. Biết đâu vào một ngày phiêu lãng bất chợt nào đó, tôi lại bắt gặp một mảnh đất lành – một câu bị động còn bỏ ngỏ khác đang chờ đợi thì sao. Nó có thể là “Everything is loved” chẳng hạn.


Tác giả: Vũ Thanh Hòa 

Ảnh minh họa: Pexels 

📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI