28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Phải chăng vĩ nhân là những người đáng thương nhất trong lịch sử

(957 chữ, 4 phút đọc)

Đối với tôi, những người trường tồn và bất hoại đều là những con người đáng thương. Tại sao họ đáng thương? Bởi họ đã bị nhân loại này dùng sự dối trá để nhắc đến. Thân xác đã băng rã, linh hồn đã trôi dạt mười phương tám kiếp vẫn còn bị đào mồ bới mả lên để ca tụng, không phải bằng sự chân thành, mà bằng những lời ngợi ca đầy mùi giả tạo.

Chẳng phải những con người bất tử kia đã từng sống cùng lý tưởng này sao: “Vì danh dự của cả thế giới nên tôi cho rằng bản thân tôi cùng những người như tôi là một kẻ bệnh hoạn, chúng tôi là một bất hạnh của thế giới này. Trong khi các nhà lãnh đạo ra sức chuẩn bị cho những công cuộc đổi mới phát triển, một tương lai văn minh được thêu dệt ra quy mô và mang tính chất vĩ đại thì những lũ như chúng tôi chẳng biết làm gì ngoài than vãn, lười biếng và làm những hành động ngu xuẩn mà chúng tôi luôn ngợi ca là giá trị của sự sống đích thực, là nghệ thuật. Quá trình tiến hóa biến thành giống con người hơn chỉ tổ làm rách việc và cản chân thế giới. Chính vì thế mà tôi hy vọng thế giới sẽ không còn sản sinh ra những con người như chúng tôi, sẽ hứa hẹn một thời đại khấm khá với những con người biết sống tốt đẹp, cố gắng sống giàu sang hơn, tận hưởng cuộc sống hơn.”

Nhưng cũng vì tư tưởng ấy mà nhân loại này đã tìm cách giết chết người khác mà không gây ra đổ máu. Hãy nhìn một Mozart, ông ta đã chết và được chôn cất thế nào? Hay cuộc đời của một Van Gogh đến lúc nằm xuống  mồ thì trớ trêu thay lại phải dùng lời tán dương ca tụng như một bản trường ca bi hài. Ôi cả thế giới đã khóc thương thân phận của một con người tội nghiệp mà trước đó họ đã khinh bỉ và hắt hủi.

Lịch sử thế giới bắt đầu gọi tên và biến họ thành những anh hùng, những bậc thiên tài. Ôi thôi đó chỉ là sự dối trá, ngoài cái chết của một con người tội nghiệp ra, họ cần lưu danh mãi đời đời? Họ cần ca tụng sau khi đã sống một cuộc đời trong sự phỉ báng và cười chê, tự gắn cho người ta cái nhãn hiệu vĩnh cửu, trường tồn? Ôi vinh quang đối với người chết là cái gì đó mà tôi không thể nhìn ra.

Những con người tội nghiệp đáng thương, đã phải dùng một đời để giữ gìn những lý tưởng sống của mình. Muốn làm con chim nhỏ vỗ cánh bay xa, nhưng thời đại họ sống, xã hội đã cùng lúc hóa trang thành con dã thú, luôn tìm mọi cách khiến con chim nhỏ phải run rẩy khi chạm vào. Những con chim nhỏ chỉ luôn là những kẻ điên khùng trong mắt xã hội. Rồi khi họ chết đi, cả nhân loại lén lút đứng bên nấm mồ. Hãy nhìn xem, bao nhiêu bài báo, bao nhiêu sách vở rồi tạp chí thì thầm vào tai họ những lời tán dương, tâng bốc vuốt ve trìu mến, dùng sự huênh hoang khoác lác kể về những điều mà con chim nhỏ đã chết, đã mãi mang theo xuống các nấm mồ, tự huyễn mình tường tận và am hiểu, nói về những điều mà chỉ có con chim nhỏ đã chết đi mới là kẻ độc nhất có thể nói về nó.

Nhân loại này họ đang nghĩ gì vậy? Họ nghĩ rằng tinh thần của thi sĩ là tinh thần muốn có khán giả? Họ nghĩ rằng tinh thần của thi sĩ không phải là tinh thần muốn chán ghét ngay cả chính mình? Họ nghĩ rằng các thi sĩ muốn đưa mắt soi cái nhìn ra bên ngoài và khát khao được đám đông ca tụng? Họ có biết rằng vẻ đẹp và sự lộng lẫy của một con công là điều mà một thi sĩ đích thực luôn chán ngấy?

Tôi đã thấy tất cả nhân loại này nói về các vĩ nhân như biển cả bị khô cạn nước. Tư tưởng của họ không thể thâm nhập đủ sâu, chính vì tình cảm của họ chỉ là thứ tình cảm hời hợt a dua theo đám đông. Từ trước đến giờ họ làm gì hiểu được sự nồng nàn trong tâm hồn của một thi sĩ, họ chỉ đang quấy đục đời sống của một cái xác chết đã mục ruỗng trong lòng đất để làm cho mình có vẻ thâm sâu và đỏm dáng tri thức.

Dừng lại đi những kẻ sùng tín luôn làm ra vẻ bộ tịch, tỏ vẻ mình không thể nào sống được nếu không thở bằng thứ không khí của người đã khuất, giả bộ ca ngợi, tỏ vẻ mình am hiểu tường tận, có mò mẫm qua bao nhơ bẩn và bùn lầy cũng chẳng bao giờ tìm được đường đến với con chim nhỏ. Xã hội này chỉ toàn một bè lũ luôn học cách đóng kịch y hệt nhau mỗi ngày. Sự vĩnh cửu mà nhân loại này đang gán vào các bậc vĩ nhân là gì mà chẳng phải sự ngộ nhận, lầm lạc, họ giả bộ đồng điệu được bằng tất cả sự hồn nhiên, nhưng hóa ra chỉ là một sự đùa bỡn.

Ôi thôi tôi đang nói gì thế này. Tôi cũng chỉ là một trong số họ.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: StockSnap 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI