28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những vỏ đạn pháo năm xưa

Bác ruột tôi ngày còn trẻ cũng vất vả lắm. Qua nhiều lận đận, rồi bác cũng lấy được một tấm chồng sau một thời gian làm lụng ở miền Tây Bắc. Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, vợ chồng bác đưa nhau về Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội định cư, mảnh đất thì rộng, nhưng nhà chỉ vách đất độn rơm. Sau nhiều năm, hai bác cất được một căn nhà gạch hẳn hoi. Còn nhớ, lần đầu tiên được đến căn nhà mới của hai bác tôi đã thích thú biết chừng nào. Một thằng bé con mới ngoài mươi mười hai tuổi, sống tù túng trong căn phòng bé nhỏ, giữa những phố xá của Hà Nội đông đúc, sang đây được chạy nhảy khắp khu vườn rộng rãi, cây trái trĩu nặng, ao nước ngay trước mặt là nơi tôi bì bõm tập bơi lần đầu tiên trong đời, hỏi làm sao mà không sướng.

Căn nhà của hai bác lát gạch hoa, cột kèo bằng gỗ rõ bóng đẹp. Nằm trên sàn nhà mát lịm dù ngay giữa trưa hè của vùng đồng bằng Bắc bộ, đó là lần đầu tiên tôi để ý hai dòng chữ khổ lớn sơn bằng mực đen trên hai xà gỗ to đẹp nhất của trần nhà. Xuất thân lam lũ, không được học hành nhiều, mới nhớn lên đã đi khắp các chiến trường, bác giai tôi chả cầu kỳ thuê người viết chữ nho chữ Hán làm gì. Hai hàng chữ quốc ngữ lớn trên xà nhà khiến ai vào ngửng cổ lên là đọc được ngay, bên trái viết: “Tài cao Võ Nguyên Giáp”, còn bên phải là: “Đức đại Hồ Chí Minh”

Là con giai, đứa nào hình như cũng mê thích những trò súng ống, bắn nhau. Vậy nên thằng bé con là tôi ngày đó há miệng ra nghe bác giai kể chuyện đi đánh trận ở Điện Biên. Sau này lớn lên, học và đọc nhiều sách sử, hiển nhiên tôi biết về Điện Biên Phủ nhiều hơn. Nhưng không có câu chuyện nào sống động như những gì chính miệng bác giai tôi kể, khi tôi được sang nghỉ hè cả tuần trong chính căn nhà mà hai bác vừa tự hào xây cất nên. Xen giữa những câu chuyện là tiếng ống điếu của bác tôi kêu sòng sọc. Khuôn mặt vuông chữ điền, rám nắng, giọng nói ồm ồm, sang sảng của người đàn ông có sức vóc hơn người, bác thao thao kể cho tôi nghe chuyện kéo pháo trên các quả đồi, chuyện quân ta xung phong theo kiểu “biển người”, rồi sau phải thay đổi cách đánh đó vì… ta chết nhiều quá. Ẩn sau những câu chuyện của bác là một niềm tự hào khó có thể che giấu. Rồi như để cho thằng cháu bé tí tâm phục khẩu phục, bác cho xem cả vài tấm giấy khen, ghi công trạng chiến đấu, những bộ quân phục nhàu nát, và ấn tượng nhất, là những vỏ đạn pháo bác mang về nhà – kỷ vật không dễ gì có được, nếu không từng là lính chiến. Chao ôi là khâm phục, thằng tôi chúi mắt vào những vỏ đạn pháo, to như cái bình hoa cỡ lớn, chất đồng vẫn bóng loáng sau nhiều năm, bởi có lẽ bao nhiêu bàn tay đã từng nâng niu nó y như tôi ngày ấy, bởi chắc chắn tôi không phải là người đầu tiên được bác khoe. Những vỏ đạn pháo to đẹp nhất được bác chế tác công phu, đặt trang trọng bên ban thờ ở gian chính làm chỗ cắm những cành đào dịp tết để cúng tổ tiên. Một vài vỏ pháo nhỏ hơn thì bác cất sau tủ thờ, có một cái thậm chí được bác hứng khởi để ngay chỗ bàn tiếp khách, chuyên chứa những que đóm dài ngoằng, mỗi khi cao hứng rít thuốc lào, bác lại lấy ra châm lửa.

Bác giai tôi kể sau một vòng, thường câu chuyện kết thúc ở chỗ ta thắng là đúng lắm rồi, bao nhiêu công sức của lính đấy cháu ơi, và nhất là bởi vì Đại tướng Võ Nguyên Giáp của ta thực là tài giỏi. Nhiều lúc, bác tôi trầm tư khi đang chuyện, ông rít một hơi, thả khói thật hào sảng, rồi im lặng. Lúc đó, tôi không dám đoan chắc ông đang say thuốc lào, hay đang nhớ về những ngày tháng trai trẻ, tay chân săn chắc ôm những thùng đạn, nắm chặt khẩu súng, khối bộc phá, hay là ông lặng lẽ nhớ tới những người đồng đội đã bỏ mình nơi ấy… Những lúc như thế, tôi cũng không dám nói gì, chỉ yên lặng ngồi vuốt ve những vỏ đạn pháo. Biết đâu trong cuộc chinh chiến của bác tôi, những ngày khói lửa của cả dân tộc, những đầu đạn mà chúng đẩy cho bay đi đã rơi xuống các chiến hào, boong-ke và cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người lính Pháp, giúp người Việt thắng trận.

Đêm hôm qua, một loạt các trang tin điện tử của thế giới loan tin tướng Giáp đã qua đời. Đến sáng nay các báo đài chính thống của Việt Nam cũng lục tục đưa tin. Bao nhiêu bài viết, phân tích, tổng hợp rất hay về cụ Giáp đã lên mạng hoặc từng được nhắc tới trong các tài liệu lịch sử, chính trị từ nhiều năm nay. Thông tin có rất nhiều, song có lẽ không hẳn mọi thứ đều là sự thực. Công trạng của cụ Giáp trong trận Điện Biên Phủ thì đã được trình bày rõ, nhưng vai trò của cụ trong chiến tranh với người Mỹ, và nhất là xung quanh dịp Mậu Thân 1968 và những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh vào năm 1975 thì có nhiều ý kiến thậm chí là trái chiều. Có người bảo cụ coi nhẹ sinh mạng của từng người lính, rằng để đánh thắng người Pháp ở Điện Biên Phủ, cụ coi những hy sinh về con người là điều tất yếu, chẳng thấm vào đâu với chiến thắng đại cuộc. Lại có người nói ngược lại, cụ đau xót cho từng chiến sĩ của mình đã ngã xuống, chứ không hề vô cảm xua quân lên kiểu “biển người” như cố vấn Trung Quốc chỉ đạo năm 1954. Về Tết Mậu Thân, nhiều sử gia phương Tây cho rằng cụ Giáp là tác giả chủ chốt, trong khi nhiều sử liệu gần đây được công bố cho thấy những ngày đó chính cụ đã bị gạt ra rìa và thậm chí khi súng nổ ở miền Nam Việt Nam vào dịp tết ấy, cụ còn đang ở Trung Quốc cùng cụ Hồ, sau chuyến dưỡng bệnh ở Hungary… Ngoài ra, còn biết bao nhiêu điều thị phi về cụ Giáp mà phải là những nhân vật có thân thế mới biết được. Vài ba điều về sự thất sủng của cụ đã được nhà báo Huy Đức mô tả trong cuốn Quyền Bính gần đây. Nhưng tôi đồ rằng, còn nhiều góc khuất khác, nhiều vinh nhục mà có lẽ chỉ mình cụ biết rõ nhất.

Những năm cuối đời của cụ Giáp, tôi trộm nghĩ, có lẽ cũng không được bằng phẳng lắm. Các đối thủ trong đời của cụ, những danh tướng người Pháp, người Mỹ đều đã qui tiên. Vợ và cả người con gái lớn của cụ cũng ra đi trước cụ. Những người từng cùng chí hướng với cụ, gần gũi nhất trong suốt cuộc đời binh nghiệp và chính trị của cụ cũng không còn lại ai. Sống với bệnh tật và những hồi ức (mà chắc chắn là nhiều hồi ức buồn) của cả một cuộc đời dài như thế hẳn không dễ dàng gì.

Nhiều đánh giá của các học giả lịch sử quân sự thậm chí so sánh cụ với những vị tướng soái lẫy lừng trong lịch sử như Napoléon, Rommel, hay MacArthur. Tôi còn nhớ, Thống chế MacArthur, trong bài diễn văn đã đi vào lịch sử của ông – khi tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật trong Thế Chiến II ngày 2 tháng 9 năm 1945 trên soái hạm USS Missouri, đã nói rằng: “Tôi có một niềm hy vọng sâu sắc, niềm hy vọng có lẽ là của cả loài người trong thời khắc lịch sử này, rằng chúng ta sẽ thoát ra khỏi quá khứ đẫm máu bạo tàn, để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn – một thế giới tôn trọng phẩm giá của con người, một thế giới cho phép con người đạt tới những ước vọng mình khao khát nhất về tự do, lòng khoan dung, và công lý.” Tôi trộm nghĩ, lúc sinh thời, có lẽ cụ Giáp cũng từng mong muốn đưa đồng bào thoát khỏi cảnh binh đao để xây dựng một đất nước tươi đẹp, thanh bình. Những năm cuối đời, khi chiến tranh đã kết thúc, cụ có thực sự được chứng kiến đồng bào mình sung sướng và đạt được những ước vọng giản dị nhất hay không, có lẽ chỉ mình cụ biết rõ nhất.

Biết tin cụ mất, nhiều bạn trẻ đã bày tỏ sự kính trọng, thương tiếc trên các trang mạng xã hội. Nhiều người thậm chí cho rằng, sự ra đi của cụ đem theo cả những gì được coi là biểu tượng cho sự tài trí, đức độ, điểm tựa có giá trị lịch sử hiếm hoi còn sót lại của cả một xã hội. Tôi thì chỉ nghĩ rằng, cuộc đời này đã đặt quá nhiều gánh nặng lên vai cụ. Tôi hy vọng lúc ra đi trong lòng cụ thanh thản. Có lẽ, những gì làm được cho đất nước, cho mọi người, cụ đã làm cả rồi, và làm thật đẹp đẽ.

Và bất giác tôi nghĩ tới bác giai cùng căn nhà ở Gia Lâm của ông. Cách đây nhiều năm, bác đã qua đời vì trọng bệnh. Rồi bác gái gần đây cũng đã cho xây một căn nhà nhiều tầng to đẹp hơn trên nền đất cũ, qui hoạch lại toàn bộ cơ ngơi. Thành ra, căn nhà mà tôi yêu quí với chiếc ao xưa nay đã không còn nữa. Những cột kèo ngày xưa nay đã ở nơi nao, tôi không được biết. Những dòng chữ trên đó, bác tôi từng rất tự hào, nay chắc đã phai mờ hoặc mất đi theo thời gian. Và mấy cái vỏ đạn pháo theo bác về từ chiến trường Điện Biên, không biết là còn hay đã mất.

Biết đâu, lúc này linh hồn cụ Giáp đang đoàn tụ với những người thân yêu đã đi xa. Biết đâu, cụ đang được những người lính năm xưa vây quanh. Chân đất tham gia quân đội từ ngày mới lớn, từ khi chắc còn chưa biết cụ là ai, rồi bác tôi đã quay về từ chiến trường với những vỏ đạn pháo, mang theo một niềm ngưỡng vọng chất phác mà sâu lắng về vị tướng của mình.

Vâng, biết đâu bác tôi và các đồng đội lúc này đang ngồi bên cụ Giáp, và bên họ còn có cả những cựu thù nữa, ở một cõi nào đó rất xa. Ở nơi đó, họ sẽ không phải đi vào khói lửa, nã pháo vào đầu nhau, không phải chứng kiến máu đổ can qua. Ở nơi đó cụ không còn phải canh cánh lo góp ý cho người ta đừng đào bới boxit lên, nơi đó con người không là kẻ thù của nhau, nơi đó người ta không tham lam và vô cảm…

(Ảnh minh hoạ của KL: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – nhìn từ trên đỉnh Cột cờ Hà Nội)
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. "Tôi hy vọng lúc ra đi trong lòng cụ thanh thản. Có lẽ, những gì làm được cho đất nước, cho mọi người, cụ đã làm cả rồi, và làm thật đẹp đẽ."
    cái nhìn của người viết khiến mình nể phục. Bài viết rất hay và cảm động. =)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI