Đây là một câu hỏi tuyệt vời, và tôi tin là rất nhiều người, kể cả tôi, đã từng trăn trở với suy nghĩ này. Tôi đã suy ngẫm thật kỹ và tra cứu qua nhiều tài liệu. Đây là câu trả lời của tôi:
Trước tiên, để tôi bắt đầu bằng một câu hỏi: Ai thành công hơn: Ram hay Ravan? (Translator: Ai từng đọc qua sử thi kinh điển Ramayana thì biết.) Hãy xem xét một vài sự kiện:
Ravan:
– Đã chiến thắng mọi đạo binh Thiên Quốc
– Có một kinh đô nơi tất cả nhà cửa cung điện đều được làm bằng vàng (Golden Lanka)
– Danh tiếng lẫy lừng bốn phương. Mọi người đều công nhận và sợ hãi sức mạnh của hắn.
– Nhưng xảo trá, tha hóa, vô lễ, khép kín, ích kỉ, kiêu ngạo, v.v…
– Rất giống với một chính trị gia tha hoá lũng đoạn thời nay.
Ram:
– Thông tường kinh sách Vệ Đà
– Rất khiêm nhường
– Một người cai trị rất giỏi
– Hòa đồng
– Tuân thủ luật pháp
– Nhưng đã bị lưu đày (cùng vợ và em trai) 14 năm trước khi lên ngôi
– Vợ là Sita bị bắt cóc trong thời gian lưu đày
– Phải vượt đường xa ngàn dặm tìm vợ
– Một lần nữa vợ chồng bị chia cắt khi anh lên ngôi vua
– Cơ bản là luôn có những khốn khó xảy ra trong đời
– Rất giống với một “người tốt” ngày nay!
Chúng ta luôn nói rằng Ram là người thành công – phải không? Nhưng trong thế giới ngày nay, có thể chúng ta sẽ nói Ravan (hay những người xấu xa) là người thành công. Tại sao có sự khác biệt này? Điểm sai nằm ở đâu? Vâng câu trả lời nằm trong cùng những cuốn sách đã định nghĩa nhân quả: Vệ Đà, Chí Tôn Ca, v.v..
Nếu bạn nhìn kĩ, chúng ta nói rằng Ram thành công là vì nó đã được viết trong sử thi Ramayana và tri thức này thì lại được truyền lại cho chúng ta từ đời này qua đời khác, các chương trình TV, v.v… Điều quan trọng cần chú ý trong trường hợp này, nhân quả và thành công được định nghĩa trong cùng một nơi – trong cuốn sách. Trong khi với câu hỏi này chúng ta đang nói về những định nghĩa ở hai nơi khác nhau: Nhân quả theo định nghĩa trong kinh sách, và “thành công” theo định nghĩa thời nay.
Hãy xem thành công là gì dựa theo kinh sách
Kinh Vệ Đà định nghĩa một người thành công là một người có trình độ tâm linh cao, người đã chiến thắng được giận dữ, ương ngạnh, và tham lam. Người này không mưu cầu quyền lực hay tiền bạc, bởi vì anh ta đã giác ngộ được chân lý tối thượng và biết được rằng cả hai thứ này đều “không thực” – chúng chỉ là những nguồn gốc của sự trói buộc và đưa đẩy một người xa rời con đường dẫn hắn tới God. Người này luôn biết thỏa mãn tri túc và hạnh phúc, không cần biết là thua hay thắng.
Nhưng trong thế giới hiện đại, tất cả những định nghĩa này đã thay đổi, quyền lực và tiền bạc tạo ra một ma trận so sánh. Danh tiếng và địa vị quan trọng hơn nhận ra điều đúng sai. Dựa theo kinh ssach thì đây là cái được gọi là *maya* (hư ảo) , những thu hút và cám dỗ giả tạm, là nguồn gốc của sự trói buộc vào thế giới vật lý này.
Cho nên bạn đã có thể thấy, những người xấu xa còn lâuuuuuuuuuu mới được gọi là thành công nếu căn cứ theo kinh sách. Nếu bạn tin vào nhân quả, bạn cũng nên hiểu thành công theo như kinh điển dạy. Đây cũng là ý nghĩa của câu nói “gieo nhân nào gặt quả đó.” Nếu bạn đã tha hóa, bạn sẽ có xu hướng chạy theo tiền bạc và quyền lực, nó sẽ dẫn dắt bạn tới sự trói buộc và thất bại tận cùng!
Tôi hy vọng câu trả lời này sẽ giúp xua tan khúc mắc.
Trả lời: Shikhar Agarwal, Top Writer 2013 (218.5k Views, 5.3k Upvotes)
Phóng dịch: Ka Ka
Featured image: Geralt
📌 Ủng hộ dịch giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2