31 C
Nha Trang
Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Góc nhìn Alan: Những bài chưa xuất bản, Alan Phan – Vừa thẳng thắn phũ phàng, vừa ẩn dụ tinh tế

thđp review

“Tôi không biết mình nói đúng hay sai nhưng thực tình càng có nhiều cách nhìn khác nhau càng đến gần sự thật. Mục đích của tôi chỉ là góp thêm một góc nhìn.”

Điều ấn tượng đầu tiên của tôi khi đọc cuốn sách Góc nhìn Alan: Những bài chưa xuất bản là sự thẳng thắn, chân tình và thực tế của TS Alan Phan, bất kể ông đang nói về đề tài nào: Kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục hay đời sống riêng tư. Sự thẳng thắn ấy mạnh mẽ đến mức khiến người ta có cảm giác bị gợn nhột ít nhiều vì Alan nói thật đến phũ phàng. Nhưng điều đó lại càng khiến người đọc tin tưởng và tôn trọng ông hơn. Những câu chuyện về mánh khóe chính trị, các chiêu bài kinh doanh, sự tha hóa của các cơ quan nhà nước trong tuyển dụng hay sự yếu kém trí lực của lớp trẻ Việt Nam được diễn đạt trong những mẩu truyện ngắn, đôi khi chỉ là một vài lời “đá qua” nhưng cũng đủ gợi lên nhiều suy tư trong lòng người đọc.

Phải đến già nửa nội dung của cuốn sách nói về kinh tế và chính trị – những đề tài rất khó nuốt, đòi hỏi người đọc cần có kiến thức chuyên môn nhất định. Phần còn lại tác giả Alan nói về thực trạng xã hội, lối sống cùng cách tiếp cận cuộc sống của bản thân ông thông qua những trải nghiệm.

Trong số các tác giả viết về thực trạng xã hội tôi đã từng biết qua những cuốn sách thì có lẽ TS Alan Phan là người nói thẳng nói thật nhất. Riêng tinh thần tự do, cởi mở ấy cũng truyền rất nhiều cảm hứng để độc giả sống thật với bản thân và với người khác rồi.

“Người dân sẵn sàng chi vài tỷ đô la cho bia rượu… Các đại gia và chân dài tha hồ khoe khoang khi chi tiêu vài chục tỷ đô la cho siêu xe, hàng hiệu và tiệc tùng… Ai có thì giờ để nghĩ về những trí tuệ đang chật vật nuôi gia đình với thu nhập ít ỏi? Đây mới thật sự là xa xỉ trong xã hội này.”

Đọc cuốn sách Góc nhìn Alan, tôi để ý thấy ông Alan kể rất nhiều về những trải nghiệm cùng những tài sản và những mối quan hệ ông có mà hiếm khi nói lặp lại chuyện gì trong số đó. Lúc đầu nghe thì có cảm giác ông ta khoe khoang, nhưng sau rốt nhận ra là không phải. Đơn giản là ông giàu đến độ khi nói đến đâu cũng chỉ toàn chạm vào hàng cao cấp, từ thủ tướng này đến thượng nghị sĩ nọ, từ biệt thự này đến siêu xe nọ, từ triệu đô la này đến trăm triệu đô la nọ. Alan Phan không khoe cũng không được vì chuyện nó phải thế. Nghe riết thấy nhiều hàng sang quá, đến sau cùng đọc cái gì gắn với Alan cũng thấy sang mồm. Tôi chỉ xin chốt lại một cảm nhận rằng: Ông Alan rất giàu – Không chỉ về đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần (trải nghiệm và mối quan hệ.)

Có một điều tác giả Alan đề cập xuyên suốt trong cuốn sách đó là sức mạnh của giáo dục (nâng cao tư duy, tầm nhìn, vốn hiểu biết của bản thân) và tầm quan trọng của việc hành động. Ông khuyến khích độc giả mở rộng góc nhìn bằng tranh luận, thảo luận, phản biện, thậm chí phê phán (Alan mở hẳn một buổi tiệc để mọi người đến “phê” ông.) Xuyên suốt cuốn sách của ông đầy ắp những trải nghiệm, và phủ vùi lên nó là cả thành công và thất bại. Chúng ta thấy một con người hiên ngang đi giữa đất trời, rực cháy với đam mê suốt cả cuộc đời và sẵn lòng sẻ chia kinh nghiệm bôn ba đầy quý giá với tất cả mọi người. Alan Phan đã mất, nhưng di sản tinh thần của ông vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

“Với giáo dục, chúng ta khỏe mạnh hơn (không ăn nhậu bừa bãi và tự đầu độc), chúng ta sáng suốt hơn (không bị những lời hoa mỹ bịp), thương người khác nhiều hơn (vì chúng ta biết so sánh mình với thế giới) và gần với Thượng Đế hơn (khi biết đọc và tìm hiểu thêm về văn hóa nghệ thuật).”

Hay:

“Cái đòi hỏi của bao tử và hormone rất cần thiết (một người đói dài sẽ bỏ quên mọi thứ khác); nhưng muốn cuộc đời thăng hoa đúng nghĩa, chúng ta cần trí tuệ.”

Bên cạnh những ngôn từ thẳng thắn, Alan cũng truyền đạt những ý tưởng thông qua những hình ảnh ẩn dụ hay những câu chuyện ngụ ngôn. Hầu như nói về vấn đề gì, ông cũng có một hình ảnh tượng trưng mô tả cho nó. Người đọc đã có kiến thức rồi thì sẽ hiểu sâu hơn, còn ai chưa có thì cũng phần nào mường tượng được ít nhiều trong sự thích thú. Ông gọi thị trường bất động sản như một quả bom, ông nói về những lớp người trong xã hội bằng hình ảnh sói – cừu và ông mô tả nền kinh tế Trung Quốc là con voi còn ông là gã thầy bói, v.v…

“Sói là sói và cừu là cừu. Cừu có thể hoang tưởng cho mình là sói, nhưng sói thì không bao giờ nhầm lẫn.”

Châm chọc, mỉa mai, trào phúng là sắc thái đáng kể của Alan Phan. Những gì ông nói rất có uy lực vì ông là người có trải nghiệm thực, không phải ếch ngồi đáy giếng biết dăm ba câu chuyện là múa gậy vườn hoang. Lời của ông đi từ trải nghiệm thực nên có sức nặng. Càng đọc về sau ta càng thấy rõ sự sâu sắc và từng trải của TS Alan Phan – một người tâm huyết với công việc, với đất nước, con người Việt Nam và luôn đau đáu vì sự phát triển của dân tộc.

Văn phong của ông phá cách, thậm chí phá phách. Nó vừa bác học, vừa bình dân; vừa logic trật tự, vừa mềm mại nên thơ; vừa như lời thủ thỉ tâm tình, vừa như gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt. Người đọc sẽ vừa nể, vừa mến ông với lối viết nhu cương kết hợp. Ông nói ít, nhưng rất chất lượng và ấn tượng. Có thể nói, Alan đã tạo nên một dấu ấn cá tính sắc nét trong ngôn từ. Ta khó lòng nhầm lẫn được phong cách này của ông với một ai đó khác.

Có rất nhiều đoạn thể hiện khiếu hài hước cùng khả năng văn chương nghệ thuật của ông. Cá nhân tôi luôn đánh giá cao những tác phẩm có sự hài hước, vì đó là thứ để phân biệt sự khác nhau giữa con người và máy móc. Sự sinh động của một người nằm ở khiếu hài hước của anh ta.

“Tôi không bao giờ cho phép mình khóc quá giờ… vì hành động là cứu cánh cho mọi tự ti. Chẳng hạn, khi bị nhân tình cho rơi, tôi thường giới hạn nước mắt trong 15 đến 45 phút “để tang” cho cuộc tình (tùy con bé đẹp xấu); mất tài sản trên 1 triệu đô là 2 giờ; bị thiên hạ hay vợ mắng oan là 30 phút… Nhưng cho tôi xin giấu kín thời gian khóc khi thất vọng về… văn hóa, kinh tế hay chính trị xứ sở này.”

TS Alan Phan nói ẩn dụ hoặc bỏ lửng giữa chừng để người đọc tự khám phá. Chúng ta dễ dàng cảm nhận được tâm hồn nghệ sĩ của ông. Ông không chỉ là chuyên gia kinh tế mà còn là nhà văn, người tình (lover) và triết gia.

Các bài viết trong cuốn sách được sắp xếp theo trình tự thời gian và có phân loại các hạng mục, tuy nhiên các phần phía sau vẫn còn sự rời rạc, không đồng nhất về nội dung (Có thể do sự tập hợp những bài viết tản mạn của ông). Điều đáng tiếc của cuốn sách là nó mắc quá nhiều lỗi chính tả và lỗi đánh máy (vượt bực – Trang 27, bức xức – T42, binh thường – T65, xả hội – T74, tiên ăn – T165, tầm gương – T170, bạn bẻ – 202.) Khi liên tục vấp vào những hạt sạn, người đọc bị giảm sự tập trung tới nội dung chính đang được truyền đạt.

Tóm lại, đây là tuyển tập các bài viết rời rạc của TS Alan Phan, không phải một cuốn sách self-help hay phân tích kinh tế thị trường, cũng không phải sách văn học hay triết học. Tùy theo trình độ và mục đích, người đọc có thể tìm được những kiến thức cần thiết cho mình, hoặc không thì cũng vui dạo ngồi nghe chuyện đời bôn ba thăng trầm mà vẫn đầy thi vị của ông tiến sĩ. Cá nhân tôi đã học hỏi được rất nhiều góc nhìn mới lạ từ ông Alan. Cảm ơn ông vì đã xuất hiện trên cõi đời này.

8/10 là điểm tôi dành cho cuốn sách Góc nhìn Alan – Những bài chưa xuất bản.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: pinterest
spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI