Trí thức là gì? Nó có gì quan trọng và tại sao chúng ta lại cần phải nói về nó? Trước tiên chúng ta cần một định nghĩa để tiếp tục. Định nghĩa mà tôi đưa ra chỉ cần một câu ngắn gọn hàm súc. Trí thức là một tâm trí tỉnh thức. Một tâm trí tỉnh thức chính là nền tảng cốt lõi của bất kì một người trí thức nào. Từ nó mà mọi thứ khác sẽ nảy sinh. Một người với một tâm trí tỉnh thức sẽ luôn biết mình đang làm gì, nghĩ gì, và tại sao mình lại làm thế, nghĩ thế. Anh ta không còn là sự tư duy, nhưng đã đi sâu hơn vào bên trong, tư duy về sự tư duy, anh trở thành người kiểm soát tư duy của chính mình.
Trí thức là một trong những thành phần nòng cốt trong bất cứ một xã hội nào. Họ là bộ vi xử lý CPU trong máy tính của bạn; họ là não bộ trong cơ thể người. Lấy chân thiện mỹ làm kim chỉ nam, trí thức tìm kiếm, tạo ra, và mang lại những giá trị mới cho cộng đồng, những giá trị tốt đẹp. Họ nói những điều ít ai nói, làm những điều ít ai làm, mơ những điều ít ai dám mơ. Người trí thức có một trái tim cháy bỏng khát khao sự thật. Sự thật là cái họ luôn kiếm tìm. Đối với họ sự thật không bao giờ cần phải được bảo vệ, nó chỉ cần được phơi bày, lan tỏa. Dù cho không một ai bảo vệ nó, sự thật cũng sẽ vẫn không bao giờ hết là sự thật. Đây là một sự thật. Người trí thức có một tầm nhìn ở một vị trí cao hơn số đông, vì thế họ thấy được nhiều hơn. Họ không bao giờ dừng lại. Những tầm cao mới là cái họ luôn vươn tới. Nếu chỉ biết có đi lên mà không biết đi xuống thì đó không phải là một người trí thức đích thực. Họ mang những cái họ thấy từ trên núi đồi xuống chia sẻ cho những người ở đồng bằng . Đó là bản chất của một trí thức thực thụ. Đó là việc họ làm. Không cần biết là những người kia có tiếp thu được gì hay không, đó là về phần họ.
Người trí thức cũng phải biết đam mê cái đẹp, theo đuổi cái đẹp, vì cái đẹp chính là sự khao khát của nghệ thuật. Thiếu sót làm sao một trí thức không có được trái tim của người nghệ sĩ. Họ phải thấy được cái đẹp trong màu sắc, hình thể, trong từng đường thẳng, đường cong. Nghe được cái đẹp trong tiếng gió, tiếng chim. Ngửi được cái đẹp trong cỏ hoa, mây trời. Nếm được cái đẹp trong giọt nước mưa, nước biển. Sờ được cái đẹp của sự cứng rắn hay mềm mại. Hiểu được cái đẹp trong những con chữ, những con số, hằng số của thiên nhiên ngang dọc. Thấu cảm được cái đẹp trong tâm hồn, của mình và của người khác.
Không chỉ thế người trí thức còn phải là một người hướng thiện, thông minh, kiên nhẫn, sáng tạo, tỉ mỉ, uyển chuyển, tinh tế, tâm huyết. Với những phẩm chất đó họ đi sâu vào lòng xã hội. Đi đến đâu họ gieo rắc những mầm mống của sự sống, sự thật, cái thiện, và cái đẹp đến đó. Những hạt giống đó cần thời gian để lớn lên, người ta có thể chưa thấy ngay lập tức nhưng chắc chắn chúng sẽ lớn lên và sinh hoa kết trái. Trí thức không phải là kết quả từ việc đọc vài tờ báo, xem vài chương trình TV. Trí thức không có nghĩa là một người bị cận thị, thuộc vài câu thơ, biết giải những bài toán. Bất cứ học sinh sinh viên nào cũng có thể làm được như vậy. Trí thức không phải là những con mọt sách sống xa rời thực tại. Họ phải là những người biết đem những điều hay lẽ phải mình học được áp dụng vào đời sống mỗi ngày, cải tiến nó, nâng cấp nó. Như Lý Tiểu Long đã từng nhấn mạnh rằng,
“Biết không thôi chưa đủ, chúng ta phải áp dụng. Sẵn sàng không thôi chưa đủ, chúng ta phải thực hiện.”
Hiện thực chỉ xảy ra cho những ai biết thực hiện.
Những gì mà giới trí thức mang lại không đơn thuần chỉ là những sản phẩm dùng để mua vui giải trí vài phút, vài tiếng. Những sản phẩm đó khi qua đi để lại mọi thứ đâu vào đó. Bạn lại quay về với những bề bộn, bất lực. Trí thức đào sâu vào tận gốc rễ, mang lại một sự thay đổi hoàn toàn. Họ thay máu lọc gan cho bạn, thiết kế chỉnh sửa lại DNA của bạn, nâng cấp hệ điều hành cho bạn. Để từ đó bạn không còn sợ hãi nữa khi biết rằng sợ hãi giết chết nhiều người hơn bất kì một tai nạn và bệnh tật nào khác trên đời.
Người trí thức đấu tranh cho tự do và chân lý. Vì chỉ khi có tự do con người mới có được hạnh phúc. Chẳng phải hạnh phúc là điều mà tất cả đều tìm kiếm? Chẳng phải hạnh phúc là điều mà tất cả những ai đang hiện hữu trên đời này cũng xứng đáng có được nó? Người ta tìm kiếm hạnh phúc là vì người ta đang không có nó. Và tại sao con người ngày nay càng ngày càng cảm thấy mình bất hạnh? Lý do đơn giản là vì họ không tự do. Những người bị giam hãm nhất là những người đang sống với cái ảo tưởng về sự tự do của mình. Nên cách tốt nhất để giam hãm họ chính là cung cấp cho họ những thứ giúp nuôi cái ảo tưởng đó. Và những người này sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để bảo vệ những ảo tưởng đó, đôi khi thậm chí bằng những cách không được nhẹ tay lắm. Terence McKenna, một người tôi rất ngưỡng mộ đã nhìn thấy rằng, “Chúng ta đã lên được mặt trăng, vẽ được biểu đồ độ sâu đại dương và hạt nhân của nguyên tử. Nhưng chúng ta vẫn còn sợ hãi nhìn vào nội tâm của mình vì chúng ta cảm nhận được đó là nơi mọi mâu thuẫn tồn tại.” Nhiệm vụ của người trí thức là phá tan những mâu thuẫn đó. Vì “Khi trí tuệ lên ngôi, không có sự mâu thuẫn giữa cái đầu và trái tim”, Carl Jung hiểu rõ.
Tầng lớp trí thức có một trọng trách to lớn đối với xã hội. Họ là những người đi tiên phong mở đường. Không những chỉ nhìn thấy được sự thật họ còn nhìn thấy những hố sâu trước mắt, những đoạn gãy nẻo cong trước mặt, những phí phạm sau lưng. Tuy là vậy nhưng họ thường là những người ít được xã hội coi trọng đúng mức. Vì xã hội ưa thích sự quen thuộc, an toàn, nó sợ nhất là những gì lấy đi sự quen thuộc, an toàn của nó. Xã hội thích sự im lặng, nuôi sự thờ ơ. Cả hai đều là những gì trái ngược nhất đối với một trí thức. Anh sẽ không im lặng trước những giả dối. Anh sẽ không thờ ơ trước những sai trái. Suốt cuộc đời của một trí thức là sự hoạt động không ngưng nghỉ. Cái chết đối với anh không là gì vì anh biết những gì anh để lại sẽ không bao giờ chết như suối đầu nguồn sẽ chảy mãi không bao giờ hết.
(Bài này được viết vào năm 2013, sửa lại một chút vào hôm nay.)
Tác giả: Nguyễn Hoàng Huy
Cám ơn cám ơn 😀 hay quá
Cảm ơn anh Huy, tri thức mà anh đề cập đến giống như hình mẫu Socrates vĩ đại của Hy Lạp vậy