Featured image: Wiki Commons
Một trong những nét rất hay trong văn hóa người Việt chúng ta, đó là tuy bị “Tàu” đô hộ hàng ngàn năm, nhưng ba trong bốn vị Thánh bất tử (Tứ bất tử) của dân tộc ta đều đã có từ thời Hùng Vương, rất lâu trước khị bị Bắc thuộc. Chỉ có Liễu Hạnh Công Chúa là mới được đưa vào danh sách Tứ bất tử từ thời nhà Lê.
Trong khi Liễu Hạnh Công Chúa tượng trưng cho tinh thần, phúc đức, thịnh vượng và nghệ thuật thơ ca, thì ba vị nam thần còn lại mỗi người đại diện cho một đức tính, tinh thần rất đặc trưng của người Việt, đó là chống giặc ngoại xâm – Thánh Gióng; Đấu tranh và chống chọi với thiên tai – Sơn Tinh; và đặc biệt người còn lại, Chử Đồng Tử – đại diện cho “tình yêu”, “hạnh phúc” và “sung túc”.
Có thể thấy rằng, Tổ tiên của chúng ta, thông qua thực tiễn cuộc sống đã mượn hình tượng mang tính đại diện của bốn vị thánh này để phản ánh (và có thể là mong muốn) tiến trình phát triển của mình trên đất nước chúng ta ngày xưa. Tiến trình đó bào gồm: chinh phục thiên nhiên (đắp đê, tôn cao nền nhà,v.v) để ổn định cuộc sống và khi đã yên ổn được phần nào rồi thì lại phải chống lại ngoại xâm. Sau khi quân thù bị đánh bại, mọi người cùng nhau xây dựng một xã hội sung túc cùng sự bình đẳng trong tình yêu lứa đôi. Và một khi xã hội đã thịnh vượng thì mọi người sẽ có điều kiện quan tâm đến nghệ thuật, thơ ca và các lĩnh vực tinh thần khác.
Một chi tiết khá thú vị là ngay khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đã vội vã bay ngay về trời mà không hề để lại bất kỳ “cẩm nang” hay “nhắn nhủ” nào cho hậu thế. Có thể đây chính là một điểm mấu chốt trong tính cách Việt, đó là “thiếu tính kế thừa” và “giải quyết vấn đề theo kiểu sự vụ”. Khi lũ lụt đã được hạn chế, kẻ thù đã bị đánh tan thì dĩ nhiên là chúng ta đều mong muốn được sống một cuộc sống yên bình và thịnh vượng.
Trong thực tế, lúc chiến tranh, con người dễ đồng cam, cộng khổ, khi thời bình rồi thì lợi danh lấn át nên khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, vua tôi rạch ròi chứ không còn ngồi chia nhau tí muối như trong thời chiến nữa. Thật là không tưởng để một anh làm nghề câu cá có thể gặp và kết hôn với một cô công chúa, lá ngọc cành vàng và nếu chuyện đó có xảy ra đi nữa thì đâu là nền tảng để họ có thể sống với nhau dài lâu? Xin thưa, mong ước về một xã hội công bằng và đầy đủ đã được nhân dân ta gửi gắm vào câu chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung.
Không xét đến các nghi ngờ là chuyện này (hai người lấy nhau) có thật hay không hoặc các thắc mắc về việc Chử Đồng Tử đã làm thế nào để khiến cho Tiên Dung công chúa chấp nhận bỏ lại tất cả để theo chàng, mà chỉ tập trung phân tích vấn đề là hình tượng này có ý nghĩa như thế nào trong văn hóa Việt khi đươc người dân tôn thờ là Thánh và đại diện cho tình yêu, hôn nhân và sung túc giàu có.
Xét trên khia cạnh ngẫu nhiên thì việc Tiên Dung ngượng khi dội nước tắm và vô tình làm lộ thân hình của Chữ Đồng Tử ra là rất có khả năng xảy ra. Tôi không hiểu rõ về người Việt thời Hùng Vương khi đó, nhưng tôi cho rằng nếu chuyện đó xảy trong khoảng một nghìn năm trở lại đây thì chắc là anh đánh cá không những không thành được phò mã mà còn bị mất cả đầu. Kể cả khi vì lý do nào đấy mà Tiên Dung muốn lấy Chử Đồng Tử để rồi sau này bị Vua Cha ngăn cấm thì chắc là chỉ mấy tháng sau công chúa đã có thể chán chàng rồi! Bởi vì sao, bởi vì nếu nhìn vào cặp đôi “hoàn hảo” này thì chúng ta có thể thấy không có chút hoàn hảo nào cả. Chính vì vậy nên Tiên Dung tuy đã cùng chồng làm nghề buôn bán rất tấp nập nhưng vẫn cố gắng thuyết phục chồng đi học (đạo) và thật bất ngờ chỉ trong một thời gian ngắn chàng đã thành công.
Nếu như chúng ta xem chuyện Tàu thì hầu hết những ai muốn thành tiên đều phải cực kỳ gian nan vất vả và khổ luyện. Ngoài căn tu ra thì Thượng đế còn phải thử thách lòng kiên trì, quyết tâm của người đó rồi mới có thể đưa họ thành Thần Thánh hay Tiên được, nhưng có vẻ đối với dân Việt chúng ta thì mọi chuyện thật đơn giản, đó là chỉ cần có duyên (phận) và may mắn chút thì bạn, một người cùng khổ và mù chữ có thể lấy được không những vợ đẹp mà còn là công chúa và đắc đạo cùng bao nhiêu phép thuật trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Tuy câu chuyện và hình mẫu của Chử Đạo Tổ có thể thuần túy là để thể hiện mong ước và khát vọng của đại bộ phận dân Việt ta ngày trước, nhưng có thể thấy rằng hình như đã từ lâu rồi người Việt chúng ta tuy có muốn thay đổi nhưng không nhìn thẳng vào vấn đề để đưa ra các giải pháp hợp lý mà trông đợi ở phép màu nào đó. Chúng ta không nghiêm túc khi đánh giá các thành công của người khác, bởi vì mọi người vẫn nghĩ đơn giản như chuyện Chử Đồng Tử gặp được Tiên Dung rồi sau đó thành Tiên. Và quan trọng hơn nữa là thay vì hành động, chúng ta lại ngồi chờ để phép màu tự đến và vì vậy đến bây giờ chúng ta đã bỏ qua rất nhiều cơ hội cho một đất nước hùng cường.
Dù sao thì Chử Đông Tử vẫn sẽ mãi là một trong Tứ bất tử của người Việt – một dân tộc chọn cho mình lối sống khiêm nhường và không quá phức tạp trong cách nghĩ. Và cũng học được từ ngài – biểu tượng của tình yêu Việt, chúng ta chắc hẳn đều có ít nhiều trong mình mấy cái gien “râu quặp”.
tôi nghĩ tác giả đang có vấn đề trong cách dựa trên câu truyện thánh gióng, chữ đồng tử ..vv. để qua đó cho thấy điểm yếu trong cách tư duy cảm tính, ngắn hạn ..của con cháu VN là đã được di truyền từ đời khai thiên lập địa.
thứ nhất đây là mấy câu truyện dân gian truyền miệng từ ngàn đời, mà mọi người thử nghĩ xem : một câu chuyện truyền qua bao nhiêu người, bao thế hệ thì nó chắc chắn sẽ bị sửa đổi để qua đó gửi gắm mong ước, nguyện vọng của những người nghe- kể lại,
thứ hai , theo logic thông thường thì những tình tiết có tính logic sẽ bị bỏ qua mà thay vào đó sẽ là sự thêm thắt các yếu tố mê tín, thần thánh vào để nó có sức sống chứ??
nói cách khác tính không logic là bản chất của bất kì một câu truyện truyền miệng được đi qua hàng thế kỷ, nên ko thể dùng tư duy hiện đại để phê phán nó được.
Bạn ơi,mấy vị khác thì mình không bàn,nhưng bạn hiểu chưa sâu sắc về chuyện Thánh Gióng rồi !
Thánh Gióng không phải là nhân vật hư cấu kiểu Sơn Tinh đâu mà là một nhân vật có thật trong lịch sử đã được nhân dân yêu mến mà thần thoại hóa trở thành ” Thánh ” thôi !
Cho nên khi xem xét Thánh Gióng thì bạn phải dựa vào lịch sử chứ không thể phán bừa được.
Nếu lần về nguyên bản của Thánh Gióng thì bạn sẽ thấy chi tiết này : sau khi đánh tan giặc xong,Thánh Gióng trên đường lên núi Sóc Sơn,dọc đường đi người và ngựa có dừng chân uống nước nhiều lần.
Theo nhà sử học Lê Văn Lan phân tích thì đó là dấu hiệu của chứng mất máu cho thấy ông đã bị thương nặng.Việc bay lên trời chẳng qua cũng là do nhân dân yêu mến nên né tránh việc ông đã chết trận tại Sóc Sơn vì đã hy sinh cho dân tộc,điều này cũng như việc dân ta đã cho rằng An Dương Vương đã được Kim Quy rước về biển để né tránh sự thật đau lòng là ông đã phải trầm mình tự vẫn.
Nếu có chi tiết nào thú vị quanh chuyện Thánh Gióng thì chỉ có thể là chi tiết này : Thậm chí,có thể Thánh Gióng không thật sự dẹp được giặc,nhưng cái chết của ông đã tạo mối liên kết mạnh mẽ trong nhân dân,kích thích lòng yêu nước.
Mong bạn hãy một lần nhìn Thánh Gióng như một anh hùng dân tộc bằng xương thịt như mọi người,một vị tướng đã liều mình hy sinh vì nước chứ không phải là ” Thánh ” thật sự đâu.Sự hy sinh của ông mới chính là điều ” nhắn nhủ ” cho hậu thế kế thừa đó,chứ làm gì có thứ ” cẩm nang ” nào ở đây ?
Cảm ơn bạn về những thông tin rất thú vị này. Thực ra mình chỉ muốn đưa ra một cách nhìn về việc người xưa muốn nói điều gì thông qua các câu chuyện này chứ không có ý định bàn cụ thể xem các ông này là ai. Ở đây các vị Thánh này đươc sử dụng như những Case Sudy mà thôi.
Ba vị nam thần này đều có thật cả chứ không riêng gì Thánh Gióng. Sơn Tinh đã từng giúp Bố Vợ giao tranh với Thục Phán trên sông Hồng và bị thua trận chứ không hoàn toàn là nhân vật dân gian đâu bạn!
Vâng,nhưng Case Sudy không hoàn toàn là những form hình mẫu mà được xây dựng từ một người thật,nên phải dựa vào đó,chứ bạn kết luận Thánh Gióng không để lại ” cẩm nang ” hay là người đi ” giải quyết sự vụ ” thì có phần vô lý quá,trong khi chính hình tượng ” Thánh Gióng ” của ông đã là lời nhắn nhủ mang tính kế thừa rồi.Chính là sự hy sinh vô tư vì đất nước đó thôi,điều đó đã được kế thừa rất rõ ràng.
Ba nhân vật còn lại cũng từ người thật,cả gà chín cựa,ngựa chín hồng mao cũng được chứng minh là thật.Nhưng vì mờ nhạt quá nên mình ko dám phân tích,dù báo Thanh Niên cũng đã có loạt bài nghiên cứu !
Bạn ơi “Thánh” có nghĩa là con người hóa thân và được nhân dân suy tôn mà thành như Thánh Trần và sau này sẽ có Thánh Giáp
Đúng rồi mà bạn,ý mình là phải nghiên cứu con người thật để hiểu vì sao nhân dân suy tôn và suy tôn tới mức độ thế nào.
Riêng trường hợp ” Thánh Giáp ” là do báo chí lề phải và bộ máy tuyên truyền bơm lên thôi.Chứ sự thật là phải tôn vinh Vi Quốc Thanh,nhưng ai mà dám !
“Kể cả khi vì lý do nào đấy mà Tiên Dung muốn lấy Chử Đồng Tử để rồi sau
này bị Vua Cha ngăn cấm thì chắc là chỉ mấy tháng sau công chúa đã có
thể chán chàng rồi!”
–>> đọc câu này thấy mắc cười, vì có một lí do khiến TD sau khi đã “yêu” CĐT rồi thì yêu mãi không muốn bỏ bạn ạ =))))))
Bạn đọc câu đó mà không thấy giống như ý bạn đang nói sao?
Phong trào xào nấu truyện cổ cũng có từ khá lâu rồi, bàn qua bàn lại cũng chả có tí tác dụng gì, con mắt của người xưa khác, ở cái xã hội phong kiến như thế thì hệ tư tưởng chắc chắn là chẳng giống bây giờ. Tiếp nhận nó cũng như là tiếp nhận 1 thứ văn hóa gì đó như TQ hay phương Tây thôi, chắt lọc cái tinh hoa, thậm chí cải biên đi cho phù hợp.
Hơn nữa chẳng thể đòi hỏi ở những câu chuyện dân gian truyền miệng cái sự sâu sắc và phức tạp trong đó được, vì đó là những câu chuyện trà dư tửu hậu, được bà hay mẹ kể cho con cháu nghe nhằm xây dựng trong nó cái lòng yêu nước, cái chí anh hùng thời loạn, cái sự công bằng và vận may sẽ mỉm cười với anh vào 1 lúc nào đó trong đời. Và cái quan trọng nhất, nó được lấy cảm hứng từ những việc có thật ở xung quanh họ.
Tôi, trước nhất là đồng ý với tiêu đề bài viết này. Đương nhiên rồi, truyện người Việt chả nhẽ lại mang tâm hồn Tàu?
Nhưng tôi cũng đến toát mồ hôi hột vì cách nhìn nhận vấn đề của tác giả. Theo ý kiến cá nhân, thì có thể tác giả đang nhìn nhận câu chuyện bằng con mắt thực dụng của THỜI ĐẠI NÀY. Tuy nhiên, 1 câu chuyện mà chỉ nhìn nhận như thế thì thật phiến diện.
Chỉ xin bàn sâu về câu chuyên CDT, bởi vì theo như tôi nhận thấy thì câu chuyện này đóng vai trò là nền tảng để tác giả phát triển ý kiến.
Vì sao CDT lại được coi là 1 trong Tứ bất tử? Chỉ vì mấy lí do mà tác giả nêu ra thôi sao? Tôi không cho như vậy là đúng. Có cỡ đó mà đã hô là Tứ bất tử, người xưa có ngu muội quá không? Nên nhớ, người xưa có thể không
tư duy lô gic tốt như giờ, nhưng bài học đạo lý và cách đối nhân xử thế, cùng các giá trị đạo đức là thứ mà ta luôn phải xách dép đuổi theo người xưa mà học nhé.
Có thể câu chuyện CDT mang vài ý tiêu cực như tác giả nêu, nhưng nó không thể nào lấn át được những giá trị và ý nghĩa chính, đó là:
-Phản ánh nguyện vọng, ước mơ tự do hôn nhân và đề cao đức tính hiếu thảo. Cái này nghe có vẻ sách vở và câu chữ, nhưng quả thật trong thời đại phong kiến, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó thì đây là 1 tư tưởng tự do vượt cấp, mà ngay bây giờ trên thực tế con người VN vẫn chưa hoàn toàn thực hiện được. 1 tư tưởng như thế có phải của 1 đất nước yếu hèn không?
-Cha CDT trước khi chết đã dặn con cứ giữ cái khố mà dùng, tuy nhiên CDT vì không thể để cha mình chết mà không có lấy mảnh vải che thân, nên cãi lời cha. Như thế, với quan niệm ngày xưa là bất hiếu, nhưng nhìn 1 cách tổng thể thì đó lại là 1 hành động có hiếu rất đáng ngưỡng mộ, trong hoàn cảnh ngặt nghèo thế, có ai dám làm điều tương tự? Câu chuyện mang hàm ý rằng: dân ta ngày xưa tuy có nghèo khổ, cũng chịu tư tưởng lễ giáo, nhưng biết vượt thoát khỏi tư tưởng đó, đã biết nhận thức và làm những điều mà mình cho là hợp lẽ trời, mà ở đây là hiếu thuận với cha đã khuất. Ai làm được nữa thì giơ tay nào?
-Công chúa Tiên Dung cãi lời cha,xưa kia đáng ra như vậy phải bị coi là bất hiếu, nhưng “bất hiếu” này là để hướng đến 1 lí tưởng sống tự do, cao đẹp (lại 1 tư tưởng vượt thoát nữa). Không có ý nghĩa gì sao? Hơn nữa, công chúa mà lấy thường dân! Môn đăng hộ đối đâu rồi? Tư tưởng ấy, ngày nay có phải cái người ta vẫn hướng đến không? Cha mẹ bây giờ, còn bao nhiêu người tư tưởng môn đăng hộ đối như vậy?
– Ở hiền gặp lành. Hay nói đúng ra là gieo nhân nào gặt quả nấy. Có người từng nói :”Phụ nữ đẹp là phần thưởng của người đàn ông thành đạt”. Công chúa Tiên Dung không biết nhan sắc ra sao, nhưng nếu không chê ba thân phận nghèo khó mà nguyện làm vợ, thông cảm với gia cảnh người khác như thế, thì vẫn có thể coi là 1 phụ nữ đẹp. Tuy ở đây CDT chưa đến mức thành đạt, nhưng xét những gì mà CDT đã làm, cũng có thể coi là “thành nhân”. Người thành nhân có thể không thành đạt mà vẫn sống được, còn người thành đạt có thể lại là người bất nhân. Đạo lý như thế đấy.
-2 người bay về trời: Câu chuyện Hàn Tín và Trương Liêu. 1 ông con rể có tài phép như vậy, liệu có thể đe dọa đến ngai vàng của vua không? Ngày xưa, tôi nhớ là vua chỉ truyền ngôi cho con trai trưởng. Chứ ít nghe chuyện truyền cho con rể. Có người dưới mình mà quyền hành hơn, ai mà chả lo sợ? Thế nên, phận làm con, CDT đã cùng TD biến mất, để tránh xung đột vua-tôi, cha-con. 1 bài học về quyền lực, cách giữ thân và nghệ thuật ứng xử đấy?
Với mức độ nhận thức còn hạn chế của thời kỳ sơ khai, người dân lấy những yếu tố thần tích để gỡ nút vấn đề là điều bình thường. Nhưng thật sai lầm nếu nghĩ rằng truyện cố VN không mang hàm ý gì sâu xa. Càng sai hơn nữa khi gán những điều tiêu cực vào 1 câu chuyện được lưu truyền lâu đời như vậy. Thử hỏi, 1 câu chuyện chỉ với ý nghĩa tiêu cực như thế, có thể tồn tại được hay không? Đất nước ta bao đời nay, lại không có nổi 1 người thông tuệ mà nhận ra điều đó mà ngăn chặn sao? Họ vẫn truyền bá câu chuyện này, chính là vì những ý
nghĩa cao đẹp mà nó mang lại.
Tóm lại, không thể lấy 1 câu chuyện mà khái quát cả tính chất xã hội như thế được. Xã hội mỗi thời kỳ đều phát sinh những vấn đề khác nhau. Tư duy cũng thế. Thời đại này khác ngày xưa, cho nên nếu bàn về vấn đề ở thời
nào thì nên lấy dẫn chứng ở thời đó thôi, bởi vì những câu chuyện ở thời đại khác, nó lại mang nhiều giá trị ở thời đại đó mà bây giờ có thể không phù hợp nữa.
bình luận của bạn có lý, bài viết cũng có lý của bài viết. Thật ra tôi nghĩ câu chuyện này bao quát cả 2 phương diện trong đó. những câu chuyện truyền từ xưa mang bài học giá trị là đúng rồi, nhưng trong đó cũng mang luôn tính cách của dân tộc nữa. không phải cái gì người xưa truyền lại cũng là đúng là hoàn mỹ, cha ông có cái giới hạn của cha ông, có những điều cha ông nhìn không ra nhưng thời đại ngày nay lại nhìn ra.
nói chung thì bình luận của bạn rất hay, bắt người khác (trong đó có mình) phải nhìn sự việc ở nhiều khía cạnh và đa chiều.
Xin cảm ơn bạn đã cung cấp nhiều điều rất thú vị. Tôi nghĩ rằng không có ai sai hay đúng ở trên này khi bàn về một vấn đề mà chúng ta rất mơ hồ cũng như có ít thông tin về nó cả. Ở đây chúng ta có điều kiện nói lên các cách nhìn nhận khác nhau cho cùng một sự vật, hiên tượng.
Hay hay. Không nhờ comment của bạn thì mình quên mất những điều trên. Người xưa hướng thiện cũng muốn nói Tiên Dung vì cảm động trước sự hiếu thảo của CDT mà cưới anh. Mà người xưa vốn đề cao chữ hiếu. Hơn nữa, việc cưới CDT cũng là để Tiên Dung giữ chữ tiết vì để một người đàn ông nhìn thấy mình thì là thất tiết rồi. Không thể lấy cái nhìn của người hiện đại về những câu chuyện thời xưa được vì chúng được tạo nên ở bối cảnh khác, khi mà xã hội đề cao các giá trị khác.
Trong bài “Chất Việt tản văn” sẽ đăng trong lần tới của mình, bạn sẽ nhìn thấy một cái nhìn tích cực hơn về 3 trong Tứ bất tử của người Việt. Hy vọng là chúng ta có thể tìm ra cái dở để khắc phục và tìm thấy cái hay để phát huy.
Chúc vui!
Do sẽ không đăng bài “Chất Việt tản văn” trên này nữa, xin được chia sẻ với bạn đoạn viết về CĐT theo một hướng nhìn khác:
Thông qua truyền thuyết Tiên Dung – Chử Đồng Tử rất hấp dẫn, phản ánh một nhân sinh quan không quá phức tạp của Tổ tiên chúng ta. Tôi chưa có điều kiện tìm hiểu rõ xem có yếu tố ngoại lai hay can thiệp của đời sau vào truyền thuyết này (giống như việc các sử gia thời Hậu Lê đã chỉnh sửa lại truyền thuyết Bánh Chưng – Bánh Giầy, theo GS. Trần Quốc Vượng) với chi tiết hai cha, con nhà Chử Đồng Tử chỉ có chung một chiếc khố và khi người Cha mất, Chử Đồng Tử đã chôn cất cha ngài cùng chiếc khố đó. Có thể nói rằng ngài là một người con rất có hiếu và nếu như đây là truyền thuyết nguyên bản thì có thể khẳng định chữ “hiếu” của người Việt tuy chưa được “triết lý hóa” nhưng đã được hiểu và thực hành một cách thực tế rất lâu trước khi Nho giáo ra đời ở TQ.
Qua câu chuyện này, chúng ta còn có thể nhìn thấy thêm một vài chi tiết đậm chất Việt cũng như phản ánh các nhu cầu và mong ước của Tổ tiên chúng ta về một xã hội mà nơi đó mọi người sống trong tình yêu, bình đẳng, thịnh vượng và sung túc. Chỉ có ở xã hội đó, một chàng trai nghèo khó, quê mùa như anh Họ Chử lại có thể lấy được và sống hạnh phúc như cặp đôi hoàn hảo với một Công Chúa, lá ngọc cành vàng như Tiên Dung. Tôi cho rằng chính tín ngưỡng văn hóa “phồn thực” đã quyết định hạnh phúc lứa đôi của họ và là nhân tố chi phối các chi tiết khác trong câu chuyện này.
Chất Việt cổ xưa còn được phản ánh rất rõ nét trong cuộc sống của “cặp đôi hoàn hảo này; đó chính là (i) khả năng dễ thích nghi, hòa nhập khi Tiên Dung từ bỏ vai trò công chúa để sống một cuộc sống thường dân của mình; (ii) tinh thần cầu thị và tìm tòi học hỏi khi Chử Đồng Tử mặc dù đang làm ăn buôn bán ổn định nhưng vẫn sẵn sàng từ bỏ và ra đảo xa học Đạo. Chi tiết này còn cho thấy sự đồng thuận cao và hỗ trợ rất hiệu quả từ người Phụ nữ Việt; (iii) nhường nhịn và không gây hấn chiến tranh nếu có thể khi Ngài và vợ chọn giải pháp bỏ (tránh) đi để đỡ gây hiểu lầm với Vua Cha; và (iv) cũng giống như các dân tộc khác, mong muốn sự thịnh vượng và bất tử khi cả hai vợ chồng ngài đều học được phép tiên và có một vài công cụ (bảo bối) giúp sức trong cuộc sống (ví dụ xây lâu đài trong một đêm và v.v.v). Ngoài ra, có thể hơi võ đoán nhưng tôi cho rằng khả năng “nghe lời vợ” đáng nể của Chử Đồng Tử có mối liên quan mật thiết với con cháu (trai) của ngài ngày hôm nay, đó là phần lớn những ai để râu thì đều thấy quặp vào.
Như vậy, nếu chúng ta chịu khó tìm tòi thì vẫn có thể tìm ra được nhiều “chất Việt” và “giá trị Việt”, những thứ rất “ưu Việt”. Về cơ bản, cái mà chúng ta (kể cả thế hệ ngày hôm nay) thiếu đó chính là khi kế thừa cái cũ (từ Tổ tiên), học hỏi và dung nạp cái mới (từ TQ và Phương Tây), chúng ta hầu như chỉ lĩnh hội được phần ngọn và đem ra áp dụng chứ không thể nắm bắt được cái tinh hoa mang tính triết học của vấn đề (phần gốc). Điều này giải thích sự khác biệt giữa chúng ta so với TQ và một vài nước Đông Á khác. Chừng nào chưa khắc phục hay nâng cao khả năng này thì kể cả tìm thấy hàng trăm, nghìn chất Việt đi nữa, mọi giải pháp vẫn chỉ dừng lại ở khâu chắp vá.
đồng ý với quan điểm này của tác giả. Chì là tôi có thêm ý này:
Tôi cũng không có điều kiện tìm hiểu xem có yếu tố ngoại lai hay góp nhặt sao chép, chỉnh sửa trong câu truyện này hay không, tuy nhiên theo lập luận của tôi, có lẽ là không có. Tam quốc của La Quán Trung, có thể hiểu nó có sự chỉnh sửa, bởi vì LQT là quan nhà Hán, ăn lộc nhà Hán nên viết nhà Hán tốt đẹp là đương nhiên, cái này dễ hiểu. Nhưng truyện CDT thì không như thế. Qua bao nhiêu năm chịu ảnh hưởng lễ giáo Khổng Tử, thì chữ Hiếu là cực kỳ ngặt nghèo. Lấy ví dụ này: mới đây người ta lập luận được rằng, những người học Nho ngày xưa bên TQ không có dáng vẻ đạo mạo thư sinh như trên phim đâu, mà hình dung xù xì hơn. Họ không cắt móng tay, không cắt tóc cạo râu. Đơn giản vì 2 lí do: (i) ngày xưa người học trò thì chỉ cần học chứ không phải làm lụng gì cả, việc đó có gia nô và phụ nữ làm rồi, và (ii) là Khổng Tử có tư tưởng: phàm những gì của cha mẹ sinh ra thì không có quyền cắt bỏ đi. Vậy đấy, chữ Hiếu như thế thật ghê gớm.
Vậy mà chuyện công chúa TD trái ý cha, hay CDT trái ý cha vẫn được lưu truyền đến bây giờ, mà không phải là cốt truyện nào đẹp đẽ hay trơn tru hơn, chứng tỏ dân ta trước nay vẫn không chỉnh sửa gì mà tôn trọng những gì được truyền lại. Còn việc chỉnh sửa lịch sử, theo tôi nghĩ, đó chỉ là vì mục đích chính trị thôi, còn với những câu chuyện mang hàm nghĩa giao dục nhân văn, việc đó thật khó xảy ra.
Còn thì, đúng là chúng ta chưa có được sự nhạy bén trong tiếp thu cái mới và thừa hưởng tinh hoa văn hóa dân tộc. Mà đó lại là vấn đề cửa tuyên giáo. Nếu tuyên truyền không đúng thì người ta nghĩ sai cũng là dễ hiểu. Cũng như giáo sư Trần Văn Giàu đã nói: nước ta không có nền tảng Triết học, và chỉ có 1 nhà Triết học duy nhất là ông Trần Đức Thảo. Nếu không có nền tảng Triết học làm căn bản, sẽ không có điểm tựa mà bứt phá lên được, mà cứ chơi vơi như ở dưới sông hồ thôi (chưa dám nói là vũng bùn).
Mình thấy nhiều người nói về “Hiếu”, “Tiết” và “vai trò của Phụ nữ” bị chèn ép trong câu chuyện này có phần chưa được hợp lý lắm>
– Thứ nhất các khái niệm về “Tam tòng, tứ đức” và lễ hiếu gì đấy là do Nho giáo nghĩ ra mà ông Khổng Khâu lại quá ít tuổi so với CĐT.
– Thời Hùng Vương chưa phải là thời Phong Kiến, vì vậy không nên dùng các tiêu chí của lễ giáo phong kiến để áp đặt nên mấy ông Thánh Việt Nam thời thượng cổ.
– Có máy chi tiết khiến chúng ta phần nào có thể đoán được Phụ nữ không bị “đóng khung” thời kỳ ấy như sau này (khi bị TQ độ hộ), cụ thể: (i) Nước Văn Lang được lập nên bởi các con của Mẹ Âu Cơ chứ không phải Bố Lạc Long Quân, (ii)Tiên Dung có thể cưỡi thuyền rong chơi và tự quyết định lấy CĐT (iii) Đến tận mãi về sau, những người đầu tiên có khả năng chống lại người Hán là PN chứ không phải nam giới. balala.
Mình tôn trọng các ý kiến đa chiều và tính đa dạng của xã hội. Không có ai sai hay dốt trên này cả. Tuy nhiên có một số nguyên tắc mang tính khoa học cần tuân theo.
Đúng là chuyện CDT thì ra đời trước tư tưởng Khổng Tử, nhưng vấn đề tôi muốn đề cập đây không phải là CDT đúng hay Khổng Tử đúng, mà làm vấn đề những người đời sau truyền bá câu chuyện này như thế nào?
Những người sinh sau đẻ muộn so với thời Khổng Tử, họ chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho học rất lớn, trong đó tam tòng tứ đức của phụ nữ, hay bách hạnh của đàn ông đều được áp dụng triệt để. Với tư tưởng như vậy thì khả năng rất dễ xảy ra là câu chuyện sẽ bị chỉnh sửa cho hợp với thời đại đó. Ông cha ta, thứ nhất chưa phát triển khả năng lập luận lô gic mà chủ yếu tư duy theo phong cách tổng quát và đúc rút, thứ 2 cũng thiếu các tư liệu lịch sử, chỉ căn cứ qua truyền miệng mà viết ra các bộ sử hoặc chép lại các giai thoại, vậy mà cũng không sửa chữa gì câu chuyện này, có lẽ họ đã nhận ra những điều độc đáo và tốt đẹp của người Việt cổ, có lẽ nó còn tiến bộ hơn lễ giáo Nho học Khổng Tử.
Còn thì, về cách nhìn nhận câu chuyện, tôi nghĩ ta nên nhìn nhận nó về đúng thời đại mà nó xảy ra, nghĩa là cố đặt mình vào thời đại CDT mà nghĩ. Tất nhiên, các nguyên tắc khoa học cũng quan trọng, nhưng có vẻ lại không quá quan trọng đối với 1 vấn đề mang tính giáo dục và tư tưởng. Cũng giống như việc Nho học quan niệm “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” vậy, thì phải nhìn theo cách của ngày xưa, chứ quan niệm đó, nếu nhìn bằng con mắt khoa học của thời đại này, thì khó có thể nhìn hết ý nghĩa của nó.
“Theo ý kiến cá nhân, thì có thể tác giả đang nhìn nhận câu chuyện bằng con mắt thực dụng của THỜI ĐẠI NÀY” tôi đồng tình với ý kiến này của Phạm Thanh. Chúng ta không thể vì những hiện thực xã hội nhất thời mà đánh giá tính cách của một dân tộc, và lấy những câu chuyện dân gian để giải thích (cho tính ăn sẵn, giải quyết vấn đề theo kiểu sự vụ, thiếu tính kế thừa… như trong bài viết của Tuan Tran) thì lại càng sai lầm vì như thế làm sao để sửa được những tính cách “xấu xí” đó đây.
Bạn nói đúng, giờ mình mới nhìn lại đều thấy những câu chuyện cổ tích hay truyền thuyết của ta thường rất đơn giản và thiếu chiều sâu. Như chuyện Thánh Gióng, giặc đến thì có ngay Thánh Gióng để chống giặc, trong khi những câu chuyện tương tự như vậy mà của TQ thì đều thể hiện trí tuệ và phải nếm mật nằm gai. Có thể chúng ta thường thích dùng những cái gì có sẵn nên luôn nhìn sự việc một cách đơn giản. Chúng ta thích dựa dẫm vào cái mình lấy được chứ không phải bằng chính mình. Như chuyện Trọng Thủy – Mỵ Châu, để chống giặc thì ta dựa vào nỏ thần, khi nỏ thần mất đi chính là lúc mất nước. mà sao mình thấy chuyện Trọng Thủy – Mỵ Châu giống cái tính cách đổ thừa của người Việt quá, tại…bị…vì…cho nên…
vậy có nên tổng kết lại về chúng ta hay không nhỉ? chúng ta suy nghĩ đơn giản, trông chờ vào vận may, tìm được thứ gì có tí giá trị thì xem bằng trời và hoàn toàn dựa dẫm vào nó, khi cái thứ ấy mất đi sự thần kỳ của nó thì hoang mang và lại tiếp tục trông chờ, tiếp tục tìm nơi để dựa dẫm.
Nghĩ nhiều lúc mình thấy buồn, mình ước gì gặp được ai đó kể cho mình nghe rằng dân tộc ta tài giỏi như thế nào, sâu sắc ra sao nhưng lại chưa gặp được. cũng có những người kể chuyện về sự tài ba của chúng ta đấy nhưng đó là họ tưởng thế chứ sự thật có phải thế đâu. Rồi khi ta vạch ra cái sự bẽ bàng đó thì bắt đầu nổi giận, khi không đủ cái lý thì bắt đầu đổ thừa.
Càng ngày tôi càng nhận ra rằng sự trưởng thành của tôi là nhờ vào văn hóa TQ và văn hóa phương tây, còn nhờ vào văn hóa Việt bao nhiêu thì tôi vẫn chưa xác định được. Đến bao giờ chúng ta mới nhìn thấy mình nhỉ?
Rất cảm ơn bạn về những chia sẻ và băn khoăn về dân tộc chúng ta. Chúng ta cũng chỉ vì mong muốn một nước Việt thực sự cường thịnh và vượt ra khỏi quy luật lịch sử của mình.
Nói đến câu chuyện “Nỏ thần”, xin mời bạn tham khảo một bài mình viết về vấn đề này:
http://www.reds.vn/index.php/lich-su/vinh-quang-dai-viet/6681-my-chau-co-phai-chiu-trach-nhiem-ve-su-sup-do-cua-au-lac
Chúc vui!
mình vừa đọc xong bài nói về “Nỏ thần” của bạn, bạn phân tích rất hay, đọc bài viết đó mình cũng nhìn rõ được vài phần. Thật ra thì thời gian gần đây cũng có rất nhiều người lật lại những án oan đó, và có xu hướng đặt lại vấn đề về những câu chuyện lịch sửa. Ví như cách đây khá lâu mình có xem một phim Hongkong kể về chuyện Võ Tòng Sát Tẩu, trong phim vẽ hình ảnh Võ Đại Lang là một kẻ bệnh hoạn và ích kỷ vì sự khuyết tật của mình, còn Phan Kim Liên chẳng qua chỉ là bị dòng đời đưa đẩy, mà quả thật như vậy nếu xét bối cảnh phong kiến lúc đó, phụ nữ chỉ là những món hàng trong tay đàn ông, họ không có quyền lựa chọn. Rồi khi sự việc xẩy ra thì họ đổ tất cả lên vai người phụ nữ.
Mình cũng mong VN ta vượt qua cái vòng lẫn quẫn đó, nếu không tự cường thì trước sau gì cũng bị xâm lăng, rồi lại chiến tranh bảo vệ tổ quốc, rồi chiến thắng với bao mất mát, rồi lại ngủ quên trên chiến thắng, rồi lại tụt hậu. nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể đánh đuổi được quân thù. Thành ra cách tốt nhất không phải là đánh giặc giỏi, mà là làm cho người ta không dám đánh mình vì mình quá hùng cường. Đạo lý đôi khi đơn giản vậy thôi.
“Mình cũng mong VN ta vượt qua cái vòng lẫn quẫn đó, nếu không tự cường thì trước sau gì cũng bị xâm lăng, rồi lại chiến tranh bảo vệ tổ quốc, rồi chiến thắng với bao mất mát, rồi lại ngủ quên trên chiến thắng, rồi lại tụt hậu”
—> Với tư tưởng và suy nghĩ như vậy của bạn, ở Việt nam chúng ta liệu đếm được số người là bao nhiêu? Nếu mà được như vậy thì giờ VN không phải chỉ là VN của bây giờ. Nó có thể trở thành một cường quốc lớn mạnh hơn cả TQ hay Mỹ rùi.
Cơ bản vẫn là tư tưởng con người Việt Nam hiện tại không thể cải tổ được, bị ngấm quá nhiều tư tưởng phương Tây (như có bạn đã nói là VN đang nắm cái phần ngọn, hay có thể nói đang nắm phần lười dao, Có thể bị xém tay lúc nào không biết).
Xin cảm ơn tác giả và những chia sẻ của các bạn đã comment. Mình đọc rất thấy hữu ích. Xin cảm ơn 🙂
“trong khi những câu chuyện tương tự như vậy mà của TQ thì đều thể hiện trí tuệ và phải nếm mật nằm gai”. Bạn có đang nhầm truyện dã sử với truyện dân gian không không? Mà sao lại là dã sử – không phải lịch sử – vì nó do kẻ thắng cuộc viết. Thích viết thế nào thì viết.
Bạn nghi ngờ những người kể chuyện của chúng ta nhưng dễ dàng tin lời kể của những dân tộc khác? Cái mà bạn tưởng là sự thật cũng được người khác kể lại mà thôi. Sự thật không phải là việc thật sự diễn ra, mà là việc được số đông coi là sự thật.
Thấy mình, rất dễ, quan trọng là khi thấy mình rồi nhưng mải mê suy nghĩ rằng đó có là mình hay không? Không phải tôi không tin, mà là tôi không muốn tin!
có thể như bạn nói, tôi nhầm 2 thể loại đó, nhưng dù là giả sử hay dân gian thì của VN và TQ luôn có một khoản cách về chiều sâu.
Thấy mình không dễ đâu bạn, đôi khi người ta đang kể về mình đúng sự thật nhưng mình lại không chấp nhận đó là mình, trong khi trong suy nghĩ của mình đó lại bị cái mà ta nghĩ không phải là mình chi phối. Ví như cái cách suy nghĩ đơn giản, chỉ thích mơ ước được nêu trong bài viết, sẽ có nhiều người không chấp nhận nhưng khi họ sống họ vẫn thể hiện những điều đó. Thấy là để tránh nó chứ không phải chấp nhận nó. cách nghĩ về vấn đề này của mình và bạn khác nhau ở chỗ đó
Mình không đồng ý với Khuyết danh khi cho rằng các câu chuyện về Tứ Bất tử của người Việt là chuyện dân gian. Tuy bị hư câu nhiều ít nhưng về cơ bản các nhân vật này đều là có thật. Nếu đây thuần túy là chuyện dân gian thì chuyện “Bảng phong thần” của Tàu thuộc loại gì? Nếu cho rằng các nhân vật trong những câu chuyện này đều thuộc cùng thời đại (thượng cổ) – Thánh Gióng còn sinh trước Khương Tử Nha, thì có thể thấy rất rõ sự vất vả cùng ý chí và nghị lực rất lớn của Lã Vọng để ngày nay tên ông ấy vẫn còn được nhiều người (kế cả người Việt) biết đến. Nó rất khác với những câu chuyện của chúng ta.
Mình không phải là người thân Tàu mà là trái lại, nhưng không phải vì thế mà chúng ta “Ảo tưởng sức mạnh” của đất nước mình.
Đúng cái gì, bạn thấy truyền thuyết của ta đơn giản và thiếu chiều sâu là vì không đào sâu, phân tích thấu đáo đó thôi, đọc cmt của Phạm Thanh ở trên đi, có nhiều điều quá hay đó.
hì hì, chiều sâu thì vẫn có chiều sâu, đơn giản thì vẫn thể hiện cái nhìn đơn giản. Trong truyền thuyết vốn chứa nhiều yếu tố chứ không phải chỉ một. Phân tích và phê phán giúp ta hiểu càng rõ hơn càng sâu hơn thôi. 🙂
Chúng ta phải chấp nhận và tìm cách thay đổi vì đó là tính cách cố hữu của người Việt. Bạn hãy xem ngoài thời Trần là có khả năng chống ngoại xâm còn đâu tất cả đều sinh anh hùng thời loạn vì người Việt vốn có tầm nhìn ngắn hạn do ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước và luôn trông chờ vào vận may (thích đánh bạc, vé số)