27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Người tốt – Kẻ xấu

Featured Image: Paul Gustave Louis Christophe Doré

 

Sau một ngày bộn bề, đạp xe quay về ngõ nhỏ liêu xiêu, mở cửa ban công đón chiều tà, nhấp một ngụm trà, ta cùng bàn về chuyện tốt – xấu ở đời.

Về cơ bản, hiện tại quy chuẩn đạo đức của chúng ta từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức theo tôn giáo. Kẻ nào có trong tay tôn giáo, kẻ đó thống lĩnh thế giới. Tôn giáo phán xét về người tốt và kẻ xấu. Và bất cứ đạo giáo nào cũng vậy, từ Phật giáo, Thiên chúa giáo, Kitô giáo, Hồi giáo… Nhưng, hôm nay chỉ xin lấy cuộc chiến tôn giáo trong Kitô giáo làm ví dụ.

“Một sáng kia tôi thức dậy, như có tiếng phán từ trong tôi vọng ra, dẫn tôi đến một nơi hoang tàn. Nằm giữa đống gạch vụn, quyển sách thiêng chờ tôi đến nhặt nó lên. Và tôi được lệnh mang theo nó đi về phương Tây.”

— Gary Whitta, Cuốn sách của Eli

Theo thần thoại Kitô giáo, chiến tranh trên thiên đàng bùng nổ khi mà Tổng lãnh Thiên thần Lucifer lãnh đạo 1/3 các thiên thần trên Thiên đàng nổi loạn chống lại Chúa và các thiên thần trung thành với Người. Nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến việc Lucifer phát động cuộc bạo loạn này là sự sáng tạo ra loài người, và trên hết là việc Thiên Chúa ra lệnh cho toàn thể các thiên thần cúi mình trước loài người, đặc biệt là việc phải tôn thờ một vị Đấng cứu thế – một con người sẽ hiệp nhất cùng bản tính Thiên Chúa (Giê-su) – như chính Thiên Chúa.

Lucifer coi đây là một sự sỉ nhục và bất công, y muốn chính mình được hiệp cùng bản tính Thiên Chúa chứ không phải là một con người nào. Sau đó y bèn tập hợp các thiên sứ khác – những thiên sứ cũng coi việc cúi mình trước loài người là một sự sỉ nhục khi mà họ mới chính là tạo vật đầu tiên của Thiên chúa, và khởi động cuộc bạo loạn.  Với đầy sự ngạo mạn, Lucifer đưa ra một lời tuyên chiến rằng:

“Ta (Lucifer) sẽ ở trên thiên đàng; ta sẽ nhắc ngôi ta lên trên những vì sao của Thiên Chúa; ta sẽ ngồi trên vị trí lãnh chúa của mọi thứ, trên mọi đỉnh cao nhất của mọi ngọn núi linh thiêng nhất. Ta sẽ lên cao hơn các đám mây; ta sẽ như Đấng Tối Cao.”

Thiên Chúa cho Tổng lãnh thiên thần Michael chống lại Lucifer và bè lũ của y. Với quyền lực Chúa ban cho, Michael cùng các Thiên thần trung thành nhanh chóng chiến thắng Lucifer và bè lũ phản nghịch. Lúc đó, Lucifer được Michael đặt cho tên mới là Satan. Kết thúc trận chiến, Lucifer và tất cả các thiên thần theo y bị đuổi khỏi Thiên đàng như là một sự trừng phạt cho cuộc nổi dậy của chúng. 

Hiểu một cách nôm na, Satan đã thua trong cuộc chiến tôn giáo, và hắn trở thành kẻ tội đồ – kẻ xấu, và những thứ gắn với hắn, đương nhiên cũng là xấu. Và từ “ác quỷ” sinh ra để gắn với những điều tối tăm xấu xa nhất. Cũng theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta được dạy dỗ từ thời tổ tiên rằng tránh xa và kinh tởm cái xấu. Chúa trời đã thắng, Người thành đấng cứu rỗi, thành điều tốt đẹp mà cả loài người cùng hướng đến.

Vậy, nếu đặt giả thuyết, Satan thắng cuộc chiến thì sao? Tôi đang nghĩ đến viễn cảnh, Satan sẽ dạy cho loài người sự ngạo mạn, những dối trá, âm mưu và lừa lọc, những suy nghĩ bẩn thỉu và đen tối, thế giới sẽ chìm đắm trong chiến tranh, trong biển lửa và máu, và đương nhiên: Chúng ta sẽ tôn thờ cái ác là lý tưởng của cuộc sống y như hiện tại chúng ta tôn thờ cái thiện.

Bạn sợ? Ôi đừng sợ, lúc đó, điều duy nhất chúng ta sợ là sự sạch sẽ và cái thiện. “Thắng làm vua, thua làm giặc”, vốn dĩ ranh giới giữa thiện – ác chỉ mong manh như thế. Và, cái gì cũng có tính hai mặt của một vấn đề.

Bạn hỏi tôi về người tốt – kẻ xấu. Tôi trả lời, chẳng có ai tốt trên đời này và cũng chẳng có ai xấu. Bạn đi chợ, bạn trả giá cho một món đồ, vậy là bạn đã tiết kiệm được cho bản thân mình, thậm chí gia đình mình một khoản, thế là bạn là một người tốt với gia đình bạn, nhưng theo một khía cạnh nào đó, bạn đã cắt xén đi một phần lãi lời của người bán, cắt xén đi một bát cơm của người ta. Theo khía cạnh đó, bạn đã xấu với người ta. Tôi lại hỏi lại bạn: Bạn tốt hay bạn xấu?

Một kẻ tội phạm giết người cướp của vì mưu sinh cho gia đình hoặc vì bảo vệ một ai đó. Hắn phải chịu tù, thậm chí là phải chết. Bạn thấy hắn đáng đời lắm. Nhưng ai đó lại thấy hắn là một điều tuyệt vời.

Tào Tháo có câu: “Giết một người là tội phạm, giết vạn người là vĩ nhân.” So với tội giết một người, giết vạn người thì vốn là một kẻ khát máu. Vĩ nhân ở đây, lại dùng từ theo một khía cạnh nào đó, chỉ là kẻ khát máu.

Rốt cuộc, suy cho cùng, chúng ta đang hướng đến điều gì? Tôi đã từng hoang mang nhiều lắm, hoang mang phải sống thế nào cho đủ. Và tôi nhận ra, chẳng bao giờ là đủ, chỉ cần mỗi ngày cố gắng đối xử thật tốt với những người mà tôi yêu quý, vậy là đủ. Hoặc như bạn yêu một ai đó, thiên hạ nói ra nói vào, người đó tệ lắm, xấu lắm, nhưng hãy nhìn lại, người đó đối với thiên hạ như thế nào không quan trọng, đối xử tốt với bạn là đủ.

Đừng cố gắng làm người tốt với cả xã hội, chỉ cần làm người tốt với cả tấm lòng. Đừng bị khái niệm tốt – xấu chi phối, chỉ cần tâm không hối hận.

Hà Nội, một buổi trà chiều chút ít xúc cảm, tặng cho những người tốt – kẻ xấu còn đang hoảng loạn giữa thời kỳ quá độ của đạo đức.

 

Thiên Thiên

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

30 BÌNH LUẬN

  1. “Đừng cố gắng làm người tốt với cả xã hội, chỉ cần làm người tốt với cả
    tấm lòng. Đừng bị khái niệm tốt – xấu chi phối, chỉ cần tâm không hối
    hận” câu kết hay quá thank bạn về bài viết.

  2. Bài viết đăng trong mục suy ngẫm, là cùng đem 1 suy ngẫm ra cho mọi người cùng suy ngẫm. Đây chỉ là những ý nghĩ về tốt – xấu còn đang đấu tranh trong thời buổi hiện tại. Có rất nhiều bằng chứng và ví dụ, rút cục mình chỉ muốn nói về chuyện tốt – xấu, vốn dĩ luôn có tính hai mặt. Đối với ng này là tốt, ng kia lại là xấu. Những số đông chưa chắc đã đúng, chỉ khi đến cuối đời, trước khi nhắm mắt, có những việc tốt – xấu không còn quan trọng nữa, miễn là không hối hận. Cám ơn mọi người đã cùng bàn bạc và đưa ra các luận điểm. 🙂

  3. Bài viết đề cập vấn đề hay,nhưng có vấn đề này bạn đã thử nghĩ chưa : Tào Tháo cứu hàng ngàn người và Lưu Bị thì giết hàng ngàn người ?
    Nếu thắc mắc mình sẽ trả lời,hihi

    • Mình không thắc mắc gì về các biện chứng lịch sử cả. Vì lịch sử cũng là do văn thư ghi chép lại cho con cháu. Sự thể phải chứng kiến tận mắt mới tường tận. Đôi khi, có những sự việc nhìn vậy mà không phải vậy. Mình có đọc cuốn Hỏa ngục của Dan Brown, việc tốt xấu trong vấn đề y tế công cộng được thể hiện giằng xé rất nhiều. Ý mình muốn nói, cứu 1 người chưa chắc là tốt, giết 1 người chưa chắc là xấu. 🙂 Nên đừng bị khái niệm tốt xấu chi phối 🙂

      • Đúng rồi,thực ra Tào Tháo là người tốt.Tào Tháo bạn thấy là do La Quán Trung tô vẽ nên chứ ko hẳn là Tào Tháo.
        Tốt-xấu cũng là do khái niệm của số đông thôi.
        Bạn ăn cơm mà mọi người ăn cái khác thì bạn sẽ thành đứa dở hơi.Vậy thôi.

    • ngay cụm từ “cơ hội để làm điều xấu” đã chứng tỏ tác giả câu nói có nhận thức lệch lạc rồi. Đúng là không nên nghĩ mình là người tốt quá đáng, nhưng là ý thức để làm nhiều việc tốt hơn, chứ không phải là lí do để làm điều xấu

    • Vậy thị đôi khi không làm gì cả cũng tự nhiên biến mình thành người tốt hoặc cũng không làm gì cả mà mình thành người xấu.
      Vậy thì phải dựa vào sự hiểu biết của người đó để phân định tốt xấu thôi. Nếu người đó hiểu vấn đề là xấu mà vẫn làm thì họ xấu, hoặc họ ngăn cản điều đó thì họ tốt. Còn họ hiểu biết rằng vấn đề đó là tốt mà không làm hoặc cố tình làm ngược lại thì họ vẫn là xấu.
      Còn hiểu nó là việc tốt thì làm thì họ vẫn là người tốt.
      Cho nên đôi khi giết một người là tội nhân, nhưng giết trăm người lại là anh hùng.

  4. Con người tuy ngu muội trong việc thay đổi tư duy, nhưng lại vô cùng thông thái trong cách sinh tồn, vì vậy nên đừng đừng sợ “xấu” hay “tốt”.

    Còn thì, quan niệm của xấu – tốt của tác giả sẽ khiến nhiều người khó tiêu đấy. Nói cùn 1 chút, bạn không cho rằng Bác Hồ là người tốt đấy chứ? Người giúp đất nước này thoát khỏi xiềng xích nô lệ? Cũng cho rằng quân xâm lăng không phải là xấu ư? Họ gây chia ly, giết chóc, bạn cũng không cho là xấu ư? Xin hãy nghe tôi nói:

    BẢN THÂN KHÁI NIỆM TỐT – XẤU LÀ DO CON NGƯỜI TẠO RA, NÊN HÃY NHÌN NHẬN KHÁI NIỆM NÀY THEO THẾ GIỚI QUAN CỦA CON NGƯỜI, CHỨ KHÔNG PHẢI CỦA 1 BẬC CAO NHÂN ĐẮC ĐẠO NÀO ĐÓ.

    Cũng như Âm Dương luôn tồn tại trong vạn vật, trong cài này có cái kia, bù trừ lẫn nhau,từ hỗn mang và phân tách ra.

    Đối với con người, cái gì đem lại lợi ích, đầu tiên là cho mình, thứ đến là cho người thân cận nhất của mình, rồi bạn bè, phe cánh mình, xa hơn là dân tộc mình, thì đó là tốt. Thứ gì có thể đóng vai trò xúc tác,nền tảng, đẩy nhanh quá trình tiến đến tiến bộ, thì đó là tốt. Ngược lại, thứ gì gây hại cho mình, cho người thân, phe cánh, dân tộc mình thì là xấu. Đi ngược tiến trình tiến bộ cũng là xấu. Dĩ nhiên tốt xấu ở đây, là dựa trên tính tương đối tổng quát, là kết quả của 1 chuỗi sự việc mang lại, mang tính dài lâu, ảnh hưởng sâu đậm đến nhận thức con người chứ không phải là cái tức thời, trước mắt.

    Thực ra tôi thấy ví dụ của bạn đưa ra không hợp lý cho lắm. Việc 1 người giết người khác chỉ vì mưu sinh cho gia đình, vậy sao gọi là “tuyệt vời”? Dù nhìn theo góc nào, nó cũng không bao giờ đẹp. Có chăng chỉ là có ai đó thông cảm với hoàn cảnh, và hiểu được họ thôi. Bạn đưa ra ví dụ và nhìn nhận nó theo tư tưởng “hảo hán”, nghĩa hiệp kiểu Tàu mất rồi.

    Bạn đưa ra ví dụ về Tào Tháo thì lại càng sai nữa. Hầu hết các bạn, mà không chỉ các bạn, mà những con người của hàng ngàn năm trước, sống ở Trung Quốc hay Việt Nam, đều chỉ biết đến Tào Tháo qua miêu tả của La Quán Trung, chỉ biết đến câu “Giết 1 người là tội phạm, giết vạn người là vĩ nhân”, và sự miêu tả có vần xấu xa của ông ta. Mà La Quán Trung là quan nhà Hán, đương nhiên viết truyện sẽ đưa nhà Hán lên làm chính nghĩa. Hãy nhìn nhận Tào Tháo một cách khách quan hơn là định kiến như ngày xưa. Về căn bản, ba nhà Ngụy Thục Ngô, đều muốn thống nhất thiên hạ. Cách tiến hành của họ căn bản giống nhau: Chiến Tranh. Vấn đề là ai đã thành công? Không hẳn là Tào Tháo, mà là nhà nước mà ông gây dựng nên. Thử nghĩ xem, nếu không ai thống nhất lãnh thổ, thiên hạ cứ chiến tranh liên miên, vậy bên nào mới là tốt đây?

    Chuyện này lại giống tình huống mà tôi đã đọc: Đại khái là bây giờ bạn dang lái 1 đoàn tàu trong hang, 2 bên là vực sâu. Trên tàu thì lại có hơn trăm hành khách. Đột nhiện thấy xuát hiện 2 ngã rẽ: 1 bên có 3 người bị trói cứng vào đường ray, ngã bên kia thì nhiều hơn,5 người. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Bạn sẽ làm gì? Không tính trường hợp bạn coi đây là tưởng tượng, mà bạn buộc phải lựa chọn giữa 3 phương án:

    1/ Bạn sẽ đâm tàu vào bên có 3 người. Tổn thất ít nhất, nhưng bạn đã giết người.

    2/ Bạn sẽ đâm tàu vào bên có 5 người. Tổn thất nhiều hơn, bạn đã giết người, quan trọng hơn là nếu ai nhìn thấy tình huống đó, rất có thể họ sẽ khiển trách bạn vì sao lại giết nhiều người thế, trong khi có thể giảm thiểu nó.

    3/ Bạn sẽ bẻ lái đâm tàu xuống vựa. Không tính đến việc bạn may mắn, thì bạn đã giết hàng trăm người, cộng thêm bản thân. Vừa mang tội giết người hàng loạt, vừa mất mạng, ai biết được chuyện thì bạn còn mang thêm tiếng ngu nữa.

    Cần lưu ý ví dụ này khác ví dụ kẻ phạm tội giết người để mưu sinh. Vì anh ta không bị bắt buộc lựa chọn phải giết người. Anh ta có sức giết người, có nghĩa là thừa sức làm nhiều việc khác. Vấn đề là anh ta chọn cách nhanh nhất, ít tốn chất xám và năng lượng nhất, đòng nghĩa với việc phạm vào lợi ích của người khác mà bản thân KHÔNG BỊ BẮT BUỘc phải làm thế.

    Nói lại về việc Chúa trời và Lucifer. Không phải Chúa trời là toàn thiện, toàn mỹ, và không phải Lucifer là toàn ác, toàn xú. Sáng Thế Ký (4:1-8) kể: Adam và Eva sinh ra 2 đứa con là Cain và Abel. Cain làm ruộng, Abel chăn nuôi gia súc. Mùa thu hoạch, Cain dâng lên hoa màu mình trồng, còn Abel dâng lên phần thịt mỡ ngon lành. Chúa trời thương Abel và nhận phần thịt cúng, và chê Cain, gạt bỏ phần hoa màu đi. Tức giận, Cain rủ Abel ra ngoài đồng rồi giết đi. Dừng ở đây thôi. Nên nhớ, Cain cũng là tên của 1 trong số các ác quỷ của Thiên chúa giáo. Thê đáy. Chúa trời vì thèm thức béo ngậy, ngon lành mà gây bất hòa đến nỗi để anh giết em. Tội lỗi này gần như là 1 trong số các tội nặng nhất của tạo hóa vậy. Vì thế, Chúa cũng là nguồn gốc của tội lỗi.

    Còn Lucifer, tôi biết có nhiều tôn giáo thờ Satan, nhưng không hẳn là cực đoan như là hiến tế ma quỷ. Dưới đây là vài điều mà Satan giáo (không phải thờ quỷ) đưa đến cho con nguời:

    1. Con người đã tạo ra thượng đế dưới nhiều hình ảnh khác nhau: chọn một cho sự lợi ích của ta
    2. Thiên Ðàng và Ðịa Ngục không có
    3. Satan không phải là hình ảnh do đạo thiên chúa giáo quan niệm, Tín đồ Satan nhìn Satan như là nhục dục, thế tục, những thú vui của phàm tục
    4. Satan không là một cái gì hết, chỉ là một nguồn lực trong thực thể đời sống
    5. Sự sống được quan tâm gìn giữ rất thiêng liêng
    6. “Satan … đại diện cho tình thương, thân ái, kính trọng cho những ai muốn được đối xử như vậy”
    7. Ngày lễ hội quan trọng nhất của Satan giáo là ngày Birthday của mỗi tín đồ
    8. Nhiều giáo đồ Satan không thích những ngày lễ bên Thiên chúa giáo vì nó không thực tế
    9. Nghi lễ đen (nhái theo nghi lễ của nhà thờ Thiên chúa giáo) thỉnh thoảng biểu diễn cho bá tánh coi thôi chứ thực ra không đúng như vậy.

    Theo tôi thì thứ mà người ta vẫn coi là xấu xa – Satan giáo, lại đưa lại những thứ miêu tả chính con người chúng ta. Ví như “Satan đại diện cho tình thương… cho những ai muốn được như vậy” Cá nhân tôi cho đây là 1 tư tưởng tốt. Bởi vì chúng ta không thể có nhiều tình thương như Chúa trời mà ban phát đi mãi.

    Nói dông dài như vậy là để mong bạn hiểu, tốt – xấu là tùy vào tác động của ngoại vật đến bản thân ta. Ví như chiến tranh cướp đi sinh mạng của cha mẹ, người thân yêu của bạn, vì mục đích kiếm nguồn năng lượng mà nước gây chiến đang cạn kiệt, liệu bạn có thể thông cảm cho người ta vì lí do đó chăng? Bản tính con người đã là muốn sở hữu, hướng đến cái lợi, không chung thì riêng. Tốt xấu cũng theo đây mà ra cả. Còn người nào không màng lẽ đời, người đó mới không muốn phân biệt tốt xấu.

    • Cám ơn bạn đã quan tâm và chia sẻ. Những điều bạn nói cũng là những điều tôi muốn nói. Chỉ là tôi đã nhấn mạnh ở phần kết luận rồi. Dẹp hết khái niệm đi, và sống để không hối hận. Vậy thôi. 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI