30 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Để chạm vào hạnh phúc

Featured Image: Gummi Stóri

 

Với người Việt Nam thì từ hạnh phúc đã trở thành câu cửa miệng trong mỗi lời chúc. Nó cũng là từ được đưa lên làm tiêu ngữ của quốc gia. Vậy tại sao, mỗi khi đọc báo hay lướt web ta vẫn thấy nhan nhãn những chuyện đời bất hạnh, những tiếng thở dài và cả những cõi lòng rách nát… Vậy hạnh phúc là gì, sao nhiều người tìm mãi vẫn chưa ra?

Sáng thức dậy là một status chán đời, trưa là tiếng thở dài kêu than mệt mõi, tối đi ngủ là một loạt bức xúc với bạn bè, sếp, đồng nghiệp. Đó là những dòng newfeed tôi thường đọc được trong mỗi lần lướt Facebook. Ôi! Sao với nhiều người cuộc sống y như một ngục tù tăm tối vậy? Sao hạnh phúc trở nên xa xỉ và hiếm hoi đến thế?

Tất thảy, tôi kết luận trong hai từ ngắn gọn, đó là do chúng ta luôn ĐÒI HỎI và KHÔNG HÀI LÒNG. Chúng ta muốn mọi thứ đều theo ý mình, không hài lòng với những gì đang có, luôn sân si, hận thù oán ghét… Tóm lại, chúng ta tự BÓP CHẾT HẠNH PHÚC của mình bằng những cảm xúc tiêu cực mà lẽ ra bất cứ ai cũng có thể làm chủ được.

Dù là một ông tổng thống hay một kẻ bần hàn, tàn tật. Vì hạnh phúc là trạng thái cảm xúc bên trong tâm hồn ta chứ không phải là những thứ xa xôi ngoài tầm với. Bởi vậy, ta vẫn thường bắt gặp những hình ảnh trái ngược là những ông giám đốc mang vẻ mặt cau có và phẫn uất với những chú đạp xích lô rạng rỡ nụ cười hiền từ và ánh mắt rạng ngời. Hay những ca sỹ, diễn viên luôn phải đau khổ vì những con Mụn và lời đàm tiếu với những người tật nguyền luôn cười nói vô tư và an nhiên chấp nhận một cuộc sống thực vật.

Vậy hạnh phúc là gì?

Với nhiều người hạnh phúc là khi họ lên đến đỉnh cao quyền lực, còn nhiều người khác thì hạnh phúc là khi chinh phục được những mục tiêu về tài chính, học vị và danh tiếng, cũng có những người coi hạnh phúc chỉ đơn giãn là khi mình được yêu thương và chia sẻ yêu thương… Nhưng theo tôi nếu chỉ chờ đến khi ta đạt được những thành quả ấy mới cảm thấy hạnh phúc thì xem như cả cuộc đời ta sống trong đau khổ và bất hạnh.

Vì mỗi cuộc đời có mấy lần được bước lên đỉnh vinh quang cao ngất ấy, khi thời gian mà ta dành để chinh phục nó chiếm gần hết cuộc đời mình và phải trải qua bao thử thách gian truân, bao đắng cay tủi hổ. Nếu ta đánh đỗi nó để lấy những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi như vậy thì quả là quá đắt đỏ và chẳng xứng đáng chút nào. Bởi vì sau khoảnh khắc lên đỉnh ngắn ngủi ấy ta lại phải trở về với nhiều mối bận tâm và những vấn đề hóc búa khác của cuộc sống.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu bạn cũng như tôi khi được ngồi gõ bàn phím, được kết nối internet, được ăn ba bữa mỗi ngày, được ngủ trên một chiếc giường êm ái, có công việc để làm và được sống trong hoà bình tự do thì chúng ta đã may mắn hơn 3/4 dân số trên thế giới này. Với những điều kiện như vậy mà nếu ta vẫn không tìm được hạnh phúc thì thử hỏi 5 tỷ người còn lại họ sẽ sống ra sao?

Như vậy chúng ta đã hiểu rằng, hạnh phúc không phải chỉ có được qua những khoảnh khắc “lên đỉnh” hay xuất thần mà nó là một trạng thái cảm xúc an bình, tĩnh tại trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Ở đó mỗi chúng ta đều có thể làm chủ hay điều khiển được nó mà không hề phụ thuộc vào ta là ai, thuộc tầng lớp xã hội nào.

Nhưng qua 25 năm được sống, đã nhiều lần rơi xuống tận đáy cuộc đời, cũng đôi lần đạt được chút vinh quang. Đến giờ, tôi hiểu thêm một điều rằng, nếu chúng ta cảm nhận hạnh phúc bằng cách thoả hiệp với những gì mình đang có và ngừng khát khao đòi hỏi thì cảm giác như thứ hạnh phúc ấy là khá gượng gạo. Bởi khi ta luôn nghĩ rằng: “Ừ, vậy là được rồi…” Thì chính là lúc mà ta ngừng nỗ lực, ngừng cống hiến để làm cho cuộc sống bản thân và cộng đồng của mình tiến về phía trước. Những cái “biết đủ” và sự hài lòng dễ dãi này sẽ dễ làm ta chán ngán. Và rồi, thứ hạnh phúc “thoả hiệp” ấy sẽ dần biến mất khi ta không hiểu được ý nghĩa cuộc đời mình nằm ở nơi đâu.

Qua trải nghiệm đó, tôi nghĩ rằng, để cảm nhận được thứ hạnh phúc tự nhiên và viên mãn nhất thì ta vẫn phải khát khao, phải phấn đấu, phải sống có mục tiêu và lý tưởng. Nhưng không phải đợi đến lúc ta đạt được mục tiêu hay hoàn thành lý tưởng mới cảm thấy hạnh phúc mà ta phải luôn hạnh phúc với công việc của mình, với thực tại, và với cả chiều dài cuộc hành trình của đời ta.

Với xã hội mở ngày nay thì cuộc đời này không ai còn nhỏ bé nữa, trừ khi tự mình muốn nhỏ bé. Ai cũng có thể trở thành những con người lớn bằng cách, làm được những việc lớn hoặc làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn. Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn. Khi đó, ta không chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc, mà còn có cả một cuộc đời hạnh phúc. Khi đó, tôi hạnh phúc, bạn hạnh phúc và chúng ta hạnh phúc. Đó cũng là lúc ta thực sự “chạm” vào hạnh phúc!

 

Nguyễn Văn Thương

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

17 BÌNH LUẬN

  1. Cám ơn ý kiến và sự quan tâm của tất cả các bạn. Thường các bài viết của mình có rất nhiều ý kiến trái.chiều. Bởi vậy mình thường chỉ đọc và lắng nghe chứ rất ít khi rep lại. Mong các bạn thông cảm 🙂
    Rất mong được lắng nghe ý kiến từ mọi người. Xin cám ơn.

  2. Mình rất đồng tình với lời mở của tác giả, nhưng sau khi đọc xong cả bài thì có 1 vấn đề là sao mình vẫn chưa cảm nhận được sự hạnh phúc của bạn. Bạn Thương đã định nghĩa hạnh phúc và đã hiểu về nó vậy bạn đã thực sự hạnh phúc chưa?

    • Tác giả có đề cập đến vấn đề hạnh phúc và làm sao để hạnh phúc. Theo mình đó chính là cái lõi của bài viết này. Ai trong chúng ta cũng đã từng hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc rất đa dạng nhưng theo quan điểm cá nhân thì thường cảm giác này kéo dài trong một khoảng thời gian rất ngắn. Thử nhớ lại những lần bạn được điểm cao, cầm trong tay 1 số tiền lớn, bạn yêu và được đối phương chấp nhận tình yêu, gia đình bạn có 1 việc vui chẳng hạn… đó chính là những khi bạn hạnh phúc. Bạn phấn đấu học tập, lao động hay hăng say trong những hoạt động yêu thích tất cả cũng chỉ là tìm kiếm những phút giây ngắn ngủi đó mà thôi. Có một phương pháp (chính xác là 1 thói quen) mà mình thấy nhiều người hoặc cố tình hoặc vô ý hay áp dụng để cảm giác thấy mình hạnh phúc ngay lập tức: nhìn vào nhưng hoàn cảnh kém may mắn hơn. Ngược lại nếu bạn so sánh mình với những ngôi sao, người nổi tiếng, tỷ phú chẳng hạn, kết quả như thế nào thì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng rõ. Nói như vậy là để thấy hạnh phúc không phải là 1 cái đích, 1 cái mốc hay 1 thứ bạn có thể nắm bắt rõ ràng được. Nó chỉ là 1 thứ cảm giác, suy nghĩ mơ hồ mà thôi. Mình nghĩ 1 người hạnh phúc là 1 người biết trân trọng từng giây phút mà anh/cô ấy có. Dĩ nhiên để làm được điều đó thì không phải chỉ nói thôi là đủ, chúng ta phải luyện tập từng giây phút một. Thế nên bạn nói: “tôi là kẻ bất hạnh nhất thế gian” hay nói: “tôi là người hạnh phúc nhất thế gian”, đều đúng cả.

      • um, mình hiểu ý bạn. Nhưng ở đây là 1 phạm trù khác, đó là tìm kiếm hạnh phúc trong tương lai, là làm thể nào để trong tương lai mình sống hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh. Tác giả phê phán “cái biết đủ và sự hài lòng dễ dãi”, tác giả muốn “khát khao, phải phấn đấu, phải sống có mục tiêu và lý tưởng” thì sống mới hạnh phúc được. Nhưng mình vẫn cảm giác có sự gượng ép, không tự nhiên, một thứ áp lực làm tác giả không thể hạnh phúc được. Mình chỉ muốn chia sẻ quan điểm của mình thôi, vì mình cũng là người đang đi tìm hạnh phúc, cách sống hạnh phúc. Lúc này mình cũng có tìm hiểu triết lý nhà Phật, và thấy rằng quan điểm của tác giả đối lập với sự tự nhiên của Phật pháp, theo cảm nhận của mình thì tác giả vẫn chứa đựng những “ham muốn”, “dục vong” và những thứ đó sẽ hủy hoại hạnh phúc của bạn( có lẽ một số bạn không hiểu được ý này của mình, mình không nói sống không có “khát khao, mục tiêu và lý tưởng”, mà những thứ khát khao, mục tiêu, lý tưởng ấy phải xuất phát từ tâm của mình, xuất phát tự nhiên, chứ không phải lý trí, không phải nhìn mọi người xung quanh mà xuất hiện)

        • Tình cờ đọc được dòng chia sẻ trên FB của anh Trí Thể, HLV của TGM, có lẽ cũng phần nào giải đáp được những thắc mắc của bạn:

          “”Ta hãy can đảm nhìn ngay sự thật; có nhiều kẻ họ sống hết sức hạnh phúc trong sự ngu dốt và ở không của họ. Họ ghét đọc sách, họ ghét suy nghĩ, họ ghét làm việc bằng tinh thần cũng như họ ghét gông cùm tù tội vậy: một vấn đề hoàn toàn thuộc về bản chất.
          Goethe, lúc mà danh vọng của ông lên đến tột độ, ngày kia dạo trên bờ sông thành Naples gặp một tên ăn mày nằm ngủ phơi mình trong ánh nắng. Ông dừng chân, tự hỏi: “Ta và anh ăn mày này, ai hạnh phúc hơn ai?”. Thật cũng khó mà trả lời cho dứt khoát. Tuy nhiên, tôi chắc chắn, các bạn cũng như tôi, chúng ta thích sống trong hạnh phúc của Goethe hơn. Andre Gide cũng nói: “Một cái hạnh phúc mà vô tâm, tôi không chịu sống trong hạnh phúc ấy.”


          Hạnh phúc là được làm chủ hành động ta, tư tưởng ta, tình cảm ta…và mỗi ngày mỗi làm cho con người của ta thêm sáng suốt hơn, thêm tự do hơn, thêm to rộng hơn…nghĩa là thêm mới mẻ hơn”.

          (Tôi tự học – Nguyễn Duy Cần)”

          • Thật ra là như vậy, mình cũng chạc tuổi tác giả bài viết, cũng trải qua những thăng trầm như tác giả, và mình cũng đang đi tìm cách sống hạnh phúc. nhưng khi đọc bài viết ấy mình cảm nhận rằng đó là những lời tự an ủi của tác giả, chứ không phải là con đường hạnh phúc tác giả ngộ ra (cũng có thể do mình quá nhạy cảm nên mình mới hỏi rõ tác giả). Mình chỉ muốn chia sẻ để cùng tiến bộ thôi, nhưng tác giả sao mất tiêu rồi, hihi 🙂
            Mình cám ơn những quan điểm của bạn Trungtd. Cái quan điểm hạnh phúc bạn chia sẻ mình thấy quá tuyệt vời rồi, nhưng hoàn cảnh, bản thân chúng ta hiện tai có thể như vậy không? hay phải gồng mình lên để làm chủ tất cả, cái gì cũng có cái giá của nó cả,….
            Con đường đi tìm hạnh phúc của mình cũng gian nan, từ cuộc sống thực tế, đến tiểu sử các người nổi tiếng, Phật giáo, Đạo giáo,…Và mình rút ra 1 điều là cứ làm theo tâm của mình là được, nhưng trước hết bạn phải hiểu rõ bản thân mình, khai phá bản thân mình. Trong công việc, trong cuộc sống, trong cách đối nhân xử thế, trong gia đình, lúc nào cũng thuận theo tâm, tận tâm thì sẽ luôn được hạnh phúc. Trong câu chuyện phía trên bạn kể, việc Goethe đứng nhìn người ăn mày phơi nắng mà thèm muốn, điều đó đã chứng tỏ cái hạnh phúc trong danh vọng mà ông có cũng chứa đựng một phần gượng ép.
            Đôi lời nhắn với tác giả: bạn có thể thấy những người nổi tiếng như Bill Gates, Warren Buffett, Steve Jobs… những người tạo ra những điều phi thường, tạo ra những sản phẩm thay đổi nhân loại, lúc bắt đầu họ đam mê, họ khao khát, phấn đấu xuất phát từ tâm họ, từ tình yêu của họ với công việc chứ không phải vì tiền bạc hay danh vọng, hay cái đích đến nào đấy. Có như vậy mới hạnh phúc được, vì vậy bạn hãy hỏi xem tâm bạn muốn gì, thích gì là cứ việc tuân theo nó 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI