28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tản văn: Hẻm nhỏ trong thành phố lớn

Featured Image: Khánh Hmoong

 

Chiều Cần Thơ buông mình với những đám mây trắng như làn khói ngẩn ngơ, gió ùa qua mái tóc phất phơ thả bay trong gió… Tôi đứng bên hiên nhà ngắm mặt trời từ xa sắp ẩn mình sau cả ngày rọi nắng. Tâm tư nhẹ nhàng, nhưng lại thấy chơi vơi…

Tôi chợt nhớ ra điều gì đó. Rồi lại thèm thèm một thứ gì đóÀ, tôi nhớ cảm giác cái “bình yên”…!

Tôi chuyển lên sinh sống cùng gia đình ở thành phố phồn hoa này mới hai năm. Khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để một đứa nội tâm như tôi quen với nhịp sống hối hả và rộn rã nơi đây. Bản tính vốn ham vui nhưng lại sợ cái gì quá náo nhiệt, tâm trạng thì rối bời nhưng lại thích làm thơ. Rõ ràng, một cái gì đó yên tĩnh và trầm tư hợp với con người tôi hơn, thế nên để sống chung với những tiếng nhạc xập xình hay tiếng cười nói vang vang trong mỗi tối quả là điều không dễ.

Mà bạn biết đấy, chúng ta ai cũng có khả năng thích nghi với từng hoàn cảnh môi trường. Tôi cũng không ngoại lệ. Cái nhịp sống vội vàng cả ngày ở đây buộc người ta phải quên đi những khoảng trống tâm hồn, mà lấp đầy nó bằng những thứ âm thanh hoa mỹ ngọt ngào.

Cứ thế, tôi dần quên đi thành phố nhỏ, con đường nhỏ, nhà nhỏ và cái xóm nhỏ xíu quê mình…

Hối hả giục mẹ chở con đi vài vòng thành phố chơi, tự nhiên sao hôm nay muốn đi đâu đó trong thành phố quá. Hai mẹ con chạy băng qua khắp các nẻo đường rộng lớn thênh thang. Đại lộ Hòa Bình hiện đại phồn hoa, đường 30/4 hàng quán đầy như kiến lửa, Nguyễn Việt Hồng rộn rã trà sữa rồi đồ ăn các thứ,… Rốt cuộc, tôi chẳng tìm được chút gì bình yên…

Thấy bên kia đường có cái bảng đề “bún mắm”, thèm quá nói mẹ vòng lại ăn. Ai dè cái bảng chỉ vào hẻm, hẻm nhỏ xíu và dài hun hút. Ngồi trong cái vách lá xập xệ và con hẻm lem nhem, húp nước ăn bún quả là thú vui tao nhã. Hẻm bé nhưng xe chạy ra chạy vào liên miên. Chợt nhận ra đa số họ là người lao động. Thấy xe này biển số 68, xe kia biển số 83, xe nọ với hai anh mặc bộ đồ xây dưng biển số 71. Chiều muộn thế này, chắc họ mới đi làm về,…

Ăn xong hai tô bún tính tiền hai mươi bốn ngàn đồng, trà đá hai ly miễn phí. Chị bán bún cười tươi cảm ơn rồi mau chóng dọn bàn chuẩn bị cho khách đến sau. Mẹ bảo không ngờ giữa cái chốn buôn bán đắt đỏ thế này mà lại có quán bún nhỏ bán với giá “nhỏ” như vậy. Con cười một cái thật tươi rồi chợt thấy ấm lòng, đâu đó trong thành phố còn những góc nhỏ yên vui đến thế…

Tiếp tục cùng mẹ rong chơi trong những con hẻm sâu nép bên những con đường rộng, tôi tìm kiếm một cái gì đó đã-thuộc-về-quá-khứ. Tôi giật thoáng mình khi chạy vào con hẻm giống y chang cái hẻm cũ nhà tôi ngày trước. Vẫn là hàng tạp hóa với đủ loại bánh kẹo, vẫn là cái lò nướng chuối nếp le lói lửa đỏ trong đêm. Và vẫn đó cái bãi đất trống với đủ thứ loại cỏ dại mọc um tùm, đám con nít quây quần chơi bắt trốn… Tôi lặng người nhiều phút, để mặc thời gian trôi đi vô tình. Thoáng nhìn vào cái nhà bên cạnh, cả nhà họ đang ngồi dưới mâm cơm với hương thơm ấm áp, cái tivi cũ rích đang phát chương trình thời sự lúc 19 giờ. Đâu đó tiếng em bé khóc thét, tiếng người lớn réo gọi con mình về ăn cơm, tiếng xe đạp của chị lấy cơm heo và tiếng lẹt phẹt mặt đường của anh quét rác…

19 giờ – 7 giờ tối

Vẫn đó khung giờ của những buổi cơm tụ họp, vẫn đó cái đèn đường vàng nhạt trong đêm.Hẻm nhỏ thu mình lại trước cảnh xe đông người chật ngoài kia. Rồi hẻm nhỏ lại vang lên những âm thanh thân thuộc tựa như khúc nhạc buồn miên man vào một ngày lặng gió. Tôi đứng nhìn cái góc phố rêu xanh bình dị hồi lâu, lòng dâng lên những nỗi niềm khó tả.

Vô-cùng-khó-tả!

Tôi nhớ nhà mình vào buổi tối bên mâm cơm, thời cách đây bốn năm có chiếu phim ‘Dù gió có thồi’ làm cả nhà tôi mê mẩn suốt một thời gian dài. Cơm nước xong xuôi, cha tôi hút thuốc, mẹ tôi pha trà, tôi leo tọt lên võng nằm đung đưa thoải mái. Chốc lát là tiếng réo gọi của tụi bạn ra đầu hẻm mua nước mía rồi qua bãi đất cạnh nhà ngồi kể chuyện ma. Cái khoảng thời gian ấy sao mà vui vậy, cái hẻm nhỏ xíu thế mà mỗi khi nhà đầu hẻm có chuyện là nhà cuối hẻm ra giúp một tay. Nhà ai có vợ chồng cãi lộn là cả xóm thức nguyên đêm hòa giải. Tôi nhớ xóm nhỏ những ngày cúp điện, cả chục căn nhà mở toang cửa rồi lấy ghế ra trước sân ngồi nói chuyện huyên thuyên. Con nít thì lấy đèn pin ra chơi trò tìm kho báu, người lớn ngồi cười rôm rả cả không gian…

Hẻm nhỏ là thế. Tôi chợt nghĩ về đường lớn, và những ngôi nhà mặt tiền

Hầu như những ngôi nhà ngoài đường chính không nhà nào là không kinh doanh, biển hiệu đèn led sáng trưng một góc trời. Bên lề xe đậu không đủ chỗ, trong nhà khách khứa tấp nập tận khuya. Nhìn vào họ tôi chỉ thấy sự bận rộn và hào nhoáng. Về những ngôi nhà bề thế nhưng thiếu vắng đi bữa cơm quay quần, về những buổi tối có biết xem phim uống trà là gì, chỉ thiết nghĩ đến chuyện kiếm đủ tiền rồi nghĩ sau này gửi vào ngân hàng đến già thì hưởng phước.

Nhưng người ơi, có bao nhiêu năm cuộc đời!?

Thì đó, sống vui ai mà không muốn. Sống mà không lo nghĩ ai mà không muốn. Nhưng cuộc sống này khắc nghiệt lắm, làm sao sức người có thể đi ngược với tạo hóa mà tự thưởng cho mình niềm vui khi tiền không có trong túi một đồng? Khi xã hội hiện đại này, họ coi vẻ bề ngoài vô cùng quan trọng. Thậm chí, chả cần nghĩ đến lương tâm?

Tôi nói nhiều quá rồi! Chắc cái vấn đề này nó hơi lớn so với thằng nhóc mới bước vào tuổi 16 ‘mộng mơ’ như tôi? Có lẽ vậy, vì tôi cảm thấy không yên bình khi nhắc đến từ khóa “tiền bạc” và “mưu sinh”. Nhưng thật ra tôi vẫn thấy được điều đó từ gia đình tôi, từ tất cả mọi người xung quanh tôi, để rồi ngộ nhận đó chính là mục đích có thể tồn tại trong cái xã hội này. Khi tình người và bữa cơm tối ngày xưa dần biến mất…

Quay về với hẻm nhỏ của tôi. Quay về với hẻm nhỏ của thành phố Cần Thơ. Tôi chợt nhận ra mình nhớ ngày xưa nhiều lắm. Hôm nay giật mình ngẫm lại mấy đứa bạn lớn lên cùng nhau giờ ở đâu hết rồi? Hay chúng tôi chỉ còn sống trong nhau bằng những hoài niệm đã cũ và nhạt màu thời gian?

Tôi không trả lời được. Vì tôi, luôn tự đặt ra những câu hỏi mà chính mình cũng không biết trả lời thế nào.

“Bạn bè dăm đứa hợp rồi tan
Đứa thành phân bón đứa làm quan
Đứa say ngất ngưởng cười nhân thế
Còn ta cầm bút viết hoang tàn.”  – Khuyết danh

Thôi, chốt lại, tôi chỉ muốn ghi chép theo dòng cảm xúc về những nơi còn chứa đầy bình yên giữa thành phố luôn có sự bất an. Tôi chỉ muốn nói về hẻm nhỏ với những kỷ niệm tuyệt vời của tuổi ấu thơ. Và những hẻm nhỏ tồn tại song song với con đường hiện đại, nhưng chưa bao giờ mất đi giá trị lớn lao của nó. Hẻm nhỏ lối xưa xóm cũ vẫn luôn còn đâu đó trong thành phố, nơi sinh sống của những con người lao động nghèo nhưng chân chất nụ cười hiền hòa miền đất khách. Nếu lúc nào đó thấy chênh vênh giữa phố thị nhiều màu hay lạc lõng giữa hàng quán đường to, hãy một lần tìm về nhưng con hẻm nhỏ với duy nhất một màu – xanh bình yên!

Hẻm nhỏ
Lối xưa
Thành phố lớn.

 

Lê Khả Đạt

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI