27 C
Nha Trang
Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Truyện ngắn: Cánh Đồng Bất Tận – Nguyễn Ngọc Tư

Featured Image: Bìa sách “Cánh Đồng Bất Tận”

 

Càng lớn, cái thói quen mua truyện vì sở thích, ngồi ôm truyện hàng giờ trong hàng truyện của tôi cứ mất dần. Bắt buộc lắm mới ra hàng mua mấy cuốn sách liên quan đến ngành học về để tu luyện, trong lúc mua sách cũng chẳng buồn lượn lờ xem trên kệ có truyện gì thú vị không, cầm mấy cuốn sách ngành học đi thẳng tới bàn thu ngân trả tiền và phóng ra lấy xe. Tác phong nhanh nhẹn như vậy vì tự bản thân thấy mình đang bận nhiều thứ, bận lên mạng xem hôm nay ở  rạp chiếu phim gì,  nhắn tin rủ mấy con bạn đi coi. Đến rạp rồi lại thấy cảnh đứa nào cũng bận cầm điện thoại, lướt web, check in. Xem xong phim, chê, khen vài câu, tất cả châu đầu vào làm bô ảnh đăng lên facebook, rồi ra về.

Cái gì trên mạng cũng có, lại hấp dẫn nên tôi dần quên sở thích đọc truyện, cũng tại một vài lần lướt mạng xem có truyện gì mới xuất bản, thấy mấy tên truyện rất hay, bìa đẹp, tựa đề trích rất thú vị, vậy là ra hiệu sách khuân mấy cuốn về. Rồi lại để đó, lên mạng. Không phải không chịu đọc mà thấy cách viết, nội dung không phù hợp với bản thân, không thu hút được mình và tôi đưa ra kết luận với bản thân: Sách “hot”, hấp dẫn với số đông chưa chắc phù hợp với mình.

Đối với tôi truyện giống như một người bạn, phải có cơ duyên, sự đồng cảm và bản chất giống nhau thì mới có thể gặp và gắn kết với nhau. Cơ duyên đưa tôi đến với “người bạn”: Tập truyện ngắn: Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đó là những lùm xùm xung quanh bộ phim “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang được đăng tải trên khắp trang mạng, những tin mổ xẻ quanh việc tác phẩm động đến chính quyền (khi tác phẩm được nhận nhiều giải thưởng trong nước, cũng như nước ngoài cũng chẳng thấy báo chí viết nhiều đến thế). Vậy là quyết định ra hiệu sách rước về, chỉ là để xem những cảnh “nóng” “mát mẻ” trên phim được tác giả miêu tả trên trang giấy ra sao, và tác giả đã viết những gì mà đến cả chính quyền cũng phải lên tiếng.

Đọc truyện ngắn đầu tiên trong tác phẩm…, tất cả những ngôn từ tôi đọc trên mạng, những bàn cãi, tranh luận sôi nổi xung quanh những vấn đề lãng xẹt của tác phẩm tôi đều để lại phía sau, lãng quên trong nhẹ nhõm, xúc động,…

“Cải ơi”- tiếng gọi xé lòng của ông Năm Nhỏ, muốn một lần được nói với đứa con riêng của vợ đã bỏ nhà đi được 20 năm, và cũng là 20 năm ông đi phiêu bạc, làm đủ nghề thuê mướn để tìm con. Kiếm tiền, tìm đủ mọi cách để lên đài, lên truyền hình nói đôi câu: “Cải ơi, ba là Năm nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội má con vò võ ở nhà một mình. Con là trọng chứ đôi trâu có nhằm nhò gì…Về nghe con, ơi Cải…” câu nói khiến ông rơi nước mắt, nghẹn ngào mấy chục năm như vậy mà nhà đài cười, họ cắt, ông già “nhép miệng một cách tuyệt vọng”.

Thiết nghĩ, có nhiều người ngày nào cũng lên truyền hình nói theo kịch bản, nói cái người khác viết, người khác nghĩ, nói những lời đầu môi vậy mà được phát hoài, còn những lời nói chân chất, thật lòng, thật đến xót xa thì bị cắt, cắt hết.

Ông Năm nhỏ trụ ở ngã ba Sương để tìm con, còn Diễm Hương-cô tiếp viên quán nhậu thì: “Sao tui thù con nhỏ đó quá trời, có nhà mà bỏ, có cha mẹ mà không thèm về…, còn tui, người ta đã quăng quật ở đây mười tám năm, mà không ai trở lại tìm, tui chờ hoài..”

Tôi đã khóc mỗi lần đọc đến đoạn ông Năm nhỏ gọi “Cải ơi”, mỗi lần mường tượng cảnh ông cười “héo queo héo quắt” và khuôn mặt “lạnh trơ, bình thản, vui buồn không ra” của Diễm Hương.

“Đời nào chẳng có bánh đúc có xương, đời nào chẳng có cha dượng thương con vợ.” Tôi đã muốn gọi ngay cho bố tôi lúc đó, chỉ để hỏi, để kể chuyện, để nghe giọng bố mẹ, để bố mẹ biết tôi vẫn tốt, và nhớ bố mẹ đến chừng nào. Vậy là ngày nào tôi cũng gọi hoặc nhắn tin về cho bố mẹ, thay vì nhắn và gọi điện buôn với bạn bè. Tôi chú ý đến mấy tờ rơi tìm người thân được dán trên tường hơn, nhìn thấy chúng, tôi luôn có một nỗi day dắt trỗi dậy, tôi ghi nhớ thông tin, khuôn mặt của người thất lạc, thay vì mấy tin quảng cáo, sale đủ thứ trên khắp đường phố, mặt báo.

Những truyện ngắn trong tác phẩm dẫn tôi từ cuộc sống này đến cuộc sống khác, từ con người này đến con người khác, từ cái Tình này đến cái Tình khác. Để rồi những cảm xúc, những thương yêu cứ len lỏi vào tâm hồn mình.

Cái Tình của Trưởng ấp Tư Mốt đối với mảnh đất, người dân Cù lao Mút Cà Thìa. Ông viết lên tường trạm xá “Cương quyết chỉ chết vì già”, ông nghĩ rằng có thể dùng cái tình thuần như cây cỏ, sự quan tâm của mình để níu kéo nhân viên y tế ở lại với trạm “dù trong tâm ông đã vẫy tay để chào xa mãi”.

Chất văn của Nguyễn Ngọc Tư giống như những làn gió, chúng cứ bay, chúng hòa quyện, rồi lan tỏa, để người đọc trải lòng mình. Những làn gió lật giở từng trang giấy và dẫn tôi tới với “Cánh đồng bất tận”. “Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước…những cánh đồng vắng bóng người..” Những khắc khoải, những lo lắng về hiện thực và tương lai, những tình cảm ngọt như nước sông, tâm hồn thuần phác như đồng lúa lại là những điều dễ bị chà đạp và ép đến bước đường cùng nhất, để rồi họ bơ vơ, chếnh choáng, vô vọng, để rồi tình thương lại trở lại để bao bọc lấy những đớn đau.

Đọc truyện giống như đang đi đến từng mảnh đất, lúc lang thang trên những con phố, xóm nhỏ, có khi lại tìm đến những hòn đảo, cù lao, rồi lại lênh đênh trên những chiếc ghe qua những con kênh, nghe nỗi nhớ tràn về, nghe những nỗi day dắt từ những cuộc tình, chứng kiến cuộc sống của những người bình dân, để đôi khi mình thấy mình trong đó, và ngờ ngợ hình như mình đã từng gặp những người như vậy nhưng mình lướt qua họ nhanh quá.

Thấy rằng tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không đao to búa lớn, chỉ là những cảm xúc mình chôn giấu, mình không biết diễn tả, mình lãng quên, để rồi đôi khi bàng hoàng nhận ra nó đang biến chất, tưởng là mình đang bắt đúng nhịp với xu thế nhưng có những lúc cảm xúc chới với, chẳng biết bấu víu vào đâu, đâu mới là đạo đức, tử tế, là mình, là Con Người. Tác giả dường như cũng trăn trở và đặt những câu hỏi, những dấu ba chấm để tìm lại những cảm xúc, để thấu hiểu mình, thấu hiểu người.

“Dường như người ta vẫn yêu, đến mức không thể giằn dỗi, nặng lời. Và mình thì chưa bao giờ yêu đến như vậy?!” “Ngày ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường nghịt người… Lúc ấy, tôi có một cảm giác kỳ lạ chỉ mình trên đời này chỉ một mình…Chẳng ai là tri âm, chẳng ai cả…” “Mà hơi mắc cười, tình yêu, ai cũng khoái, sao cha nội này chạy trốn?!”  Hỏi vậy thôi, buồn vậy thôi, ngây ngô vậy thôi. Để rồi vẫn thương, vẫn nhớ, vẫn trông ngóng, chờ đợi, vẫn cố sống sao cho tốt đời đẹp đạo.

Những câu truyện ngắn mà ý nghĩa thì dày quá trời. Cảm hứng về những con chữ lại quay trở lại với tôi, thấy nó sống động làm sao, chúng như đang nhảy nhót, rồi có lúc chúng đứng lặng nhìn chằm chằm vào mắt tôi và hỏi: Hiểu tôi không sao đọc hoài. Phải hiểu thế nào đây? Tôi chỉ thấy nội tại mình đang thay đổi, tôi sống chậm hơn, lắng nghe hơn, cố gắng thông cảm với người khác hơn, học cách chia sẻ. Tôi đang cố gắng hiểu bạn.

 

Nguyễn Ngọc Bích


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

10 BÌNH LUẬN

  1. “Tôi chỉ thấy nội tại mình đang thay đổi, tôi sống chậm hơn, lắng nghe hơn, cố gắng thông cảm với người khác hơn, học cách chia sẻ.” 🙂
    Cảm ơn em về bài viết :). Nội lực của em ghê ghớm lắm nhé, đừng coi thường nó!

  2. Nhận xét của BGK (còn cập nhật)

    Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo: Ưu điểm: Lời văn rõ ràng, ít lỗi chính tả, diễn tả được cảm xúc của tác giả (người viết bài) dành cho tác phẩm và phần nào đó thu hút người đọc đến với tác phẩm.Khuyết điểm: Chỉ tập trung nói về truyện ngắn “Cải ơi” trong tập truyện. Nói quá ít (đến mức độ có thể xem như chưa nói gì) về truyện “Cánh đồng bất tận” – truyện chính của tập truyện. Phần dẫn nhập quá dài so với nội dung chính. Lỗi nhỏ: Ở phần cuối bài dùng từ “những câu truyện” chưa chính xác, phải là “những câu chuyện tuy ngắn…” hoặc “Tuy đây chỉ là những truyện ngắn…” Chấm điểm: 65/100

    Nguyễn Hoàng Huy: Văn của bạn mình thấy từ khá tới trên trung bình, nhiều khi bắt gặp được vài câu hay trong bài. Mở bài của bạn mình thấy không ấn tượng, từ thân bài về sau mới thấy văn chương được phát huy. Bài viết có liên tưởng đến hoàn cảnh cá nhân, một yếu tố cần thiết để có được một bài viết thu hút. Thấy anh Bảo cho có 65 điểm có vẻ hơi thấp, mình sẽ cho 70 điểm. Một bài phân tích tác phẩm như vầy hồi mình còn đi học mình nghĩ chắc cũng được trên 7 điểm, ngày xưa mình chỉ thường được 5, 6 điểm, có nghĩa là mình đánh giá khả năng viết văn của bạn cao hơn mình. Đáng lẽ mình tính cho 71 điểm, nhưng thấy trong bài viết không có đoạn nào nói lên được về tầm quan trọng của tác phẩm này đối với xã hội, có sức ảnh hưởng như thế nào lên xã hội diện rộng thay vì chỉ là sức ảnh hưởng của tác phẩm lên cá nhân bạn, đó cũng là một phần quan trọng trong đề bài.

    Đoàn Minh Hằng: 1. Mở bài hơi dài và thừa thông tin
    2. Có liên tưởng được từ sách và phim là một điểm sáng tạo tuy nhiên lại không khai thác sâu
    3. Quyển sách đã thực sụ làm cho bạn thấy xúc động và có tác động đến suy nghĩ, hành động của bạn trong cuộc sống.
    4. Những đoạn cuối viết khá tốt, văn phong có hình ảnh, so sánh, liên tưởng, cảm giác bạn đã thực sự sống được trong thế giới của câu chuyện. Kết bài tốt, gợi mở tính nhân văn và lợi ích của sách đối với tâm hồn.
    Chấm điểm 70/100

    Rio Lam: Bạn thực sự đã đào sâu vào nội dung. Cách hành văn của bạn cũng khá hay. Tuy vậy bố cục bài viết tôi cho rằng hơi rối rắm. Bản thân tôi khi đọc cảm thấy hoang mang không biết ý tiếp theo sẽ là gì, không có sự chuyển nhịp giữa các ý. Thật ra nếu đây là bài cảm nhận riêng thì việc ấy không sao; bạn đã làm rất tốt bằng hình thức đưa ra câu hỏi và trả lời bằng cảm nhân, trích đoạn yêu thích của mình. Nhưng vì bạn khẳng định ý muốn giới thiệu sách hay đến mọi người, nên tôi đề cao tính thu hút và logic trong yêu cầu. Đặt vị trí tôi là người chưa hề đọc quyển sách này, cách trả lời câu hỏi trước khi nêu nội dung tóm tắt và tinh thần chung của tác phẩm đã khiến tôi khá bối rối, không biết những câu hỏi kia rốt cuộc là hướng đến điều gì. Mở bài của bạn cũng quá dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI