29 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Trương Lương và Hàn Tín: Hai cuộc đời, hai thái độ

“Công thành thân thoái, thiên chi đạo.” – Lão Tử, Đạo Đức Kinh

(Công việc thành tựu thì nên lui về, đó là đạo trời.)  

Trương Lương, Hàn Tín cùng là công thần lập ra nhà Hán nhưng cuối cùng một người như tiên giữa trần còn người kia phải chết thảm.

1. Hai số phận

Trương Lương xuất thân trong dòng họ nhiều đời làm quan lớn ở nước Hàn. Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, nước Hàn cũng chung số phận bị tiêu diệt. Trương Lương bèn đem hết gia sản để chiêu mộ tráng sĩ làm thích khách giết Tần Thủy Hoàng để báo thù. Tuy nhiên vụ ám sát không thành công nên ông phải lẩn trốn.

Năm 209 TCN, Trần Thắng khởi nghĩa chống Tần, Trương Lương cũng tụ tập hơn trăm trai tráng hưởng ứng. Năm 208, trên đường sang đất Sở để yết kiến Sở vương Cảnh Câu, Trương Lương gặp Lưu Bang bèn theo Lưu Bang. Từ đây, ngày đêm Trương Lương bàn địch mưu kế giúp Lưu Bang lần lượt thâu tóm thiên hạ.

 

 

Trương Lương

Không thuận lợi như Trương Lương, Hàn Tín sớm mồ côi cha mẹ, tuổi thơ chịu nhiều vất vả. Có giai thoại kể rằng thuở hàn vi có lúc Hàn Tín phải lòn trôn để tránh một tên đồ tể giữa chợ. Năm 209 TCN, Hàn Tín xung phong vào quân khởi nghĩa của chú cháu Hạng Lương, Hạng Vũ để chống Tần nhưng không được trọng dụng. Một thời gian sau chán nản, Hàn Tín bỏ theo Lưu Bang nhưng cũng chỉ được một chức quan nhỏ nên lại chán nản bỏ đi.

May được Tiêu Hà thân hành đi tìm về và hết sức tiến cử lên Lưu Bang. Nhận ra tài năng của Hàn Tín, Lưu Bang phải đích thân lên mặc áo bào trao ấn kiếm phong Tín làm đại tướng. Hàn Tín đã giúp Lưu Bang tiêu diệt hết các thủ lĩnh cát cứ và sau cùng là tiêu diệt Hạng Vũ để lập ra nhà Hán.

 

Hàn Tín

Trương Lương và Hàn Tín, một người ở trong màn chướng bàn định chiến lược, sách lược; một kẻ xông pha ngoài trận mạc như hai cánh tay của Lưu Bang. Tuy nhiên kết thúc mỗi người một khác. Năm 203 TCN, Hàn Tín đánh được nước Tề liền có ý muốn Lưu Bang phong mình làm Tề Vương. Lưu Bang đang ở thế bất lợi đành nghe theo. Sau khi thống nhất thiên hạ, Hàn Tín lại bị vợ Lưu Bang là Lã Hậu lừa bắt và giết cả ba họ.

Ngược lại, Trương Lương được Lưu Bang cho tùy chọn ba vạn hộ ở đất Tề nhưng ông chỉ xin được phong tước hầu ở đất Lưu. Được ít lâu, Lương cũng xin cáo quan, xa rời vinh hoa phú quý mà sống an nhàn đến khi mất.

 

2. Vì đâu nên nỗi?

Trương Lương không phải sinh ra đã khôn ngoan thấu suốt. Ban đầu ông cũng là một người “nông nổi” nên mới có ý định ám sát Tần Thủy Hoàng và làm sụp đổ cả triều đại nhà Tần theo phương thức vô tổ chức và khủng bố. Theo ngôn từ hiện nay ban đầu khuynh hướng của ông là lãng mạn tiểu tư sản, đúng với vị trí của con nhà thế gia. Cuộc đời của ông rẽ sang một hướng mới khi ông trốn tránh ở Hạ Bì, gặp Hoàng Thạch Công mà từ đó xuất hiện điển tích “ba lần nhặt dép”. Người ta hay truyền tụng rằng Trương Lương nhờ nhận được sách quý của Hoàng Thạch Công nên vang danh một thời, nhưng tất cả không chỉ có vậy. Hoàng Thạch Công biết tài năng của Trương Lương nhưng còn sợ bao dung của Trương Lương chưa đủ nên mới tìm cách tiêu trừ cái kiêu khí lãng mạn của tuổi thanh niên để Trương Lương biết rằng “nhịn việc nhỏ để thành việc lớn”. Lúc này Trương Lương đã học được chữ Nhẫn. Chính nhờ Trương Lương dạy cho chữ Nhẫn mà Lưu Bang mới có thể dựng nên cơ đồ nhà Hán.

Từ ngày đó có thể thấy Trương Lương có ý tứ tính toán kỹ càng dẫn dắt đời sống. Trương Lương có lẽ đã ý thức được rằng mình, một chí sĩ ở trong cái thế quốc phá gia vong làm việc nghĩa chỉ là vì tình thế bắt buộc. Chính suy nghĩ này đã giúp ông vượt lên trên những mưu lợi bình thường. Ông cũng biết rằng “điểu tận cung tàng”, sống trong thấp thỏm lo âu sao bằng hưởng cái thú thanh cao của kẻ sĩ.

Sau khi nhà Hán đã yên ổn ông đóng cửa không tiếp khách, ở yên mãi trong nhà không ra ngoài, lấy triết lý thanh cao để bảo vệ tấm thân. Có ai đến chơi thì lại nói: “Người ta sinh ra trong trời đất, chẳng khác như bóng câu qua khe cửa, trăm năm như cái chớp mắt mà thôi. Tôi muốn lui vào trong chỗ núi rừng, tìm tiên học đạo để làm cái kế trường sinh, chứ hết thảy công danh chẳng qua như đám phù vân có gì là thú. Chỉ vì nay đội ơn Hoàng đế quyến luyến nên chưa nỡ bỏ đi đấy thôi. Thực ra lòng tôi vốn không ham thích cái vinh hoa phú quý ở đời; huống chi tấm thân đa bệnh, khí huyết suy lần, nếu không sớm tìm cách tu dưỡng lấy mình, e một mai tinh khí hư hoa đi rồi thì dẫu có muốn tu cũng vô ích…”

Đấy là lời ông gián tiếp nhắn với Hán Cao Tổ.

Quả thật vậy, vua nghe được câu chuyện ấy, mặc dù thấy ông thác bệnh không năng vào bệ kiến, cũng không ngờ vực nữa. Hán Cao Tổ cho phép ông về nhà dưỡng bệnh, mỗi tháng phải một lần vào chầu, khi lui chầu tuyệt không nghĩ đến điều gì cả.

Còn Hàn Tín ngay từ đầu đã ký vào án tử của mình.

Hán Cao Tổ Lưu Bang xuất thân từ dân thường “trí không bằng Trương Lương, dũng không bằng Hàn Tín, tài không bằng Tiêu Hà” nhưng ông lại giỏi dùng người, biết cách thu hút mọi nhân tài trong thiên hạ. Ông là người khá nhún nhường và không chấp nhặt hiềm khích. Nhưng Hàn Tín đã vượt qua những giới hạn của ông… 

Hàn Tín là một danh tướng bách chiến bách thắng. Không có ông quân Hán không thể thắng được quân Sở hùng mạnh. Ông theo Sở thì Sở thắng, theo Hán thì Hán thắng. Vì vậy, người đời vẫn luôn nhìn nhận ông là một trong các đại tướng cầm quân xuất sắc nhất trong lịch sử phong kiến của Trung Quốc.

Cũng như Trương Lương, Hàn Tín cũng học được chữ Nhẫn khi thuở nhỏ phải lòn trôn. Nhưng khác với Trương Lương, Hán Tín giữ trong lòng như một tủi nhục đến độ hai mươi năm sau ông vẫn cố tìm người mà mình lòn trôn ngày xưa để trả thù bằng cách ban cho vàng bạc, quan tước. Trong tâm hồn ông bao giờ cũng mang tâm lý tự ti, lòng tự ái bị kích động mạnh và dồn ép lâu ngày khiến ông mỗi khi làm việc thì bất cứ giá nào cũng phải đạt tham vọng và không biết bao lần ông ngang ngạnh và khiêu khích với Hán Cao Tổ.

 

Tiêu Hà rất am hiểu tâm lý ấy nên khi Hán Cao Tổ thấy thư của Trương Lương, muốn phong Hàn Tín làm tướng một cách suông, bèn nói:

– Bệ hạ muốn phong cho Hàn Tín cách nào?

– Thì vời y đến mà phong chứ sao?

Tiêu Hà lắc đầu, nói:

– Bệ hạ vốn đã kiêu ngạo không thủ lễ với Hàn Tín lâu nay rồi, giờ lại phong một chức Đại tướng mà làm như gọi một đứa trẻ con. Ở bệ hạ thì cho thế là trọng, mà theo ý ngu thần e rằng Hàn Tín rồi sẽ cũng đi mất.

Hán Cao Tổ nói:

– Vậy phải phong cách nào?

– Nếu bệ hạ muốn phong Hàn Tín, nên chọn ngày chay giới, lập đàn tế cáo thiên địa như Hoàng đế phong cho Phong Hậu, Vũ Vương phong cho Lã Vọng vậy… tức là lễ bái tướng.

Hán Cao Tổ bằng lòng và Hàn Tín cũng hả lòng nhưng lòng Hán Cao Tổ đã xuất hiện một tỳ vết.

Lúc Hàn Tín đại phá Tam Tần và lấy Hàm Dương rồi, thì Hán Cao Tổ bàn với Hàn Tín tính việc đông chinh. Tín không bằng lòng, cố hết sức giãi bày những việc lợi hại, thế mà Hán Cao Tổ vẫn không nghe. Mặc dầu Trương Lương hết sức cản ngăn, Hán Cao Tổ cũng nằng nằng quyết một, lấy ấn soái của của Hàn tín lại mà ban cho Ngụy Báo. Trận ấy Hán Cao Tổ làm một việc liều lĩnh phi thường nên bị Hạng Vũ đánh một trận không còn manh giáp.

Người như Hán Cao Tổ khôn ngoan sâu sắc bao giờ cũng nghe Trương Lương, cung kính như thầy sao bỗng dưng lại có thái độ đó?

Trước sự thành công rực rỡ của Hàn Tín, “trăm trận trăm thắng” trong thâm tâm Hán Cao Tổ không mấy vui lòng. Cơ hội đến, Hán Cao Tổ muốn tỏ rằng mình cũng có tài chinh phạt nên mới có cái cử chỉ cướp ấn nguyên nhung mà trao cho Ngụy Báo, làm một việc dại dột mà một người thông minh như Hán Cao Tổ cũng mắc phải.

Cách xử thế ngớ ngẩn ấy của Hán Cao Tổ lại chạm đến lòng tự ái của Hàn Tín thêm một phen nữa.

Vì vậy khi Hàn Tín trả ấn nguyên nhung về cố thủ Lạc Dương, Hán Cao Tổ cho triệu cũng không về.

Óc làm phản đã bắt đầu manh nha trong tiềm thức. Nếu Trương Lương không dùng kế khích thì Hàn Tín chưa chắc chịu nghe lời triệu của Hán Cao Tổ mà về Huỳnh Dương mưu phá Sở.

Hán Cao Tổ vì lợi cho đại nghiệp của mình, nên bấm bụng bỏ qua cái tội không tuân lệnh của Hàn… nhưng trong thâm tâm lòng tự ái đã dần đến đỉnh điểm.

Trong tâm phế của hai người, sự đối chọi càng ngày càng tăng thêm…

Bởi vậy, sau khi Hàn Tín bình định nước Tề rồi, Hán Cao Tổ sai sứ đến mời về cũng nhau hợp sức phá Sở. Hàn Tín thừa dịp bắt bí Hán Cao Tổ, viết biếu về tâu xin phong ấn Tề Vương rồi sau sẽ về phá Sở. Đấy là cách trả đũa sự cướp ấn nguyên nhung thuở nọ.

Hán Cao Tổ xem biểu đòi phong Tề Vương của Tín liền nổi giận. Trương Lương, Trần Bình vội rỉ tai Hán Cao Tổ: “Đại Vương tuy được mấy chục quận của Sở. Nhưng hiện nay quân Sở đóng ở dưới núi Quảng Vũ để đánh ta, quân ta hiện đang bất lợi, vậy ta có sức đâu cấm nổi Hàn Tín không cho tự lập làm Vương. Chi bằng cứ phong cho hắn, khiến hắn vui lòng thì rồi hắn sẽ giúp Đại Vương được việc. Nếu không mà để hắn tự biến thì sẽ lại sinh một mối nguy.”

Thế là Hán Cao Tổ một lần nữa phải bấm bụng mà phong vương cho Hàn Tín. Ở vào địa vị Hán Cao Tổ là chúa mà bầy tôi kiêu ngạo ỷ tài, lấn át và yêu sách mình dường ấy lòng tự ái bị thương tổn không biết là bao. Nhẫn được, nếu không phải Hán Cao Tổ chưa chắc có người làm nổi. Tuy vậy vết thương lòng không sao lành được. Cái tước Tề Vương của Hàn Tín xứng đáng nhưng ngày nào nó còn nó là mối nhục trên đầu Hán Cao Tổ, là cái gai nhọn trong con mắt của Hán Cao Tổ. Khi thiên hạ vừa định được, cái lo nghĩ trước nhất của Hán Cao Tổ là cướp lại ấn nguyên nhung của Hàn Tín.

 

Bấy giờ Hán Cao Tổ bình định bờ cõi, Hàn Tín không được trọng dụng và bị giam lỏng. Thế mà khi Hán Cao Tổ cho vời hỏi chuyện thì…

Hán Cao Tổ hỏi:

– Như trẫm đây, khanh liệu có thể cầm nổi bao nhiêu quân?

Tín nói:

– Bệ hạ bất quá cầm được độ mười vạn quân là cùng.

Hán Cao Tổ lại hỏi:

– Còn như tướng quân thế nào?

Tín nói:

– Như thần thì càng nhiều bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu.

Hán Cao Tổ cười hỏi:

– Càng nhiều càng tốt, cớ sao lại còn bị trẩm bắt?

Tín nói:

– Bệ hạ không giỏi cầm quân, nhưng giỏi cầm tướng, vì thế mà thần bị bắt. Vả lại, bệ hạ có trời vừa giúp nên sức người sao thể theo kịp.

 

Hán Cao Tổ tuy cười nói, nhưng lòng không vui, lại càng thêm nghi kỵ…

Thật cách xử thế của Hàn Tín quá vụng về. Khi mà tâm địa của Hán Cao Tổ đã hiện rõ như ban ngày, vậy mà còn khoe tài cậy khôn thì làm sao mà không bị hại.

Đợi đến lúc bị trói đem chém ở lầu chuông cung Vị Ương mới ngộ ra thì đã muộn.

Có thể nói rằng Hàn Tín là người nghĩ quyền lợi của mình trước tiên vì thế mới hăm hở làm việc cũng trên cái danh nghĩa. Hàn Tín phải chăng không hiểu rằng đỉnh cao danh vọng không chỉ phải trả bằng tài năng, công trạng mà còn là Nhẫn đúng lúc… để rồi cuộc đời đi đến chỗ bi thương và cả ba họ bị chu di.

Để kết luận, tôi xin mượn lại lời của sử gia Tư Mã Quang đời Tống: “Trong số tam kiệt được Hán Cao Tổ khen tặng, Hàn Tín bị giết, Tiêu Hà bị tống giam điều đó chẳng phải họ sau khi được công to mà không biết dừng bước đấy sao? Cho nên Tử Phòng lấy cớ tu tiên, rời bỏ nhân gian, sống một cuộc đời siêu thoát bên ngoài thế tục, xem công danh như là vật ngoài thân, chẳng màng chi tới vinh hoa phú quý, thì thực là người biết “lấy minh triết để bảo vệ tấm thân”.

 

Nguyễn Vương Tuấn

*Featured image: Koukei Kojima

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Thực ra Lưu Bang là người rộng rãi, là 1 vị vương kiệt xuất chứ đâu như suy nghĩ của các bạn. Ông ta giết các vị vương như Hàn Tín, Bành Việt, Tang Đồ, Trần Hy đều là việc cực chẳng đã, vì sao như thế ?
    1. Nó đảm bảo sự thống nhất cho toàn vương quốc.
    2. Đảm bảo cho vị vương trẻ kế tục Lưu Bang không bị uy hiếp bởi các vị vương cũ này.
    Sau khi tiêu diệt Hạng Vũ, Lưu Bang vẫn chưa thể thống nhất TQ, vì thực tế các vị vương như Hàn Tín vẫn nắm quân đội và kiểm soát các vùng đất lớn. Để thống nhất đất nước, Lưu Bang phải tiêu diệt các vị vương này, điều này là chính xác, vì một khi Lưu Bang chết đi, không ai đảm bảo rằng vị vua mới có đủ tài năng để kiểm soát đất nước, thực tế con Lưu Bang không hề giỏi, Lưu Bang biết rất rõ điều đó.
    Tôi nghĩ rằng cách nhìn sai đối với nhân vật Lưu Bang đã dẫn đến mọi suy đoán đều sai hoàn toàn. Tôi ví dụ nhé: Lưu Bang khóc Hạng Vũ, Tào Tháo khóc Viên Thiệu thật hay giả. Dân gian cho là giả, vì cái giả ấy có vẻ hợp với những nhà chính trị quyền biến như họ, nhưng tôi cho rằng họ khóc thật. Vì sao thế ? Lưu Bang, Tào Tháo đánh nhau với HV, VT là vì quốc gia, chứ không phải vì cá nhân. 4 nhân vật này đều có những mong muốn tích cực cho quốc gia cả. Họ đánh nhau, nhưng rõ là họ tôn trọng nhau, vì họ ngang hàng nhau. Tào Tháo và Viên Thiệu từng là bạn thủa nhỏ, đều có những sự giống nhau, giàu có, được học hành đầy đủ, ngông, có những hoài bão lớn lao, muốn được giúp đất nước. Sau này họ cùng nhau 1 phe Hà Tiến, HT bị giết, họ cùng nhau dẫn quan trừ hoạn quan. Rõ ràng tình bạn giữa họ bền chặt, nhưng con đường chính trị phải giết nhau. Tào Tháo khóc Viên Thiệu là hợp logic. Kẻ như Tào Tháo đâu cần phải khóc giả vì ai.
    Từ câu chuyện đó tôi cho rằng nên nhìn nhận lại tầm nhìn của những vị vương, như Lưu Bang, như Tần Thủy Hoàng, họ hẹp hòi như thế thì ai theo, nói ai nghe được chứ ?

  2. Một bài phân tích rất giá trị, cái hay trong các câu chuyện lịch sử TQ là ở chỗ cho ta thấy những bài học quý giá về con người. Bao quá 2 số phận đều nằm ở chữ “biết”, biết ta, biết người, biết thế đạo phải thế. nó giống như một con người dù giỏi dang cách mấy mà lọt xuống sông khi không biết bơi cũng phải chết, trong khi một ông lái đò hiểu thấu dòng sông thì dù nước có chảy xiết cũng có thể nhẹ nhàn đưa đò sang sông. Kẻ biết thì bày thế cục và mượn lực người không biết phục vụ cho mình để rồi sau khi đã đạt được mục đích thì vứt họ đi. việc đời thường là vậy. Nhưng ở một góc độ khác, quan niệm “bẻ ná” đó lại thiếu cái “đức” ở đời. trong thời đại mới những quan niệm đó không thể giúp ta được lâu dài, đơn giản vì người thời nay “biết” nhiều lắm. cái khôn của “bẻ ná” là cái khôn nhất thời, đến khi cần dùng đến “ná” thì lại không biết tìm đâu. Như câu chuyện thạch sùng vậy, dẫu đó chỉ là một câu chuyện dân gian.

  3. "Chim hết cung bị bẻ, thỏ hết chó phanh thây", cái gương Phạm Lãi thoái lui đúng lúc mà giữ được thân, còn Văn Chủng vì luyến tiếc công danh đã nấn ná cuối cùng bị Câu Tiễn ép tự sát vốn quá rõ, chỉ là Hàn Tín cậy mình công lao mà quên mất câu "Làm bạn với vua như làm bạn với hổ", để danh tiếng trùm lên cả vua thì đồng nghĩa với việc tự kề đao sát cổ rồi.

  4. Gladiatore Anarchia mỗi người một vẻ bạn à. Trương Lương thiên về góc độ quân sư hơn và quyền lực của ông có được chỉ có thể dựa trên Hán vương nên không có sức uy hiếp Hán vương nên mới dễ dàng thoát chết. Trương Lương có uy tín danh vọng nhưng không nắm quyền thực sự. Hàn Tín thi lại cầm binh quyền trong tay nên Hán vương mới quyết tâm diệt. Tiêu Hà cũng tương tự. Nắm quyền nội chính. Phải diệt 2 người đó thì Hán vương mới chân chính thành Hán đế.

    • Rõ ràng là uy tín của Hàn Tín rất lớn vì tài năng và những chiến công của ông. Giả như Lưu Bang (lớn tuổi hơn so với HT, khả năng chết trước là cao) thì đất nước này sẽ đi về đâu với những vị vương như Hàn Tín, Bành Việt ?
      Tôi cho rằng các nhà nho đời sau thường suy nghĩ hẹp hòi đi, phân tích này nọ nhưng họ không có cách nhìn như Lưu Bang. Đó là phải thống nhất toàn vẹn TQ và tiêu diệt các mầm mống làm chia rẽ đất nước 1 lần nữa.
      Hàn Tín bị chết vì bị mắc kẹt giữa việc ông không thể từ bỏ quyền lực của mình, Lưu Bang cũng không thể phế ông, và ông không thể làm phản.
      Tôi cho rằng Lưu Bang trước sau đều có tầm nhìn rất rộng, hơn cả Trương Lương, ông như trong Sử kí viết “Thương người và hay cho người”, chẳng lẽ ông ấy lại ác như vậy. Vị vương khai sáng cả triều đại 400 năm không thể là 1 vị vương chấp nhặt cái nhỏ được.

  5. Anh Hán không ưa anh Hàn thì anh Hàn trả lời kiểu gì cũng chết cả. Nói thật , anh Trương mà giỏi cầm quân đánh trận , Nhấn kiểu gì thì cũng chết chứ không phải đùa. Khi đã lên tới đỉnh cao thì cũng là tới đường cụt nên anh Hán làm vậy âu cũng là tâm lý tự nhiên.

  6. '' rừng hết thỏ ,chó săn sẽ bị giết'' quân sư của hàn tín đã từng nói với ông ta như vậy khi hàn tín làm sở vương ,mục đích muốn hàn tín k giúp lưu bang đánh hạng vụ ,chia thiên hạ làm 3 phần lúc đó hàn tín sẽ được yên ổn muôn đời nhưng hàn tín k nghe rước họa vào thân

  7. Kẻ qua cầu rút ván nổi tiếng nhất lịch sử. Một bậc quân vương đi chấp nhặt một võ tướng dưới trướng, thiết nghĩ sau này Lưu Bị chết chưa lấy lại được nước cũng phải

  8. Gladiatore Anarchia Dù có 1 vạn ông quan văn mà không có một võ tướng thì cũng chỉ bị xoá sạch trong tích tắc thôi, quan văn không biết cầm đao. Nhưng võ tướng cũng là người, biết nghĩ, nên có thể vừa cầm đao vừa cầm sách thánh hiền

  9. Bài này rất hay đó bạn. hjhj
    Ở đây cốt ko phải là hội tụ nhiều tư chất, mà trọng tâm rơi vào chữ " Nhẫn" bạn ah! Có thể hầu như ai cũng bít chữ đó, nhưng hiểu và vận dụng đúng hoàn cảnh, đúng lúc ko phải ai cũng làm đc. :3

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI